“…Hai mươi giấc tốt, hai mốt nửa đêm..”
Trăng quá rằm thì mọc trễ, không còn sáng tỏ nên phải chờ mọi người đi ngủ hết mới dám ló đầu ra. Trăng hơn mười tám đã già, người hăm mươi mấy vẫn là xuân xanh. Người quá hàng ba như mình thì gọi là lỡ thời, chưa già mà cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa.
Nhìn trăng viễn xứ bỗng nhớ cụ Lý:
“…Ngẩn đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương”
Trăng nơi đây sáng lắm, vì bầu khí quyển không có nhiều khói bụi như ở SG. Chiều chạy xe đường nông thôn, thấy trăng non nhú lên đỉnh đồi, chưa tròn đã sáng vằng vặc, cứ như những cô thiếu nữ 13-14 Úc vừa trỗ mã con gái – chẳng biết e thẹn là gì. Trăng trời quê hương không sáng lắm, nó chỉ lờ mờ soi rọi trên ánh đèn đường và che khuất bởi những tòa cao ốc mọc lộn xộn. Muốn ngắm trăng đẹp, phải lên đồi hay ra biển, nhưng khổ thay đồi và biển đều chẳng thuộc quyền sỡ hữu của người dân.
Thuở nhỏ, mấy tuổi đầu tôi đã biết đọc thơ Đỗ Trung Quân: “trăng tròn như quả bóng, đứa nào đá lên trời…” hoặc lớn hơn tí nghe câu hát Trịnh “trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra..”. Cũng là trăng đó mà người này nhìn thấy là cánh diều là quả bóng, người nọ nhìn ra cái thân phận của một kiếp người – chỉ là cái nhìn theo tuổi tác và sự trưởng thành.
Trăng ngày bé cho tới giờ vẫn cứ thế, chỉ có con người là khác xưa, không còn mơ mộng nữa, nhìn trăng chỉ cúi đầu…
“Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về…”