Thằng Tín chạy vắt giò lên cổ, tung cả cái túi xách đeo vai, cố tìm một chổ trú mưa. Trời Sài Gòn mưa không báo trước, trận nào cũng nặng hạt rồi lại nắng chói chang. Nắng và gió không thể làm khô thẳng tờ vé số, lỡ ướt rồi làm sao trả lại đại lý, thằng nhỏ giấu vội vào túi áo rồi khom người nhắm gầm cầu Kênh Tẻ mà lao tới. Là một cây cầu vượt lớn nối liền Quận 4 và Quận 7, dưới chân cầu đủ cao để xe cộ lưu thông, còn một đoạn ngắn ở khúc lên dốc thì chẳng để làm gì – được rào lưới B40 để người ta khỏi xả rác. Thằng nhỏ ngồi lên một bệ xi-măng cao đối diện bờ kênh, mưa chỉ vừa đủ ướt nón và vai, túi áo và xấp vé số vẫn khô nguyên. Nó tranh thủ ngồi nghỉ mệt, lát nữa còn đi bán cho kịp giờ chiều. Từ khi cái cầu vượt được xây, bến đò Tôn Thất Thuyết bị dẹp đi làm chợ Tân Kiểng trở nên đìu hiu ế ẩm, chỉ hợp buổi sáng một chốc rồi dẹp – thay vào đó là khu Khánh Hội và Tôn Đản ngày càng phát đạt sáng sủa hẳn ra, nhiều người khá giả đến ở. Nhà thằng Tín ở bên kia cầu, gần khu Chung Cư Hoàng Anh Gia Lai là những dãy nhà gạch tạm bợ mái tôn xây lên cho thuê, cứ chờ vào thời gian “treo” của quy hoạch mà kiếm tiền. Ba mẹ nó người xứ Bến Tre bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống, thuê nhà ở tạm để hy vọng đời con có cơ hội ăn học ngoi đầu lên. Đi làm về mệt lắm nhưng vẫn dò bài ở trường mỗi tối, dặn hoài cái câu “chỉ có cái học mới có thể ngoi lên được con ạ!”. Hai người không có cơ hội học hết cấp III nhưng đủ hiểu giá trị của kiến thức và mảnh bằng, lặn hụp cày bửa nơi đô thành hoa lệ cũng chỉ để đứa con được đi học đầy đủ – đừng để nó thua kém ai.
Thằng bé không phải dạng giỏi chữ nghĩa, chỉ được tí xíu sáng dạ và biết suy nghĩ cho cha mẹ. Mới tí tuổi đầu đã học cách kiếm tiền, tan trường là chạy ra đại lý lấy vé số bán tới chiều, vẫn đem theo vài cuốn tập thỉnh thoảng giở ra xem. Nó còn may mắn hơn biết bao nhiêu đứa khác trong dãy nhà đấy, chúng phải đi xin ăn và móc cống lượm rác cả ngày. Những đứa bằng tuổi với nó phần đông đâu có được học hành gì, đứa lớn thì tìm một cái nghề nào đấy như đánh giày, móc túi, còn bé hơn thì đi xin tiền. Bọn chúng đều có “chỉ tiêu” mỗi ngày phải kiếm được bao nhiêu tiền để cống nạp cho đám lớn trong nhà rồi mới được ăn ngủ – thiếu là bị đánh đòn hoặc bỏ đói, lắm khi còn bị đuổi ra ngoài sân. Người lớn thì làm những chuyện xấu hơn như đi biên số đề hoặc bán ma túy, để rồi chiều tối ai cũng nhậu nhẹt cho quên đi cái tương lai cũng đen thui như nước dòng Kênh Tàu Hủ. Nhậu về thì đánh đập vợ con, nhiều đứa phải trốn đến khuya mới dám mò về, khi ông bà đã ngủ hết. Nhà thằng Tín chỉ khá hơn chút xíu, mẹ nó có cái nghề thợ may công nghiệp, có hôm tăng ca làm từ sáng đến khuya mới về, chỉ đủ tiền ăn và thuê nhà. Ba nó cũng có tay nghề thợ hồ, thỉnh thoảng cũng nhậu nhẹt do cái cảnh thợ thuyền không tránh được. Có những dạo không có chuyện làm, ông cũng buồn bực rồi tự mua rựu uống một mình, cũng lè nhè la mắng rồi hôm sau chẳng nhớ gì cả. Những lần cả hai người đều thất nghiệp, gia đình nó sống trong cảnh địa ngục, chuyện học hành của thằng bé cũng dang dỡ mấy lần vì thiếu tiền. Nhiều lần cứ tưởng phải trả nhà về quê rồi cuối cùng cũng vay mượn cầm cố mà bám trụ lại được. Gia đình nó chỉ hơn các hộ còn lại ở cái ước mơ và chút hy vọng cháy bỏng: rồi đời sẽ thay đổi, con mình sẽ tìm được cơ hội vươn lên.
Đất Sài Gòn hoa lệ này đã thu hút biết bao người đến, ai cũng nuôi trong lòng những giấc mơ đổi đời chói lọi để rồi phải đau lòng chấp nhận cái đích đến ngày càng tầm thường nhỏ dần cho tới lúc không còn gì cả. Những lúc rãnh rỗi nhìn ra sau nhà, những dãy chung cư cao tầng cứ mọc dần lên, đó chỉ là những căn hộ tầm thường tạm bợ so với khu phố Tây ở Phú Mỹ Hưng sang trọng. Với một bài toán nhân chia đơn giãn, thằng bé nhẩm tính: nếu một tháng ba mẹ nó để dành được một triệu đồng, không ai đau ốm gì cả, thì một trăm năm sau cũng chưa đủ tiền mua một cái căn hộ nhỏ xíu kia. Những ước mơ chỉ là không tưởng, vì đã bị cướp mất ngay từ trong suy nghĩ. Nhiều tối ôm thằng bé ngủ, mẹ nó thủ thỉ “sau này con lớn, làm ra tiền, ba mẹ chỉ mong có một căn hộ nhỏ để không phải trả tiền thuê nhà hàng tháng như bây giờ”. Giàu như thế nào để có thể mua nhà thì thằng bé không thể tưởng tượng ra được, chắc cần nhiều ghê lắm.
Nghĩ tới tiền là có liền! Ai đó đã để rơi một đồng xu năm ngàn ở một góc khuất dưới chân trụ cầu, bằng công nó bán vé số cả buổi chứ ít gì. Thằng bé nhón tay lượm thì đồng xu còn dính vào một miếng giấy nhỏ, có viết nguệch ngoạc vài chữ cong vẹo “đồng tiền có phép lạ, sẽ mang lại hạnh phúc và may mắn cho ai cầm nó”. Lại còn thế nữa chứ, lượm được tiền đã là hên lắm rồi, thế còn may mắn gì hơn nữa đây? Đó là một xu đen đứa cũ đã mờ gần mất cái mặt có hình Bác, có lẽ do xe cán nên bị cong vênh và mẻ mất một miếng ngoài rìa. Là cái thứ tiền rách mà người ta lén trao đổi những lúc gấp gáp hoặc nhá nhem tối – ai cầm phải cũng nhăn nhó, vất đi không đành, phải giữ đó chờ tìm nạn nhân khác để mà “đổi”, cầm phải là đã thấy xui rồi. Thằng bé cũng có tiền mừng tuổi mỗi năm, chỉ là tờ mười ngàn polymer nhưng sau đó nó phải mua sắm hết veo. Ngoài cái giá trị tiêu tài mua sắm thì đồng tiền luôn mang lại bất hạnh chứ có ai giữ tiền mà may mắn đâu. Thằng bé rùng mình nghĩ tới một loại khác “tiền xả xui”, nghĩa là người ta cúng bái làm phép vào đồng tiền rồi quẳng chúng đi để cho ai đó nhặt được – người nhận sẽ vô tình rước luôn cái khoản bất hạnh. Ở cái chợ này, cũng lắm người cúng “phong long” bằng cách ấy, đốt giấy mãi không hết xui, người ta cũng quẳng đồng xu như một động tác “ném vạ đi”. Nếu là cái chuyện làm ăn trật cán cuốc do lãnh xui của mấy bà hàng tôm cá thì cũng chẳng sao, nó có thể trả lại xấp vé số cho đại lý, dù sao thì bấy nhiêu đây cũng “đủ sổ hụi” rồi. Chỉ sợ cái loại tiền phi pháp, người ta nuốt không trọn phải quăng ra để giải vận, hoặc thứ tiền hóa giải bệnh tật, lượm vào là gánh luôn nghiệp xấu. Đây là xu năm ngàn, loại mệnh giá cao nhất, mặt bác Hồ nhìn nó cười tươi như muốn khẳng định với người sở hữu mới rằng họ đang cầm trên tay một niềm hạnh phúc to lớn lắm.
Bỏ đi thì uổng, kiếm được nhiêu đây tiền chẳng phải dễ đâu, ai có đi làm lụng mới hiểu được giá trị đồng tiền, phải đổ mồ hôi và có khi là máu nữa. Thằng bé nhớ lại những cảnh tượng bọn trẻ đánh nhau khi giành giật những đồng tiền “cúng Cô Hồn” tháng Bảy – để có được vài xu chúng phải tóe máu đầu máu miệng, đỏ thâm cả lên nụ cười của Bác. Người ta đổ vào đô thị để kiếm tiền, họ đồn thổi các giấc mơ sáng như ánh đèn cao áp ở các khu mua sắm, mấy ai hiểu được cái chua cay ở thế giới ngầm. Để giành giật lãnh thổ làm ăn, dù chỉ là đánh giày, bọn nghèo đói dám đâm chém nhau, thằng thua cuộc chỉ còn có cách đi ăn xin vì tàn phế. Cướp giật đâu phải tự dưng mà có, mại dâm và xì ke là biểu hiện của một xã hội thối nát đang tự hủy, có nghèo đói mới sản sinh ra tệ nạn. Thằng Tín không bao giờ có suy nghĩ giành giật, lắm lúc bọn đầu gấu cũng xua đuổi nhưng nó quay đi ngay – thành phố rộng lớn, đâu cần phải tranh giành chi vài tấm vé số. Người có quyền lực tranh nhau cấu xé những tấm giấy to hơn: bản đồ nhà đất, họ có quyền chiếm và đuổi người đang sống đi, đập nhà đào mồ mả cha ông của người ta mà đâu có ai đám kháng cự. Giới nghèo thì chích xì ke hoặc “dù” dưới gầm cầu, còn bọn giàu chơi sang hơn, vũ trường đậu đầy xe biển số xanh của đám con ông cháu cha, vào đấy mà lắc với đám người mẫu bán son phấn. Đấy mới là đúng là ăn cướp, thực sự là ma túy mại dâm – tiền chúng kiếm được sao mà dễ thế!
Cuối cùng là cái suy nghĩ đạo đức từ những bài học Công Dân mơ hồ mà thằng Tín còn nhớ, rằng nhặt của rơi phải đem trả lại. Nếu làm đúng Đạo Đức thì bọn trẻ đường phố như nó lấy gì mà sống, cả cuộc đời bọn chúng chỉ chờ lượm lặt những gì rác rưỡi rơi rớt từ cái thượng tầng xã hội xa hoa kia. Từ lon bia, vỏ chai cho tới những thứ còn xài tạm, bị vứt vào thùng rác nhà giàu, là niềm hạnh phúc lớn lao của đám trẻ đi moi bãi rác. Tiên với Bụt chẳng hiện lên với bọn trẻ đen thui, mà cái bóp tiền ai đó đánh rơi mới là thứ mà chúng mơ ước. Tiền cứ lấy hết, còn giấy tờ thì mang tới khổ chủ đòi chuộc thêm khoản lớn nữa, đó là phần thưởng thực tế cho chuyện tốt “nhặt của rơi trả lại”. Thằng Tín tuy nghèo khổ nhưng không nát, nó được cha mẹ dạy dỗ bằng chút ít thời gian buổi tối, trên mâm cơm hoặc trước lúc đi ngủ. Nó cũng từng ước ao nhặt được ví tiền rồi nó sẽ mang trả, không lấy mất thứ gì, cái đó không đáng để lấy. “Nếu mày tham, phải nghĩ tới cái gì đó thật lớn” – Ba nó từng dạy như thế – phải tham như là quan lớn cán bộ thì mới xứng đáng. Ba nó làm thợ, từng đi biết bao nhiêu căn biệt thự lớn từ Phú Mỹ Hưng ra tới Q2, Q9, làm nội thất cho rất nhiều căn hộ cao cấp, theo đội xây dựng. Ông để ý thấy có nhiều người giàu đến nỗi, một mình có ba bốn căn biệt thự, còn căn hộ cao cấp thì mua về để cho Tây nó thuê. Sao lại có những người nhiều tiền đến như thế, phải tham để được giàu như vậy, ai lại đi giấu chi chút ít tiền lẻ cỏn con để mang tiếng là ăn cắp vặt. Người ta ăn cướp lộ liễu từ trên xuống dưới, lấy mất cả ước mơ nhỏ nhoi nhất của người dân cùng khổ, thì đâu có tới lượt mình – sống sao cho có thể ngẩn cao đầu là người chính trực, ba mẹ nó vẫn ru nó ngủ như thế. Nhưng đồng 5 ngàn này không phải bị đánh rơi, ai đó đã cố tình để nơi ấy với tấm giấy ghi rõ là quà tặng, tặng cả sự may mắn và niềm tin vào một điều kỳ diệu nào đấy.
Nếu đồng xu này có phép mầu nhiệm, như ai đó đã ghi trên miếng giấy, thì đó là phép gì và làm sao để sữ dụng đây – thằng bé tự hỏi. Tiền không thể tự đẻ ra, dù là tiền lì xì đầu năm, nó cũng giữ gìn một lúc nhưng có thấy may mắn gì đâu. Với 5 ngàn, cách thường thấy nhất là người ta sẽ mua vé số rồi chờ vận may tới, hoặc biên số đề thì dễ trúng hơn. Nó đi bán vé số nên không lạ gì những chuyện người ta dành dụm tiền cả ngày để nướng hết vào tấm giấy lộn, sau 5g chiều là vò thảy ra cửa như rác – vứt cái niềm hy vọng ban sáng cùng với công sức làm việc cả ngày, thế mà cả đời có bao giờ trúng đâu. Cái đám đại lý cho tới người bán, hễ dư là trả lại ngay, đâu có ai thèm chơi. Cờ bạc là bác thằng bần, chơi với nhau còn đỡ, ai lại đi chơi với nhà nước, không cái ngu dại nào như cái ngu này. Đã là nơi in bán vé, lại là nơi sổ xố và tuyên bố người trúng – sau đó đóng thuế thu nhập cả người bán vé và người trúng giải. Cái tỉ lệ lời đã cao lắm rồi, lại còn ăn chận đủ mọi mặt, thỉnh thoảng lại nghe có Cty Sổ Xố Kiến Thiết làm ăn gian lận bị khui ra – chứ nếu không bị ai biết thì Cty tỉnh nào cũng vậy thôi, Sổ Xố và Bảo Hiểm là hai Cty nhà nước làm ăn phát đạt nhất mà. Trên đời này không có gì lời bằng buônbán niềm tin và ước mơ, tràn ngập xã hội nên dân chúng bị dị ứng, đến nỗi chẳng ai còn dám tin vào điều gì tốt đẹp nữa. Đồng tiền trở thành mọi thứ, là đích đến của mọi người bất chấp phải giẫm đạp lên những điều gì. Vì có tiền là có tất cả, có thể mua cả tiên, nên nhiều người dám bán hạnh phúc cả đời mình chỉ vì chút giàu sang phù phiếm. Thế mà cái đồng xu bé nhỏ này lại là “tiền mang lại hạnh phúc”, với thằng bé thì hạnh phúc chỉ là khi mẹ nó có chuyện làm dù chẳng mấy khi đủ thời gian chăm sóc nó, khi ba nó lãnh lương mỗi cuối tuần mà không phải say xỉn. Là cảm giác nhẹ nhõm sau khi bán nhanh hết xấp vé số để về nhà trước buổi cơm tối, không bị bọn Trật Tự Đô Thị rượt đuổi. Có tiền là sung sướng trước mắt rồi, thằng bé nghĩ bụng – lượm được tiền thì cũng là may mắn mà, cứ cất vào túi trước đã rồi từ từ tìm cách sữ dụng.
Chắc là đồng xu có may mắn, nên thằng Tín bán được hết xấp vé số sớm trước giờ sổ, nó đi bộ về nhà. Con hẽm sâu hun hút ngang qua một cái chợ nhỏ, gần đó là ngôi chùa Kiều Đàm Ni Tự, tiếng chuông mõ tụng kinh mỗi sáng sớm vang đến tận cái xóm nhà nát ven con rạch nhỏ cuối hẽm. Ngôi chùa này nổi tiếng có nhiều cụ bà bị bỏ rơi, các Ni Sư mang về chăm sóc tử tế cho tới ngày vãng sanh. Rồi sau này có nhiều người biết tới nên cũng được rất nhiều cúng dường ủng hộ, lễ lộc cũng đông đúc lắm. Mỗi lần chùa có lễ, con nít trong xóm được no cả ngày, người ta để dành thức ăn bố thí còn dạy cho tụng niệm nữa. Rằng muốn có đời sau sung sướng hạnh phúc thì kiếp này nên biết cúng dường Tam Bảo, giống như là ruộng phước chỉ cần gieo một hạt mà đời đời hưởng quả đẹp. Nghèo như bọn con nít bờ kênh nước đen thì lấy gì mà cúng dường, người giàu gieo phước nhiều lắm nên mới được ở căn hộ cao cấp sở hữu mấy căn biệt thự, giờ họ lại còn cúng nhiều hơn nữa thì kiếp sau chắc giàu mua hết cả đất đai – đuổi bọn nghèo ra xa hơn khỏi đô thị. Nếu luật Nhân Quả công bằng thật sự thì không có con đường nào vươn lên cho những kiếp nghèo dưới đáy xã hội, tiền đâu mà cúng dường chùa, rồi vẫn mãi là giai cấp cùng dinh. Thằng bé đi ngang qua chùa, nắm chắc đồng xu trong tay, nó dừng lại ở cửa, định vào trong gieo mầm phước đức. Đồng tiền may mắn hạnh phúc chắc sẽ đơm hoa kết trái cho đời sau nó bớt khổ, chẳng mong giàu sang gì. Cửa chùa luôn mở rộng, thằng bé chần chừ chưa dám vào, rách đen dơ dáy như nó chưa vào đã bị đuổi ra vì chưa tới giờ thí thực. Một đám khách vừa đi ra, ai cũng ăn mặc chỉnh tề thơm nức, mặt mủi sáng rực phước báu cúng dường – người như thế mới xứng đáng được vào cửa Phật, có 5 đồng teng như nó mà cũng đòi vào chùa sao? Bọn kia đời đời giàu mạnh thì làm gì có cái ghế nào cho những đứa như nó ngoi lên để ngồi vào. Tần ngần một lúc, nó đành bước đi, ước mơ công đức bé bỏng của nó tắt ngấm vì bị bóp nghẹt bởi sức mạnh của đồng tiền. Có 5 ngàn thì biết bao giờ mới bằng người ta, đời sau cũng lại đi lượm mót của bọn giàu mà thôi. Thằng bé lủi thủi đi tiếp về nhà, cầm chắc trong tay đồng tiền nhiệm màu của nó.
Ba mẹ nó vẫn chưa về, thường thì ba về sớm hơn mẹ, cũng có khi ngoại lệ, nhưng thường là cả hai đều về tới nhà rất trễ. Thằng bé lẳng lặng lục nồi kiếm cơm nguội còn lại từ buổi sáng, ăn xong nó lấy bài ở trường ra học. Căn nhà bé xíu cũng có được cái bóng đèn neon, sáng lên những trang sách với hoài bão của cha mẹ. Trong cái khu nhà nhỏ xíu này chỉ có thằng Tín là còn có ánh sáng tương lai khi ngoài kia trời bắt đầu tối đen như dòng kênh phía sau. Nhiều đứa khác giờ này vẫn còn phải đi kiếm tiền chưa được về nhà, lắm khi phải đói meo mà vẫn không dám mò về nhà khi chưa kiếm đủ tiền “đóng thuế”. Ở khu vực này, tệ nạn nào cũng có, đâm chém đánh nhau như cơm bữa, tiếng khóc tiếng chưỡi thề che khuất hết nụ cười, chỉ chực phun ra từ cửa miệng. Cứ chiều tối lại nhộn nhịp lên những giọng eo éo vợ chưỡi chồng, con nít khóc rồi cha con đâm chém nhau, hòa vào tiếng nhạc trẻ sến mở loa hết công suất. Khuất sau hàng cây dừa là cái chòi tôn dựng tạm của một gia đình mà chiều nào cũng sinh chuyện: ông bố hễ say xỉn là đánh đuổi vợ con ra ngoài, mặc cho mưa gió hay bọn nhỏ than khóc van xin. Mỗi lần trong xóm ồn ào là thằng Tín không cách gì tập trung được, cũng phải chạy ra xem hóng chuyện. Hôm nay có vẻ yên lặng hơn, vẫn tiếng karaoke nheo nhéo những bài quen thuộc, nghe nhàm quá cứ như không có. Mẹ nó đến tối mới về, nấu qua quít vài thứ trong khi ba nó còn bận sửa lại cái quạt điện cũ, chạy nghe lộc cộc mà cứ bị tắt mãi. Buổi tối cũng đạm bạc, với món canh rau chợ chiều và nồi cá kho lại nhiều lần mặn chát, nồi cơm điện nấu một lần ăn luôn buổi sáng mai. Thằng bé gởi mẹ tiền lời bán vé số rồi đem đồng xu may mắn ra khoe – nó muốn cho ba mẹ cái điều nhiệm màu may mắn đi chung với đồng xu bé xíu ấy. So với tiền nhà tiền điện nước hàng tháng thì 5 ngàn có thấm vào đâu, bà mẹ cười chúc mừng nó rồi đi giặt đồ. Ba thằng bé cho rằng đấy là một trò đùa vô hại của một kẻ tốt bụng, cũng không tin vào chuyện may mắn hoặc gởi vạ vào tiền, ông dặn dò thằng con nên cất giữ cẩn thận rồi dọn dẹp đồ nghề. Phép lạ nếu có thật trên đời này thì sao lại không đến với người dân nghèo như trong truyện cổ tích, mà chỉ nịnh hót những kẻ có tiền đầy quyền lực, chúng muốn gì được nấy – chả phải là có phép thần thông hay sao? Ông bố mệt mỏi bảo thằng nhỏ thu xếp làm bài tập cho sớm rồi chuẩn bị ngủ, ông còn bày cho nó để đồng xu dưới gối, có thể nó sẽ có một giấc mơ hạnh phúc.
Khi cha mẹ đang bàn chuyện tiền nong và chi tiêu trong tháng, thằng bé ngồi bên bàn học cạnh cửa sổ, chống cằm suy nghĩ. Sao ba mẹ nó lại dửng dưng như thế, biết đâu nếu lấy đồng xu này làm vốn thì hong chừng sẽ giàu lên nhanh chóng? Hay là phép lạ ấy chỉ là trò bịp, như bao điều lừa đảo nó vẫn thấy nhan nhản ngoài đường? Ngoài trời nổi gió và có tiếng sấm gầm gừ vọng lại, chắc sắp mưa nữa, tối ngủ sẽ mát hơn. Thằng bé đang gạo bài thì thấy ngoài kia có hai cái bóng nhỏ thập thò lấm lét, trông quen quen chứ không phải bọn xấu đang rình ăn cắp đồ. Nó định thần nheo mắt nhìn kỹ lại thì ra là hai chị em ở cái nhà tôn sau hàng dừa, hôm nay yên lặng hóa ra là do chúng nó chưa về. Đứa chị nhỏ tuổi hơn nó một chút, đứa em chỉ vừa biết đi chưa đầy một năm, phải dắt nhau đi ăn xin cả ngày, về nhà còn bị đánh. Có lần bố chúng xỉn rựu lấy dây điện đánh hai chị em tóe máu tươi, tiếng hét thảm thiết của con chị vẫn còn ám ảnh thằng Tín. Lần ấy hàng xóm phải nhào vào lôi ông bố xỉn rựu ra trói lại mới cứu sống được hai đứa nhỏ. Nguyên nhân cũng vì chuyện chúng xin không đủ tiền, rồi đổ thừa quanh co trong lúc ông bố đang hồ đồ say xỉn chả biết gì. Thế là như có căm hận kiếp nào, ông đánh chúng như kẻ thù mà chẳng hiểu tại sao, hay là ông uất hận cuộc đời để rồi trút lên vợ con – là những người duy nhất phải yếu thế và sợ hãi cái kẻ thất bại ấy. Những lúc tỉnh táo thì con sói hung hăng ấy lại phải cày như chó ghẻ, cũng biết thương con cái lắm.
Hai đứa bây, sao về tới đây rồi lại chưa chịu vào nhà, cứ đứng co ro thế này – thằng bé ngoắc đứa chị lại hỏi.
Tao,… tao chưa kiếm đủ tiền, hôm nay xui quá mày ạ. Tao chờ ổng ngủ mới dám về, (beep) lú mặt vào giờ này chắc bị đánh chết.
Thế mày còn thiếu bao nhiêu – thằng bé ưỡn ngực hỏi, cứ như nó giàu lắm.
Tao phải xin cho đủ hai chục ngàn mới về nhà được, từ sáng tới giờ tao chỉ được có mười sáu ngàn, (beep) nãy giờ tao đứng ngoài ngã tư nhưng tối quá không ai thấy mà thằng Cu Tí đói quá chịu hết nổi rồi…
Ước gì nó có tiền, nó sẽ cho con bé 4 ngàn nữa để chị em được về nhà ăn cơm, thoát khỏi đòn roi lo sợ. Thằng bé thò tay vào túi quần, tiền may mắn của nó vẫn còn đó, nó nắm chắc đồng xu đến nóng hổi. Lớn rồi nên cũng bớt tin vào phép lạ nhưng đúng là nhờ sự màu nhiệm nào đó mà trưa nay nó bán hết xấp vé số cái vèo, chỉ có 3 người mà chia nhau hết phần còn lại. Người lớn mà còn tin vào chuyện may rũi thì chắc là có thật rồi, đồng xu của nó đâu phải chỉ quý bằng cái con số viết trên ấy. Thằng bé muốn giữ lâu hơn, muốn thử lót dưới gối để có giấc mơ đẹp. Mai đây nó sẽ vào cúng chùa hoặc đơn giãn hơn là mua lại một tấm vé số để xem có may mắn thật sự hay không. Đồng xu đó là cả một buổi chiều tối đầy hy vọng mà thằng bé được sống. Như bao nhiêu mơ ước của trẻ em, nó rất thực như hiện hữu trước mặt.
Cho mày nè, tao lụm được, đồng xu này có phép lạ, nó may lắm đó! – thằng bé đột nhiên quyết định.
Mày cho tao thiệt à? – con bé run run không tin nổi vào tai nó – mà phép lạ gì vậy?
Tao cũng không biết nữa, nhưng nó may lắm, chắc tối nay mày không bị đánh đâu.
Cảnh trao nhận lãng mạn ấy diễn ra chớp nhoáng, con bé cầm vội đồng xu như sợ thằng kia đổi ý, mắt nó ánh lên vẻ biết ơn với nụ cười vui sướng. Không có một tiếng nói cảm ơn hay phép lạ nào, đồng xu giờ không còn ở trong túi thằng bé nữa, nó thoáng nghĩ tới một chút nuối tiếc rồi nhìn theo hai chị em vội vã chạy sâu về cuối hẻm. Nơi căn nhà dột nát đó cũng có hai người lớn bước ra.
Tụi nó về rồi nè! Đồ con qxx cxx, (beep) sao mày không chết luôn ngoài đường đi, giờ này mới chịu về!
Thôi mày đừng chưởi nó nữa! Hai đứa mày vào ăn cơm đi, tao ở nhà lo lắm biết không?
Họ vào nhà rồi, có vẻ là vui mừng hơn là mắng mỏ, thằng bé nghe tựa hồ như còn có cả tiếng cười – cái thứ âm thanh lạ lẫm hiếm hoi trong cái xóm nước đen này. Nhờ vào thiên tính cuối cùng của cha mẹ, dù thế nào đi nữa cũng phải thương con mình đẻ ra. Nếu không phải vì cái nghèo khó và say xỉn che mờ đi mất thì buổi cơm tối sum họp gia đình là điều ai cũng mong đợi – hạnh phúc ở đấy chứ còn đâu nữa. Đêm nay chị em chúng nó chắc được ngủ ngon – thằng bé tự nhủ – đúng là một đồng xu có phép màu! Nó cũng sửa soạn đi nằm, ngày mai lại cũng như bao ngày khác, đi học rồi bán vé số, biết bao giờ nó tìm được một cái gì đặc biệt để thay đổi số phận như ba mẹ nó kỳ vọng vào. Giấc mơ trúng số hay công đức vô lượng cũng đã trôi đi mất lâu rồi, thực tế kéo nó trở về với căn nhà chật chội nóng nực, cũng không còn đồng xu để lót dưới gối. Lớn lên nó sẽ học làm Kỹ Sư, ngồi trong mát chỉ tay năm ngón chứ không để cực khổ như Ba nó. Hay là nó sẽ làm chủ đại lý vé số, hay là…làm thế nào không biết, để có thể mua được một căn hộ chung cư cho ông bà dưỡng già…thằng bé ngủ thiếp đi khi những cảnh mộng tương lai cứ lùi xa dần…
Như mọi ngày, thằng Tín đi học xong cũng ghé qua đại lý lấy một xấp vé đi mời bán. Nhớ lại chuyện hồi tối nó cảm thấy vui lâng lâng, bước nhún nhảy huýt sáo, tự cảm thấy mình đã “lớn” hơn một chút.
Ê, vé số! – trong một quán nước vỉa hè vọng ra tiếng gọi, thằng bé nhanh nhảu chạy vào. Đó là một cái mặt tiền nhỏ, được tận dụng làm nơi bán nước giải khát với vài ba cái bàn thấp, một nhóm khách đang ngồi nói chuyện rôm rả. Một ông ngoắc nó lại: 5 vé, đưa đây tao lựa,…ủa mày cũng đi học nữa à?
Dạ, con học trường Tiểu Học Lê Văn Lương gần đây, sáng học chiều bán vé số kiếm thêm chút tiền phụ với cha mẹ…
Nhìn mặt mày cũng sáng sủa lắm, học lớp mấy rồi? – bà chủ quán chen vô.
Dạ con mới học lớp Bốn
Cô giáo mày tên gì? – bà chủ quán hỏi thêm, như để xác nhận.
Dạ con học lớp 4D, cô Trâm, hơi mập, có hai đứa con cũng học trong trường đó.
Ừ, đúng rồi, thằng con tao hai năm trước cũng học cô ấy. Mày chờ tao một chút nhé – bà chủ quay vào trong một lúc rồi bước ra – thôi mày đi bán tiếp đi, chiều về ghé lại đây tao soạn sẵn cho một mớ tập sách viết, năm sau lên lớp mày khỏi phải mua. Tao còn mớ đồng phục cũ, mày lấy hong tao gói luôn cho, chắc cũng không rộng lắm đâu.
Con cảm ơn cô nhiều lắm, chiều con sẽ quay lại!
……………
Tính tiền bà chủ quán ơi! – cái bàn khi nãy gọi – tiền này bà xài được không? Vậy hả, ê thằng vé số, lại đây, cho mày cái này nè!
Thằng nhóc chạy tới, rối rít xòe tay ra: một đồng xu năm ngàn cũ đen sì cong vẹo, vẫn còn đọc được cái mệnh giá, vẫn có thể xài được. Cầm đồng xu ngắm nhìn, thằng bé giật thót mình run rẫy, mắt mở to miệng há ra, cái vết mẻ cạnh ấy giống y hệt như đồng xu may mắn của nó lượm hôm qua. Nó lấm lét nhìn quanh, như cố tìm một ai đó đang bí mật theo dõi nó, chắc là phải có ma quỷ gì chứ đồng tiền này nó đã cho con bé hồi tối, sao giờ này lại lọt vào tay nó lần nữa? Thằng nhỏ mừng rơi nước mắt như gặp lại người bạn thân thiết, nó vội chạy nhanh đi bán tiếp, sẽ là một chiều đầy may mắn đang chờ phía trước. Những người uống nước chẳng hiểu tại sao chỉ một đồng kẽm gần hết giá trị lại khiến thằng bán vé số vui mừng đến như thế. Người lớn họ biết rằng những đồng tiền cong vẹo thế này thật ra có nhiều lắm, ngân hàng nào mà chịu thâu đổi dùm. Và cũng vì lớn rồi nên chẳng ai còn có thể tin vào một điều kỳ diệu nào nữa.