Thợ chụp hình

Người ta gọi Gã là nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia, phóng viên,…hay gì đó. Vì gã cứ vác kè kè cái máy chụp ảnh ngồi lê la ngoài đường từ sáng tới tối, tay lăm le cái khẩu Canon chực chờ săn cái gì đó quan trọng lắm. Thật ra thì gã chỉ là một thợ chụp hình quèn, không bằng cấp, tự học nghề từ thời còn xài film cuộn – nhờ giúp việc cho người chú rồi được truyền nghề. Thời xưa làm ăn bằng nghề này cũng khấm khá, nếu biết tự tráng rọi phim và sửa chữa máy móc thì quanh năm suốt tháng có dư việc để làm. Bây giờ ai cũng có máy chụp hình, không chỉ tích hợp trên điện thoại di động, mà các máy chụp hình kỹ thuật số có chức năng gần như chuyên nghiệp cũng bán đầy đường với giá khá rẽ – ai cũng có thể tự trang bị để thành một thợ chụp ảnh nghiệp dư. Công nghệ in kỹ thuật số ngày nay quá nhanh gọn, chỉ cần đưa thẻ nhớ rồi vài giờ sau tới lấy, đâu có như ngày xưa phải cần thợ tráng rọi phim ra hình. Thế là những thợ chụp hình như gã trở nên thừa thải, thất nghiệp.

Nhưng nếu bảo rằng đói việc thì không đúng, Gã vẫn kiếm được tiền trang trãi cuộc sống bằng cái nghề yêu thích. Tuy không được ăn học nhiều nhưng Gã có cái khiếu trời cho, cái khả năng “nắm bắt” được những khoảng khắc quan trọng và cả cách xử lý ảnh khéo léo khiến cho bức ảnh luôn nhấn mạnh được chủ đề. Nhờ vậy mà các đám tiệc người ta thường nhờ gã đến, nhất là các đám ma và đám cưới. Không như những thợ chụp hình khác, thường bắt mọi người phải ra đứng lấy kiểu hoặc “một hai ba…chụp”, gã không ồn ào như thế. Gia chủ chẳng biết gã xoay sở thế nào mà hôm sau luôn có đủ hình đủ các khoảng khắc quan trọng, góc chụp đẹp với màu sắc tươi sáng. Gã kiếm tiền nhiều nhất bằng dịch vụ làm album ảnh cưới, hình gã chụp rất mộc mạc và thực tế, thể hiện rõ những phút giây hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ – đủ đẹp và đáng nhớ để khách hàng vẫn chưng lên phòng khách dù trải qua bao phen sóng gió trong gia đình. Chỉ cần làm vài album, chụp vài đám là dư tiền để cả tháng đi “long nhong” ngoài đường – mà đó mới đúng là niềm đam mê thực sự, là những khoảng khắc “vị nghệ thuật” của gã.

Gã tự cho phép bản thân được hưởng thụ cái thú làm nghệ thuật: gã có năng khiếu, có ý tưởng và có đủ điều kiện để thực hiện một tác phẩm – nhưng nhiếp ảnh cần phải có đối tượng. Giống như các nghệ sỹ đều có một trường phái đặc trưng, người thì ưa bố cục tĩnh vật, người khác theo nét đẹp phong cảnh hoặc có người thích chụp hình hoa và phụ nữ khỏa thân – gã chọn một thứ gàn dỡ hơn: cuộc sống ngoài đường phố. Về mảng này thì cũng đã có nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đi qua, như họa sỹ Bùi Xuân Phái chuyên vẽ phố, vang danh Phố Phái. Nét đẹp của phố phường Hà Thành, phố cổ Hội An, Sài Gòn xưa,…đã được nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng ghi lại, nhiều bức còn nằm trong bảo tàng nghệ thuật. Gã đâu phải là một “cây đại thụ” để có thể xưng danh lập phái, cũng không dám mơ ước được vinh danh tác phẩm hay tranh giải nhiếp ảnh nghệ thuật. Đối tượng “nghệ thuật” của gã là những gì rất bình dị ngoài đường phố, là những điều mà ai cũng thấy mỗi ngày, bình thường đến nỗi họ không để ý nữa hoặc cố mà quên đi.

Cái chân lý sống của Gã cũng hết sức đơn giãn “cuộc đời này được thể hiện trần trụi ngoài đường phố, đi tìm đâu cho xa”. Gã dành hết thời gian nhàn rỗi – sau khi đã nhận tiền công đủ trang trãi cho cuộc sống – để ngồi thu lu dựa tường các quán café vĩa hè hạng xoàng, chẳng nói chuyện với ai, chỉ giương mắt nhìn cuộc đời tấp nập qua lại. Trên con đường có những đứa trẻ mới sanh từ bệnh viện về, có đám ma đưa người chết ra nghĩa trang, lớn bé gì cũng phải đi trên đường. Người giàu có thì thích tìm nhà mặt tiền nhìn ra đường lớn, 3 mét ngang hay 5 mét dọc gì cũng là giàu rồi, kẻ khốn cùng không nhà phải ngủ ngoài vĩa hè, có cái “mặt tiền” còn lớn hơn – chạy suốt con phố. Giàu nghèo gì rồi cũng có một cái mặt đá chưa tới một mét vuông, khắc tên họ và ngày sinh tử. Như Gã vậy, nếu chịu cực cày xuôi ngược trên đường nhiều hơn thì cũng khá giả, áo quần xông xênh, sắm xe xịn rồi cũng phải đi xuống phố mà vênh mặt với đời – thì cũng đâu có khác gì bây giờ, thảnh thơi ngồi nhìn những kẻ chưng diện ồn ào trên đường.

Cuộc sống đường phố đối với Gã là một bức tranh toàn cảnh cuộc đời, nơi mà bất cứ ngóc ngách nào cái nghệ thuật cũng hiển hiện phơi bày. Theo cái quy luật nào đó, thì cái nhỏ nhất cũng biểu hiện cái tổng thể, gã đâu cần phải săn tìm những điều dữ dội to tát. Một cây cột điện cũng có thể là đối tượng của Gã, bởi vì nó có thể vẽ lên bức tranh toàn cảnh của xã hội đương thời. Nhìn lên trên, dây nhợ rối nùi bủa vây tám hướng đủ loại, nào là cáp trung thế, hạ thế, điện thoại, cáp quang,…chúng kết nối với nhau chằng chịt rối nùi, thế mà vẫn cố hoạt động được – thế mới tài tình, chỉ có ở Việt Nam. Cứ mỗi lần có sự cố phải sửa chữa, ai cũng muốn dẹp hết cái đám phức tạp ấy, lắp dựng một hệ thống mới an toàn tiện lợi hơn – nhưng rồi người thợ cũng phải cắn răng mà dò tìm, mà cố sửa cho người dân có điện xài, để làm nó càng rối rắm thêm. Nhìn vào thân cột thì càng thấy rõ cái trình độ dân trí văn hóa trong xã hội, biết bao lớp giấy quảng cáo và áp phích tuyên truyền đã dán vào, rồi thì “khoan cắt bê tông”, “hút hầm cầu”, nào là “cấm đái bậy”, “cấm xả rác”,…đúng là không gì khổ bằng cây cột điện. Nếu soi xuống gốc thì thấy nào là rác rến, tàn thuốc, và cả những vết ố bốc mùi do những ông bợm nhậu ghé ngang giải quyết lúc nhá nhem – quan đã ăn hết cả nhà xí công cộng, xây có cái vỏ thì dân chỉ biết xả xì-trét như thế mà thôi. Gã chộp những tấm dở hơi như thế rồi cất đó chứ cũng đâu có ai để mà chia xẻ “phê bình nghệ thuật”, cái gì ai cũng cho là chuyện bình thường thì đâu còn giá trị nữa. Nghệ thuật đối với Gã là những gì phải động não động tâm một tí, chứ không phải là những thứ rõ ràng đập vào mắt người xem. Gã không thích đi săn những tấm ảnh trẻ em đường phố co ro không mái che mưa, những đứa bé mới đẻ phải bị bồng đi ăn xin – bị bỏ bã nằm ngủ suốt ngày – bởi vì người xem chỉ cảm động một chút rồi thôi, dần dần sẽ chai sạn hơn. Xúc động thì dễ lắm, chứ chụp cảnh tai nạn máu me tàu hủ văng ngoài đường, nhưng làm sao cho người ta chịu khựng lại để mà suy nghĩ – với gã – mới thực sự là chuyện đáng làm.

Với kỹ năng cực nhạy của một xạ thủ, được trang bị loại máy chuyên nghiệp, Gã luôn “bóp cò” rất nhanh và chính xác. Chụp đối tượng động là một kỹ thuật khó trong nhiếp ảnh, đòi hỏi đẳng cấp rất cao, Gã có một cái gì đó là trực giác, biết trước khi nào cần nhấc ống kính lên. Con người ta đi trên đường, ai cũng như nhau: cố che đậy bằng một cái vỏ rất dày, từ xe cộ tới áo quần, tự biến mình thành một công dân của đường phố. Thành phố đông dân, ra đường bịt kín khẩu trang, đội nón bảo hiểm thì mấy ai nhận ra nhau, cho nên người ta cho phép bản thân thể hiện cái con người thật của họ – trong lớp vỏ ngụy trang. Người ta có thể vô tư thể hiện những điều xấu xa, những thứ mà có lẽ họ chẳng dám làm trong gia đình hay ở những nơi có người quen biết – tự nhiên như ở ngoài đường. Xả rác, khạc nhổ, chưởi thề, cho tới cướp giật,…hoặc là ôm nhau trên xe, có ai biết ai là ai đâu. Cho nên, muốn chụp lưu lại hình ảnh cái xã hội đương đại – để con cháu thế hệ sau này có tư liệu lịch sử – thì chỉ cần ra đường mà bấm máy.

Con người trên đường, dù hối hả hay đi dạo tà tà, họ đều chỉ thấy phía trước mặt – hoặc giương mắt lên mà đầu óc ở cung Trăng. Người qua lại tấp nập thế nhưng hình như có những điều gần như vô hình trước con mắt thịt của họ: cái nắp cống quên đậy, trái đừa lăn lóc trên đường, những cành cây vươn dài khẳng khiu, chỉ chực chờ một cơn gió lớn là lao xuống đầu người đi đường – thế mà ánh mắt của mọi người lướt qua chẳng lưu lại chút cảm nghĩ nào. Gã nghệ sỹ nghiệp dư ấy lại bị thu hút bởi những thứ “tàng hình” ấy. Gã cầm chắc cho 100 người đã từng qua đoạn đường ấy xem lại cái ổ gà sâu hút, có lẽ chẳng ai nhớ nó nằm ở đâu, thế mà họ lại tránh được. Cứ mỗi lần có tai nạn, người ta bâu lại xem kẹt hết cả giao thông, nhưng chỉ xem tai nạn thôi chứ không thấy nạn nhân, hoàn toàn mù lòa câm điếc trước tiếng kêu gào của người bị nạn. Gã nhớ đã đọc đâu đó một câu chuyện, về một tay đầy tớ tinh ranh đã đặt một khúc gỗ trước cổng để biết buổi tiệc có bao nhiêu người. Trên đường phố đèn điện sáng choang này – gã nghĩ – có lẽ khó tìm ra dù chỉ một người.

Tình yêu nghệ thuật cháy bỏng trong cái gã nghệ sỹ nửa mùa này, hắn cũng khao khát chụp được những bức ảnh để đời, mang đậm giá trị nghệ thuật vị nhân sinh. Ai mang máu nghệ sỹ mà chẳng muốn sáng tác, chẳng muốn để lại cho đời cái gì đó – dù là có khi chết rồi mới nổi tiếng cũng hả lòng. Gã nhiếp ảnh gia này cũng ngày đêm mong chờ cái khoảng khắc ấy, như một người sắp làm cha ngồi chờ vợ rặn đẻ vậy. Cái tác phẩm mà gã muốn có, gã cũng chẳng biết mặt mủi hình hài nó ra sao, thế mới là cái thú vị của nghệ thuật nhiếp ảnh – khoảng khắc vàng đến bất ngờ rồi vụt biến mất, còn khó hơn là săn dĩa bay nữa. Thế nhưng gã cũng có đặt ra một vài cái tiêu chuẩn ước lệ: tác phẩm này phải để cao cái thiên tánh của con người, đó phải là cái điểm nhấn sáng chói trong cái xã hội mà tìm kiếm một người đã khó, biết lấy đâu ra cái tình – thế mới là một tác phẩm lớn. Vài lần gã bấm máy cảnh người đi đường ngừng xe lại, cho tiền đứa bé ăn xin, hay nét mặt rạng ngời của cô lao công quét lá buổi sớm khi nhặt được một đồng tiền kẽm – những kiểu ảnh ấy cũng đẹp nhưng quá tầm thường, gã có thể chụp hàng tá và nhiều phó nháy khác còn có thể dàn dựng nhân vật và bối cảnh để cho ra một tác phẩm “thực tế” hơn.

Thế rồi một buổi chiều nọ, trong lúc chờ săn vẻ mặt thất vọng của những người bị “dính bẫy” đinh trên đường, gã chờ cho anh kia tới gần hơn, vào tầm nhắm của ống kính. Gã đứng gần ngã tư đèn đỏ, chiếc xe kia đang dắt dần tới, bên này đang đèn đỏ nên một chiếc ô tô ngừng lại khi xe trong lề vẫn cố gắng chen qua. Một bà mẹ chở đứa con đi học về, đứa bé chừng 7-8 tuổi gì đó nhưng cái cặp thì nặng trĩu sau lưng. Đứa nhỏ dường như quá mệt nên ngủ gục, nhằm lúc bà mẹ đang bắt đầu đạp ga tới thì thằng bé mất thăng bằng ngã qua bên trái. Biết con té xuống thì bà mẹ cũng hoảng hồn mất tay lái, xe ngã ngang. Nếu không phải xe đông đúc thì tai nạn này cũng chỉ là xây xát nhẹ, nhưng nghiệt một nỗi là thằng bé lại té ngay vào gầm chiếc xe 4 bánh đang đậu chờ đèn – không biết sẽ chạy khi nào. Vốn có trực giác cao độ, gã thợ chụp hình biết ngay đây là thời khắc quyết định, hắn cũng lao tới. Tác phẩm có thể sẽ là cảnh một bà mẹ che chở cho con trong tai nạn, trước cái nhìn bàng quan của đám đông bầy người. Tình mẹ con bao giờ cũng cao cả và sáng chói, nhất là trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh này. Gã đưa máy lên, ngón tay đã sẵng sàng, sự hồi hộp dâng cao, cảm giác của sáng tạo nghệ thuật, cảm giác của người cha chờ đứa con ra đời – do chính mình đẻ.

Nhưng, có cái gì đó không ổn! Đúng là đám đông đang la ó đứng nhìn, chẳng ai hành động gì hết, bà mẹ cũng bất lực nhìn đứa con bị kẹt ngay bánh sau của chiếc xe hơi không làm sao với tay kéo nó ra được – bà cũng đang bị chiếc xe đè không thể cử động cái chân. Tiếng hét của đứa bé, bà mẹ điếng người nhìn còn đám đông thì vẫn bất động, đèn đã chuyển sang vàng và chiếc xe ô tô cũng hết kiên nhẫn chờ đợi – tài xế không biết chuyện gì đang xãy ra dưới gầm xe. Đây lại là một khoảng khắc đặc biệt, một tác phẩm mang đậm tính chất thời đại, quá sức mong đợi của gã. Trong tích tắc, gã hành động, nhưng không phải là cái ngón trỏ bấm máy nhanh như chớp, như gã vẫn làm bao lần. Gã thấy mình lao thẳng vào giữa đám đông, một tay đẩy vẹo đầu những chiếc xe để mở đường máu, một tay vươn nhanh hết sức túm áo đứa bé. Bánh xe đã lăn, cán vào cái cặp to và nghiến chặt cọng dây quai xuống đường, thằng bé bị kẹt rồi. Một tay gã lôi đầu thằng bé ra ngoài, tay kia đấm thùm thùm vào chiếc xe, hy vọng tài xế nghe mà thắng lại. Gã chẳng kịp nghĩ gì, đút ngay chân trái vào dưới bánh xe như một cái nêm, nghiến răng chịu đau mà vẫn đấm mạnh vào thùng xe như kẻ thù. Bánh xe từ từ lăn qua chân của gã rồi ngừng lại, có lẽ tài xế phát hiện ra hắn đã “cán qua cái gì đó”. Hắn mở cửa ra nhìn rồi lùi xe lại, người anh hùng bất đắc dĩ lại một lần nữa cắn răng chịu đau.

Sau khi hoàn hồn thì người ta bắt đầu các thủ tục cám ơn, xin lỗi, bồi thường,…thương lượng chóng vánh vì không muốn công an nhúng mủi vào. Khi chiếc xe gắn máy của hai mẹ con nổ máy chạy đi, chiếc xe hơi cũng quẹo hướng khác thì đám đông cũng tản ra, chỉ còn gã lững thững cà nhắc bước vào lề đường như một kẻ thất thần – cố lắp ghép lại các sự kiện. Lúc cơn đau đốt cháy bàn chân và suy nghĩ, cơ bắp gồng lên và tim sắp vỡ tung ra, tiếng la hét và cảm xúc của mọi người xâm chiếm hết đầu óc, thì Gã đã bất thình lình nhận ra một sự hiện diện tỉnh táo đặc biệt lóe sáng lên như một tia chớp. Sự hiện hữu ấy tách rời hoàn toàn khỏi cảm giác đau đớn, cảm xúc tức giận và sự phản xạ vật lý của cơ thể. Khoảng khắc ấy liên kết mọi rung động cảm xúc sáng tạo nghệ thuật, đó là dòng suối ngầm nuôi dưỡng những linh cảm và là ngòi nổ để gã bắn được những tấm hình “đẹp hơn cả thực tế”. Có một cái gì đó không tên nằm sâu trong mà bấy lâu nay gã cố gắng tìm, dù cố gắng lắm cũng chỉ nắm được cái bóng của nó – chỉ hiện ra trong giây phút sinh tử, khi ta chọn lựa con đường chết để một điều khác được sinh ra và bảo tồn. Nếu có một thứ đã chết đi, thì chỉ có thể là cái bức tường, cái hàng rào ngăn cách giữa gã phó nháy và hình chụp, giữa chủ thể và vật thể, giữa nghệ sỹ và nghệ thuật.

Những giây phút gã vừa trãi qua đúng là thời khắc ngàn vàng của nhiếp ảnh, nhưng không có một tấm hình nào được chụp, vì người nghệ sỹ đã đứng về phía bối cảnh, hóa thân vào thành một nhân vật trong đó. Đám đông bu xung quanh cái tai nạn hôm nay chính là những chuyên gia phê bình nghệ thuật cho cái tác phẩm vô hình ảnh ấy, họ đã nhận xét thế nào? Trong tiếng xe cộ ồn ào la hét, gã vẫn nghe được vài giọng nói: “may cho con bé đó quá, xe mà nhích thêm tí nữa thì nó nát bấy…”, “tiêu cmn cái chân thằng đó rồi, thiếu gì cách không làm, lại đút chân vào…”, “tự nó đút vào, chứ tài xế đâu có lỗi gì…”. Nhận xét thì dễ lắm – gã nghĩ – họ có mất gì đâu chứ. Nếu có hình chụp thì sao nào? Ai sẽ khen ngợi tác phẩm ấy, ai đủ trình độ để cảm nhận? Đọc giả chỉ thích nhìn những cảnh “nhăn mặt” hay “đắng lòng” để có đề tài mà tán đóc, họ thiếu cái chiều sâu nội tâm để có thể hiểu và nghiệm ra những điều thật sự đang diễn ra trong cái xã hội này. Chỉ một thoáng trước, gã hạnh phúc tột độ khi tìm lại được con người thật của mình, ngộ ra được cái ý nghĩa của cuộc đời – liền sau đó, gã thấy cũng thất vọng cùng cực khi nhận ra một sự sự thật ảm đạm của nghệ thuật chân chính: đó cũng là lý do từ khi các cây đại thụ của thế hệ trước dần vắng bóng, thì chẳng có mấy ai nổi bật trong thời đại hiện nay. Bởi vì tác phẩm được nghệ sỹ sáng tạo ra cho công chúng như một bộ ba bền vững, thiếu một nhân tố thì cũng không thể tạo nên nghệ thuật.

Kiểu bị cán chậm đó không làm gãy xương chân hay tàn phế suốt đời, nhưng đủ làm cho gã phải chống nạng ở nhà một thời gian dài. Trong lúc rối ren, có kẻ đã nhanh tay “mượn đỡ” cái máy chụp hình cùng cả túi đồ bao gồm ống kính các thứ. Đồ chuyên nghiệp thì mắc và quý thật, nhưng gã cũng đủ khả năng để sắm lại loại tốt hơn. Mà nó cũng đâu có gì thực sự mất, chỉ chuyển từ tay người này sang người kia thôi. Với gã thì tác phẩm quý hơn công cụ nhiều lần, vậy mà có khi cũng còn bị cướp giật trắng trợn: một tấm hình đẹp có nhiều người tự nhận mình là tác giả. Dạo trước, nếu bị buộc phải ngồi nhà chừng một tuần là gã như bị thiêu đốt, tay chân run lên như người bị nghiện. Thế mà giờ đây gã trãi qua một kỳ nghĩ ngơi trong bình thản thảnh thơi, không còn bị hối thúc phải “lên đường”. Như một người thợ săn đã thõa mãn khi gặp được con thú lớn nhất, đã giương súng lên nhưng không bóp cò – người đó suốt đời còn lại sẽ không còn ham muốn săn bắn nữa.

Gã cũng không sắm lại máy móc vội, lâu rồi gã nhìn cuộc đời qua ống kính nên bỏ mất cơ hội được sử dụng đôi mắt trần. Không có một loại máy chụp ảnh nào đặc biệt như đôi mắt, vì nó sát bên khối óc và liên kết với trái tim. Cũng không ai có thể ăn cắp những hình ảnh đầy cảm xúc mà đôi mắt ghi nhận được. Những tác phẩm đẹp nhất không cần bất cứ lời phê bình nào từ công chúng, vì những điều cao đẹp đôi khi không hiện hữu thực tế. Bức ảnh đẹp lý tưởng nhất chỉ nên là cái khung hình trống rỗng mà thôi. Gã đã chụp được tấm ảnh đẹp nhất trong đời.

Rồi thì người ta không còn thấy một gã chụp hình lang thang ngoài phố nữa. Gã quay lại với nghề, mở một studio lớn rất thành công và ngày càng phát đạt, đông đến nỗi gã phải thuê thêm rất nhiều thợ chụp hình và xử lý ảnh. Những khách hàng khó tánh và sành điệu vẫn đòi ông chủ phải tự tay cầm máy, vì những tấm hình bình thường ấy của gã vẫn luôn “có cái gì đó đặc biệt”. Những lúc tự cho mình hưởng thụ, gã cũng tìm một quán café loại sang, ngả mình trên ghế và nhìn ra đường – nhưng tuyệt nhiên không mang máy ảnh theo.

Viết một bình luận