Mỗi lần Ba hay Má về thăm, Bé vui lắm. Được đi chơi, đi ăn, Bé cười nhiều – rồi thì Ba Má đi lần nào nó cũng khóc lâu lắm. Sợ Bé biết, mỗi lần họ đều tìm cách dụ nó chú tâm vào một chuyện gì, cho đến khi phát hiện đã đi mất thì Bé la toáng lên. Rồi thì càng ngày nó càng cẩn thận, càng tinh tế ra: Nó chẳng tin vào bất cứ điều gì, bất cứ ai, cứ luôn cảnh giác sẽ bị bỏ rơi, Bé sợ lắm. Nhưng người lớn thì vẫn phải đi, còn Bé thì ngày càng khép kín.
Bé khó ngủ, sống với Bà, đêm nào cũng ôm và hát ru ngủ bằng những câu dân ca ngọt ngào. Bà không chỉ biết “ầu ơ..ví dầu…” mà còn biết lựa bài hát, lúc thì điệu buồn, lúc thì nhạc hội dí dõm. Từ Lý Chiều Chiều, Lý Cái Mơn,..bà hát qua Lý Bánh Bò, Lý Con Cua,..Bắt Kim Thang. Bé nghe hết khóc thì cười, rồi Bà dạy bé hát, Bé thuộc khi nào không hay. Đàn cò, con sáo, ngựa ô, cầu ván,…theo Bé vào giấc ngủ êm đềm mộng đẹp.
Rồi thì Ba Má của nó cũng chia tay nhau, cũng là một bước tiếp theo sau khi gởi con cho ông bà chăm sóc. Tòa xử Bé theo mẹ, vài tháng sau mẹ nó được giấy bảo lãnh qua Pháp ở – vì có chồng mới. Lúc đó Bé chưa đi học, còn quá bé để nhớ về quê hương, và cũng đủ sớm để người ta dạy nó thành một cô Đầm nói tiếng Tây như gió, bậy bẹ vài tiếng An Nam. Lúc xa Bà, bé mang bệnh mất ngủ. Phần vì khác giờ, phần vì người lớn xứ Tây không ngủ với trẻ, Bé có một phòng lớn đầy đồ chơi, và một cái giường rất đẹp, đầy chăn ấm ở xứ sở lạnh lẽo. Bác sỹ bảo bé bị tự kỷ, như những đứa trẻ khác, phải dùng thuốc đúng giờ để có thể ngủ đúng giấc. Bác sỹ Tây chưa bao giờ biết hát ru là gì, cũng không hiểu thế nào là tình cảm ruột thịt thiêng liêng, học thế nào thì chuẩn chữa thế ấy. Bé nhớ tiếng ru của Bà, bé thèm hơi ấm của tình thương – chứ nào phải bơ sữa và nệm ấm đồ chơi nhiều.
Rồi thì Bé cũng quên đi, người ta đã thành công trong việc tẩy phèn cho đứa nhỏ, da nó đã trắng tươi, trong đầu nó đầy những thứ phù phiếm phải chạy theo. Việc học và chơi mệt nhoài khiến nó chẳng cần thuốc ngủ nữa, những buổi đi khiêu vũ ngoài bar, những tiệc tùng ca hát đã xóa đi hình ảnh cây khế cầu tre – Bé đã lớn.
Một ngày nọ, Bé vào thư viện, tình cờ thấy một cái dĩa nhạc An Nam, đã thu âm lâu lắm rồi, có lẽ từ thời còn Đô Hộ. Người Pháp chiếm nước Việt, xóa sổ chữ Nôm tiêu diệt cửa Khổng sân Trình nhưng họ cũng thành công trong việc bảo tồn di tích văn hóa – sau khi đã phá hủy gần hết. Khi mà những bài nhạc cổ, những điệu lý đã một lần nữa chết trắng trước làn sóng xâm lăng của nhạc “trẻ”, thì trong các bảo tàng thư viện của Mẫu Quốc vẫn còn lưu giữ kỹ những giai điệu xưa, vẫn còn chứa đựng một cái gì đó nền nã sâu lắng. Tò mò, Bé mở lên nghe.
Ban đầu, chỉ vì muốn khám phá, nghe xem có gì hay trên cái xứ xở quê hương xa lắc mà người ta đôi khi vẫn gán cho nó. Dĩa nhạc có đầy một kệ trong phòng riêng, toàn là loại mới ra, nó tự mua và bạn bè tặng, nghe một lần rồi xếp đó. Ai lại đi nghe mấy cái thứ xưa lắc bụi bám đầy này, ông bà già còn không thèm rớ tới, nói chi là lớp trẻ. Loại dĩa xưa phải nghe bằng máy đặc biệt, nó ngồi gọn vào một góc thư viện, cho dĩa vào máy và cắm headphone vào. Nó lơ đễnh nghe tiếng dạo đàn, âm thanh nghe thật buồn cười, cứ uốn éo thế nào ấy – từ ngày qua xứ Tây, đời như sang trang mới, âm nhạc mà Bé biết chỉ là những điệu ồn ào náo nhiệt và bốc đồng. Tiếng ca sỹ vang lên, một giọng đứng tuổi, giọng ngân luyến láy kiểu xưa – đang miên man suy nghĩ bỗng chựng lại: có cái gì đó rất quen trong lời ca này, dường như nó đoán được lời ca, cứ như là đã thuộc lòng từ khi nào.
“Ơ ơ, ai xui mà con sáo …cái nò sang sông, cái kìa bay xa, …”
Phải rồi, đây là bài hát mà Bà thường hát ru nó ngủ, trong những đêm Hè nóng nực nó nằm võng đu đưa. Con bé từ từ chìm vào một thế giới khác, nó nhắm mắt lại để ký ức trôi theo lời nhạc, từng chi tiết hiện về rõ ràng như là nó đang sống lại gần mười năm trước, trong căn nhà cũ của ông bà. Bé chưa biết con sáo, nó chẳng nhớ con cò, có quá nhiều lời hát vô nghĩa với nó, nhưng tình thương của Bà thì không có ngôn ngữ hay hình tượng nào có thể biểu hiện được. Mẹ nó chưa từng hát ru, hay ở bên giường khi nó ngủ, chỉ chu cấp cho nó đủ tiền ăn học. Người cha kế của nó cũng lịch sự quan tâm đúng mức – như một người lớn trong nhà. Xã Hội với tất cả dịch vụ trợ giúp đã lo phần còn lại, từ trường học cho tới nơi giải trí. Mỗi sáng Chúa Nhật đến Nhà Thờ để nghe về thứ tình yêu trống rỗng và xa lạ, Bé cứ tưởng đó là tất cả cuộc đời nó có được, những chuỗi ngày hời hợt mong manh – là những gì mà lắm người khác thầm ao ước.
Con Bé nhớ lại những ngày xưa, khi cảm giác mất mát sự hiện diện của cha mẹ, bị bỏ rơi dâng lên cùng cực, nó còn có Bà – có câu hát dân ca, có cả quê hương trong lời ru tiếng hát. Giờ thì nó dường như có tất cả: cha mẹ và nhà cửa, phúc lợi xã hội và tương lai tươi sáng, nhưng đằng sau ấy là một cuộc đời vô nghĩa: sống, đẻ con rồi chết đi, chẳng thuộc về đâu cũng chẳng có ý nghĩa vì với ai hết. Người ta đã tước bỏ mất của nó cái điều thiêng liêng nhất: tình yêu và trách nhiệm với quê nhà. Một cái cây mất gốc thì người ta dễ dàng đục đẻo nó thành vật dụng, một con người mất nguồn cội sẽ dễ uốn nắn huấn luyện thành một công cụ trong xã hội – một thứ đồ xài xong vứt đi, không có nơi để trở về.
Tối nay con bé đóng của phòng ngủ sớm, nó bật nhạc lên nghe nho nhỏ.
“Đàn cò bay, về nơi thương nhớ…”
Nó tự hứa với lòng, một ngày nọ sẽ quay trở về. Bến sông xưa con đò cũ vẫn còn chờ đó, chim sáo sang sông thì cũng có ngày quay lại. Lời ru và tấm lòng của Bà đã trở thành tình quê hương, cây khế năm nào giờ đã trổ hoa trong tim nó. Sau bao năm dài, đêm nay lần đầu tiên nó biết ngủ ngon.