Hôm nay em bắt đầu một bài viết nặng tính chiến thuật hơn là kỹ thuật. Ban đầu em tính viết về giao bóng và đở giao bóng nhưng thấy mọi thứ liên quan nhau như tơ lòng thòng: viết về giao bóng mà không nói chiến thuật thì giao để làm gì. Vả lại, viết về giao bóng thì cũng như dạy cá bơi lội, vì ở VN bộ chân hay Bh không mạnh chứ giao bóng thì cực kỳ khó, ai ở Hải Ngoại một thời gian về nước đều lắc đầu ngán ngẫm vì toàn thua khi đối thủ cầm giao bóng. Với dân ta mà nói thì giao bóng là kỹ thuật, nhưng với cái nhìn của dân huấn luyện như em thì giao bóng mang tính chiến thuật nhiều hơn, đở giao bóng cũng không chỉ đơn giãn là flick tấn công như chúng ta thấy trong các trận đấu đỉnh cao. Có một dạo em tập giao bóng rất nhiều, giao bóng rất khó nhưng sau đó nghiệm lại thì thấy toàn thua điểm khi nắm 2 quả giao, mà hễ giao đơn giãn lại thành công hơn. Rồi thì có dạo em cũng tập cú flick Bh lẫn Fh khá ngon lành, nhưng áp dụng thấy cũng chẳng hiệu quả mấy vì chả gây khó dễ cho ai hết. Rồi thì vì thua nhiều quá nên phải dành thời gian mà suy nghiệm, phân tích các trận đấu, cũng may là em được đánh SuperLeague năm nay nên được rất nhiều cơ hội thử nghiệm và tổng kết. Dần dần khả năng chiến thuật của em tăng dần lên từ 3-5 bóng có tính trước, khi em đạt được khả năng chiến thuật 7-9 bóng thì như có cái gì đó đột biến thay đổi hoàn toàn cách đánh xưa nay, từ mặt kỹ thuật cho tới chiến thuật, kể cả thể lực và tâm lý cũng phải tập thêm rất nhiều để theo kịp bước chuyển hóa này. Nếu chỉ bàn về giao và đở giao bóng thì chỉ mới có chiến thuật 3 bóng thôi, chưa có gì hứng thú đâu! Cũng vì em đã viết các căn bản kỹ thuật di chuyển, kỹ thuật Bh và Fh cho nên bài này em viết cô đọng hơn, các bác phải tham chiếu thêm các bài viết về kỹ thuật, vì chiến thuật không thể có nếu chưa có cái gì trong tay – và trong đầu. Dầu vậy, đây sẽ là một chủ đề dài lê thê chán ngắt, xem chơi thôi chứ em cho rằng chưa có vdv nào ở VN đủ các yếu tố để mà áp dụng vào.
Phần này phải ghi rõ là chiến thuật thi đấu của TQ, chứ không phải của Châu Âu. Ai đó thần tượng mút H3, hoặc kỹ thuật giật Fh hay Bh của Tàu, hoặc xa hơn nữa nhìn thấy bộ chân của chúng quá nhanh thì bảo rằng chúng thắng nhờ bộ chân,…nhưng có mấy ai biết bọn Tàu rất mạnh về chiến thuật – hay còn gọi là “binh pháp”. Những gì em sắp viết ra đây là kết quả nghiên cứu của những năm 2011-13, hiện nay bọn Tàu đã biến hóa và tinh chỉnh thêm rất nhiều, em chưa theo kịp. Thời gian mấy năm trước em còn máu me ham làm thầy, nên nghiên cứu chồng chất, nhưng càng tìm hiểu nhiều thì càng thấy không có ai để truyền lại, mà có thì cũng lạc hậu mất rồi. Cái em gọi là “cao siêu” có khi các bác đã biết từ lâu nhưng không thấy ai gom lại thành một hệ thống có lớp lang thứ tự, để dễ bề nghiên cứu và huấn luyện trong thi đấu. Ở VN vẫn thường hay nghe cái chiến thuật có tên “giao bóng tấn công”, “gò công”, “giật moi dứt điểm”, “thủ chì, đẩy góc”,…nhưng cũng là các tính toán chiến thuật trong vòng 3-5 bóng mà thôi, vậy cũng xem là đánh có bài bản chiến thuật rồi, so với những ai vào trận cứ “tới đâu hay tới đó”. Ở bên em thì đồng đội – trình cao hơn em 2-4 bóng – cũng nhắc chiến thuật, nhưng đa số là “đưa bóng vào bàn” hoặc “ép góc rồi giữa bàn”,…chứ cũng chưa thấy ai hình thành một chiến thuật hoàn chỉnh để tập luyện. Ấy vậy mà bọn Tàu đánh trận luôn có lớp lang thứ tự bài bản hẳn hòi, càng xem nhiều càng thấy rõ các bài cơ bản của chúng. Vấn đề khó khăn ở chổ là chúng ta chưa có đủ các điều kiện để áp dụng chiến thuật ấy, các bác xem các trận đấu của tuyển VN đánh trong khu vực cũng thấy rõ là bóng qua lại thường không tới 5 lần đã…xong thì áp dụng chiến thuật 7-9 bóng thế quái nào được, mà bóng nảy càng nhiều lần thì khả năng thua của chúng ta càng cao. Em không dám chủ quan chê trách các HLV cấp QG thiếu tầm nhìn chiến thuật, những gì họ áp dụng vào thi đấu quả là hợp lý so với hiện trạng và tình hình chung. Em sẽ phân tích các chiến thuật cơ bản trên TG, ở VN rồi cuối cùng đi sâu vào các chiến thuật của Tàu, để các bác thấy rõ tại sao TQ luôn dẫn đầu, dù có thể có chuyện thua vài ván nhưng kết cục vẫn thắng.
Trước hết xin định nghĩa chiến thuật là gì? Sát nghĩa là “cách chiến đấu giành phần thắng”, binh pháp có câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, thế thì chiến thuật phải hình thành trên hai điểm tựa “ta” và “địch”. Muốn biết bên địch có gì thì phải có đủ mọi cách tìm hiểu, từ video clip cho tới phân tích vũ khí – kỹ thuật – chiến thuật,…kể cả tìm người bắt chước y chang bên phe kia để mà tập áp dụng các phép chiến đấu, thử để tìm cách tối ưu. Thực tế thì có hàng trăm kiểu đối thủ, ta không thể nào cùng làm điều ấy với tất cả, dù có đông lực lượng như CNT đi nữa. Biết địch quá khó, biết ta có phần dễ hơn, cho nên chiến thuật có thể tập luyện sẵn ở nhà với các giả định đấu thủ nằm trong các rơ căn bản thường gặp. Một trong những thế mạnh khủng khiếp của bọn CNT là mấy ông Coach ngồi chỉ đạo trận đấu, ta thấy trong các video clip những tay sừng sỏ như Ma Long hay Zhang Zike vẫn ngoan ngoãn nghe chỉ đạo và làm theo răm rắp. Còn các ông coach của Schalger, M.Maze, Timo Boll,…có giỏi hơn chúng bao nhiêu đâu mà chỉ đạo- hơn nữa, biết gì mà chỉ chỏ? “Biết cái để chỉ” là vấn đề rất lớn, chứ không phải ra ngoài uống nước mệt đứt hơi mà còn nghe thằng cha HLV lải nhải “đánh chậm lại, tập trung vào, chủ yếu đưa bóng vào bàn thôi,…” hoặc “tấn công đi, đánh sớm vào, xé góc một chút, áp sát bàn,…” toàn là những thứ “biết zồi khổ nắm lói mãi…” bởi vì cái tay HLV có vào đấu đâu mà biết rằng nếu gặp phải một đối thủ giỏi chiến thuật (lẫn ông HLV ở ngoài cũng giỏi) thì những chỉ dẫn như thế hoàn toàn vô nghĩa, vì không thể áp dụng được. Nói “biết địch biết ta…” nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là “biết ta” trước, vì nếu mà cho em ra chỉ đạo các trận đấu của tuyển VN thì em cũng bó tay, vì ta có quá ít bài và quá ít lựa chọn. Chỗ này có bác bảo em chém gió, trình còi bày đặt nói chuyện quốc gia, mong các bác cứ uống trà thư thả theo dõi rồi sẽ hiểu đâu ra đó thôi.
I. Các triết lý chính trong chiến thuật thường gặp
Mỗi chiến thuật là một sự tính toán rất sâu xa có hệ thống rõ ràng, và đều phải có một nguyên lý hoặc triết lý đằng sau nó để lý giải các câu hỏi “tại sao” và “như thế nào”. Vd tại sao Jun và Joo thường giao bóng lưng lửng vừa đủ dài ra giữa bàn, tại sao Zhang giao bóng qua bên Fh thường hơn là qua Bh, trong khi Boll thường giao ngắn và bắt ngắn,…Đoán ra được cái triết lý chính mà từ đó hình thành nên các chiến thuật thì gần như có thể đoán được các bước đi của các con cờ trong bàn. Dự đoán là một kỹ năng bắt buộc của một vị tướng cầm quân, chính vì thế mà Khổng Minh được tương truyền là biết các “thuật toán” để đoán trước tình hình. Em không bày cho các bác cách lập đàn bói toán hay cầu mưa gió kiểu trong phim, em dự đoán trên sác xuất và nguyên lý, kèm với thông tin lẫn tình hình thời sự trước mặt. Theo kinh nghiệm cá nhân thì quan trọng nhất vẫn là đoán biết được cái “niềm tin” hay “triết lý” của các ông “tướng” bên phe đối thủ. Nắm được “cái đó” rồi thì cầm chắc là không thể sai chiến thuật, ngay cả từng trái bóng qua lại vẫn có thể đoán ra sẽ như thế nào. Cộng với mọi thứ kỹ thuật, vũ khí và bộ chân tốt, thì không lạ gì bọn Tàu có thể chờ sẵn và ra đòn trước khi đối thủ kịp hành động, cứ như là bắt chết mọi đường chiến thuật của bên kia vậy. Thi đấu mà gặp trường hợp ấy thì dù có tinh thần thép Đức như Timo Boll cũng gục ngã, bốc đồng như thằng trẻ trâu Ớt-cà-rớt cũng chỉ ăn được Zhang xì-ke một trận rồi bị Ma Long hạ đẹp ngay sau đó.
Các triết lý ấy cũng gần giống như rơ đấu, vd nói “phòng thủ phản công” là ta nghĩ ngay tới Jun và Joo vì bọn họ xài rơ này suốt trận đấu và đã tập luyện tới hỏa hầu. Tuy nhiên thấp thủ như em cũng có thể xài rơ này trong một hoặc nửa séc rồi đổi sang rơ “tấn công là chính” trong nửa hiệp đấu sau. Cái em sắp bàn tới là cái suy nghĩ tư duy triết lý nền tãng trong từng hành động và đưa ra quyết định, chứ không phải là một rơ đấu – vốn là sự áp dụng của nó thành ra chiến thuật. Nhưng vì để mô tả và hình tượng hóa cái niềm tin hoặc triết lý – vốn vô hình và trừu tượng – thì em phải lấy ví dụ từ các rơ đánh cụ thể.
-
Lấy độ đều và an toàn là chính
Có một câu khẩu quyết mà em nghe các đấu thủ xài “rơ đều” thường nói “bóng vào bàn là thắng hết 50%”. Đây cũng là một nguyên lý mà nhiều ông coach Tây nơi em áp dụng vào giãng dạy ngay từ lúc bọn nhỏ mới tập chơi. Đối với cái lý luận này thì không có kỹ thuật căn bản mà đánh “vào bàn” mới là cơ bản đầu tiên nhất. Nghĩa là họ đặt ra cái đích đến trước khi dạy cách đi: khi đòi “đánh mạnh và đúng vị trí” thì họ mới bắt đầu sửa động tác từ từ, rồi khi đòi có “xoáy” thì mới chỉnh tiếp tới cách vuốt quả bóng. Còn trong những ngày đầu thì 2 thằng được cho một trái bóng, đánh thế nào miễn vào bàn thì thôi. Chỗ sâu nhất, cái gốc của mọi kỹ chiến thuật là “làm sao đánh vào bàn” còn các yêu cầu như lực, điểm rơi, xoáy,…chỉ là các yếu tố thêm vào. Thằng vdv nào được đào tạo theo trường phái này cũng biết lốp bóng, như là một kỹ thuật căn bản đầu tiên, rồi từ đó nó hạ thấp dần bóng xuống gần lưới hơn thành ra là đối giật. Cho nên hai thằng cùng rơ này mà đánh với nhau thì cứ xác định là chúng đối giật thường xuyên, bóng đi lừ đừ ít xoáy lại cao nhưng khó lòng mượn lực ôm bàn phản công lại. Hoặc chúng sẽ nhường bên kia tấn công trước rồi lùi lại hoặc đở cao hoặc đối giật, gặp rơ chặn đẩy thì cứ như là chúng cứ giật hoài mỏi tay thì thôi, bóng đi cao hơn lưới nhiều và rớt an toàn trong bàn. Khi càng giỏi hơn thì chúng sẽ cố gắng tập đánh nhiều xoáy hơn để có thể tăng lực một cách an toàn, cố gắng lên xoáy trước rồi đôi công xa bàn hoặc đối giật cao xoáy. Đa số là khởi đầu từ vợt chậm 5 lớp với mút mềm và khi giỏi chúng sẽ xài vợt 5+2 lớp composite kết hợp 2 miếng Tenergy.
Có thể nói hầu như dân Châu Âu trước đây chơi chiến thuật thi đấu theo triết lý này, ngày nay vẫn còn bác Săm-soi-lốp vẫn kiên trì bảo vệ lý tưởng, dầu có tuổi nhưng vẫn là cái mốc khó thể vượt qua cho đám trẻ Âu. Timo Boll và Michael Maze thỉnh thoảng cũng áp dụng rơ này nhưng khi tấn công thì bóng cũng khá mạo hiểm chứ không như các bác Primorac hay Appelgren giật bóng cao nhòng rồi mới rơi xuống bàn, có lẽ một phần cũng do thế hệ vũ khí mới. Vì cái niềm tin vào độ đều của mình cũng như khả năng xử lý bóng của đối phương, cho nên các đấu thủ tôn thờ lý tưởng này sẽ ít khi tấn công mạo hiểm. Để thêm phần khó cho cú đánh mà vẫn an toàn, họ thường đánh xoáy ngang khi giật để chống lại những quả ôm bàn đánh sớm của rơ Châu Á. Họ cũng thường đánh khá mạnh và xoáy nhưng lại nhìn bóng khá kỹ trước khi ra đòn nên đánh trễ, kết quả là bóng đi cầu vồng lên khá cao cắm xuống chứ ít có bóng đi thẳng rồi cắm chuội xuống. Bên Bh thường đánh sớm (vì buộc phải đánh trước mặt) nên uy lực hơn bên Fh có thể để bóng ra sau hông rồi đánh. Khi theo triết lý này, thường ít có suy nghĩ “giao bóng giật ăn ngay” mà luôn tính kế lâu dài, lên xoáy trước đã rồi cứ từ từ mà tính, vội gì bóng có rớt đâu. Vì bắt cái bài ấy nên Waldner mới cọp dê bọn Tàu cái trò chặn bóng đẩy góc, đưa nhiều chú Tây vào cảnh đứng hình, nếu có lao theo thì cũng lãnh thêm một quả chéo góc khác. Waldner cũng theo kiểu triết lý an toàn ấy, nhưng vận dụng khôn khéo vào cú chặn và ôm bàn bắn góc, cũng an toàn không kém nhưng hiệu quả hơn. Rơ trẻ ở Châu Âu thế hệ sau này lấy nền tảng từ kiểu đều bóng, nhưng phát triển hơn một bậc nữa ở chổ khó và bóng thấp, đa số áp dụng Tenergy và vợt 5+2 hoặc 7 lớp thuần gỗ nên độ khó tăng lên rất nhiều lần. Cộng với việc phát triển của CNT nên các chú lính mới muốn tồn tại phải thích nghi với trò đánh Fh Tàu, đành phải cải tiến và biến đổi chiến thuật rất nhiều.
-
Lấy phòng thủ làm vũ khí chính, phản công dứt điểm
Đây là triết lý chiến thuật của rơ cắt xa bàn, gai thủ hoặc rơ lốp bóng cao, đa số đều có những cú phản công rất nguy hiểm và hiệu quả. Rơ phòng thủ cắt xa bàn đã có từ rất lâu, cũng có phản công nhưng thường là đối giật từ xa kiểu lên xoáy ngang, chứ ít có trò nhào vào đập một phát chết ngay như Joo. Rơ lốp cao xa bàn cũng là truyền thống của Châu Âu nhưng dạo ấy các kiểu phản công còn quá đơn sơ với các vũ khí ít xoáy và bóng nhỏ đi khá cong ít lực chứ không như bóng lớn đi thẳng và uy lực như thời nay. Rơ gai thủ ôm bàn cũng chơi theo nguyên lý này, vì biết yếu điểm của gai với bóng không lực nên hễ nhác thấy chậm lại là chúng đổi bên đánh chết ngay chứ không cố gắng đẩy gai tiếp. Hoặc rơ phản xoáy cốt cứng biết đánh sớm đổi góc cũng là một kiểu phản công hiệu quả. Cũng giống như chiến thuật chủ đều bóng và an toàn, nguyên lý đánh này cũng lấy bóng vào bàn làm chính nhưng tăng cường độ an toàn đến mức tối đa, đưa hết khả năng tấn công cho bên kia rồi gài bóng tìm cơ hội dứt điểm trong khi vẫn cứ chờ đối thủ đánh hư. Khi tấn công thì đòn khá mạo hiểm chứ không còn lấy an toàn làm chủ đạo nữa, nên buộc đối thủ phải cố gắng bám thế tấn công chứ không dám lơi tay. Thống kê cho thấy khi mà Jun và Joo phản công thường là ăn điểm, cho dù đánh với CNT hay phần còn lại của TG. Rơ phòng thủ phản công hiện đại này khá thành công nếu như không có thế hệ CNT mới có hai bên đều mạnh.
Chiến thuật ôm bàn thủ chặn đẩy (rơ chưởng và lùa) với các kiểu giao bóng khó để tranh thủ đập một cú rồi cứ lùa góc cũng là theo nguyên lý này tuy nhiên độ khó trong phòng thủ đã có tí tấn công thêm vào (lấy độ khó và tốc độ làm phòng thủ). Nếu đánh đúng nguyên lý thì phải đưa bóng ngay tay đối thủ luôn như kiểu lốp của Jun vậy. Sự pha trộn giữa phòng thủ và tấn công phản công làm cho các chiến thuật theo triết lý này trở nên đa dạng và khó đoán so với loại 1 và 3. Sự khó đoán này cũng là một cái hay trong chiến thuật, mang tính ngẫu hứng cao, vì thế nó thường giành phần chủ động khi đánh với “phần còn lại của TG”. Khi chiến thuật này đánh với nhau hoặc đánh với bọn có chuẩn bị chiến lược bài bản kỹ càng như đám CNT sẽ bộc lộ ra nhiều điểm yếu khi bị đối thủ đưa vào những thế “triệt buộc”.
-
Lấy tấn công làm phòng thủ
Đại diện lớn nhất của rơ này hiện nay là CNT, tuy nhiên đây cũng là một rơ có từ lâu đời, song song với rơ phòng thủ. Ban đầu là đám thìa vuông Nhật và thìa gai công Tàu cũng lấy tấn công làm chủ đạo, buộc đối thủ phải theo lối chơi tốc độ trong khi mình nắm thế thượng phong ôm bàn dứt điểm. Bên Châu Âu nổi lên một Schlager trong những năm “quá độ” chưa có Tenergy và booster cho mút Tàu thì hắn cũng làm mưa làm gió, chén được cả cái World Cup. Bên Ta thì có Vũ Mạnh Cường và Đoàn Kiến Quốc cũng giật được khá nhiều huy chương vàng thời cái ao ĐNÁ còn chưa bị đám Tàu di dân làm đục nước. Từ khi bọn Tàu thích nghi với luật cấm keo tăng lực và bóng lớn, có Bh khủng thì Schlager cũng thức thời chuyển qua kinh doanh dạy bóng bàn thành triệu phú chứ không thèm đi đánh đấm chi nữa. Khổ nổi cái luật Vua thu lệ làng nên dù ITTF có cấm thì bên Ta vẫn xài keo tăng lực ầm ầm, rơ tấn công một chạm vẫn làm mưa gió bên trong nước, dù ra khỏi nước thua te tua tơi tả vẫn không thèm bỏ cái tư tưởng cũ sì. Ấy vậy mà đàn anh Tàu Khựa lại áp dụng thành công cái lý tưởng bá quyền ấy, chúng làm chủ trận đấu toàn bằng cách tấn công, dù trông có vẻ đơn giãn nhưng cho tới hiện nay (2014) vẫn chưa ai phá nổi cái thế “mã gài cứng, pháo liên hoàn, xe đâm thọt” ấy. Các bác đừng trách em thần tượng bọn Tàu, hễ ai giỏi và mạnh thì phải học theo trước đã. Đằng nào cũng làm đàn em, thôi thì chọn thằng đại ca nào to đầu nhất, chứ ai ngu gì chọn thằng ốm yếu xì ke? Em sẽ dần dần mổ sâu vào cái triết lý này để các bác thấy sự lựa chọn của em là hoàn toàn đúng đắn: tại sao cũng là một tư tưởng suy nghĩ giống nhau nhưng có người đi theo thất bại còn có người lại đẩy sâu nó tới đỉnh điểm thành công tột cùng.
II. Mối liên quan giữa chiến thuật, vũ khí, kỹ thuật và di chuyển lẫn tâm lý và thể lực
-
Vũ khí – chiến thuật
Em đặt vũ khí lên đầu tiên, vì tính chất nền tảng quyết định của nó. Sự thật là có rất nhiều HLV không hề quan tâm đến cái cốt và mút học trò đang xài, vẫn cứ áp dụng kỹ thuật và chiến thuật của lão vào dạy, cho đến khi học trò đánh được thì thôi. Vì chuyện học trò đánh được khi tập luyện thì có nghĩa là – theo quan điểm của đa số HLV – nó sẽ áp dụng được vào thi đấu thôi. Vd cầm Sadius với Bryce thì em vẫn có thể đứng va bàn cắt phòng thủ hoặc lốp bóng cao, vẫn có thể đánh giật bạt kiểu Tàu nếu yêu cầu đánh như thế trong tập luyện. Vì thế – em thấy khá nhiều – HLV cho rằng vũ khí là thứ “tập dần sẽ quen” rồi trích dẫn lời của vài cao thủ, kiểu “tui tập từ nhỏ tới giờ cây vợt này…”. Theo triết lý của những ông Coach ấy thì chỉ cần tìm một cây vợt “tốt” rồi cứ rèn luyện cho đến khi thuần hóa được nó, hay nói ngược lại: bị thuần hóa theo cây vợt ấy, toàn bộ kỹ chiến thuật đều đi theo cây vợt đó. Nhưng thường thì các ông HLV chả bao giờ thấy điều ấy, cứ nghĩ là đánh lâu quen vợt, nên ngay từ ngày đầu – những ông HLV cẩn thận và có kinh nghiệm – đã lựa cho thằng nhỏ cây vợt giống y chang của mình để dễ bề học theo các chiến thuật. Đó là kiểu dạy bóng bàn “truyền thừa y bát”, nghĩa là từ ông Tổ dạy sao thì truyền cái áo cái bát cho hàng đệ tử đồ tôn như thế.
Chính vì cái chuyện vũ khí và chiến thuật đi theo các “lò luyện” cho nên có chuyện lò Q4-Q7 thì nổi tiếng dạy đánh gai dài cụt trong khi rơ ở Bình Dương trước 2000 thì chuyên xài 729 bên Bh, lò Q1 Nguyễn Du thường có cú Fh đánh trên bàn, bên Tám Râu và Gò Vấp thường xài vợt mút chậm hơn các nơi khác,…có thể nhìn vợt đoán xuất xứ của đấu thủ (theo những gì em nhớ từ trước năm 2008). Chỉ cần để ý một chút là đoán ra ngay các đấu thủ ấy xuất phát từ đâu, chơi rơ gì, thường xài chiêu gì,…có nghĩa là có thể tính toán trước chiến thuật khi chưa vào đấu. Vào những ngày em còn mang danh gà (cúm) thì em đã hình thành một bài tủ chuyên trị những bác đánh Sadius+Bryce – dù rằng trình em lúc ấy chỉ là chặn đẩy Bh đều và bạt Fh hoặc giật một cú Fh hên xui. Dĩ nhiên em không thể đánh lại trình A xài vũ khí này, nhưng mà dạng phong trào cầm vợt nãy mà gặp em thì ghét lắm, em cứ khều khều đẩy đẩy thế nào các bác ấy cũng ra (ngoài) hay rớt (lưới) trước em. Tên của chiến thuật ấy là “ru ngủ đối phương”, đánh cho tới khi bên kia nổi giận lên là mình thắng, một chiến thắng thường bị chưỡi, vì không có gì hay ho cả. Nhưng đó là cả một quá trình quan sát và nghiên cứu có hệ thống, bắt bài chính cái chổ yếu điểm từ ngay cây vợt và miếng mút, chỉ có cao thủ tập ngày này qua ngày nọ mới may ra lấp liếm bằng cách làm mình ngộp trước, chứ ngang trình thì cầm chắc là đi ngay.
Có kiến thức càng sâu rộng về vũ khí thì càng có nhiều tính toán chiến thuật trước và trong trận đấu. Ví dụ như biết rõ loại vợt nào nhanh chậm, loại nào cho bóng cao vồng còn loại nào đánh bóng đi thẳng mà thấp, mút nào ra sao,…đến một mức độ mà chỉ cần vào trận xem vợt đối phương là trong đầu hình thành ngay các chiến thuật đối thủ sẽ chơi và các chiến thuật của mình để mang ra làm khắc tinh đối trị. Đó là các tính toán ban đầu mà chưa hề có các thông số nào về kỹ thuật hay chiến thuật của đối phương. Mỗi loại vợt mút đều có ưu khuyết điểm và những giới hạn của nó, một đấu thủ giỏi sẽ biết cách phối hợp để tạo ra một cây vợt ít khuyết điểm nhất, khi thi đấu mà em nhìn vợt thấy rõ ràng có tính toán kỹ thì em cũng sẽ rất cẩn thận trong chiến thuật. Còn hễ thấy những kiểu phối hợp hớ hênh thì em cứ khoét sâu vào chổ yếu đó, đến nổi có bác đánh xong tức ra quăng vợt luôn. Dựa trên thực tế là có nhiều loại vũ khí khi đã phối hợp thế nào rồi thì buộc phải đánh theo thế ấy, khó lòng thay đổi. Vd gai thủ thì khó tấn công còn gai công thì khó lùi lại cắt thủ hoặc lốp lên cao, vợt cứng mút mềm thì buộc phải đánh sớm tấn công chứ bị ép vào thế thủ sẽ rất yếu.Em sẽ không viết sâu trong phần này, vì đây chỉ là những cái “lẻ tẻ” mà em cố tình giấu để giữ tính “đa dạng” trong giới bóng bàn phong trào. Em chỉ áp dụng mấy cái kiến thức chợ trời này khi cầm quân đi đánh giải thôi.
-
Kiểu cầm vợt – chiến thuật
Dĩ nhiên vợt thìa thì chơi chiến thuật khác vợt ngang, điều này chắc không ai bàn cãi. Điều lạ hơn nữa là vợt thìa vẫn có thể đánh chiến thuật giống vợt ngang và đôi khi vợt ngang vẫn có thể áp dụng chiến thuật vợt thìa, kiểu như cầm kiếm mà xài đao pháp vậy (rơ chưởng, cầm vợt ngang mà đánh chỉ có một mặt, vẫn thấy trong giới giang hồ). Nhưng có một điểm ít ai để ý tới là cách cầm vợt ngang cũng rất đa dạng, có người cầm khá lỏng chỉ với 2 ngón tay, còn các ngón khác chỉ tựa hờ lên cán vợt, có người cầm với hai ngón tay bên mặt Bh hoặc có kiểu cầm như cầm dao: không tựa ngón trỏ lên mặt Bh. Có 2 kiểu cầm vợt ngang điển hình là cầm kiểu FH và kiểu BH, mỗi cách đều áp dụng chiến thuật khác nhau (nếu học có bài bản ngay từ ngày cầm vợt). Hoặc có đấu thủ đánh Bh bằng kiểu cầm Bh cho dễ xoay trở, khi xoay qua Fh thì bẻ vợt lại cầm khít lên thành ra kiểu Fh để tăng lực cho cú đánh. Mỗi cách cầm đều có ưu khuyết điểm, nếu nắm bắt được thì ta sẽ áp dụng đúng chiến thuật cho gà nhà mà bắt bài đối phương, nếu trình độ không chênh lệch lắm.
Từ kiểu cầm vợt cho ra cách giao bóng, mà giao bóng là điểm xuất phát của một chiến thuật. Đỡ giao bóng cũng rất quan trọng, đều liên quan đến cách cầm vợt. Vd cầm kiểu Fh grip thì các cú đánh trong bàn thường dễ đoán và không quá khó như kiểu cầm thìa, cầm kiểu Fh mà giao bóng thì thường là kiểu “múc cháo” không xoáy ngắn dài, nếu tạo xoáy ngang thì thường là hơi dài, hoặc giao mổ thì rất mạnh. Cầm thìa thì hoàn toàn mất cú giao mổ hoặc khó giao Bh. Đánh với Fh grip mà để cho họ giật Fh hết tay (kiểu đối giật xa bàn) thì cực kỳ bất lợi, trong khi đẩy được vợt thìa lùi xa bàn thì coi như vô hiệu hóa các cú sát thủ rồi (dù là Xu Xin thì cũng chỉ moi xoáy khi đánh xa bàn). Cầm thìa thì lợi thế ngay tại giữa nách phải trong khi cầm vợt ngang thì chỗ đó rất yếu. Nói chung là nhìn cách cầm vợt cũng có thể đoán kỹ thuật chiến thuật của họ mạnh yếu chỗ nào, từ đó tính toán binh đường cho quân ta.
-
Tay cầm vợt – chiến thuật
Dù là rơ “hai càng như một” thì Bh và Fh vẫn phải đánh khác nhau, do cấu tạo của cơ thể, nên tay trái và tay phải cầm vợt đánh sẽ càng khác nhau. Có một điều thường thấy là các đấu thủ tay trái thường chiếm được lợi thế hơn tay phải, nhưng đỉnh cao thành công lại luôn là người cầm tay phải. Khi đấu với người nghịch tay thì chiến thuật phải thay đổi khá nhiều, đặc biệt là với những đấu thủ tay trái có Bh và Fh khác nhau nhiều (vd Bh bắn thẳng còn Fh giật moi, hoặc Bh giật xoáy ngắn ôm bàn còn Fh xài gai công hay gai dài công xéo. Gặp những tay vợt “phá bài” như thế là một sự điên đầu của người cầm quân, vì phải đổi chiến thuật liên tục. Trong một đội hình thi đấu mà có một tay trái và một gai thì cực kỳ lý tưởng, nếu đánh theo các thể thức 3 hoặc 5 đơn với hai đôi. Với đội hình này thì tha hồ mà bày binh bố trận, giống như cờ còn nhiều quân tha hồ mà đi, thắng thua phần lớn do ông HLV.
Điểm khó chịu nhất của tay phải đụng tay trái là phải đưa Bh ra hứng chịu những đòn Fh uy lực trong khi Fh của mình phải đối diện với Bh bên kia, chứ không còn là Bh-Bh và Fh-Fh nữa. Mới nghe thì thấy cân bằng, vì bên nào cũng bất lợi, nhưng vì số người thuận tay phải chiếm đa số nên vdv tay trái được đánh quen rồi, còn lâu lâu tay phải mới gặp một tay trái thì sự bất lợi không còn đều nhau nữa, mà là nhân đôi. Rơ một càng sợ nhất là gặp tay trái có cú Bh bắn thẳng (hoặc gai công) còn Fh xài mút xoáy khủng, cứ đội bom vào Bh của mình (rơ một càng làm gì có cú phản công Bh), trong khi mình đánh thẳng vào Bh thì bị đội bóng, buộc phải hãm lực. Nếu vào thế nghịch ấy thì trình hơn nhau 3-4 bóng vẫn trở nên cân bằng nếu không tìm ra chiến thuật hợp lý.
-
Kỹ thuật – chiến thuật
Hai cái này mới nghe thì thấy chả có bà con họ hàng gì, bởi vậy trong các diễn đàn bóng bàn thường tách chúng ra hai nhóm riêng. Vd có bác bàn về kỹ thuật đánh mút Tàu mà chả đá động gì tới chiến thuật, cứ như là cầm mút Tàu thì xài chiến thuật Đức hay Nhật cũng được. Ai có chơi cờ thế sẽ hiểu em sắp nói gì: ta và đối thủ có một số kỹ thuật giống và khác nhau, như các quân cờ khác ở các vị trí khác nhau, ai có chiến thuật cầm quân giỏi nhất, ứng dụng tốt nhất các vị trí và tác dụng của quân cờ sẽ giành chiến thắng. Cầm cờ có 2 con xe thì đi chiến thuật khác cờ có đủ xa pháo mã. Có một dạo em đánh cú đập cực dỡ, thường bị đối thủ khai thác cứ nêu bóng vừa tầm cho đập, nhưng cú đập bóng gần lưới trong bàn hoặc giật cầu vồng của em thì vẫn rất mạnh; thế là em đành phải áp dụng chiến thuật giao bóng ngắn trong bàn rồi gò ngắn, chờ đẩy góc rồi dứt điểm. Đối thủ sẽ cố gắng giao dài dụ em tấn công trước rồi lùi ra nêu bóng lưng lửng ngang vai cho đập, em đành phải chơi trò chém lại cú giao bóng, hoặc chém luôn cả cú nêu bóng cao, phá cái thế yếu của mình, chờ đối thủ gò lại thì đánh liền (vì đánh bóng xoáy nặng là kỹ thuật sở trường của mút Tàu, ghét nhất là bóng lưng lửng không cao, nếu lốp cao thì đổi mặt đánh cũng không có gì lo lắng). Nghĩa là mình yếu một vài kỹ thuật phải lấy chiến thuật bù vào. Mấy bác xài thìa mút Tàu thì chuyên giao bóng khó mà dài đổi góc, không tấn công trước mà đở vào thì tiếp theo là ăn bạt ngay. Dựa vào cú bạt tốt nên mấy lão ấy rất thích quả bóng hơi khựng lại, ai tấn công trước thì mấy ổng chặn đẩy góc, hở tay đở lại là chết ngay với cú bạt, bù lại không biết giật nên rất ghét bóng thấp lại chuội hoặc xốc tới. Còn mấy chú trẻ trâu thích đối giật thì cứ y như giao bóng xong là lùi xa bàn đánh giật cầu vồng biểu diễn, chứ chẳng chú nào chơi trò một chạm.
Tính toán chiến thuật dựa trên kỹ thuật là bài toán khó, dầu rằng biết rõ quân ta thế nào, buộc phải quan sát các trận đấu trước của đối thủ rồi mới đưa ra các chiến thuật – tuy nhiên chắc ăn hơn là chỉ nhìn vũ khí. Kỹ thuật phe ta thế nào thì người HLV phải nắm, rồi hướng tới các chiến thuật dựa trên thế mạnh kỹ thuật, tìm cách khắc phục các yếu điểm,…Chán nhất là mấy bác coach Tây khi cầm đội có những đứa da vàng chơi rơ một càng từ bé mà cứ dạy bọn nó chiến thuật đứng giữa bàn đánh hai cánh hoặc chiến thuật đánh an toàn! Rơ một càng dựa trên kỹ thuật Fh mạnh, bù lại yếu Bh thì làm sao chơi trò lên xoáy hai cánh như rơ Châu Âu? Chơi rơ một càng thì lấy kỹ thuật tấn công dứt điểm làm chủ đạo khi có cơ hội chứ đâu thể đánh rơ hoa mĩ giật bóng xoáy cầu vồng. Có hiểu biết về kỹ thuật sẽ không bị những trường hợp chỉ đạo chiến thuật tréo cẳng ngỗng như thế.
Tìm ra một chiến thuật hiệu quả dựa trên kỹ thuật của ta và địch là một việc làm rất cần đầu óc và tầm nhìn. Đôi khi đánh với đội có coach giỏi rất ức chế, phải nhức đầu vắt óc đấu trí cực nhanh. Chỉ cần đánh xong séc đầu là coach đội kia chỉ đạo chính xác, bắt bài mình hết 4 điểm đầu tiên rồi sau đó nếu mình vẫn không thức thời thay đổi thì cầm chắc chết luôn séc sau. Nhìn các đặc điểm kỹ thuật của đấu thủ là ông coach giỏi có thể bày ra một đấu pháp cho đệ tử đánh suốt một séc sau hoặc cả trận đấu. Vd bên A đánh trái phải khá đều, lùi xa một chút mà lên xoáy vào giữa rồi dứt điểm góc, bên B có cú ôm bàn chặn đẩy Bh, đở được khoảng 90% cú tấn công của A, bù lại thì Fh chỉ biết tấn công thẳng sát lưới. Coach của B sẽ chỉ đạo giao dài ép góc trái hoặc trả dài qua trái, nếu bị tấn công về phía Fh thì cũng chỉ là bóng yếu và hở có thể phản công ăn ngay. Tùy theo cái tầm nhìn của ông coach mà sẽ bảo B dựa vào cú chặn Bh hay lợi dụng Fh tấn công trước, gặp ông coach tào lao sẽ chỉ nhìn thấy thế trận có một chiều rồi chỉ đạo phiến diện càng thua nhanh hơn. Coach của A nếu biết thế mạnh kỹ thuật sẽ chỉ đạo đánh nhẹ vào Bh của B rồi dứt điểm vào Fh, hoặc đánh dài qua Fh rồi chờ đối giật, khi B đã lùi ra thì khoét lại về Bh. Cũng chỉ là một đấu thủ có bấy nhiêu kỹ thuật mà áp dụng chiến thuật đúng sẽ đánh ra kết quả hoàn toàn khác xa.
Muốn biết kỹ thuật trong trận ra sau thì chưa cần xem vdv đánh, chỉ cần nhìn cách chúng khởi động làm nóng trước thi đấu, vì đó là những động tác cơ bản chúng đã tập nhiều lần. Nhìn lúc làm nóng là biết chúng sẽ đánh ép đầu bóng hay đánh dầy từ sau tới, chúng đánh thiên về cầu vồng xoáy hay là đánh nhanh thẳng tới. Đặc biệt thấy thằng nào hay múa may khoe kỹ thuật hoặc khoái đánh bóng cong ngang thì biết ngay vào trận nó thường tấn công trễ, chờ bóng xuống khá thấp. Nhiều thằng cũng rất cáo già, tập ở ngoài ngon lành rồi, khi vào thi đấu có 1 phút làm nóng thì nó tráo mặt vợt rồi cứ giả vờ đánh hỏng hoặc quá mạnh, nhất là những đứa chơi mút “độc”. Nếu tin vào cảm giác bóng lúc ấy mà vào trận sẽ mất nửa séc đầu bị động, nhưng chơi tiểu xão thì chỉ thành tiểu tử hay tiểu nhị, làm sao thành “được tiểu bình”?.
-
Di chuyển – chiến thuật
Tay vợt nào di chuyển càng tốt thì càng giúp đơn giãn hóa chiến thuật chừng ấy, vì có thể dùng di chuyển bù khuyết cho kỹ thuật lẫn các yếu tố tay thuận nghịch. Chỉ cần nhìn bọn chúng tập khởi động với nhau là đoán được bước chân của từng đứa sẽ thiên về rơ nào, ôm bàn hay chịu lùi xa, thủ một chỗ đánh một bước hay chạy cắt bàn,…Em có viết một topic chuyên về căn bản cho bộ chân, các bác nên tham khảo để hiểu bộ chân tốt thì có lợi thế nào. Những tay vợt yếu di chuyển thường có xu hướng ôm bàn, nhưng đã yếu thì càng yếu hơn chứ cũng không giúp được gì. Thi đấu mà bắt bài cái bộ chân và bước di chuyển thì nghe có vẻ “chuyên nghiệp” và cao xa lắm, trình phủi chẳng ai nghĩ tới. Ấy vậy mà nó đơn giãn lắm, chỉ cần để ý và có kinh nghiệm nhiều về các bước và vị trí căn bản, sau một séc đấu có thể biết được cái thế mạnh và điểm yếu chỗ nào. Sàn đấu bóng bàn cũng như một bàn cờ với các vị trí đặc biệt, chỉ cần nhìn cách di chuyển có đúng các điểm chốt không là biết được bao nhiêu là chổ yếu chiến thuật có thể khai thác. Bởi vậy trong các trận đấu bóng bàn, 2 ông HLV chỉ đạo đều ngồi về phía bên hông bàn chứ không bao giờ có chuyện ngồi phía sau lưng gà nhà. Không phải là để tránh chuyện nhắc bài, mà cái vị trí ngồi ấy mới lý tưởng để quan sát cả hai đấu thủ, cả ta và địch. HLV mà thích ngồi sau lưng học trò của mình thì sẽ chẳng thấy gì các bước di chuyển của đối thủ bên kia, giống như đánh cờ mà chỉ nhìn quân của mình vậy. Đây là chỗ mà chỉ có HLV ở ngoài mới thấy rõ còn đang đấu rất khó nhìn, vì chỉ có thể thấy từ hông trở lên thôi. Vd như em từng chỉ đồng đội đổi chiến thuật khi nhìn thấy bộ chân của đối thủ toàn là me cú Bh, khi đánh Fh mà cũng đưa chân thuận ra trước thì làm sao mà mạnh. Hoặc em thấy thằng tay trái nọ ôm góc Bh với bộ chân Fh xuống tấn cứng ngắc, cứ chờ bắn Bh và giật Fh, công nó không lủng mà để nó công lại thì cực kỳ dã man. Thế là em đổi bài, đưa bóng lưng lửng cho nó moi bên Bh, tự nhiên nó lúng túng hẳn vì bộ chân này không thể giật Bh mạnh được, mà hễ nó chuyển bộ giật thì ép hết qua Fh nó lại, thế là phá được cái thế trận.
-
Thể lực – chiến thuật
Các vdv đỉnh cao nào cũng cần có thể lực sung mãn nhất khi bước vào các trận đấu dài triền miên cả tuần lễ, đánh từ sáng tới tối, nhất là ở các giải đấu tổ chức kém – vừa đánh xong bước ra là bị kêu vào đánh tiếp thể thức khác ngay. Đừng kể chi chuyện tính toán cho ngày mai, trong một séc những trận đỉnh cao cũng kéo dài triền miên, buộc phải có chiến thuật phù hợp để dồn “đỉnh thể lực” cho những điểm quan trọng mà biết chắc rằng sẽ vô cùng giằng co. Cá nhân em tập luyện cũng chỉ dám cầm 4 quả bóng mỗi lần tập đối giật, nếu muốn rèn luyện lâu dài suốt 2-3 giờ. 4 quả bóng ấy nhắc em rằng khi nắm tấn công trong vòng 4 điểm phải tìm cách câu giờ lấy sức, hoặc phòng thủ chờ hồi sinh lực. Trong chiến thuật để thắng một séc bao giờ cũng có tính tới những lúc “bức phá” tạo khoảng cách an toàn, hoặc những lúc cố tình làm giãm nhiệt độ trận đấu xuống, nếu tính sai với đỉnh thể lực của đấu thủ thì cứ như bị tuột hơi khi cần “chạy nước rút”. Các chuyên gia về cơ thể học thường tham gia vào hoạt động thể thao, họ giải thích các cơ chế hoạt động của cơ bắp, dựa trên các hệ năng lượng nào, khi đánh rơ dứt điểm phải theo hệ khác đánh rơ đều dai sức. Nếu theo khác hệ thì cú dứt điểm sẽ mất tính bạo lực, hoặc rơ đều sẽ bị hụt sức.
Giống như chơi đá gà hay đá cá, nhìn thức ăn của bên đối phương cũng có thể đoán ra chiến thuật hợp lý mà bọn chúng phải áp dụng. Cá cho ăn mối có cú cắn khác cá ăn trùn chỉ, gà ăn bắp đá khác gà ăn lúa. Vdv ăn thịt chiên rồi uống nước ngọt có gaz sẽ đánh khác tụi ăn uống trước ở nhà, có mang theo chuối hoặc nước thể thao có pha muối. Chỉ cần nhìn là biết đứa nào vào trận sẽ hùng hổ rồi xìu rất mau, hoặc chỉ cần thua hai ba quả là mất hết ý chí lẫn thể lực (dạng lười di chuyển dù rất khỏe). Hoặc nhìn thể hình cũng có thể tính toán chiến thuật, cao to đánh khác lùn nhỏ, mập đánh khác ốm, già đánh khác trẻ,…hoàn toàn ảnh hưởng rất sâu xa tới chiến thuật từng đường bóng. Mùa Đông khô, nhiều dân da vàng bị suyễn do khí hậu lạnh mất hơi nước khiến khí quản bị cháy rát, em cũng thường hụt hơi trong những pha đôi công lâu hoặc lùa góc, thế là bọn đối thủ kháo nhau về bộ chân em yếu. Cũng may là chúng bị lừa bởi không nhìn ra cái sức khỏe kém bên trong cái khung cơ bắp như em, thế là bọn chúng đoán lầm nên cũng sai chiến thuật: ép em lùi ra ngoài rồi ém góc. Quả nào khó quá em bỏ không thèm theo để tiết kiệm sức mà làm bọn chúng củng cố lòng tin, quả nào ngon thì em lao theo đánh chết luôn. Đôi khi cũng phải hy sinh một vài trái để đối thủ nhìn sai chổ yếu, nhìn đúng thì em có mà ăn cám. Nhiều thằng thấy em đánh trận chót hôm trước, nghĩ là bắt bài được, liền áp dụng vào trận đầu tiên hôm sau, khi em còn đủ 100% xăng, thế là tự nhiên có một trận thắng quá dễ.
Chính vì yếu thể lực nên em tính toán chiến thuật rất ngắn, chỉ trong vòng 5-7bóng là phải thắng, nếu kéo dài hơn thì em sẽ chuyển sang chiến thuật khác chứ không cố sức tấn công, dù mút Tàu đánh rất an toàn. Ngay cả trong một séc em cũng phải cân nhắc chiến thuật cẩn thận sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe, có 3 lần lau mặt là em tận dụng hết. Học được nhiều trò từ mấy ông già Tàu, chẳng bao giờ phí sức khi chưa nắm phần thắng nhiều hơn. Cũng không bao giờ đưa thế trận vào những lần đấu sức như đối giật xa bàn, dù em luôn có lợi thế mút Tàu. Thể lực yếu nó bất lợi về chiến thuật ghê ghớm thế đấy, trai tráng mà phải đánh như ông già, vừa ru ngủ vừa mượn lực đả lực. Nhưng nhờ vậy mà hình thành được rất nhiều kinh nghiệm, vd như có thể đoán biết bọn trai tráng sẽ đánh tấn công mồi khi nào, ỷ vào sức khỏe thì chúng thích xài chiến thuật gì và khi nào thì chúng sẽ phải “xìu” đi. Đó là chỗ mà khi còn “sung sức” chả ai thèm tính toán.
-
Tâm lý – chiến thuật
Em thấy hai cái này nó tuy cùng hệ nhưng khác cấp, tâm lý luôn nằm rất sâu phía dưới chiến thuật. Nói đến tâm lý trong thi đấu thì ai cũng nghĩ ngay đến Tự Tin, nhưng ngoài ra còn rất nhiều tánh chất khác trong tâm lý rất ảnh hưởng đến chiến thuật. Ai chơi rơ phủi đánh độ bia thường xuyên, hoặc đánh các “xới” ngoài Bắc sẽ hiểu thế nào là các “chiến thuật tâm lý”. Bọn trẻ mà đánh với mấy lão già này thường thua rất nhanh, dù trình bọn nó dư sức tiễn các lão ấy đi dưới 5 điểm. Nói về tâm lý thi đấu có thể viết ra nguyên một chủ đề lớn, trong phạm vi bài này em chỉ đưa ra vài ví dụ minh họa thôi, còn chứng minh nó ảnh hưởng thế nào tới chiến thuật thì chắc là không cần thiết nữa. Một trong những cáo thủ chơi tâm lý giỏi nhất mà em biết là Schlager, ai xem hắn thi đấu nhiều thì sẽ hiểu, từ cách hò hét cho tới cách nhìn thôi miên đối thủ. Schlager cũng thường bị phàn nàn là thường chưởi hoặc la hét làm rối trí phân tâm đối thủ để đoán hoặc gài bên kia làm gì, nhưng chính lão ấy cũng thường bị mất bình tĩnh trước tiên. Vững tâm lý nhất là Waldner, đánh bóng cứ như đi chợ nên chiến thuật của lão ấy luôn đơn giãn mà khó đoán. Đánh mút Tàu rơ một càng rất có lợi về mặt tâm lý, khi mà các cửa thua gần như bít kín hết, cứ như thành đồng vách sắt muốn phá hủy phải xài tới vũ khí hạng nặng. Xem lại thời CNT đánh trước 2005 thấy chỉ có Ma Lin là vững tâm lý nhất, càng về sau này bóng bàn TG như yếu đi so với CNT, các trận đấu luôn chỉ có một chiều, tâm lý bọn Tàu cứ như là tự tin tuyệt đối. Xem lại các trận đấu trước 2005 thì thấy rõ một điều là bây giờ tuyển CNT đánh cực kỳ ít lỗi so với thế hệ ngày xưa, muốn thắng CNT ngày nay buộc phải tấn công cật lực mới ăn được một điểm, chứ đừng mong chúng tự đánh hỏng. Cơ hội để đánh những đường bóng lơi không lực hoặc gài bóng tấn công trước khi đánh với CNT không còn nữa. Phải có một cái gì đó trong kỹ thuật hay chiến thuật khiến cho bọn CNT cực kỳ tự tin trong thi đấu. Ở đây ta thấy một điều ngược lại, chiến thuật ảnh hưởng ngược lại tâm lý, và cứ thế thì bất cứ khía cạnh nào cũng sẽ rất mạnh.
-
Chiến thuật – chiến thuật
Có một số chiến thuật đá nhau, nghĩa là đã đi theo em này thì đành phải dứt tơ lòng với nàng kia. Vd đã đánh rơ một càng thì khó lòng chuyển sang thế trận 2 càng, kiểu như Ma Long thì sẽ không bao giờ giật Bh dứt điểm mà sẽ luôn dùng Fh bên cánh trái để quyết định tỉ số. Nhiều bác tập nhiều chiến thuật hay nhưng rồi thi đấu đánh chả ra ngô khoai gì hết, vì mổi chiến thuật là một phối hợp dựa trên các yếu tố khác nhau, nhiều khi chỉ là cái thế đứng hoặc cách cầm vợt. Kiểu thường thấy là chơi chiến thuật hai càng chung với chiến thuật 1 càng trong cùng một trận đấu, điều này có thể xãy ra nếu có tập luyện lâu dài, nhưng khổ nổi nhiều khi ông coach hứng lên chỉ đạo đánh Bh dứt điểm nhiều hơn trong khi vdv thì chỉ có một càng, thế mới chết. Các chiến thuật một chạm sẽ rất thất bại nếu bị buộc phải đổi qua chiến thuật gò công hoặc moi bạt, vì thế các chú chơi rơ chớp nhoáng sẽ rất kỵ những chú đỡ giao bóng tốt. Chính vì vậy mà để tập luyện một đấu thủ, không phải chỉ cần vài bài tủ là được, mà cần cả một hệ thống liên hoàn các chiến thuật đi chung với nhau, sao cho càng ít nhưng lại hiệu quả. Nếu có bị đổi thì cũng theo cái chiến thuật chung hoặc lật ngay sang cái chiến thuật mà bên kia đang kỵ. Bàn cờ nào có nhiều đường binh hơn sẽ có cơ hội thắng cao hơn là bên chỉ có một cách đánh.
-
Mối liên quan giữa tất cả với nhau