Mút gai

Đây là đề tài rất khó, ngay từ cái tiêu đề em cũng không biết đặt sao cho đúng, vì nếu để là “chơi gai” thì có khi Google nó search không dấu thành ra bài của em lọt vào danh sách đen, còn nếu để là “đánh gai” thì cũng có khi bị công an truy nã vì tội bạo lực. Thôi thì em sẽ để là “mút gai” cho nó tổng quát, cũng như nội dung của nó cũng sẽ chẳng giúp gì được cho các bác trong việc lựa chọn một miếng gai độc như cá nóc, hoặc tìm cách để đánh thắng chú Joo Sea Huyk. Em chỉ hy vọng giúp các bác chơi bóng bàn dạng phong trào có thêm chút kiến thức về cái loại mút xa xưa thời ông cố tổ của môn bóng bàn này. Mơ ước tào lao của em là phải chi ở VN có các em mới tập bóng bàn đã tập chơi gai ngay từ lúc đầu, nếu chơi gai công bên Fh luôn thì quá xá tốt.
Trước khi vào vấn đề, em xin kể 3 câu chuyện. Em tập chơi bóng bàn tự phát, cho tới cái thời mà ở Bình Dương còn bao cấp cho những lớp bóng bàn Hè, chỉ tốn tiền mua bóng và nước uống cho cô giáo, thì em mới được học bóng bàn “có trường lớp”. Học đâu chừng một cái hè thì em đi đấu giải trường, và thua ngay thằng nhóc nhỏ hơn em 4 tuổi, chỉ vì nó chơi mút gai bên Bh, nói chung là….không có gì để nói, thua toàn tập. Về méc sư phụ thì bả cũng nói huề vốn “tao đụng nó cũng hỏng dám nói là thắng, vì đánh với gai hỏng ai dám nói trước được“. Đó là câu chuyện thứ 1.
Thế là thằng nhỏ ức quá, đòi học chơi mút gai, vì lợi hại quá mà. Nó bèn lột ngược miếng mút Minh Nghĩa dán lại, thế là có một mặt gai nữa công nữa thủ – mà bác Dr. Neaubaure thấy cũng phải khóc ròng. Khi hí hửng đem tới lớp thì bị ăn ngay một thau nước lạnh “mới tập bóng bàn căn bản không được xài gai, hư tay!”. Nhưng em có nồng độ lì trong máu khá cao, em vẫn cứ xài, bằng cách là đổi sang cầm vợt thìa vuông, mặt sau dán gai. Tuy em đánh không hay, nhưng em đánh xấu quắc nên cũng thắng được vài người, nhất là đám bạn tập chung. Phiền một chỗ là từ đó em rủ chẳng ai chơi với em nữa, vì tụi nó sợ tập với em sẽ bị hư tay. Đó là chuyện thứ hai, đâu chừng 20 năm về trước.
Cũng may là em không theo bóng bàn “năng khiếu” nữa nên chả ai cấm hay bài trừ em được. Hồi chơi vợt thìa vuông em còn xoay cái mặt gỗ sơn đen ra đỡ bóng xoáy, khối đứa bị ăn quả “gậy ông đập lưng ông”. Rồi thì gai dài gai cụt, gai chế cho tới mút chết mút Anti,…cái gì em cũng thử ráo. Vui nhất là em cầm miếng ván (làm bảng lót để vẽ tay ký họa kiến trúc) đi đánh độ, cũng kiếm được kha khá nước của mấy con gà trong trường đại học. Đạt tới trình độ cầm vợt không dán cái gì mà vẫn đánh vào bàn, tấn công phòng thủ đều được. Khi có chút ít tiền thì em bèn thu gom rất nhiều loại gai về mà thử với đủ kiểu lót và vợt cứng mềm khác nhau, cho nên bây giờ em có gần cả chục miếng gai các loại mà….không có truyền nhân, hix.
Các bác đừng bảo em bất tài không biết truyền đạt kỹ thuật (hoặc nghệ thuật) đánh gai. Em cũng có thử nhiều lần, khi em đứng lớp dạy cho rất nhiều đứa nhỏ khác nhau với tư cách là HLV chính, em đã chọn ra lần lượt hơn 7 đứa và cho chúng nó đánh gai ngay từ đầu. Có cả gai dài thủ xa bàn, gai công Bh và nhiều đứa chơi gai công Fh. Em cũng nghe đúng một bài tụng kinh “chơi gai không phải là căn bản, sẽ làm hư tay tụi nhỏ, bóng bàn đỉnh cao không ai đánh gai,..”. Và em bị áp lực buộc phải đổi lại mút láng cho bọn trẻ, chỉ giữ lại 2 đứa dạy riêng là còn chơi gai công. Đó là chuyện thứ 3, mới đây.
Mấy bác mà phát ngôn cho đã cái miệng ở trên ấy, chẳng bác nào lấy nổi bác Lê Văn Inh được hơn 5 quả, mà bác Inh chơi gai bên Fh và phản xoáy láng bên Bh. Đừng nói chi là bác Inh, gặp bác sỹ Hiển cũng chả lấy được séc nào lận lưng. Chẳng lẽ em đi méc bác Inh là người ta nói bác không biết căn bản bóng bàn, hư tay và không thuộc hàng cao thủ! Mà nói có chứng, số 1 nữ của Úc chơi 2 bên gai, số 1 nam (trên 40 tuổi) của Nam Úc cũng chơi 2 miếng gai, mà ông này từng thắng luôn giải National nữa chứ (bây giờ mà chịu đi đánh thì cũng đứng nhất tiếp). Còn trên diện quốc tế thì ông thầy của toàn bộ đội tuyển Tàu, ổng chơi mút gì bên Fh vậy nhỉ? Mà nói chi cho cao xa, cứ đi đánh “giải phường” đụng mấy ông già đánh gai khều khều cũng thua nữa, vậy mà hễ em dạy bọn trẻ đánh gai thì la oai oái rằng đánh gai thì “hư tay, không cơ bản”. Mà hư tay nghĩa là không đánh mút láng được nữa, hóa ra mút láng là chính quy còn gai là thứ bàng môn tả đạo hay sao? Thế thì chúng ta vinh danh cụ Mai Văn Hòa làm gì nhỉ, một kẻ tà đạo làm bại hoại bóng bàn chính quy VN?
Các bác sẽ thấy là câu chuyện số 2 và 3 rất giống nhau, dù ở hai đại lục khác nhau. Cộng với chuyện thứ nhất – mà tới giờ vẫn còn đúng, nhiều người rất kỵ gai – thì em có thể nhận xét là kiến thức về mút gai của dân VN ta quá hạn hẹp. Dù rằng có vài bác dám tuyên bố là đã hiểu rất sâu, đã biết cách xẻ từng múi sầu riêng ra ăn hoặc bóp nát trái lôm chôm, khi gặp kiểu đánh gai khác vẫn thua ngay như thường. Biết là một chuyện, còn làm sao ăn được và đủ khả năng để thắng hay không là chuyện khác, nhất là với những người chơi đánh gai có trường lớp bài bản hẳn hòi, họ chỉ chừa cho ta một cửa rất hẹp mà chỉ cần lệch một chút là vướng ngay cả chùm gai độc. Chính vì thiếu kiến thức cho nên chẳng ai dám mạo hiểm cho con em mình đi theo con đường “chông gai” này ngay từ buổi đầu. Phần vì không có thầy dạy chính quy, phần vì không có bạn tập – vì bọn nó đâu có chút kiến thức nào về xoáy của gai, lại chơi vợt nãy quá nên toàn là đánh hư – cho nên khi nghe nói tới gai thì ai cũng nghĩ đó là những ông bà già hết hơi, hoặc là những ai yếu bên Bh phải chữa cháy bằng một miếng phản xoáy khó chịu.
Còn một vấn đề nữa, nhiều người sẽ cho rằng bóng bàn hiện đại không có cái ghế nào cho gai, khi nhìn ra thế giới toàn là các cao thủ chơi mút Tàu và Tenergy chiếm gần hết chỉ để lọt Joo Sea Huyk trong top 10, Cheng Wei Xing, Wang Xi và He Zhi Wen trong top 20. Nghĩa là dù có phấn đấu hết sức cũng vẫn thua mấy con khủng Long chơi mút H3 (bởi vậy nhiều người khoái mút H3 hơn là mút gai). Nhìn lên trong nước thì vẫn thấy một giàn toàn là Xã Điệu với mấy miếng nhanh khủng như Stiga Calibra hoặc Bryce Speed, có ma nào chơi gai đâu? Bởi vậy đã không có ai thành công thì làm gì có ai khởi đầu.
Đã vậy, có bác còn lý luận rằng từ khi bóng bàn bỏ luật giao bóng che tay, đổi bóng lớn và cấm speed glue thì môn phái tà đạo gai công trở nên biệt tích giang hồ. Bắt đầu bằng vụ bác Liu Guo Liang giải nghệ (để lên làm HLV trưởng đội tuyển TQ) và một loạt các tay vợt gai công gai thủ TQ bị đàn em xài mút DHS đào thải không thương tiếc. Tay vợt nữ Đặng Á Bình về hưu rồi thì thế hệ sau cũng không thấy ai chơi gai nữa, họa hoằn lắm thì có mấy em béo tốt làm quân xanh thôi.
Nhưng khoan hãy vội, các bác cứ giữ cái quan điểm ấy, cứ đọc tiếp bài em viết. Thường thì “cũ người mới ta” hoặc “cơm hẩm nhà hàng xóm là cỗ béo của mình”, biết đâu mấy thứ kiến thức cũ rích này lại là bí kíp thất truyền, luyện thành một Mai Không Thắng lẫy lừng giang hồ.

 

I. Những lợi ích khi chơi mút gai

 

1. Tính kinh tế
Chắc là không bác nào bàn cãi với em chuyện này, chơi mút gai quả là tiết kiệm. Một miếng gai công 802 đánh chắc 5 năm cũng chưa cần phải thay, hoặc có bác còn xài gai dài cũ đến mòn trơn cái đầu gai mà chưa chịu đổi, để vậy cho nó…ác. Mà luật ITTF cũng không thấy chỗ nào bắt phải thay mút khi bề mặt mòn cả, trừ khi bị bể rìa tét mút, mà gai thì có bao giờ mẻ rìa đâu chớ. Hơn nữa, đánh gai thì đâu cần xài keo tăng lực hay booster chi cho phiền phức, chả cần nước rửa mút hay life-expander, đỡ tốn bốn bề, dán một lần đánh tới già luôn. Gai thủ chân dài mà xài tấn công thì có khi gãy chân gai, chứ để cắt hãm lực thì có bao giờ hư đâu, gai công thì bền vô đối rồi.
Chơi mút gai thì đâu cần chi vợt khủng, vợt càng cùi bắp càng hợp với tính chất của gai. Nhưng cũng có bác sẽ bảo vệ ý kiến rằng gắn gai thủ với cốt nãy mới có tính phản xoáy cao. Chuyện này em sẽ bàn chi tiết sau, em có một cách biến cây vợt cùi mía gắn gai vào nó cũng phản xoáy còn ác hơn là chơi với cốt Xã Điệu, chỉ bằng một chai nước sơn bóng móng tay. Nhất là gai công, tìm mấy cốt lởm vừa dày vừa cứng dán vào, vậy mà đánh ngon hơn mấy loại cốt hi-end. Chuyện phối hợp cốt mút sẽ bàn sau, nhưng em dám cam đoan rằng có thể xài thứ “của nhà trồng được” mà vẫn ngon hơn hàng lởm mát-in-cháy-nhà.
Nếu đua đòi mà chơi mút úp đời mới thì quả là tốn kém, nhà sản xuất nào cũng ngâm mút trong booster, nên dầu có tìm được hàng loại nhất thì đánh chừng tối đa vài tháng cũng nát bét hoặc giảm các khả năng tạo xoáy hay chậm đi. Đó là nói thứ tốt, chứ mấy miếng Tenergy bán ở thị trường VN hầu hết là quá đát hoặc hàng dạt – nếu may mà mua được hàng “chính hãng”, chứ mút giả thì nhiều như quân Nguyên. Còn mút Tàu (cụ thể là Cuồng Phong hoặc TG, của DHS) thì các bác đừng có hy vọng tìm được miếng mút đánh ngon. Em lựa đỏ con mắt ở cái nơi uy tín mà cũng chỉ được có vài miếng “xài tạm mùa mưa” trong cái lô hàng gần mấy chục miếng. Mà đã hết đâu, dù là mút tốt thì cũng phải chấp nhận cái quy luật nghiệt ngã “mỗi tháng một em” nếu chịu cày đánh trận. Thế thì tốn kém quá, so với một miếng gai Tàu tốt chỉ mắc chưa đầy 10 USD, số tiền một năm tốn cho mút vợt booster và các thứ linh tinh đủ để mua gai về dán….sàn nhà. Ai mà sang thì xài gai Nhật cũng tầm 50USD, xài tới chừng nào chán thì bán lại vẫn không mất giá trị.

 

2. Tính hiệu quả khắc phục điểm yếu
Cái này thấy rõ trước mắt luôn, từ khi có bác nhập mấy loại gai tẩm độc xứ Tây Vực về bán, nhiều bác đang yếu một càng bỗng tự tin hẳn như “có cánh”. Hoặc có bác nào học hoài mà không giật xoáy được, đổi sang gai công tự nhiên thấy đúng cái mình cần. Đánh gai đâu có dễ, cũng có nhiều kỹ thuật cao cấp, vậy mà mấy bác ấy chỉ nhờ một tính năng duy nhất là phản xoáy để mà đỡ giao bóng hoặc gài bóng rồi đập thôi. Em sẽ phân tích kỹ ở phần sau, nhờ đâu mà mút gai lại rất hữu dụng ở sân chơi phong trào nước ta.
Ai yếu cái bộ chân thì đánh gai quả là lý tưởng, yếu bước không nổi như bác Trần Tuấn Anh B mà vẫn thắng trẻ trâu như thường. Gai thủ cũng tốt mà nếu thích thì xài gai công bên Fh lại càng hợp với những ai lười di chuyển. Vì gai sẽ trả bóng xoáy lạ, làm đối thủ phải khựng một nhịp nhìn bóng, rồi cũng không dám dứt điểm, nên mình có khá nhiều thời gian để mà hồi bộ và hồi sức. Vì thế gai là vũ khí lợi hại cho các bác lớn tuổi, kinh nghiệm tình trường đầy mình mà không còn cái sức bật như hồi trẻ. Những kỹ thuật đặc biệt của gai sẽ bù đắp khoảng cách của tuổi tác, khiến cho một ông già 70-80 vẫn còn có thể đối chọi với trai tráng thanh niên, cứ như là chơi bi-da hay đánh cờ vậy.

 

3. Tính hiệu quả trong tập luyện cá nhân
Sự hiệu quả này nằm ở chỗ là, nếu hai đứa như nhau cùng cùng học bóng bàn, thì đứa chơi gai sẽ lợi thế hơn ở rất nhiều điểm. Thứ nhất là thời gian học, đứa chơi mút sẽ phải học đủ kiểu kỹ thuật: giật moi, giật xung, gò, cắt, tạo xoáy, vv, trong khi đứa chơi gai chỉ học có một cú bạt thẳng vào bóng thôi. Bóng cao cũng bạt, thấp cũng bạt, xa bàn hay xoáy gì ko cần biết, bạt tuốt! Mà kỹ thuật bạt rất dễ học và vô cùng hiệu quả vì….khó hụt bóng mà lại dứt điểm nhanh chóng. Vì vậy trong khi đứa chơi mút phải dành rất nhiều thời gian cho các kỹ thuật lằng nhằng thì đứa đánh gai đã học qua tất cả các chiến thuật và thi đấu được rồi – bảo đảm thắng đứa kia nếu cho đấu nhau. Thứ hai là chiến thuật, đứa chơi gai chỉ có vài bài tủ, chiến thuật rất đơn giản và dễ áp dụng. Hơn nữa, đứa chơi mút láng kỵ gai chứ đâu có đứa chơi gai nào kỵ mút láng. Thứ 3, khi đứa chơi gai biết đổi mặt vợt, nó học kỹ thuật giật bóng rất dễ, chính xác mà lại rất mạnh. Trong khi đứa tập chơi mút láng muốn đổi sang đánh gai phải sửa lại từ đầu. Cuối cùng, đứa học chơi gai sẽ biết chơi cả hai loại mút (vì nó có thể xoay vợt) và biết cách đối phó với mút gai (vì chính nó biết ưu nhược điểm của mình), trong khi đứa chơi mút láng chỉ biết đơn điệu có một thứ. Mà nói hơi dư, đứa chơi gai sẽ chẳng bao giờ phải quan tâm chuyện “giật bóng sao cho mạnh”, cú bạt gai chẳng những mạnh mà còn khó đỡ nữa. Đó là em chỉ mới nói về gai ngắn đánh ôm bàn, khi phân tích ra sẽ còn rất nhiều cái lợi điểm khác, vd như bộ chân di chuyển khi chơi gai rất gọn và đơn giản, đỡ giao bóng và gài bóng rất hiệu quả, phòng thủ và phản công rất kín,…Nếu có viết về cách tập luyện cho từng loại gai thì em sẽ bàn chi tiết hơn

 

4. Hiệu quả trong huấn luyện chuyên sâu và thi đấu đồng đội
Trong một lớp mà có vài em chơi đánh gai từ căn bản thì thật là tuyệt vời để cho các em khác tập dợt, nhất là làm quen các đường bóng và cách làm việc của gai (các loại). Nếu có em chuyên cắt xa bàn thì quá tốt để luyện cho rơ giật với bóng xoáy chìm. Nếu có em chơi gai công ôm bàn dù là bên Bh hay Fh cũng rất tốt cho rơ đôi công, đó là chưa nói tới lợi ích phối hợp đánh đôi, có một đứa gai thì đứa khi khỏe lắm. Đào tạo được em nào chơi gai phản xoáy ôm bàn có thể xoay vợt đánh hết cả Bh hay Fh thì tha hồ mà dạy các bài tập lên lưới đánh.
Nếu trong đội hình có đầy đủ các rơ “tà đạo” như thế, tập dợt mỗi ngày với chúng, thì ra thi đấu đâu còn ngại gì mấy rơ gai góc. Hơn nữa, trong đội mà có mấy cây gai thì đánh đồng đội rất lợi thế, nhất là ở VN tỉ lệ kỵ gai vô cùng cao. Mà đã đánh với gai, sửa kỹ thuật chiến thuật rồi, khi đấu với mút thường vẫn còn bị cảm giác xoáy của gai làm tâm lý không ổn định, dễ thua tiếp trận sau. Nhiều trường hợp thi đấu, đội yếu hơn nhưng có một tay cầm gai, bắt bài bên kia kỵ gai thì có thể hoán đổi đội hình lấy luôn hai trận thắng cầm chắc.

 

II. Bất lợi khi cầm mút gai

Ở trên chúng ta đã thấy gai có rất nhiều ưu điểm như thế, tại sao bây giờ chẳng có ai cầm gai lấy Grand Slam như thời cụ Liu? Em xin trình bày theo kinh nghiệm về các điểm yếu của gai và phán đoán bừa lý do tại sao mút gai lại không thể làm bá chủ như thời xưa. Vì em sờ mu rùa đốt cỏ thi đoán đại, bác nào đang chơi gai mà thấy sai thì lượng thứ dùm, hoặc liệng cho em cục gạch cũng được, em xin nhận hết.

 

1. Không thể tự tạo ra nhiều xoáy
Đó là yếu điểm chung của gai, dù là Super Spin Pips đi nữa cũng không thể tạo ra xoáy nhiều như mút láng nói chung. Nhưng mà ai cho rằng mút gai tạo ra xoáy “ít hơn” mút láng thì coi chừng chết nhanh, chết vì “thiếu hiểu biết”, điển hình là đoán xoáy sai khi đở giao bóng. Mút gai có một ngưỡng xoáy khó thể vượt qua, nhưng trong cái phạm vi đó thì nó rất hiệu quả. Động tác tạo xoáy của mút vợt kiểu cũ là phải ma sát miết vào bóng, nhìn vào cách chạm bóng có thể đoán ra bao nhiêu xoáy, nhưng với mút gai công thì có thể tạo xoáy bằng một động tác rất nhanh và dứt khoát khó đoán. Bởi vậy khi giao bóng, người chơi gai công thường có 2 kiểu giao: tung bóng rất cao hoặc rất thấp, kiểu nào cũng nguy hiểm như nhau, gai công giao bóng hiệu quả hơn mút nhiều lắm. Gai công mà trả giao bóng lợi hại chẳng những hơn mút gai dài mà có khi hơn cả mút thường đời cũ (không tính loại đời mới lót Bios và bề mặt bám, có thể tấn công cú giao).
Khắc phục yếu điểm này, ngày nay các loại gai kết hợp loại lót bọt khí mềm cực kỳ đàn hồi sẽ cho khả năng tạo xoáy không thua gì miếng Mark V ngày xưa, nhưng uy lực hơn rất nhiều, vì càng đánh mạnh càng xoáy nhiều.

 

2. Khó biến đổi tỉ lệ xoáy, khó đổi xoáy
Nghĩa là gai nói chung không thể đổi xoáy hoàn toàn từ xoáy tới phía mình thành xoáy tới về phía đối thủ cũng mạnh như vậy, nó chỉ có thể làm mất xoáy, ngược xoáy lại một chút hoặc trả lại xoáy. Mút gai khó tạo ra các kiểu xoáy nhiều mà đi chậm nhưng lại rất giỏi đánh những quả đi nhanh nhưng ít xoáy. Nhờ vào sự phát triển của lớp lót, các loại gai hiện đại đã giải quyết được rất nhiều trong điểm yếu căn bản này. Vd miếng gai Grass D.tecs lót 1.6mm có khả năng cắt tạo xoáy rất mạnh, chẳng những trả xoáy mà còn thêm xoáy nữa. Cũng với miếng đó có thể biến đổi thành một cú cắt bóng ít xoáy hơn, dù là kiểu giật tới giống nhau. Lợi dụng lót dày, miếng này có thể dùng để bắn lại hoặc….đối giật lại cũng được! (với điều kiện là cốt vợt phải đàn hồi tốt). Những miếng gai công chân côn đầu nhám lót mềm ngày nay có thể dùng để đối giật dễ dàng, nhưng đó không phải là lợi thế, chỉ dùng như một lựa chọn chiến thuật.
Có bác cho rằng gai nói chung thường “sợ” bóng không xoáy, không lực, hoặc nhanh mà ko xoáy, đó là dựa vào hiện tượng gai khó đổi xoáy nên sẽ trả lại một quả ít xoáy hoặc không xoáy. Tuy nhiên, ai mà áp dụng chiến thuật “không lực Hoa Kỳ” đối với gai thì xác suất thành công chỉ khoảng 10% mà thôi (đó là những bác mới tập đánh gai, sẽ tự đánh hư nếu nôn nóng muốn tấn công bằng gai). Mà có khi phản tác dụng nữa, nguyên nhân em sẽ viết kỹ ở phần chiến thuật đối phó với gai.

 

3. Không thể tấn công bóng thấp hoặc bóng lốp quá cao
Khi bóng rơi thấp hơn lưới là gai trở nên yếu rất rõ, vì không thể tấn công dứt điểm (nhưng vẫn còn nhiều cú khác). Mà ở các trận đấu đỉnh cao, chỉ cần biết quả đó không thể công mạnh thì đối thủ cũng sẽ chẳng cần phòng thủ làm gì, buộc phải tận dụng cơ hội này tấn công lại ngay. Chính vì chỗ timing này mà bắt buộc các vdv đánh gai phải ôm bàn và có bộ chân rất nhanh, dù là bước ít và ngắn. Nhiều người kỵ gai đến nổi đến cú hất hay lùa góc của gai cũng gây khó khăn thì không thấy điểm yếu này.
Ai cũng nghĩ là gai công (hoặc gai dài) có cú đập bóng rất đáng sợ, nên chẳng ai dám lốp bóng cao cho gai đập. Nhưng mà nếu lốp cao dài ra cuối bàn kèm xoáy tới đủ mạnh thì gai gì cũng ngại hết, vì buộc phải đánh sớm và mạnh hoặc xỉa vào góc, chứ không có cú đỡ bỏ nhỏ (bác nào cầm gai công mà bỏ nhỏ được cú lốp cao vọt tới, nãy hai cái trên bàn thì em gọi bằng sư phụ ạ. Nếu làm được thì có nguy cơ là một loạt cú khác đã hỏng hết rồi). Nếu đã không đánh sớm, lùi ra sau mới bạt được thì cầm chắc là thua về chiến thuật: đối thủ sẽ ôm ngay bàn đánh góc hoặc dứt điểm luôn, vì bạt xa bàn không đủ sức dứt điểm. Chính vì quá giới hạn trong khả năng tấn công, nên khi đối đầu với cú lốp bóng cao, gai sẽ thường là không dám đập mà chỉ xỉa góc thôi, ai bắt bài được cú này mà đánh phản công lại thì gai cầm chắc là đứt đuôi.

 

4. Không kiểm soát nổi bóng quá xoáy hoặc quá mạnh
Chính vì vậy mà có bác đưa ra chiến thuật đánh với gai gồm 4 loại bóng chính: không lực không xoáy (1), nhanh mà không xoáy (2), xoáy xuống rất nặng mà gần lưới (3), xoáy tới nhanh mà xa lưới (4) là để bắt các yếu điểm của gai. Tuy nhiên, chỉ có trình gà mới lòi ra mấy chỗ yếu này, tại vì trong phạm vi cái giếng làng chẳng có ai đánh gai thuộc loại có căn bản tốt, nên không phạm một thì cũng nhiều điểm yếu để mà khai thác. Các bác cứ vào khu Q.5-6-10 hoặc Chợ Lớn tìm mấy ông Tàu có học chơi gai từ bé bên Tung Quở, xem có áp dụng được mấy chiêu này không? Thỉnh thoảng thì cũng thắng đấy, nhưng mấy bác ấy mà trả lại được thì phải xem là ai kỵ ai trước.
Nhưng có một quả mà em cầm chắc là rơ gai công ôm bàn sẽ buộc phải đỡ hãm lực chứ không dám phang lại, đó là cú giật của…mút H3, vì nó hội đủ 5 yếu tố: quá xoáy, quá mạnh, biến đổi điểm rơi, nãy thấp hoặc vồng quá cao, và biến thiên tỉ lệ xoáy với lực. Chính cú giật này quá thích hợp với bóng lớn 40mm đã đưa đám toàn bộ rơ gai công kiểu xưa về nghĩa trang lịch sữ. Em có xem một trận đấu giữa một bác cao thủ gai công hai càng, ôm bàn đập, đẳng cấp thuộc loại nhất nhì Nam Úc, nhưng khi đánh với một thằng sinh viên Singapore chơi H3 (cũng cầm gai bên Bh, nhưng gai dài thủ) thì bác ấy sợ bên Fh của thằng nhóc thấy rõ. Tuy đẳng cấp khác nhau nhưng hễ thằng ấy tấn công được là quả nào là nó thắng hết 90% rồi.
Khắc phục điểm yếu này thì có loại gai công lót mềm, có thể mượn lực mà trả lại một quả giật mạnh. Bóng trả ra có tốc độ nhưng vẫn thiếu chiều sâu, nếu đánh góc được thì cũng giành lại ưu thế. Còn gai dài lót dầy chân to kiểu Joo Sea Huyk thì chẳng ngại gì cú giật mạnh, chỉ thua ở chỗ nếu bị biến hóa xoáy, đường đi và điểm rơi thôi.

 

5. Không đều và khó đánh chính xác
Điểm yếu này tưởng chừng vô lý, vì ai cũng nghĩ gai đở lại chắc là đều lắm, cứ nhìn Joo và bác Matsushita cắt lại thì biết, hoặc bác Lập gai (ở Hải Phòng) có thể cắt lại tới khi nào giật mệt thua thôi. Ở đây em chỉ khai thác một điểm yếu ít ai biết, là người đánh gai ít khi nào tập đánh đều và gò đều bằng mặt gai – chỉ xét ở trình độ nghiệp dư và phong trào – vì đơn giãn là không có ai tập đánh đều chung với họ. Vào thi đấu thì họ cũng chỉ khởi động bằng bên kia, giấu gai để gây bất ngờ, nhưng chính họ cũng yếu đi nếu phải đối phó với những quả bóng dễ ẹt, vì chưa có khởi động với bóng này. Vì thế nhiều người nghĩ là gai không biết đánh bóng dễ, đây lại là một sai lầm quá chủ quan, vì sau một hồi đánh bóng dễ thì họ quen bóng thì ta hết đường binh. Hoặc họ có bộ chân hoặc xoay vợt nhanh, xoay mút láng đánh ta chết chắc (vì đinh ninh là họ sẽ phòng thủ). Hơn nữa, cộng với các tính chất 1 và 2, họ không thể tạo và đổi xoáy, nên bóng dễ sẽ buộc phải trả lại bóng dễ. Nếu ta không sợ bóng góc thì cứ chờ quả trả lại của gai mà vụt mất bóng, các bác đánh gai mới thực sự lúng túng, gai thường chậm và bóng đi trôi lơ lửng nên rất khó canh điểm rơi. Lúc này điểm yếu mới lòi ra, ở chỗ cái tâm lí, rằng đánh dễ quá (mà các bác ấy biết là không làm gì khác được) thì sẽ chết, nên cố gắng đánh khó. Khổ nỗi ít tập với bóng dễ mà cố gắng quá thành ra phạm lỗi nhiều – đó là trường hợp bác nào không xoay vợt và bụng to quá không né bước kịp. Điểm yếu này cho cả gai công và thủ, ngang và dọc gì đều bị, chỉ có đều ít nhiều khác nhau tùy theo tính chất của từng loại gai.

III. Phân loại và tính năng

Em chỉ viết khái quát, nhấn mạnh những chỗ ít thấy trong sách vở. Ai muốn tìm hiểu chi tiết thì tìm các sách dạy bóng bàn mà xem, như sách của bác Lê Văn Tiết, sách dịch từ Tung Quở, hoặc ai muốn đọc sách tiếng Anh thì hỏi em gởi ebook qua email. Nhưng em bảo đảm các bác rằng sách viết về gai chưa đầy 2 trang A4, đại khái phân loại và tính năng cơ bản thôi, còn trong mỗi loại chia ra làm mấy nhóm và biến hóa thế nào thì các tác giả giữ làm…bí kíp. Năm 2013 gặp bác Lê Văn Inh cũng có nói đã viết xong 2 quyển sách nhưng chưa xuất bản, ai muốn đọc trước thì cứ năn nỉ bác ấy.
Em chỉ phân loại các gai được ITTF kiểm duyệt rồi, tuy nhiên nếu chơi trong nước theo dạng phong trào thì cũng đâu ai cấm các bác (mà cũng chẳng ai biết mấy thứ ấy đã bị cấm trên TG) đem ra thi đấu. Luật ITTF vẫn cho phép đánh gai không lót và lại quá ít quy định nên nhiều bác chơi gai trên TG vẫn cứ “lách luật” tạo ra những phối hợp gai thầy chạy bác sỹ chê luôn. Trong phạm vi bài viết của em chỉ bàn tới những loại gai “điển hình” còn gai chế hoặc khó quá thì em chưa đủ kinh nghiệm bàn tới.

 

1. Gai ngắn
Tức là không dài lắm, chân gai to, chắc khỏe, bóng dội ra rất nhanh nên còn gọi là gai công (dù đánh phòng thủ vẫn được). Vì luật bóng bàn không giới hạn hình dáng và cấu tạo gai nên các nhà sản xuất tha hồ mà marketing đủ kiểu gai, nào là hình trụ, hình côn, hình côn trụ phối hợp. Hay người ta còn làm cái bề mặt đầu gai trở nên nhám với nhiều mụt gai nhỏ xíu để dễ tạo xoáy hơn, hoặc là thay đổi mật độ chân gai để tạo ra các loại “bán phản xoáy” như miếng RITC 563 hoặc Othodox. Phổ biến dễ thấy nhất là cách xếp hàng của gai theo chiều ngang hoặc đứng mà chúng ta thường gọi là “gai ngang” hay “gai dọc”.
Đó là nói về cái mặt topsheet, tức là cái miếng cao su lộn gai ngược ra. Còn nói về lớt lót thì có đủ loại từ cứng ngắc cho tới mềm xèo, rất nảy cho tới rất dẽo, từ dầy 2mm cho tới mỏng loét 0.5mm hoặc chả thèm lót luôn. Em thấy nhiều bác quá quan trọng chuyện gai ngang hay dọc mà lại chả thèm để ý gì tới cái tính chất của lớp lót, hoặc hình dánh tính chất của lớp gai.
Tính năng chung của gai ngắn là tốc độ cao mà vẫn có khả năng tạo xoáy, khả năng này biến thiên tùy theo các tính chất của mặt gai và lớp lót. Đặc tính phụ (mà nhiều người lợi dụng nhất) là nó ít bị ảnh hưởng bởi xoáy, nhưng bù lại sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lực (luật bù trừ). Nghĩa là bóng chỉ cần nhanh chậm khác nhau hoặc điểm rơi dài ngắn thay đổi là gai ngắn sẽ bị động rất nhiều, điểm này thấy rõ nhất ở những rơ gai ôm bàn.
Ở đây ta đi sâu vào lối bố trí chân gai thường thấy là 3 đường thẳng chéo nhau 60 độ, thành một hình tam giác đều. Nên khi xét cách làm việc của gai theo nhóm ta sẽ có nhóm 3 gai, nhóm 7 gai (lục giác đều có cạnh là 2 gai) và nhóm lớn hơn là 19 gai (lục giác cạnh 3 gai). Gai công chân ngắn làm việc với bóng theo phương thẳng đứng, cây gai nào đụng bóng thì chịu lực thôi, chứ không liên quan đến những cây gai lân cận, nên sự hiệu quả về lực tăng lên đáng kể vì không bị mất cho các biến dạng thừa. Bù lại bề mặt gai khá cứng, diện tích tiếp xúc nhỏ lại không có tính dính bóng nên khó tạo ra nhiều xoáy. Tùy theo tính chất mềm cứng của lót mà bóng tiếp xúc với 3, 7 hay 19 cái đầu gai. Cũng tùy theo độ mạnh tiếp xúc đủ để bóng lún sâu, tiếp xúc với nhiều gai hơn, các con số 3-7-19 là tương đối cho 3 mức độ nông sâu, vì có khi bóng tiếp xúc chỉ với các nữa đầu gai thôi thì làm sao mà đếm được.
Trong 3 đường thẳng 60 độ ấy, nếu có một đường vuông góc cán vợt thì ta gọi là gai ngang, nếu có một đường song song cán vợt thì ta gọi là gai dọc. Cũng là một miếng gai, nếu ta xoay đi 30 độ thì sẽ hoán đổi ngang thành dọc. Hoặc nếu hơi đổi góc cầm vợt khi chạm bóng, từ cách để đầu vợt ngang thì ta chỉ cần xoay đầu vợt hơi đứng lên một góc chừng 30 độ là có thể hoán đổi tính chất của hai kiểu sắp xếp gai này. Có bác khẳng định như đinh đóng cột – dựa trên tổng hợp các hiện tượng – là hễ thấy gai ngang thì bóng sẽ thế này thế nọ, gai dọc thì bóng sẽ đổi khác xa lắm. Ai nghe lời bác này mà gặp người biết chơi gai sẽ hố hàng, vì “bán lúa giống” theo lời bác quân sư quạt điện ấy. Chỉ cần thay đổi cách cầm vợt một chút là có thể hoán đổi tính chất, nhất là khi người ta chơi vợt dọc, góc cầm đầu vợt muốn thay đổi kiểu gì chả được.
Ở đây em công nhận là cách xếp gai có ảnh hưởng tới khả năng tạo xoáy của miếng gai theo một phương nào đó. Gai có 3 đường thẳng 60 độ tạo thành một tam giác đều. Nếu tiếp xúc bóng theo bất cứ phương nào trùng với một trong 3 đường thẳng ấy thì sẽ tạo được xoáy nhiều nhất, nhờ tận dụng một chút ma sát bên hông của trụ gai (đó là chỗ tại sao nhiều gai có hình côn vát góc, để tạo xoáy khi ma sát với bên hông gai nhưng lại làm nhỏ đầu gai, ít xoáy khi đánh thẳng), mà nếu tiếp xúc theo phương vuông góc với 3 đường thẳng ấy thì sẽ không có (hoặc khó hơn). Nếu bóng làm gai bị lún theo phương của hàng gai thì sẽ có hai cây gai bên hông hợp thành một góc 120 độ, cũng đưa cái lưng ra gánh chung. Còn nếu theo phương vuông góc với hàng gai thì cũng có hai chú gai bên hông, nhưng góc hợp thành chỉ có 60 độ thôi nên không đưa lưng ra chịu xoáy được. Cho nên một miếng gai có 3 phương mà ta có thể tạo xoáy nhiều hơn và 3 phương tạo xoáy ít hơn. Với gai công khó thấy rõ hơn là gai dài có bề thân gai bám banh. Chính vì vậy mà khi cầm miếng gai ngang sẽ gò bóng có xoáy nhiều hơn là cầm gai dọc, nếu cầm vợt kiểu shakehand và cắt bóng theo phương ngang vợt. Gai ngang cầm ngang giao bóng cũng tạo ra nhiều xoáy hơn. Khi tấn công, gai ngang cầm ngang có thể tạo ra nhiều kiểu xoáy khác nhau bên Fh (vì tiếp xúc bóng ngang) nhưng nếu cầm gai ngang mà chặn bóng theo kiểu đưa đầu vợt lên tới trước thì bóng qua sẽ rất ít xoáy. Chính vì thế mà người cầm vợt ngang biết chơi gai công sẽ lựa gai ngang cho Fh chứ ít ai xài gai chiều dọc (nhưng cũng tùy lối đánh và cách cầm). Khả năng tạo xoáy ấy cũng đồng thời là khả năng bị ảnh hưởng bởi xoáy, cho nên bác nào thích kiểu dựng đứng đầu vợt chặn trả bóng kiểu phản xoáy mượn lực, hoặc khoái vẫy cổ tay flick bóng sẽ thích gai ngang bên Bh nhưng lại thường đở giao bóng kém và bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những rơ thay đổi lực mà ít xoáy. Bác nào thích rơ phản công Bh tốc độ cao đổi góc tốt, nhưng lại có thể đỡ giao bóng kiểu trả xoáy thì sẽ khoái gai dọc hơn. Em sẽ bàn kỹ cách phối hợp gai cho từng rơ ở phần sau, nhưng đó chỉ là phán đoán chủ quan, vì với miếng gai không biết ngang dọc gì, một người chơi giỏi họ sẽ đổi góc vợt để có kiểu đánh thích hợp, trong trường hợp mình đinh ninh họ làm không được thì cầm chắc là tử nạn.
Nhưng chưa xong đâu các bác ạ, nếu chỉ biết về “ngang-dọc” mà không quan tâm tới mật độ gai thì sẽ không hề hiểu tại sao lại thua. Một người chơi gai kiểu “nghệ thuật” sẽ không thèm chơi loại gai quá cụt và to, vì càng to và cụt thì sự khác nhau giữa “ngang và dọc” càng nhỏ, khó biến hóa giữa xoáy và lực. Gai nào cũng có cái hay riêng, rơ trẻ đánh nhanh thì thích gai to, rơ già thì thường thích chậm lại và biến hóa thì sẽ chọn loại hơi thưa và cao hơn một tí, kèm với loại lót mềm vừa phải và dày chừng 1.5-2mm sao cho đánh nhẹ thì tiếp xúc 3 bóng nhưng lỡ phải chặn bóng mạnh quá thì nó vẫn ôm được hết 19 cây gai. Ai đánh với mấy bác biết xài gai kiểu này mà chủ quan với các kiến thức về yếu điểm chung hoặc riêng của gai ngang dọc thì có mà hốt xác đem về.
Sai lầm ở chỗ là ngoài cái lớp gai, còn có cái sponge, mà các loại gai hiện đại đã lợi dụng độ nhún mà cứng của sponge bọt khí lớn để khắc phục rất nhiều nhược điểm của thế hệ gai cụt lót cứng. Cho nên sau một thời gian gần 10 năm vắng bóng, bây giờ rơ gai góc bắt đầu phục hận trên cấp độ trung bình của bóng bàn chuyên nghiệp. Họ chỉ còn đợi cấm booster và đổi loại bóng mới là sẽ vượt lên giành lại các vị trí cao đã mất.

 

a. Gai to lót cứng
Đại diện trong nhóm này là em Friendship 802 lót cứng kiểu cũ, em này vẫn còn là miếng gai công kinh điển mặn mà thủy chung dù cô em 802-40 lót mềm có đầy đủ các ưu điểm vượt trội. Thường những miếng gai ngang to chân dùng để đánh Fh, phát lực mạnh hơn nên cũng được chế tạo với lót cứng hơn là gai dọc. Miếng Nittaku Moristo SP hoặc TSP Spectol loại cũ cũng thuộc nhóm lót vừa đủ cứng, gai dọc. Gai lót cứng chỉ chạm bóng trong vòng 3-7 gai, nếu lót mỏng thì chỉ chừng 3 gai thôi, nên tính phản xoáy khá cao mà khó tạo ra xoáy. Gai này đánh bóng đi rất nhanh cộng với thời gian lưu bóng rất ít nên thích hợp với rơ đánh dứt khoát và chính xác.
Ưu điểm: nhanh và khó chịu, nếu kết hợp với vợt dày mà chậm thì sẽ có những cú đánh chính xác và khó đỡ. Gai này có thể dùng để chặn bóng phản công hay phòng thủ ôm bàn, nhờ tính chất ít bám xoáy của nó. Nhược điểm: rất kỵ bóng thay đổi tốc độ và điểm rơi, khó phản công nếu bị bóng quá mạnh.
Em có đánh với một bác chơi hai miếng gai cụt mà không lót, cứ ngửa vợt ra đôi công và bạt bóng. Ông này trị cú giật xoáy và mạnh bằng cách lùi ra xa bàn để gõ nhẹ trái bóng trả lại, cứ y như là đở bằng gai dài vậy.

 

b. Gai vừa lót mềm
Có cái mặt giống nhau, chỉ đổi miếng lót, nhưng thay đổi đáng kể các nhược điểm (em không chắc là miếng RITC 802 và 802-40 có khác cái gai hay không, miếng em có đã bị xử lý te tua nên khó so sánh). Hầu như các loại gai công ngày nay đều là loại lót mềm. Ai nói đánh gai phải đổi kỹ thuật hoặc đánh…khó lắm, em đưa ra miếng gai hiện đại đánh còn ngon hơn là mút láng nữa: dễ đánh, dễ tạo xoáy, giật được mà chặn đẩy quá ngon, giao bóng hay đỡ xoáy đều tốt. Mà nói thật, dạy căn bản đánh đều bằng gai này mới là chuẩn, vì động tác đánh ngắn gọn, dễ mô tả các cú đánh tạo xoáy và giật “mạnh kiểu hiện đại”. Nếu cần chuyển qua rơ đánh siêu xoáy thì chỉ cần đổi mút, không cần đổi kỹ thuật mà chỉ cần thêm vài động tác tay là có cú giật như trời sập. Em nói chung cho cả Fh và Bh luôn, mà như em quan sát, đứa nào tập gai công một thời gian rồi sẽ đánh rất chính xác và có cái cảm giác bóng cực tốt, trong khi mấy đứa tập mút láng chả biết cách nào để giật xoáy cong vào bàn đúng chỗ.
Gai công hiện đại có lót rất tốt, không thua kém gì những miếng mút úp cả về mặt chất lượng và giá tiền. Các chân gai được thiết kế hình chóp cụp, sao cho khi đánh nhẹ hoặc đánh thẳng thì diện tích tiếp xúc nhỏ, bóng sẽ mang tính “quái dị” của miếng bán PX. Nhưng khi đánh mạnh thì lớp lót sẽ thốn vào, sẽ có tới 7, 19 hoặc hơn số gai ấy tiếp xúc vào bóng, cộng với cái góc vát của gai lúc này tiếp xúc vào bóng, nó sẽ tạo ra ma sát rất lớn, khiến cho cú đánh có xoáy rất nhiều. Với loại gai hiện đại thì tính chất sắp xếp hàng gai ngang hay dọc trở nên ít quan trọng hơn, đánh mạnh là có xoáy nhiều thôi, chiều gai khác nhau cho xoáy không khác nhau bao nhiêu, vì cái diện tiếp xúc bây giờ không còn nằm trong cái hình lục giác nữa, mà đã to hơn nhiều. Nhưng chính vì chỗ này mà các bác chuyên về gai công lại không thích loại mới, họ thích biến hóa xoáy hơn là cứ đập ầm ầm. Nếu có điều kiện, em sẽ phân tích kỹ bằng hình ảnh mô tả cách làm việc khác nhau của gai theo hướng xoáy tương quan với các hàng gai; từ đó sẽ chỉ ra tại sao gai hiện đại lót mềm thì ít khác biệt hơn và cũng ít có loại gai ngang.
Nhược điểm vẫn còn của gai này là: không tạo được xoáy khủng và khó điều chỉnh tốc độ bóng khi đụng với rơ đánh chậm. Bù lại thì khi đánh với rơ giật mạnh, gai này lại đỡ hoặc phản công vào bàn dễ dàng mà khi tấn công vẫn uy lực. Dòng gai to lót mềm rất thích hợp cho bên Bh nên các bác thường thấy các miếng gai dọc đi chung với lót mềm, nếu dùng các miếng này đánh Fh cũng rất hay nhưng sẽ không theo kỹ thuật và quan niệm truyền thống nữa.

 

c. Gai nửa chừng, bán phản xoáy
Loại này mới khó đánh và khó chịu nhất, đại diện phổ biến nhất là miếng RITC 563, vừa thưa, nhỏ nhưng có lớp gai mịn trên đầu, lại là gai ngang nữa nên cầm vợt ngang có thể vừa đánh gò tạo xoáy vừa đánh kiểu phản xoáy. Dòng gai nửa chừng này lại rất phổ biến theo phương dọc, với lớp lót mềm đời mới, điển hình là mấy miếng Haifu Penguin, Stiga Royal, Nexy Kairos,…Loại này đánh bên Fh rất lý tưởng, kỹ thuật đơn giản mà phản công rất hiệu quả nếu phải hơi lui ra xa bàn một chút, vì đối giật được mà cũng có thể bạt lại một quả lưng lửng như phản xoáy.
Còn miếng gai cứng mà thưa như Othodox thì rất khó chịu nếu như mài mòn lẳn hết đầu gai, cầm vợt chậm đánh ôm bàn xỉa góc, đây là loại gai cụt chậm, dùng để thủ rất tốt. Ngoài ra có thể kể tới mấy miếng gai quái chiêu của bác Dr. Neubaure, dài không dài mà cụt không đủ, đánh tấn công nhanh mà khó đoán ra xoáy gì luôn. Đừng nghĩ chỉ có Tàu mới thích đánh gai, khi mà mấy ông già Tây đánh gai thì còn khó chịu hơn nhiều.
Nếu không có luật bù trừ thì chắc em cũng chơi loại gai này, vì nó nhiều ưu điểm quá. Bù lại là nó tấn công yếu hẳn đi so với loại gai cụt đơn giản. Muốn thắng mấy bác lâu năm chơi gai loại này thì phải kiên nhẫn và bình tĩnh, vì điểm yếu không lộ ra ngay đâu, kiểu gai ấy cũng không dứt điểm một phát chết ngay được (trừ khi bóng cao vừa tầm đập). Hai bác đánh gai mà có một bác xài gai này thì chắc em không đủ kiên nhẫn để xem thi đấu, vì chán lắm.
Ngoài các loại gai công kể trên, còn có nhiều loại gai công khác nữa (như gai Pimple Mini của Nittaku) nhưng không phổ biến nên em không viết ra – bác nào tìm thấy và thử nghiệm các loại mới xin vui lòng khai sáng dùm cho em nhé!

 

2. Gai dài
Khi nói tới gai thì dân VN nghĩ tới gai dài trước chứ không nghĩ là gai công, một phần vì dễ biết và có tính chất khác mút láng hoàn toàn. Theo luật ITTF thì chiều cao không được quá 2mm, nhiều hơn 10 gai và ít hơn 30 gai trong 1cm vuông, có lót hay OX tùy thích. Gai gài nhắc cho nhiều người cái kinh nghiệm đường bóng đi loằng ngoằng, xoáy nãy túa xua khó đoán. Một phần cũng vì ở VN thích chơi cốt cứng nãy, nên lại khoái xài gai lót mỏng (hoặc không lót) cho nó trả xoáy cực ác. Với kinh nghiệm của em thì mấy bác chơi loại này không đánh ngại bằng mấy bác chơi vợt chậm gai lót dầy hơn, bóng đi đơn giản thôi mà khó đoán xoáy, đánh hoài không chết, chứ mấy bác chơi phản xoáy lắc léo thì em…yêu lắm!
Gai dài cũng chia ra gai ngang và dọc giống như gai công, cũng có lót dầy lót mỏng (từ 1.6mm tới 0.5mm). Nghe Tây nó đồn là Joo Sea Huyk xài lót gì khác dầy tới 2mm nên em cũng sắm một miếng Grass D.tecs 1.6mm (dầy max luôn rồi) và gắn vào cây BTY Joo. Thử xong mới ngộ ra một điều tại sao có người chơi lót dầy, mà ai cũng nghĩ là phải lót càng mỏng mới tốt.
Khác với gai công chỉ có mỗi một trò đập vào bóng là hiệu quả, gai thủ có thể làm được rất nhiều trò phối hợp, đa dạng hơn mút láng nhiều. Chơi gai dài là cả một nghệ thuật – cũng như mấy em chân dài vậy – gai này có lắm chiêu nhiều trò, từ độ bám trên đầu cho tới độ bám của cái hông gai (vì có loại gai đầu trơn nhẵn nhưng thân rất bám). Chân gai cũng biến đổi từ rất cứng cho tới mềm oặt, mật độ gai và cách sắp xếp ngang dọc cũng biến thiên theo từng loại khác nhau. Chưa hết, miếng lót cũng đổi từ rất cứng cho tới rất mềm, mỏng loét cho tới rất dầy. Bấy nhiêu thông số ấy phối hợp lại cũng ra mấy chục loại khác nhau, thế mới….gai!
Nhiều bác cứ cho rằng gai dài không tạo hay đổi xoáy được, vì vậy mới thua. Có những loại gai dài có thể phản công đối giật hoặc đập lại được luôn, hoặc có thể mượn xoáy mà đánh tấn công khá mạnh như gai công vậy. Cầm gai dài mà đánh Fh thì mới ác, nhất là khi chơi vợt thìa mà có thể xoay vợt hoán đổi với gai công. Nhưng thế mạnh nhất của gai dài là phòng thủ xa bàn – mà Joo Sea Huyk và Cheng Wei Xing là điển hình.

 

a. Gai dài phản xoáy
Là loại phổ biến nhất thường thấy, giá rẽ vì dễ làm, cũng là loại mút gai xưa nhất. Đại diện dễ tìm nhất là mấy miếng C7, C8 của DHS. Để có tính phản xoáy (PX) cao nhất, người ta làm đầu gai nhỏ trơn và cứng, gai thưa để cho diện tích tiếp xúc với bóng giảm tối đa. Sữ dụng với cốt cứng và thường là không xài lót hoặc có thì rất mỏng. Có vài loại lót xưa có tính năng hãm lực, rất thích hợp với gai này. Thường xài gai dọc nếu cầm vợt ngang vì sẽ có mức độ phản xoáy tối đa.
Gai này rất thích hợp với lối chặn vẫy bóng ôm bàn, hoặc lùi ra xa cắt lại theo kiểu xưa cũng được. Ai mà đánh thiên về xoáy nhiều (giao bóng hoặc chém nặng) thì gai này làm việc tốt lắm. Bóng trả lại rất đơn giản và dễ đoán nếu có kinh nghiệm, bởi vì đây là loại gai dễ đối phó nhất. Vì gai này cứng lại khó tạo xoáy nên có gần như đủ các khuyết điểm của gai ngắn, thêm phần trả xoáy quá mạnh nên rất dễ chết ngay khi đỡ bóng ngắn quá nặng, bóng dài quá xoáy tới, ngay cả bóng không xoáy đi nhanh cũng kỵ. Gai này cũng có thể cắt xa bàn, dùng với lót mỏng và cốt chậm, hiệu quả của nó chỉ là trả xoáy lại chứ không thể biến hóa tạo hoặc thêm xoáy, nếu cốt chậm thì có thể điều chỉnh điểm rơi nhưng sai số cao. Loại gai này ngày nay ít ai còn xài vì bộc lộ quá nhiều nhược điểm, vậy mà ở VN vẫn còn nhiều người thích vì cái tính phản xoáy mạnh của nó.

 

b. Gai dài thế hệ mới
Nói “mới” cho oai chứ cũng tầm 20 năm rồi, “cũ người mới ta” mà. Để khắc phục điểm yếu của loại gai xưa, người ta mới tìm cách làm cho nó “khó đoán” hơn, bằng cách chế loại gai mềm đàn hồi hơn (kiểu gai cũ nếu gặp bóng tấn công quá mạnh thường bị gãy chân gai luôn), có thân rất bám xoáy trong khi đầu gai trơn nhẵn, hoặc giảm mật độ gai mà tăng chiều dài lên, vv..Kết quả là ngày nay chúng ta có đủ thứ gai dài rối tung không biết phải chọn loại nào để chơi, càng mua nhiều về thử thì các bác bán hàng càng thích, còn đọc 3 thông số ghi trên bìa thì như vịt đọc chữ Tàu vậy, có hiểu quái gì. Tuy nhiên, có một điểm chung của những miếng gai này (dù là ngang hay dọc) là hễ đỡ thẳng nhẹ vào bóng thì trả xoáy theo cách PX, mà ma sát đè mạnh vào bóng thì có thể triệt xoáy trả lại một quả không xoáy “lắc lắc”, hoặc có thể tạo thêm một tí xoáy để đường bóng tấn công an toàn hơn. Loại gai mới này có tính năng phụ thuộc vào lớp lót rất nhiều, vì nếu chơi OX thì nó mang tính phản xoáy rất mạnh, trong khi dán vào lót mềm 1mm thì có thể tấn công được, bắn phản công lại được luôn nếu đối phương giật xoáy cầu vồng. Lưu ý là các lối chơi tùy thuộc vào khả năng của từng loại gai ngang hay dọc, hoặc khả năng chỉnh góc đầu vợt của người đánh.
Gai này kết hợp với cốt chậm, cứng hoặc mềm đều tốt, có ít điểm yếu hơn loại gai PX đi với cốt cứng. Cho nên bác nào xớn xác chỉ biết gai ngang dọc mà thiếu kiến thức (hoặc không chịu “thử” gai đối phương, sẽ bàn sau) thì cầm chắc là phán đoán sai điểm yếu của đối thủ. Ngay cả em mà gặp loại này cũng rất sợ, nếu họ biết xoay vợt và có càng bên kia khá mạnh. Điểm yếu duy nhất mà nhóm gai này thường bị (vì em có gặp vài bác vẫn không bị) là họ không thích cú giật nhiều xoáy nếu đánh ôm bàn, vì họ chỉ có thể trả lại một quả ít xoáy chứ khó đánh PX (ngoại trừ một chiêu rất khó, em hứa sẽ viết sau). Điểm yếu thứ hai là nếu đánh thật mạnh vào gai thì bóng rất khó kiểm soát (vì gai mềm, gọi là giật “gãy gai”) nên thắng dễ nếu dụ được học bước vào gần bàn rồi tấn công.

 

c. Gai dài loại mới có lót mềm và dầy
Gai này chắc là không có ai ở VN xài, bởi vì ngay cả gai hiện đại cũng chưa có ai xài lên tới tuyệt đỉnh công phu để thấy cái giới hạn, và cũng chưa có cao thủ nào khai thác được cái khuyết điểm của nhau, cho nên chắc là không ai hiểu được tại sao có loại gai lót dầy. Mà bác nào có dán thử đánh cũng sẽ tháo ra ngay, vì rất khó chơi lại không mấy hiệu quả: chả PX bao nhiêu mà khó kiểm soát, bóng quá hiền mà dài nữa. Vậy gai này dùng để làm gì? Xin thưa, dùng để phòng thủ, tấn công và phản công toàn diện ở trình độ cao! Joo Sea Huyk xài miếng Tibhar Grass D.tecs lót 2mm đấy các bác ạ. Họ Joo cắt xa bàn thì hiệu quả đến nổi Zhang xì-ke còn kỵ, bởi vì Joo có thể biến hóa đường bóng cắt từ xoáy thật nhiều đến…không xoáy, bóng có khi đi cao rồi không nãy ra ngoài bàn, hoặc đi thấp sạt lưới vọt xa chuội luôn. Còn Joo mà áp vào bàn thì Bh và Fh mạnh như nhau, có nhiều quả Bh đánh mạnh đến nỗi ngay cả Wang Hao cũng đứng hình luôn.
Có bác bảo là nhờ Joo đánh vợt mềm, tức là mềm hơn mấy cốt carbon mà ở VN vẫn xài. Còn so với Matsushita thì chưa biết bác nào xài vợt mềm hơn nhé. Vì em có cây BTY Joo Sea Huyk, cầm tâng bóng không mút nghe tiếng trong veo cứng chát chúa luôn, nếu bác Joo xài đúng cây ấy thì không thể gọi là vợt mềm, mà đúng hơn phải nhận xét là mút mềm hoặc phối hợp cốt mút hợp lý. Miếng Grass 1.6mm mà em gắn vào cây ấy, cộng với T64 bên Fh, cho nhiều khả năng khó nghĩ tới. Vd miếng gai ấy có thể ôm bàn bắn lại như gai công, xa bàn đập lại vẫn được, còn cắt lại thì quá đã luôn: có thể tăng xoáy hoặc làm mất xoáy, chỉnh bóng cao thấp nhanh chậm tùy ý, buồn buồn đối giật lại hoặc nhập kê vào bàn bắn lại ăn luôn. Chính vì hiệu quả như thế nên tụi TQ buộc phải giật đủ thứ kiểu và đổi điểm rơi liên tục mới may ra thắng được, chứ gò lại là xác suất thua rất cao.
Tóm lại, gai thế hệ càng hiện đại thì càng nhờ vào mút lót, dù là gai dài hay ngắn. Vì thế khi đánh với đối thủ cầm gai, em phải kiểm tra luôn là họ chơi lót gì, dầy mỏng ra sao, phối hợp với vợt gì, chứ không phải chỉ có nhìn sơ qua gai ngang hay dọc. Vì chỉ cần lót dầy hơn một tí là kiểu xoáy trả qua sẽ có tỉ lệ khác rồi, lót dày thì càng ít tính PX nhưng bù lại cho họ nhiều khả năng xử lý bóng da dạng trong các tình huống phức tạp hơn. Khi trả bóng có thể biến hóa xoáy, tạo thêm xoáy hoặc làm mất xoáy. Lót tốt và dày hơn thì có ít điểm yếu hơn.

 

IV. Các lối chơi điển hình, ưu khuyết điểm và cách hóa giải

Nhìn chung thì có 3 thế mạnh khi đối phó với gai, em xin nêu trước một cách tổng quát rồi sẽ đi sâu phân tích từng điểm trong phần sau:
+Xài phối hợp vợt+mút hiện đại, vừa có độ kiểm soát cao vừa có thể đánh những quả dứt điểm đầy uy lực.
+Bộ chân đủ nhanh để đánh những quả ôm bàn với gai thủ, hoặc lùi ra một chút khi đánh với gai công.
+Chiến thuật hợp lý, dựa trên điểm yếu của đối phương, thế mạnh về vũ khí và bộ chân của mình.
Nếu có 3 điểm này thì sẽ trở thành “người không sợ gai”, buộc lòng ai đánh gai phải sợ lại người đó, hehe

 

1. Phản xoáy – kiểu “truyền thống dân tộc”
Ngày xưa thường thấy nhất là vợt Song Hỹ 3 sọc, gắn gai C7, C8 hay PF4 bên Bh, Sriver hay Mark V bên Fh. Sau này thường thấy Sadius (hoặc các cốt Tamca carbon khác) đi với Bryce bên Fh, bên Bh gắn gai lót mỏng hoặc không lót. Cách đánh thường là giao xoáy đủ kiểu rồi chờ lùa gai, tấn công (đập hoặc giật tùy khả năng) bóng cao. Bác nào xoay vợt đổi mặt đánh 2 bên được thì chắc cũng hạ được khối em phong trào hay năng “khều” sợ gai. Rơ này thường xài ở những ai yếu di chuyển hoặc yếu Bh, hoặc sợ xoáy lạ.
+Thế mạnh: không sợ giao bóng xoáy hoặc cắt nặng, giật không đủ xoáy và lực thì sẽ bị chặn trả lại bóng xoáy chìm dài khó đánh tiếp, mà gò lại trái sau thì sẽ ăn ngay cú lùa gai xoáy tới, gò tiếp nữa là bị đập ngay. Vì không sợ xoáy nên họ sẽ chủ động đánh rất nhiều xoáy, nếu mình trả xoáy lại thì họ dùng gai ngay. Ai kỵ phản xoáy thì đi nhanh với rơ này.
+Yếu điểm: Nếu họ dùng gai để che yếu điểm thì nó vẫn còn đó chứ không mất hẳn. Hơn nữa, lối xài gai này có hầu như đủ các yếu điểm chung đã liệt kê ở phần (II) và (III.2.a). Cộng với yếu điểm của cốt nãy mút nãy, bác nào không dám đánh vào gai vẫn có thể khai thác cánh bên kia.
+Cách đối phó cho người sợ PX: Cứ đánh xoáy rất nhiều (nhưng đơn giản) về phía bên gai, cầm chắc gai sẽ trả lại đúng xoáy mình muốn. Vd cắt nặng qua thì gai trả lại xoáy tới, giật moi thì gai trả lại xoáy chìm. Đoán xoáy đúng thì có thể dứt điểm luôn hoặc nương theo xoáy mà đánh tiếp. Nếu tự tin với bóng không xoáy thì cứ hớt nhẹ ít xoáy về bên gai, sau đó chờ đánh dứt điểm vì gai PX cũng chỉ trả lại một quả rất ít xoáy. Với những tay vợt không sợ PX – tức là có vũ khí, bộ chân và chiến thuật tốt – thì gặp rơ này đánh kiểu gì cũng thắng. Dễ nhất là cứ ôm bàn đánh đở đều qua lại, không cần mất sức nhiều.
+Những khó khăn thường thấy: Bóng của PX trả lại tuy có xoáy nhưng ít, không đủ để chúng ta phải đỡ hư (vào lưới hay ra ngoài) mà chính vì cái vũ khí đang xài quá cứng, nãy mà mút cũng kiểm soát quá thấp, cho nên chỉ cần phán đoán sai xoáy hay lực một tí là đánh hư ngay (quá cao hoặc quá thấp). Đừng nói cho tới cốt mút hiện đại, chỉ cần đánh vợt Đường Sắt hoặc cốt làm sẵn có dán mút của BTY cũng sẽ không thấy có gì kỵ khi đở bóng bị phản xoáy. Bộ chân bị chôn cứng nên sẽ chậm nhịp khi bị đánh đổi góc hoặc lúng túng khi bóng dí sát người mà xoáy khựng khó đoán. Với những ai có bộ chân nhanh thì sẽ thấy bóng PX quá chậm, dư sức nhìn xoáy mà đánh lại. Nếu vợt nãy mà bộ chân chậm nữa thì chiến thuật khó lòng mà khắc phục được. Nếu bên Fh của người chơi gai quá mạnh (như Nguyễn Minh Thơ) thì họ có thể lấp liếm các điểm yếu bằng bộ chân và kỹ thuật né Bh đánh Fh. Với các cao thủ như thế thì bắt buộc phải vừa không sợ PX, vừa có hai càng đủ mạnh để đương đầu với khẩu pháo chính của bên kia.

 

2. Gai ngắn bán phản xoáy bên Bh – kiểu cũ
Phổ biến nhất vẫn là miếng RITC 563, kiểu vợt Tamca carbon, mút Fh cũng rất nãy. Kiểu vợt này đánh da dạng hơn loại xài phản xoáy ở trên, vì ngoài kỹ thuật phản xoáy có tốc độ, họ còn có thể công, đở góc hoặc bắn phản công lại rất lợi hại. Gai 563 giao bóng bên Bh cũng khá hiểm vì khó đoán xoáy. Rơ này ít đổi mặt, nếu có càng Fh mạnh nữa thì khá là khó đối phó. Tuy nhiên nếu ta đoán biết được họ chơi gai để lấp điểm yếu di chuyển hay yếu Bh, yếu đỡ xoáy thì ta lại có cách thắng dễ hơn.
+Thế mạnh: tốc độ và bóng chuội (nhanh mà không nãy lên), khả năng bắn góc và phản công cao, không sợ xoáy ngang hoặc các kiểu xoáy đi chậm. Gai này thích các quả giật xung ít xoáy hoặc giật moi ít lực, thích mượn lực hoặc mượn xoáy, thích rơ đôi công nhanh.
+Điểm yếu: Sợ nhất là bóng biến đổi lực và tốc độ, hoặc lưng lửng khó đoán điểm rơi, sợ bóng dài mà thấp. Sợ bóng không lực hoặc không xoáy. Sợ bóng giật quá mạnh quá xoáy vào thẳng ngay bên gai.
+Cách đối phó dành cho người sợ gai: Bài thường thấy nhất là cứ giao dài và nhanh qua gai, biến đổi 3 loại xoáy cơ bản là xoáy chìm, xoáy tới mạnh và không xoáy. Bóng sẽ được trả dài lại khá đơn giản, chỉ cần nhìn điểm rơi của bóng rồi giật hết tay về bên gai (hoặc về bên Fh nếu tự tin đấu súng với họ) rồi chờ một quả dài chuội, thấp người giật tiếp nếu bên kia vẫn còn khả năng đỡ. Nếu bên kia giao bóng thì cố gắng gò sâu dài về bên gai rồi chuẩn bị nhìn điểm rơi mà bước đánh. Gai bán PX gắn với vợt cứng không cho nhiều khả năng đánh khác nhau, bóng càng dài càng nãy thấp càng dễ thắng loại gai này. Với ai không sợ gai thì có thể giao bất cứ kiểu gì qua bên gai, cũng sẽ được trả lại khá dài và ít xoáy, nếu đánh không được thì cứ ngửa vợt moi xoáy qua bên gai rồi chờ bóng qua sẽ dài và cao có xoáy chìm, dứt điểm luôn.
+Các khó khăn thường gặp: Ham đôi công tốc độ, sẽ bị lỡ nhịp hoặc đánh vào lưới, ngửa vợt sẽ ra ngoài vì vợt bên mình nãy quá. Bên gai cài bóng dài dụ mình giật trước, quả giật thiếu chiều sâu sẽ bị bên gai bắn góc chết ngay. Quả giật mạnh thiếu xoáy cũng sẽ bị bắn lại quá nhanh, phải đỡ vào bàn rồi sau đó bị bạt lượm bóng.
Trên đây là hai kiểu thường gặp trong giới phong trào, ngoài ra còn vài rơ khác cũng thường thấy nhưng ít hơn. Những rơ mà em viết bên dưới này chỉ là nghiên cứu theo cái nhìn của em, còn hỏi thắng được không thì em hỏng dám hứa bừa đâu. Một khi mút gai đã luyện nghiêm túc để trở thành một thế mạnh chủ yếu, chứ không phải chỉ là để lấp biến cái điểm yếu, thì nó thực sự lợi hại. Đừng nói chi là phong trào hay nghiệp dư, nếu mà chơi đánh gai từ bé thì dù có nhìn ra điểm yếu vẫn không đủ sức thắng họ đâu. Vì cái mình nhìn ra thì họ cũng đã biết từ lâu rồi, họ cũng đã có rất nhiều bài độc và cạm bẫy rồi, chỉ chờ mình phạm vào là họ thịt mình ngay.

 

3. Thủ xa bàn, cắt gai phản xoáy dài
Thường là các bác ấy đánh khá đa dạng, xài vợt từ nhanh vừa cho tới rất chậm, điển hình như bác Lập gai, Châu xù, Triết gai,..Khả năng tấn công bên Fh cũng đi từ “kiểu gì cũng cắt” như bác Lập hoặc thích giật chết bóng như thần tượng Joo Sea Huyk của chú Triết gai. Miếng gai bên Bh thường là chậm, phản xoáy, lót không quá dầy và cũng không có các cú đánh phản công hoặc dứt điểm bằng gai. Đánh với mấy rơ này thì cứ xác định là giật ít nhất từ 3-10 quả mới may ra ăn nổi một điểm.
+Thế mạnh: họ lùi xa bàn nên không sợ xoáy cũng không sợ giật mạnh. Họ giao bóng dài buộc mình phải tấn công trước (nếu đỡ lại thì họ tấn công ăn luôn) rồi cứ vô thế mà chờ mình hết hơi. Nếu không giật mà trả nhẹ lại thì thường là dài, họ sẽ đánh tiếp một quả gai (nhìn như cắt mà bóng xoáy tới) để mình giật hư, hoặc phản công giật xoáy lại (thường là thắng luôn vì ta không chuẩn bị đở quả này). Nếu xác định ta sợ PX thì họ cũng có thể chơi trò PX để thắng ta.
+Điểm yếu: đứng xa bàn nên buộc phải di chuyển nhiều nếu ta đánh chiến thuật ngắn dài. Buộc phải tấn công ta nếu ta nhất định không tấn công, lúc này có thể phản công thắng dễ hơn. Quen cắt những kiểu bóng nhanh ít xoáy hoặc moi chậm, sẽ lúng túng với kiểu giật hết tay của vợt mềm vừa xoáy vừa mạnh. Thường là yếu bóng lưng chừng giữa Bh và Fh. Gai cắt xa bàn thường là vụng về khi xử lý bóng trong bàn. Gai này đở bóng bạt thẳng cực kỳ dỡ.
+Cách đối phó cho người kỵ gai: với gai này độ xoáy chẳng có gì là khó chịu hết, chỉ khó khi ta giật xoáy bị họ cắt lại. Nếu không tự tin thì đừng nên giật tiếp mà chỉ nên gò hất trả lại, chờ quả sau (xoáy tới) mà khều nhẹ xoáy tới một cái rồi chờ di chuyển giật dứt điểm. Khi giao bóng nên giao lưng lửng cuối bàn, không quá ngắn mà cũng không nên lú ra, họ sẽ sàn bộ giật trước đấy. Nếu quả đầu tiên không giật ngay được thì cứ hất nhẹ lại chờ quả sau, bên gai họ không công ta được thì ta nôn nóng làm gì. Nếu ta lỡ gò lại thì sau đó phải chuẩn bị một cú đỡ nhẹ, đây là chỗ quan trọng.
+Cho người không kỵ gai, nhưng bên gai cắt lại đều quá, hoặc có khả năng phản công rất nguy hiểm. Với gai này thì không kỵ đã là ưu thế lớn, nhưng chưa dám nói là có thể nắm phần thắng nếu như chiến thuật sai. Dù có bộ chân tốt, vũ khí đúng, chiến thuật đúng thì cũng phải xem xét tới thể lực và tâm lý thi đấu nữa. Phải xác định đánh với rơ này là phải đánh bền đường dài, nếu như không có cú giật sát thủ. Một trong những thế mạnh khi đánh với rơ xa bàn này là cú giật và bắn Bh, chỉ cần giật cao vào giữa bàn thay vì giật mạnh vào góc, là rơ cắt xa bàn sẽ bị động vì sức ỳ tư duy. Còn nếu đã bắn thì cứ nhè hai góc mà bắn vào, gai lót mỏng rất sợ cú bắn hay bạt vì không có lớp đệm nên khó tạo được xoáy trả lại (xoáy tạo bằng các chân gai rất không ổn định, chỉ cần lực mạnh nó đi lung tung ngay).
+Các sai lầm thường thấy: Ham dứt điểm quá, thấy cắt lại cao mà bộ chân bộ tay chưa có cũng đánh thì đã hư hết 90% rồi. Sợ xoáy không dám đánh tiếp, đở lại thường là dài, sẽ ăn một quả xoáy lạ hoặc bị phản công ngay. Bị phản công bất ngờ, vì gai này vẫn có thể đổi xoáy để công lại, hoặc người ta đổi bộ đối giật với mình. Một sai lầm điển hình nữa là cố gắng giật cầu vồng cho an toàn, nhưng càng giật gai cắt vào bàn càng khó hơn, cho tới khi muốn đổi sang thế bạt thì luôn đánh trễ – vì quen cái timing trễ của giật moi.

 

4. Phản xoáy láng
Gọi là phản xoáy chứ nó chả có phản xoáy gì đâu các bác ạ, tên tiếng Anh của em nó là Anti Spin hoặc Anti Power, nghĩa là nó để trị xoáy hoặc chống xoáy chứ không phải để trả xoáy (trừ khi nó đánh nương theo xoáy, ví dụ như cắt xa bàn khi ta giật xoáy tới hoặc tấn công khi ta cắt lại). Biến thể của miếng này là dán một mặt lì bên Bh như Simili (chú Sáu Q7) hoặc có bác còn dán nguyên một miếng mica (bác chơi phim phổi bên Sư Vạn Hạnh thời cách nay 20 năm) vào để cho nó cực láng (cái này thì phản xoáy mạnh) mà chậm lại để đánh. Độc chiêu của nhóm này là cú xắn xuống và xắn tới, họ có thể hất bóng khi ta cắt trên bàn nếu quá thấp, thường họ vẫn thích xắn tới hơn là hất. Vợt để chơi Anti thường là dầy, cứng nhưng càng chậm càng tốt, họ bù lực lại bằng miếng mút bên Fh khá xịn. Mấy bác này thường có thù oán với cái bàn, nên thường chặt phá mặt bàn nhiều nhất.
+Ưu điểm: kiểu bóng xoáy nào cũng xắn, xoáy gì cũng đánh có một kiểu nhưng cứ vào bàn, nhờ vào cốt vợt chậm lì (chứ ko phải loại chậm mỏng đàn hồi, Anti khó chơi chung với cốt này). Mút rất mềm chậm bề mặt cũng lì và láng nên không ngại xoáy này, kể cả xoáy chìm nặng trong bàn hoặc xoáy mạnh xốc tới. Mút này cũng không ngại mấy cú giật cực mạnh xoáy khủng kiểu hiện đại, nếu đưa ngay vào mặt Anti. Một điểm khó chịu nữa là nó trả bóng rất chậm và nãy lên cực thấp, nên những bác thích giật ép đầu bóng sẽ thường giật thiếu một chút, không đủ hoặc quá dư lực. Nếu bác nào có thể chỉnh điểm rơi tốt và có bộ chân lẫn bên Fh loại mạnh (như bác Lê Văn Inh) thì rơ này quả là khó chơi.
Cái hay của Anti mà mút gai gài không có (hoặc chỉ có gai dài lót dầy mới làm được) là nó có thể đánh giống như cầm mút láng cắt thủ xa bàn, nên có thể điều chỉnh xoáy, độ vọt, cao thấp,.. vừa có một chút tính chất phản xoáy và chậm mềm nên có thể đổi nhịp hoặc đổi góc làm mất bộ đối thủ. Anti có cái hay là nó có thể ghì bóng xuống rất sát lưới khi cắt trả lại, hoặc làm mất lực cú đánh để trả bóng lại rất sát lưới. Bóng cắt của Anti thường là ít xoáy hơn của gai dài, và luôn nãy thấp.
+Nhược điểm: Khó phản công lại, trừ một số mút Anti có tính năng ôm bàn phản công bằng cách bắn lại. Thường thì họ chỉ phản công khi ta gò nặng lại bằng cách xắn mạnh xuống, bóng qua bàn đơn giản chỉ là hơi xoáy tới thôi. Gai này buộc phải phát lực khá nhiều khi đánh với bóng nhẹ không lực, nhưng nó không kỵ, vì tuy phải phát lực nhưng bóng vẫn vào bàn rất an toàn – tuy vậy ta vẫn có thể tận dụng yếu điểm này. Anti buộc phải xắn xuống nên sợ bóng hơi cao và vọt ra xa bàn, nếu cầm Anti bên Bh thì rất sợ cú lốp bóng vừa đủ cao qua Bh, buộc phải đánh rất sớm hoặc rất trễ, hoặc phải đổi bộ đánh Fh.
+Cách đối phó cho người sợ phản xoáy: mút này chẳng có phản xoáy gì nhiều đâu, lại rất chậm nên nếu các bác có chút kiên nhẫn sẽ thấy không quá khó. Chú ý là bóng sẽ nãy thấp và thường khựng lại, cẩn thận cú xắn nếu ta lỡ cắt xoáy qua, bóng sẽ không đi cắm nhanh như gai PX mà sẽ đi sạt thẳng và nãy thấp. Nếu vợt nãy mút nãy, buộc phải tấn công thì nên đánh vào giữa bàn một cú nhẹ rồi đánh mạnh vào góc cạnh bàn, sau đó dỡ nhẹ lại. Lưu ý phải luôn đứng rộng và rùn chân thấp hơn bình thường. Nếu có cú Bh tốt thì nên mang ra xài, moi cao vào giữa bàn rồi bắn đẩy góc.
+Với những ai không sợ phản xoáy – không kỵ bóng ít xoáy không lực – có thể lùi ra bước vào rồi di chuyển qua lại chơi trò mèo vờn chuột với mấy bác anti. Bảo đảm mí bác ấy sẽ khóc tiếng Đan Mạch luôn, vì khi buộc Anti tấn công tức là đánh vào chỗ yếu của nó, còn đổi bộ đánh Fh vào góc thì sẽ bị đỡ góc thẳng lại, sẽ thành cái thế đua đều. Nhưng bên ta thỉnh thoảng vẫn có thể giật mất bóng nếu đưa bóng cao ngay tay, buộc lòng Anti sẽ phạm nhiều lỗi. Nhưng rơ này đòi hỏi phải có cốt mút kiểu hiện đại và bộ chân ngon lành, tầm nhìn chiến thuật đủ xa.
+Những lỗi thường thấy khi đánh với Anti: lỗi to nhất là cứ đinh ninh Anti cũng giống như gai dài, nên thường phán đoán sai kiểu trả bóng của Anti: thay vì gai dài đánh trễ quả ta giật moi sẽ đưa bóng nhỏng lên cao, thì Anti lại cắt một quả thấp sạt lưới bay thẳng ra cuối bàn. Thay vì đoán là ta giật mạnh thế thì phải trả lại dài, thì Anti có thể trả ngắn khựng lại trong bàn. Lỗi thứ hai là không nhìn ra xoáy gì khi Anti trả lại cú giật, vì nếu là gai dài lót ngắn chỉ có thể trả lại xoáy nhiều hơn (nhìn đường đi là nhận ra xoáy liền) thì với Anti bóng đi sạt thấp thưởng là xoáy ghê lắm, hóa ra rất ít xoáy. Nhưng khi Anti chém bóng khựng lại thì tỉ lệ xoáy và lực bị đổi, ta sẽ đánh vào lưới không phải vì bóng quá nặng, mà là vì bóng không lực nên mút không “ngoạm” đủ dầy vào bóng. Nếu sợ xoáy mà cắt trả lại thì thường là cao, vì đoán sai xoáy, sẽ bị tiếp một quả xắn nữa, bóng đi sạt thẳng nhìn cũng tưởng là xoáy lắm (chứ không phản xoáy đi cầu vồng như gai dài) nhưng giật sẽ ra ngoài. Chính vì chỗ khác nhau cơ bản ấy, mà nhiều người đánh với gai thủ rất ngon lành (không kỵ PX) lại chết nhanh với Anti.

 

5. Gai công đánh Fh
Rơ này rất thường thấy ở các nước Nhật, TQ, Hàn, Đài Loan, Hongkong,..nhưng ở nước ta rất ít người chơi, thường bị phân biệt đối xử như là tà đạo vậy. Ở VN khi nói tới gai công thì người ta luôn mặc định là bên Bh, hiếm ai nghĩ tới cái miếng này xài bên Fh mới là đúng bài. Hồi ở VN em cũng ít đi giao lưu, nên có lẽ ít được “mở mắt”, em chỉ biết có em gì bên Take tay trái cầm thìa tròn đánh gai, hoặc anh Minh bên Q7 đánh tay trái cầm gai bên Fh, cũng thuộc loại “có chỗ đứng” trong giới bóng bàn phong trào. Ở hải ngoại thì có bác Lê Văn Inh cũng xài gai công bên Fh, bác này thì khỏi cần giới thiệu thành tích nữa. Đặc điểm nổi bật nhất của rơ gai công Fh là cú bạt thần sầu, bóng gì cũng bạt tất, bạt lên bạt xuống, bạt nhẹ bạt mạnh, bạt tạo xoáy hay bạt phản xoáy,..ít khi gò cắt lại (dù cũng rất lợi hại). Cú bạt của gai công thì thuộc loại nhanh nhất trong các loại mút, nhanh nhưng lại không xoáy mà lại không nãy lên nữa, nên rất khó đỡ, buộc ta phải đánh lại sớm và tạo xoáy. Một số bác giao bóng bằng mặt gai cũng rất lợi hại với hai kiểu tung bóng cao và thấp, một số bác xoay vợt mặt láng khi giao. Gai công cầm vợt ngang sẽ không thấy hết cái hay như là vợt dọc, bởi vì vợt dọc rất linh hoạt cổ tay, thích hợp cho rơ đánh nhanh ôm bàn, là thế mạnh của gai công. Hơn nữa, vợt dọc có thể đổi vị trí đầu vợt dẫn tới đổi chiều gai, rất khó đoán xoáy (dù thay đổi xoáy có tí xíu, nhưng nhanh quá ta không chỉnh góc vợt kịp).
Gai này nên tập chơi ngay từ khi mới học bóng bàn, nếu chơi lâu quen mút láng rồi rất khó đổi lại (bên Bh đổi dễ hơn). Vợt chơi gai công Fh thường là càng lỡm càng tốt, vd mấy cốt Song Hỹ rẽ tiền 7-9 lớp đều nhau bằng basswood, yêu cầu cốt hơi dầy nhưng đừng nãy, 7 lớp là vừa tầm, 5 lớp thì hơi rung. Lối chơi gai công rất quan trọng cái cốt vợt và lớp lót của gai. Rơ thường thấy của gai công là đôi công và phản công, giao dài ngắn biến đổi rồi đập trước, nếu bên kia không kỵ cú đập thì họ bèn xài chiến thuật xỉa góc rồi đập biến hóa xoáy cùng với điểm rơi. Gai công xuất hiện trước mút úp, thuộc loại ông cố tổ của loại mút ngày nay. Từ khi có lớp lót mới xuất hiện mút úp, nhưng gai công vẫn giữ thế mạnh riêng về tốc độ. Gai công hiện đại có lót mềm và nhún vừa đủ, là một miếng mút toàn diện rất đáng ngại, rất thích hợp cho các em mới tập chơi, vì nó đánh cực dễ.
+Ưu điểm: có rất nhiều! Nhất là ôm bàn đánh tốc độ hoặc xỉa góc, kỹ thuật không thay đổi nhiều với các loại bóng tới khác nhau, chiến thuật đơn giãn nhưng rất hiệu quả, di chuyển ít mà đối phương buộc phải chạy rất nhiều. Gai này tuy đánh ra bóng khó nhưng không cần ăn nhờ đối phương đánh hư, mà có thể làm chủ trận đấu, thắng ngay từ khi đánh ra chứ không cần chờ đối thủ phạm lỗi. Nhiều người vẫn cho rằng gai ngắn sợ bóng chuội hoặc không lực, đó là thời xa xưa khi gai còn lót cứng và đơn giản chỉ là hình trụ tròn. Ngày nay khi đánh với gai công Fh mà còn giao không xoáy hoặc không lực thì các bác sẽ không có bóng để mà đánh tiếp. Một ưu điểm rất lớn là nếu nữ mà đánh gai công bên Fh thì sẽ gần như chiếm ưu thế hoàn toàn, vì tuy gai này có điểm yếu, nhưng nếu nữ đấu với nhau thì không đủ sức để khai thác hoặc phá cái thế mạnh của gai. Lợi thế còn lớn hơn nếu rơ nữ mà có bên Bh mạnh lại đều (thế mạnh của rơ nữ), lúc đó miếng gai bên Fh mới thực sự phát huy hết tác dụng, dù là đánh với nam.
+Nhược điểm: Vẫn nằm ở trong tính chất của gai là khó tạo xoáy nhiều khi tốc độ chậm cho nên buộc phải đánh bóng ở thế cao đánh xuống, khó đánh ở thế dưới câu lên. Ở thế đánh ngang dưới lưới phải hãm bớt lực lại, buộc phải đánh đổi góc chứ không thể đánh vào càng thuận của đối thủ. Gai tuy không sợ cú giật cực mạnh cực xoáy, nhưng lại sợ kiểu giật biến đổi tỉ lệ xoáy và lực hoặc khó đoán điểm rơi, chính vì chỗ đó mà khi rơ đánh mút Tàu lên ngôi thì rơ gai công cũng thoái trào. Tuy nói là ít điểm yếu, nhưng vì gai này không cho khả năng biến hóa xoáy, nên vẫn có thể khai thác chỗ này mà “đấu súng” với mặt gai công, nếu bác nào quen đánh với kiểu gai này.
+Cách đánh cho người kỵ gai: nghĩa là sợ cú đập bóng chuội của gai, thì đừng nên đưa bóng qua bên gai. Đừng nói lý thuyết là gai ngang gai dọc kỵ bóng này bóng nọ hay chỉ làm được trò này trò kia, một người tập gai nghiêm chỉnh bên Fh sẽ không sợ bất cứ kiểu bóng nào. Nghĩa là cũng có đánh hư đấy, nhưng đừng nghĩ đó là điểm yếu nếu không có căn cứ vững chắc nằm ngoài cái mặt gai (vd bác đó có bộ chân chậm, hoặc thường ôm bàn sát quá, vv..). Cách đánh là đưa bóng ép hết qua bên kia rồi đánh xa góc vào bên gai, hoặc dứt điểm về bên gai, nhưng cũng tùy trường hợp vì phải cẩn thận họ xoay vợt.
+Cách chơi của người không ngại gai: nếu không sợ cú bạt của gai công thì cách đánh trở nên quá đơn giản, chỉ cần lùi ra một chút phản công lại được bóng thấp (ít xoáy hoặc biến đổi xoáy) về cuối bàn bên phía gai sẽ buộc gai phải đánh nhẹ lại một chút rồi cứ thế mà giành tấn công trước. Bị gai phản công thì cứ lùi lại đỡ bóng xốc tới về cuối bàn, thấp hoặc rất cao đều hiệu quả. Bị đánh kiểu này thì gai sẽ buộc phải mạo hiểm, lúc này thì thế trận đã khác rồi.
+Các lỗi thường gặp: đở bóng gần lưới mà lại đứng gần bàn, gai bạt cú này thì chỉ có mà né bóng! Đở bóng qua Bh quá chậm và hơi cao, chỉ cần gai sàn kịp thì còn đánh còn ác hơn là bên thuận nữa, gai này là vua ôm bàn mà. Sợ gai chỉ dám đở nhẹ lại cho qua lưới thì cầm chắc không có quả thứ hai để đở nữa. Khi gai giao bóng nhanh mà không có cách gì hóa giải, moi lên là bị công trước ngay, mà đở vào cũng chết. Một số bác cho rằng gai này không thể tấn công quả cắt sát lưới đi sâu về cuối bàn, đành rằng nó không dứt điểm được, nhưng khi đánh nhẹ gai này vẫn là một loại bán phản xoáy nên nó vẫn vỗ trả xoáy lại được một quả đủ nhanh mà ác. Dù sao thì bóng thấp mà sâu vẫn hơn là bóng nảy lên mà ngừng lại trong bàn.

 

6. Gai dài đánh Fh
Trước nay chúng ta chỉ quan niệm gai dài là để thủ, gai ngắn mới tấn công, cho nên ít ai xài gai dài cho mặt Fh – trừ khi mặt Fh yếu, chủ lực là Bh. Thế nhưng rơ này vẫn còn tồn tại từ khi chưa có mút láng tới ngày nay, vẫn làm thịt gà được như thường. Đừng nói chi là gà, em biết có mấy bác Tàu già khú, thanh niên cao thủ đụng ổng vẫn đi nhanh như anh Tháo rượt. Bên Vn có bác Trần Tuấn Anh B, thỉnh thoảng cũng có xoay mặt gai dài qua bên Fh đánh, nhưng đó chưa phải là rơ chính. Rơ đúng của nó là vợt thìa tròn 7 lớp gỗ loại chậm, gai dài ngang lót mỏng một bên mặt trước, gai công xếp dọc lót mềm bên mặt sau, có thể đổi mặt cực nhanh nhưng bên Fh thường là gai dài. Đánh kiểu này thì rơ gai công gọi bằng ông ngoại luôn, vì đã có gai công vợt thìa rồi, lại còn dương lên miếng gai phản xoáy ra mặt Fh nữa, cứ như oánh bài “xập xám” mà có cái “xám chi” đưa lên đầu vậy.
Đến đây thì các bác sẽ nghi ngờ: vậy nó có cái quái gì khác với rơ phản xoáy đánh bên Bh, mà mút PX gắn với vợt carbon nó PX còn ác liệt hơn nhiều lần? Hoặc cũng có mấy rơ quái kiệt ở Vn cũng xoay Bh đánh hết cả bàn, phủ sóng luôn cả cánh Fh, mà cũng vẫn cứ là hạng xoàng trong giới phong trào thôi? Đơn giản là vì các bác chưa đánh vợt thìa và cũng không biết xoay vợt thìa, không có cú “mổ thóc” trên bàn như rơ thìa gai. Rơ này có chiêu đó mà trở thành “độc cô” cầu bại: cú ấy có thể vô hiệu hóa hoàn toàn các cú giật và bạt, các kiểu tấn công nói chung! Nói kiểu này cho dễ hiểu: bóng ngang tầm, em giật hết tay qua bên kia, ổng đứng ôm bàn thì kiểu gì bóng có vào bàn cũng sẽ dài, đằng này ổng chặn bóng không lòi ra ngoài bàn mà chéo góc nữa mới sợ! Rồi em cũng giật một quả giống vậy thì ổng đã xoay vợt chờ miếng gai, chặn một quả đứng hình luôn. Trong thế trận em không sợ gai, em đánh trước rồi mà vẫn chết chứ đừng nói là đỡ lại thì ăn luôn một quả bạt Fh của gai dài, mà ngay tay cũng chưa chắc là đở nổi! Chính em đã từng tập đánh bằng vợt gỗ trơn không mút, rồi cũng đã từng chơi gai dài bên Fh, em biết cú bạt đó dễ đánh và lợi hại ra sao, bên Fh đánh khác xa Bh các bác ạ.
+Ưu thế: có tất cả ưu thế của gai công và gai PX, luôn cả ưu thế của vợt thìa ôm bàn. Cú giao bóng của gai dài nguy hiểm ở chỗ dài ngắn khó lường, tuy ít xoáy nhưng dễ sai timing, nếu khi giao bóng có thể xoay vợt đổi mặt thì càng lợi hại hơn. Nhưng đáng ngại hơn là cú trả giao bóng; nếu các bác nghĩ rằng có yếu điểm với kiểu xoáy nào thì hoàn toàn sai lầm, một khi người ta cầm gai làm vũ khí thì họ đã dợt với rất nhiều kiểu giao bóng rồi, chỉ có ta là không có kinh nghiệm họ sẽ trả lại ra sao nên cầm chắc là chết ngay từ cú giao bóng của mình. Rơ này cũng không sợ bị tấn công trước, dù là giật hay bạt. Còn khi gai này tấn công trước thì khó chơi hơn gai ngắn nhiều.
+Nhược điểm: vâng, đây là chỗ các bác ngóng đọc, nhưng nếu là em thì em sẽ đọc lại phần trên để tìm cách đánh và chiến thuật thích hợp, thay vì khai thác yếu điểm. Thực sự thì mút nào các phối hợp nào cũng có yếu điểm, chỉ vì cách phối hợp bù trừ cho nhau nên rất khó lòi ra chỗ yếu. Có bác sẽ lý luận: gai dài thì sợ bóng không xoáy / chuội, cứ đánh không xoáy hay không lực dài ra cuối bàn xem nó sẽ “không biết làm gì” đâu. Với cách lý luận này chúng ta có thể thắng cả Ma Long và Zhang xì-ke luôn! Đúng là có những kiểu bóng gai này không thể tấn công, mà ngay cả xoay gai cụt cũng đánh không được, nhưng nó cứ trả lại một quả còn khó hơn: cũng dài không lực mà còn lắc nữa, thì các bác sẽ làm gì? Tấn công à, cho dù là vào thì cũng ngay bài ruột của gai thủ trên bàn. Thủ lại thì bên kia chỉ chờ sơ hở là phang bác ngay, còn khó quá thì nó cứ trả lại tiếp nữa, xem ai có lợi thế hơn?? Với gai thủ bên Fh thì không kỵ quả lốp bóng cao vọt sâu tới, vì nó chỉ cần mổ lại một quả rớt sát lưới luôn.
+Cách đánh cho người kỵ gai, mà có tới hai bên gai luôn nên không còn cửa nào để trốn hết. Em thấy chỉ còn một cách là cố gắng tạo nhiều xoáy rồi đoán xoáy trả lại mà tấn công, cú tiếp theo sẽ rất nặng, tùy vào sức mình mà có nên công tiếp hay chém nặng lại để chờ một quả hất xoáy tới, cứ vậy mà sống chung với gai. Nếu bạt được thì có lợi thế lớn nhưng đừng nghĩ là gai thủ không thể đở được (gai công sợ bạt vì nó nãy quá)
+Cách đánh cho người không kỵ gai, dù không sợ nhưng cũng còn chua loét, không dễ xơi đâu. Đòi hỏi phải có bộ chân tốt và vũ khí có nhiều khả năng tấn công và phòng thủ. Bắt buộc phải có cái đầu chiến thuật nhanh nhạy, vì bên kia cũng đổi mặt vợt nhanh như điện. Có cú tấn công trên bàn cả 2 càng Bh và Fh là lợi thế lớn, vì buộc bên gai phải đưa bóng sâu ra góc. Không nên xài cú moi bóng khi mất bộ, mà phải xài cú xắn dài lại vào góc để có thời gian bước vào bàn. Khi bên gai thấy ta khai thác cú mổ bóng rớt trong bàn thì họ sẽ đổi bài, dùng gai cụt đánh bóng nhanh xa dạt góc, ta cũng phải đổi chiến thuật cho thích hợp. Đôi khi cũng phải xài cái bài đánh xoáy rồi đoán xoáy mà đánh dứt điểm xé góc hoặc trực diện vào gai (rồi chờ đập quả tiếp theo).
+Các sai lầm thường gặp: Đánh loại bóng mà mình nghĩ họ kỵ, nhưng họ trả lại cho mình bóng còn ác hơn. Cứ nghĩ là mình giật mạnh thì họ sẽ đở mạnh, nhưng loại thìa gai này có thể đở bóng rớt trong bàn 2 lần, hoặc lái bóng sang góc dễ ợt. Có khi không cần thìa, em có đánh với một thằng đánh vợt ngang cầm cây Septear vẫn chơi trò mổ xuống trong bàn, bóng đi khựng lại chứ không dài ra cho mình đánh tiếp. Sai lầm lớn nhất là nghĩ gai dài không thể tấn công, đúng ra là gai này tấn công đa dạng hơn cả mút nữa, vì nó có thể tấn công cả bằng cách chém xuống hoặc quẹt ngang.

 

7. Mút chết
Đáng lẽ em phải xếp cái loại này kế bên mút phản xoáy láng, vì nó cũng không phải là gai nhưng làm việc lại giống PX láng (Antispin) và gai công, đôi khi lại giống gai thủ. Lý do em cho xuống đây là vì tính hiệu quả của nó, cộng với tính chất đa dạng và cách làm việc chung với cốt vợt khiến loại mút này có khi lại trở nên bất khả chiến bại. Em học luật ITTF không thấy chỗ nào nói mút chết (chai) là bất hợp lệ cả, vậy mà chỉ có gai xuất hiện trong giới chuyên nghiệp, còn mút chết thì chưa thấy chú nào xài – hay chưa có “lão niên nghiêm túc” nào đi sâu vào trường phái này chăng?
Vậy mà ở giới bóng bàn phong trào VN thì cái loại này rất phổ biến, còn hơn cả gai bên TQ, chỉ vì một cái lợi thế là dân ta nghèo (mà thích xài đồ Nhật) nên có một miếng Mark V hay Sriver từ thời ông nội vẫn cứ giữ mà xài hoài. Khi mút chết thì nó chậm và lì (mất tốc độ và xoáy) nên làm việc khá “tình thương mến thương” với mấy em carbon đỏng đảnh, kiểu mấy ông chồng nát bấy phải chiều bà vợ khó vậy. Thế nhưng nếu chỉ cho rằng mút chết là mút cũ hoặc mặt láng bóng thì quả là mới chỉ hiểu được có một phần bé tí của cái bí kíp tà đạo này, nghĩa là chúng ta chỉ tận dụng cái tính chất phản xoáy và lì đòn của mút, mà chưa tận dụng khả năng tấn công phản công sát thủ và cắt xa bàn của loại mút này.
Mút chai chia làm 2 loại theo tính chất cứng mềm của sponge: loại mềm và nãy của Nhật và cứng chậm của TQ. Bề mặt chia ra làm 3 loại: chai láng coóng như đầu ông thầy chùa thoa gel vuốt tóc (giống một loại PX láng, nhưng Anti cũng có nhiều loại, ko hoàn toàn láng bóng như mút chết), lì nhám (giống như bị đánh giấy nhám) và chãy dính (như mút Tàu mà đụng bóng là dính luôn). Nghĩa là ta có tới 6 loại mút chết khác nhau, cộng với các loại cốt cứng mềm nhanh chậm khác nhau, rơ đánh khác và BH hay Fh nữa là có đủ loại hết, cho nên ai nói mút chết có vài điểm yếu này nọ là chỉ biết có một vài kiểu, đụng loại khác thì tính chất đã khác xa hoàn toàn rồi.
Ở loại mút này em không thể viết về ưu khuyết điểm hay cách đối trị, mà các bác phải tùy trường hợp mà xem loại mút ấy làm việc giống mút Tàu chãy, gai công, gai thủ PX hay là Anti. Trước khi vào đánh độ phải kiểm tra kỹ mút của đối phương từ sponge cho tới topsheet, cả cái cốt vợt và mút bên kia nữa, rồi sau đó mới tìm cách thử điểm yếu của đối phương. Bởi vì có mút chỉ chết cái sponge, mà cái topsheet vẫn bám dính thì nó sẽ đánh ra xoáy khủng, nhưng có loại topsheet lì rồi mà sponge vẫn còn ngon cơm ngọt cháo thì tốc độ nhanh thôi rồi luôn. Thực tế thì mút nào cũng có chỗ mạnh yếu, rơ nào cũng có thể thắng được, tuy nhiên 3 séc đấu nhanh quá mà đối thủ có thể đổi nhiều chiến thuật khác nhau, cho tới khi ta thua rồi ra ngoài ngồi một lúc mới tức mình tại sao không đánh thế này thế nọ.
Em chỉ có thể cho rằng nếu ai chơi vợt chậm mà có khả năng kiểm soát cao, như mấy cốt gỗ mỏng 5 lớp, với mút cũng chậm, thì khả năng cầm cự với các bác đánh mút chết sẽ cao hơn. Ít ra là vẫn sống dai đủ chờ các bác ấy nôn nóng mà phạm lỗi (nghĩa là không phải các bác ấy đánh hư, mà chỉ cần để lộ điểm yếu ra thôi). Cá nhân em cũng ngộ ra một điều là mút mới tinh đánh rất dỡ, em cũng xài một miếng mút gần chết bên Bh, vợt chậm nên khi đã bí hết các cửa thì em cũng còn cái trò “trấn thủ lưu đồn” ôm bàn đở góc chờ hồi sinh lực rồi công tiếp, đôi khi thủ chì quá ăn luôn cũng không chừng.
Có bác sẽ thắc mắc: nếu mút gai mà chết thì chắc là khó chịu lắm? Xin trả lời là không nguy hiểm bằng mút láng mà chết đâu, dù rằng em cũng từng đụng những tay đánh gai mòn đầu mà rụng gai tan nát hết (hoặc ổng cố tình cắt mấy cây gai chỗ ấy) nhưng độ khó vẫn nằm trong tầm xài mút gai dài cho vợt thìa thôi. Nếu đánh chậm lại, có vợt chậm, mắt tốt và bộ chân tốt thì cứ từ từ mà phân tích cái gai ấy, thường là gai chết chỉ chậm lại và phản xoáy nhiều hơn thôi.

 

8. Phối hợp
Ở trên em đã phân tích liệt kê ra từng loại, với các ưu khuyết điểm thường thấy. Nhưng nếu chỉ có bấy nhiêu thì mút gai cũng chưa có gì đáng sợ lắm, chính cái chỗ nó có thể đi chung với mút láng hoặc phối hợp để bù khuyết hoặc cộng hợp với nhau mà thành một lối đánh bài bản – thì mới đáng ngại. Em nhấn mạnh chữ bài bản, tức là có hệ thống đàng hoàng chứ không phải kiểu chắp vá lấy dư bù thiếu. Em xin đưa ra vài kiểu phối hợp mà em từng thấy, những gì em viết chỉ là phần nhỏ vì bóng bàn quả là môn thể thao phức tạp, có những thứ dù có tưởng tượng ra cũng không nổi – mà em cũng không phải thuộc loại chịu đi đây đó giao lưu nhiều.
  1. Gai công Bh cho người đánh tay trái, vợt đàn hồi, mút Fh hiện đại (điển hình là bác Trần Song Kiệt – Úc). Cái này gọi là tân cổ giao duyên Đông Tây phối hợp. Ác ở chỗ là tay trái nên rất nguy hiểm khi bắn gai thẳng cạnh và xé góc khi ôm bàn đôi công. Đây vốn là kiểu nâng cấp của rơ một càng, nhưng lại nâng cao hiệu quả của tay trái và càng Bh không phải vung tay quá nhiều. Rơ này mà có thể xoay gai qua Fh để bạt luôn thì quả là ác mộng.
  2. Gai công kết hợp gai thủ, vợt ngang, vợt đàn hồi có lớp ngoài cứng (điển hình là bác Trần Tuấn Anh B). Rơ này thì chắc ở Vn nhiều người biết, em khỏi phân tích nhiều.
  3. Gai công Fh kết hợp bên cánh Bh rất đều và mạnh. Đây là rơ nữ điển hình trên TG (Ai Fukuhara và mấy em Hàn hoặc Hong Kong – Taiwan) trong những năm gần đây, từ khi có miếng Tenergy thì trường phái này mạnh lên đủ sức cạnh tranh với mút đám nữ chơi mút Tàu bên Fh.
  4. Gai công Fh kết hợp Anti bên Bh (điển hình là bác Lê Văn Inh). Rơ này tận dụng độ chậm đều và biến hóa của Anti để phối hợp với gai công tốc độ và chuẩn xác bên Fh. Những bác chuyển từ tennis qua bóng bàn cũng thích rơ này, họ sẽ xài gai công lót mềm xếp dọc.
  5. Gai thủ đánh Fh vợt thìa, kết hợp gai công lót mềm bên mặt sau, có thể xoay vợt. Trước đây em chỉ cho rằng chỉ có mấy ông già Tàu chơi trò này để lùa vịt, ai ngờ gần đây mới biết tuyển CNT nữ cũng có em chơi. Ở đẳng cấp CNT thì bộ chân chắc là nhanh hơn vịt nhiều, nhưng lối chơi này vẫn tồn tại được chứng tỏ là nó còn có nhiều trò cao cấp hơn.
  6. Mút chết kết hợp gai dài lót mềm, vợt tốc độ vừa phải và hơi cứng, bóng đi lắc và phản xoáy. Tận dụng tốc độ của vợt để bù lực cho 2 mặt mút, kèm với độ biến hóa của cổ tay thì rơ này cũng đáng ngại không kém vợt thìa. Những bác Tây già có một thời oanh liệt (mà giờ rơi mất cái chổ oanh) thích kiểu đánh này, họ dùng kinh nghiệm bù vào khuyết điểm bộ chân và khả năng giới hạn của mút chết.
  7. Gai dài lót mềm kết hợp mút Tàu cứng (Cheng Wei Xing và Li Ping). Lối chơi này tận dụng sự khác biệt giữa xoáy và phản xoáy, tốc độ và nhịp độ. Rơ này có thể lùi xa bàn mà cắt, hoặc ôm bàn lùa gai, nếu đánh kiểu an toàn sẽ ăn ngay búa tạ của bên mặt Tàu.
  8. Mút chết hai bên, rơ phòng thủ phản công. Hai miếng mút chết khác tính chất, có thể dùng những loại lót mỏng cho thêm phần quái dị, xoay vợt nhanh và thích phản công bất ngờ. Rơ này nghe thì đơn giản, nhưng đánh thử mới thấy khó chịu, vì mình không thể đoán trước họ sẽ đánh kiểu gì, cho tới khi nhìn thấy bóng tới.
  9. Gai công hai bên, bên Fh gai ngang chân lớn, bên Bh gai bán PX hoặc gai dọc lót mềm (đại diện là Miao Miao No.1 nữ của Úc và Sharrad Bandit – nếu chịu thi đấu thì cũng là cao thủ ở tuổi của ổng). Ôm bàn đánh đôi công rất nhanh và đập dứt điểm. Rơ này giống rơ nữ hai gai trước khi có mút Tenergy.
Em chỉ kể đại khái các lối chơi gai và tên các cao thủ đại diện, còn rất nhiều cao thủ với các lối chơi khác từ đơn giản tới phức tạp, chứng minh là gai chưa bao giờ lỗi thời hoặc “không chính quy”. Chỉ có người nhận định là chưa đủ tầm để hiểu hết về gai, mới dám phán một câu kiểu như đúng rồi rằng đánh gai sẽ hư tay hoặc “không thể tiến xa được”! Điều đáng buồn là những người được đứng làm thầy (HLV) trong bóng bàn lại ít ai biết đánh gai hoặc có kiến thức khi đánh với gai, nên rất “ngại” khi bàn tới – cứ như là điều cấm kỵ gì ghê lắm. Chính vì vậy em sẽ viết tiếp phần sau nói về cách tự tập và cách huấn luyện vdv chơi mút gai, kèm theo là cách tập luyện để không kỵ gai.

 

V. Bước đầu tập chơi gai

Một lớp dạy bóng bàn lý tưởng nhất phải có ít nhất một em chơi gai công và một em chơi gai thủ, còn HLV phải có đủ các loại vợt mút khác nhau để các em làm quen hay lựa chọn cho riêng mình. Em đánh gai công nên dùng cho Fh, còn em chơi gai dài phải luyện kỹ năng cắt xa bàn và đánh gai ôm bàn đồng thời, hai em này nên biết cách đổi mặt để “không bị thiệt thòi” khi học kỹ thuật mút úp. Với mô hình này thì tối thiểu các em kia cũng được làm quen với hai loại gai cơ bản, hiểu cách làm việc lẫn ưu khuyết điểm của từng loại. Nếu trong lớp mà còn có cả vợt thìa và mút Tàu nữa thì các em chơi gai lại càng có lợi thế khi đụng với hai “kẻ thù truyền kiếp” này. Dù là một số loại gai đòi hỏi phối hợp cốt cứng để phát huy hết tác dụng, các em khi mới học chỉ nên cầm vợt chậm, đặc biệt là đánh vợt gai thì lại càng cần phải chơi vợt chậm, vì phải nghĩ tới các bạn đang tập chung với mình – đánh khó quá thì các bạn kia chẳng có lợi lạc gì.
Các rơ đánh gai thì có nhiều, nhưng trong phạm vi hạn hẹp của đề tài và trong khả năng cho phép em mơ ước thì nên phát triển hai rơ gai công Fh và gai thủ Bh (dù rằng như vậy cũng đã quá xa thực tế rồi, có ai dám áp dụng đâu). Nếu là nữ thì càng tốt vì đánh gai chẳng phải vận dụng cơ bắp mà chỉ cần độc và lắc léo, mà hai tánh chất này là sở trường của giới chị em. ITTF đang nghiên cứu loại bóng mới có bề mặt láng và nảy cao hơn, có thể sẽ thích hợp cho gai công (và rơ đánh ép đầu bóng sẽ tuyệt chủng, vì bóng này khó tạo xoáy kiểu đó), chúng ta nên tập luyện đón đầu. Loại bóng 40mm quá thích hợp cho mút Tàu và Tenergy, chính bác ITTF đã hại rơ bóng bàn trở nên càng đơn điệu và nghiêng về TQ khi đổi sang bóng lớn.

 

1. Gai công đánh bên Fh
Ban đầu chỉ nên cầm vợt 5 lớp loại mỏng chừng 5.7-6mm, dầu rằng gai công thích hợp với vợt 7 lớp hoặc có lớp composite chống shock (giấy, texalium, alumium, sợi thủy tinh hay arylate) nhưng sẽ trang bị sau khi học lên các lớp nâng cao. Mới tập đánh chỉ nên xài gai dọc lót mềm như Spectol 21, Stiga Royal hoặc Haifu Penguin. Chọn lót dầy 2.0-2.2mm cho dễ đánh. Bên Bh nên xài mút bọt khí bám bóng thế hệ mới như Andro Hexer, Yasaka Rakza, Palio Macro,.. ngay từ đầu, đừng có nghĩ căn bản phải là Sriver hoặc Mark V. Nên tận dụng mút cũ vợt cũ để tập đánh, sau khi nát một miếng mút bên Bh là vừa xong một cấp, miếng gai bên Fh thì khi nào mòn đầu mới phải thay.
Toàn bộ các kỹ thuật căn bản chẳng khác mút úp lắm, cứ mở lớn góc vợt rồi đánh tới thôi, các thế đứng và di chuyển có thể tham khảo đề tài “bộ chân và di chuyển căn bản”. Đánh gai quan trọng ở cái timing: đánh sớm và đánh trễ góc mở vợt có khác nhau nhiều hơn là mút úp, trong khi bóng xoáy khác nhau lại ít thay đổi góc vợt hơn. Có 3 timing căn bản: sớm (a), ngay đỉnh đường cong (b) và trễ bóng đã đi xuống (c). Tập đánh 5 cấp tốc độ: từ rất nhẹ vừa đủ sang lưới (1) cho tới bạt bóng dứt điểm (5) rồi tập đối phó với 5 cấp tốc độ đó. Tập đánh đối phó 5 loại xoáy cơ bản: xoáy tới rất mạnh (I), xoáy tới dạng đôi công (II), không xoáy (III), xoáy chìm dạng gò (IV), xoáy chìm rất mạnh (V) mà không phải gò trả lại. Tập đánh gai ở 9 vị trí trong bàn kết hợp di chuyển, 3 ở mỗi góc và 3 ở sát lưới, toàn bằng Fh. Nhấn mạnh phần kỹ thuật đòn đánh phải ngắn và gọn, không xoay hông hoặc vung tay quá nhiều.
Có một điều rất hài hước là ở một số nơi, có HLV quan niệm rằng giật xoáy mới là căn bản, còn bạt bóng không phải. Từ quan điểm đó nên họ từ động tác đánh đều đã dạy cách “úp vợt tạo xoáy” rồi nhanh chóng nâng cấp lên kỹ thuật giật xoáy. Từ chỗ giật ấy họ mới dạy là bóng xoáy chìm thì cứ đợi bóng xuống rồi ngửa vợt moi xoáy lên, xoáy tới thì cứ giật sớm quăng vợt tới, thế là xong phần căn bản rồi đó! Kỹ thuật bạt bóng chẳng thấy đá động gì tới, kiểu “tự biết” hoặc chỉ có bóng cao mới xài nhưng vẫn quan niệm là nên “thêm một chút xoáy” khi bạt cho nó an toàn (kết quả là kỵ bóng lốp cao, vì không biết hoặc bạt yếu xìu). Sau một thời gian thì những đứa học trò sẽ đánh giật đều rất mạnh và đẹp, với những cốt vợt và mút cũng “uy lực” không kém. Nhưng mà ra thi đấu thì mới phải…học lại từ đầu, nghĩa là học cách kiểm soát bóng, học cách đở vào bàn. Nhiều đứa sau khi đổi thầy qua lớp nâng cao hơn thì thiếu điều muốn khóc (cả ông HLV cũng khóc ròng) vì ngay cả chuyện đở bóng vào bàn nó cũng không biết, cuối cùng là lớp nâng cao phải gồng gánh luôn cả chuyện dạy lại căn bản.
Em kể ra mấy cái lớp dạy bóng bàn kiểu ấy, vì chỗ đó không có một ghế nào cho gai công lẫn gai thủ, mà ngay cả mút Tàu vẫn bị xem là “sai nguyên tắc” dù là các loại mút lót bọt khí giống Tenergy như Moon hay Sun của Galaxy. Em không dám bàn tới ông HLV, chỉ biết rằng đám học trò đi ra từ cái lò luyện kiểu này chẳng những kỵ gai mà còn sợ luôn cả rơ khều khều của mấy đứa mới tập đánh (nhưng xài vợt chậm mút lì). Nhiều đứa đánh thua miết rồi hoặc là phải tự học lại, hoặc là bỏ bóng bàn luôn. Em kể chuyện này chả phải để phê bình, mà là muốn xây dựng một kiểu dạy bóng bàn hiệu quả hơn. Chỉ cần có kiểu đánh thẳng vào bóng của gai là tự nhiên những đứa khác trong lớp sẽ hiểu làm thế nào để giật mạnh mà không cần phải mua cốt mút loại “khủng”. Hơn nữa, rơ đánh bóng bàn học căn bản từ cú bạt bóng sẽ rất an toàn khi thi đấu: không đánh bạo lực được thì cũng còn có thể xử lý bóng nhanh, mà lỡ phải thủ thì vợt đã mở ra hớt trọn trái bóng vào bàn dễ vô cùng. Những em đánh gai từ căn bản, sau này muốn học mút úp thì chỉ cần đánh dài tay ra, tạo xoáy bằng cẳng tay là có kiểu giật xoáy cực mạnh, hơn cả những em tập giật xoáy ngay từ lúc mới tập chơi.
Quay lại giáo trình trong mơ của em. Đánh Bh có đa dạng hơn, tuy cầm mút úp nhưng có 2 kiểu đánh: thẳng vào bóng và đánh tạo xoáy, tập ngay từ buổi đầu. Nghĩa là em chia thành số lẻ và chẳn: đở cho qua bàn thẳng vào bóng (1), đở qua bàn có nhấc cẳng tay lên (2), đánh thẳng vào bóng có phát lực (3), phát lực giống (3) nhưng có tạo xoáy (4). 3 và 4 là hai động tác đánh đều căn bản, khác nhau ở chỗ mượn xoáy hay tạo xoáy. Động tác số (5) là đấm (bắn) thẳng vào bóng, đánh nhanh như (5) nhưng dùng cẳng tay và cổ tay tạo xoáy (6), dùng cẳng tay bạt bóng mạnh hơn cú bắn thẳng (7), đánh mạnh giống (7) nhưng xoay hông và tạo xoáy (8). 5 và 6 dùng để đánh đôi công, 7 và 8 dùng để tấn công, khi đánh nâng cao lên sẽ còn các số lớn hơn, nhưng đều lấy căn bản từ các số nhỏ trước nó. Ở bên Bh em cũng nhấn mạnh sự khác nhau khi đánh sớm và trễ (a, b, c), cách đối phó với 5 loại xoáy cơ bản. Các bước di chuyển căn bản bên góc Bh kết hợp động tác đánh, quan trọng nhất là áp dụng cú bạt Fh khi đánh bên Bh (bài đổi Bh và Fh).
Khi đã thành thục thì em cho tập đổi mặt, học đánh gai bên Bh và mút úp bên Fh, lúc này mới thấy rõ là cú giật bên Fh nó mạnh thế nào. Em có gởi mấy đứa đánh gai công sang lớp “căn bản” cho bọn nó cọ xát thêm kinh nghiệm, và dặn tụi nó xoay mặt mút qua đánh Fh và Bh, giấu gai đừng xài. Được vài lần thì HLV bên đó nói em dạy sai kỹ thuật căn bản rồi: giật gì mà…mạnh sát thủ quá, cứ như là không biết giật xoáy vậy, bạn tập đở không nổi. Xong rồi họ bèn “chữa sai” lại bằng cách dạy đệ tử em đánh mỏng vào bóng, dù là đánh sớm cũng phải ráng mà miết mỏng vào! Tới đây thì em ngộ ra một điều chẳng liên quan gì bóng bàn: nước ta gặp phải nạn thằng chăn trâu làm lãnh đạo, học thức không bằng cục c*c, cũng không phải tại xui xẻo hay thời thế gì, mà cái đó nằm trong máu dân Việt rồi, đi khắp năm châu chế độ nào vẫn thế thôi.
Trong giáo trình căn bản của em nhấn mạnh khả năng phòng thủ, ôm bàn không được thì lùi ra một bước, làm sao phải tính chuyện bóng vào bàn trước đã, sau đó mới nói chuyện có lực hay xoáy. Các kỹ thuật gò bóng, chặn bóng hay flick bóng (rơ chậm, bóng ngắn, xoáy lạ) cũng được dạy ngay từ lúc buổi đầu chứ không quan niệm chúng thuộc về phần nâng cao. Các chiến thuật căn bản như giao dài đôi công, giao ngắn gò bóng, giật mồi rồi đập,..cũng được áp dụng kèm với những phát sinh râu ria như đở xoáy ngang hoặc không xoáy. Tuy học rất nhiều nhưng thời gian tốn kém rất ít, quăng ra thi đấu chúng rất khôn khéo và quan trọng hơn là chúng rất đều, thắng luôn cả những đứa học trước đó khá lâu. Chỉ có sau khi đưa ra thi đấu, thua về mét sư phụ thì em mới dạy phần nâng cao.

 

2. Gai dài đánh bên Bh
Đây là rơ căn bản của Hàn Quốc, cho nên muốn học thì phải sang xứ Hàn, chứ xứ Việt không dạy. Em chỉ viết tổng quát thôi chứ thực tế cũng chưa dạy được đứa nào đánh hoàn chỉnh, dù là có cho xài thử một vài buổi tập. Dạy gai công mà còn phải đấu tranh chết sống mấy lần đổi mút vợt, dạy gai thủ chắc là áp lực chịu không nổi luôn. Chẳng riêng gì em, bác Lê Văn Inh là cao thủ cắt xa bàn, vậy mà cũng chưa đào tạo được đứa nào đánh giống bác ấy. Thế thì khó thật, nhưng chẳng ai có thể ngăn cản ước mơ, phải không các bác? Ai bảo em chém gió chuyện cắt xa bàn thì cứ thách em cắt gai cho các bác giật, xem ai thua trước nhé.
Gai thủ đánh xa bàn hay ôm bàn cũng nên xài cốt gỗ 5 lớp thôi, loại ít nãy mà hơi cứng, nếu tập đánh cốt oversize ngay từ đầu càng tốt (những cốt vợt defensive thường là có đầu lớn hơn cốt offensive). Nên đánh loại gai dài chân to khỏe một tí, dù là nó ít mang tính PX nhưng dễ đánh ngay từ lúc mới cầm. Mới tập chơi chỉ nên xài lót chừng 1-1.3mm là đủ, lót dầy quá khó điều khiển và cảm giác được bóng nếu đánh nhẹ. Ở tầm gai và lót thế này thì độ phản xoáy không quá lớn, có thể cắt bóng ít xoáy vào bàn rất đều hoặc có thể tấn công nhẹ bóng đi thẳng không lắc nên không quá khó cho bạn tập. Bên Fh nên chơi mút lót bọt khí mềm, các loại như Andro Hexer+, Palio Macro+, Yasaka R9,…vừa dễ đánh cắt bóng xa bàn, vừa có thể đánh cú bạt kết hợp giật với những quả bóng trễ timing.
Nguyên lý phản xoáy của gai nằm ở chỗ tiếp xúc nhanh và độ lún của gai, cho nên gai lót càng mỏng, cứng và nhỏ đầu thì càng mang tính PX. Vợt càng có lớp ngoài cứng thì càng PX chứ không cần cứng toàn bộ vợt. Chúng ta thường thấy rơ ôm bàn xài vợt cứng nãy 7 lớp, nhưng gai thủ nếu chơi ôm bàn (kiểu xắn trả xoáy) thì vẫn nên chơi cốt 5 lớp loại có mặt ngoài gỗ cứng như Koto, Walnut hay Ebenholz. Có thể tăng thêm độ phản xoáy khi đánh nhẹ – mà vẫn có thể biến hóa xoáy khi đánh mạnh – thì em dùng vecni (timber sealant hay coat) hoặc sơn móng tay (nail polish) đánh nhiều lớp bên dán gai (có người còn chơi keo dán sắt nhưng em chưa dám thử). Bác nào muốn chơi kiểu vợt dọc gắn gai dài ôm bàn xỉa xắn thì cứ thử tìm một cây vợt cùi rồi phết nhiều lớp áo lên, sẽ thấy rất hiệu quả.
Đây là rơ đánh xa bàn nên phải dạy di chuyển ngay từ đầu, nên dùng phấn vẽ ra những vị trí đứng và đường di chuyển một bước rưỡi xa bàn. Bắt đầu tập nên đứng bên phía Bh trước vì nó căn bản hơn (đứng bên Bh vẫn có thể đánh Fh). Em chia cách cắt gai xa bàn thành các kỹ thuật chính: cắt bóng tăng lực (1), cắt bóng hãm lực (2), cắt tăng xoáy (a) và cắt giảm xoáy (b), cắt sớm gấp – gần bàn (I), cắt vừa đúng lúc – ngang mặt bàn (II) và cắt trễ – khi bóng gần chạm đất (III). Với các loại xoáy thì có cắt bóng với xoáy tới (A), xoáy chìm (B) và không xoáy – bóng bạt (C). Ngoài ra mút gai dài chân to, lót bọt khí vẫn có các kỹ thuật tấn công giống gai cụt, nên có thể bắn mất xoáy hoặc ôm bàn đẩy góc tốc độ cao. Động tác cắt có thể chia làm 3 cấp độ: chỉ dùng cổ tay chỉnh bóng phát ít lực trong khi mượn lực toàn thân (giống nguyên lý đánh đều mút úp) đánh bóng trước mặt, dùng cả cẳng tay và cánh tay – đánh bóng sát người, dùng cả vai và hông khi đánh bóng xa bàn.
Bộ chân phải linh hoạt nhưng không cần đứng rất thấp như đánh mút úp, mà luôn sẳn sàng bước qua lại hoặc tới lui. Khi cắt bóng thì rùn chân xuống chứ không bật gối lên như kỹ thuật giật bóng xưa (kỹ thuật giật bóng hiện đại chỉ chuyển trọng tâm qua lại hai chân chứ không khiễng chân đứng lên). Bài căn bản số 1, chỉ cần cắt bóng trước mặt, vung tay rất ít hầu như là đẩy bóng trả qua lưới, nửa bước lùi xa bàn. Người thảy bóng phải đưa bóng đơn giản ngay tay, còn người tập chỉ cần nâng bóng sao cho qua lưới vào bàn thôi, tập quen rồi thì mới hơi cắt xuống để bóng qua lưới thấp hơn. Bây giờ người thảy bóng sẽ biến đổi điểm rơi, hơi ngắn, hơi dài, lệch trái phải,..dần dần cho tới khi người tập có thể tự tin đở bóng vào bàn. Bài số 2, người tập phải lùi xa bàn một bước bước (nghĩa là cần 1 bước rưỡi mới đánh được bóng trong bàn) kèm theo hướng dẫn cách di chuyển một chân nửa bước về 4 hướng, đây là vị trí cơ bản của người chơi gai thủ xa bàn, có thể trả lại mọi đường bóng cơ bản về góc Bh (trừ bóng ngắn trong bàn). Sau khi thành thục cắt phát lực căn bản, có thể áp dụng tập luyện một lúc 2 người: một bên chơi mút úp tập đánh các loại bóng khác nhau do người thảy bóng tạo ra, còn bên gai thì cắt trả lại. Hoặc tập theo cách đánh đôi: người đánh xong sẽ di chuyển tránh chỗ cho một người khác bước vào giật tấn công cú cắt đở bóng căn bản của bên gai. Nói chung tùy vào sự khéo léo của HLV mà có thể vừa tập gai thủ vừa tập cho những người còn lại, sao cho đôi bên cùng có lợi.
Kỹ thuật cắt bóng bằng mút úp cũng bắt đầu bằng chuyện đơn giãn là đở bóng vào bàn, rồi thêm xoáy bằng cách chặt nhẹ xuống, sao cho bóng thấp gần lưới chứ không cần xoáy nhiều, cũng tập căn bản nửa bước và một bước xa bàn. Tận dụng bóng của một bạn khác tập đánh nhiều bóng để luyện kỹ thuật cắt mút úp xa bàn, mượn lực của đối phương chứ chưa cần tạo những đường bóng khó. Nhờ mút mềm ít nãy lại bám xoáy nên cú cắt Fh cũng rất dễ so với những loại mút tension đời trước như Bryce. Sau khi đã có kỹ thuật cắt gai và mút căn bản thì nên tập cắt gai bên Fh, tức là đổi bộ cắt Fh sang Bh rồi dùng gai mà cắt – bài tập này để đối phó bóng giữa bàn.
Bây giờ mới nên tập đánh mút tấn công bên Fh. Cũng giống như các kỹ thuật tấn công hiện đại khác, nên bắt đầu bằng cách ngữa mặt vợt ra đánh thẳng vào bóng. Hơn nữa, rơ phòng thủ xa bàn lại càng phải luyện đánh bóng trễ, tức là bóng đã đi xuống khá thấp nên càng phải ngửa vợt đánh thẳng tới nếu muốn phản công. Rơ phản công hiện đại thường phải đối phó với bóng xoáy tới rất mạnh (do phải giật đối phó cú cắt chìm) và cú trả ngắn xoáy chìm (vì không dám tấn công quả cắt quá khó). Ngoài ra cũng phải tập dứt điểm sớm nếu gặp đối thủ kỵ gai hoặc đánh rơ thủ PX giống mình. Rơ cắt và phản công xa bàn thường kỵ cú bạt của gai công hoặc kỵ chính rơ của mình. Các bác mà xem mấy trận Joo Sea Huyk đánh với Cheng Wei Xing thì cười bể bụng, vì cả hai đánh kỵ nhau như mới tập chơi vậy, đánh hỏng nhiều quả ngớ ngẩn không tưởng nổi.
Sau khi tấn công bên Fh được rồi thì chuyển sang tấn công Fh bên cánh Bh, không cần đổi mặt vợt, vì rơ cắt xa bàn khi tấn công nên dùng Fh sẽ uy lực và có lợi về bước chân hơn. Lưu ý bước di chuyển sao cho ngắn và hiệu quả nhất khi đang đứng cắt Bh xa bàn chỉ cần nhào tới trước và chỉnh bộ là có thể ôm hết bàn dứt điểm một quả gò thấp. Đến lúc này thì có thể tập cắt Bh nhiều kiểu đối phó với nhiều loại bóng tấn công, đánh Fh nhiều kiểu (vd như giật xoáy ngang hoặc bạt phản công,..) hoặc ôm bàn đánh Bh (gò chặn hoặc tấn công bằng mặt gai). Có thể phối hợp tập luyện cho các bạn khác trong lớp như một người giật một người cắt, hoặc cùng gò bóng nhưng một người dùng PX còn người kia cố gắng kiểm soát bóng đừng nảy cao quá. Tới đây là xong phần căn bản cho rơ gai hiện đại đánh xa bàn, nếu ai muốn tập luyện nghiêm túc thì trao đổi riêng với em về các vấn đề phát sinh khác.
Trên đây em đã mô tả khái quát cách tập luyện hai loại mút gai cơ bản điển hình, phương pháp huấn luyện của em là bắc thang từng nấc, có bậc dưới mới có bậc trên, nương lên nhau mà vươn tới. Tuy nhiên phải chấp nhận một sự thật là chúng ta không có các HLV chuyên rơ đánh gai, ngay cả hiểu nhiều về gai như em thì cũng chỉ là thầy trò cùng nhau nghiên cứu thôi, có khi trò dạy cả thầy. Càng học lên cao thì trò càng phải làm việc nhiều hơn còn thầy chỉ luôn trả lời nước đôi, không có gì chắc chắn hay ép buộc cả. Em không đủ giỏi để bảo đệ tử phải làm như vầy như vầy mới đúng, vì thực ra chỉ là em ép buộc cái đúng của em lên cái mà em chưa hiểu gì cả, cầm chắc là sai nhiều hơn. Đánh gai cũng vậy, đôi khi chỉ theo chiến thuật đánh mút úp lại phá hỏng cái hay riêng của gai, đành phải tìm các trận đấu có gai mà xem rồi ngồi lại phân tích từng chút nhỏ. Cho nên em có lời khuyên thành thật với các bác nào nghiêm túc đào tạo ra thế hệ vdv mới có các lối chơi đa dạng: phải đi chậm mà chắc, có thể lứa đầu tiên không thể vươn tới đỉnh cao khi còn trẻ nhưng chúng sẽ trở thành những HLV rất giỏi để đào tạo thế hệ kế tiếp. Phải bỏ quên cái “tôi” ở nhà khi đi dạy bóng bàn nếu thực sự tâm huyết và yêu bóng bàn. Phải đánh đổi lựa chọn: dạy ra một bản sao hay đào tạo một thế hệ mới ưu việt hơn?
Nếu trong Nam mà tạo ra được 2 rơ đánh gai này một cách có hệ thống và bài bản, cộng với rơ mút úp hiện đại (hoặc mút Tàu) thì chắc chắn sẽ lấy lại thế cân bằng khi đấu với rơ mút nãy vợt cứng của ngoài Bắc hoặc phong trào cả nước. Sau đó thì các rơ này sẽ giành ưu thế luôn, vì sẽ không thể có thế cân bằng một chọi ba được. Em không ghét bỏ hay thành kiến gì rơ cũ, nhưng thời đại nào rồi mà vẫn ôm giữ những thứ lạc hậu ấy? Có chăng bởi vì chưa có ai thắng họ trên đấu trường nội địa, nên họ vẫn bám víu cái thế độc tôn. Mà cũng không cần phải thắng hoàn toàn, chỉ cần làm lung lay cái vị thế độc quyền là sẽ gây ra đổ vỡ hệ thống, họ chuyển hết qua chơi gai cũng không chừng, bản chất của con người ta là thế. Sau này bóng bàn phát triển sang giai đoạn khác, họ có khi vẫn cứ giữ mút gai làm căn bản, ai không biết chơi mút gai là tà đạo, hehe.

 

VI. Cách làm quen với gai

Làm quen với…gái còn dễ hơn ạ! Vì gai là gái thiếu sắc (đẹp) lại rất khó chịu và hiểm ác. Mấy bác chơi gai thì họ giấu biệt cái mặt ấy như mèo giấu c*t hoặc úm kỹ đứa con gái rựu, làm sao có thể quen? Nhưng khó cỡ nào thì cũng có cách các bác ạ, cứ để cho mấy bác úm gai phải trở thành “bố vợ phải đấm” khi một ngày nọ vỡ lỡ cô con gái rựu của mình đang ôm bom. Em cứ lấy kinh nghiệm cua gái ra chỉ các bác 3 tuyệt kỹ làm quen, bảo đảm thành công trên mức mong đợi. Thứ nhất là “đồ chơi” phải có, giò cẳng phải dẽo dai để lỡ có trồng cây si hay leo cột điện thì vẫn còn gân cái gối. Thứ nhì là phải có đứa em gái ở nhà để tập làm quen dần tính cách đỏng đảnh của các nàng gai. Thứ 3 là nên có một bà chị dày dặn kinh nghiệm làm quân sư hoặc làm thao trường để tập dợt các chiêu. Được bấy nhiêu đó rồi thì thắng hay bại còn lại là do các bác cả thôi.

 

1. Chuẩn bị căn bản
Như ở phần trên em có nói sơ lược 3 điểm phải chuẩn bị trước khi đánh với gai, để giảm bớt những lỗi ngớ ngẩn, hoặc có thể tự tin đối đầu với vợt gai. Nếu chuẩn bị tốt phần này thì dù bóng qua có khó mấy thì cũng nằm trong các loại xoáy căn bản, đánh không được thì đỡ lại cũng không đến nổi quá cao hoặc ra ngoài. Hơn nữa, nếu bị đối thủ tấn công trước thì vẫn có thể cầm cự trả bóng lại, chờ tới lượt mình.

 

a. Vũ khí
Nên xài cốt vợt chậm, nhưng không phải loại yếu xìu (gỗ non, thiếu độ búng) mà chỉ chậm khi đánh nhẹ, còn đánh đúng động tác vẫn tạo ra tốc độ sát thủ. Cốt gỗ 5 lớp, 7 lớp, 5+2 lớp sợi chống sốc (sợi thủy tinh, arylate, texalium,..) sao cho tầm off- tới off thôi, đừng đua đòi off+ hoặc có carbon rất khó đánh với mút gai. Nên xài các loại mút công nghệ lót bọt khí (bios, spring) có độ cứng tương đương T05 và bề mặt cần phải có độ bám tương đối cao. Độ cứng của lớp lót và bề mặt bám xoáy sẽ làm chậm và giảm độ ảnh hưởng của xoáy lạ, cho phép sai số rất cao mà vẫn vào bàn. Vd ta đoán sai độ nặng nhẹ mà ngửa vợt thì bóng cũng không nãy quá cao, hoặc có thể cắt bóng mà “gì” bóng xuống gần lưới hơn. Đối phương chơi phản xoáy thì ta cũng chơi kiểu trả xoáy, nhưng là xoáy thuận (đánh xoáy gì qua trả lại xoáy đó) nhờ vào loại mút mới rất nhạy xoáy này.

 

b. Bộ chân và di chuyển
Thí dụ như ta không có khả năng đoán xoáy dựa trên xoáy mình đánh tới, mà phải nhìn để biết nó là xoáy gì, nhiều hay ít,..thì ta cũng nên hơi lùi lại một tí và đánh trễ một chút. Lúc này bộ chân và cách di chuyển sẽ giúp giải quyết vấn đề. Đứng hai chân rộng và thấp sẽ không sợ bóng kém nãy (chuội) vì ta đã đứng khá đủ thấp rồi, còn nếu bóng lạn sang bên thì bộ chân rộng sẽ giúp ta có một tầm tay lớn, không lo dư thiếu “một chút” như kiểu đứng cao. Bước nhanh giúp ta có thể thủ một góc, mặc cho đối phương lùa qua góc chéo ta vẫn không ngại, mà đó là cú sở trường của gai, sẽ xài rất thường. Khi ta không ngại bị đánh góc thì gai cũng không còn làm ăn gì được nữa. Cách di chuyển và các bài tập em có viết ở một topic khác, các bác nào quan tâm có thể tìm đọc.

 

c. Chiến thuật hợp lý
Trước khi vào đánh chúng ta phải tìm hiểu vũ khí của đối phương, các khả năng và điểm yếu, các cú sở trường thường xài,..rồi tính trước cho mình ít nhất là 3 bài chính và 3 bài phụ. Khi vào thi đấu, người có chiến thuật tốt sẽ luôn bình tĩnh xoay trở, cái này không phù hợp thì đổi cái khác. Người chơi gai họ chỉ có vài chiến thuật thôi, cho nên càng đánh lâu dài ta càng có lợi thế.

 

2. Nên tự tìm hiểu về gai bằng cách xài thử
Mút gai khá rẽ, cứ sắm mỗi loại một miếng về gắn vào cây vợt cùi rồi thử đánh xem sao. Các bác sẽ tự ngộ ra một vài nguyên tắc cơ bản của cách đánh gai. Vd có một bác đến hỏi em tại sao gai nó trả bóng kỳ cục như vậy (vì bác ta thích giao rất xoáy), em mới cho bác ấy mượn một cây vợt có gắn PX, bảo bác ấy thử tạo xoáy xem có được không. Rồi thử đở xoáy của em giao hoặc cắt qua xem nó làm việc thế nào? Xong buổi tập là bác ấy đã có thể hiểu nguyên lý phản xoáy, dù rất đơn giãn nhưng đôi khi cần phải có thực nghiệm mới hiểu được. Từ đó trở đi bác ấy đánh với gai toàn đoán trước được xoáy trả về mà không còn hụt quả nào – dù là giao bóng xoáy, chấp bên kia trả lại PX.
Hoặc có nhiều bác biết tính chất của PX nhưng không hiểu tại sao bóng lại đi lắc lắc, hoặc cũng đoán sai xoáy khi đở giao bóng của gai. Rồi có bác cầm thử gai công, mới hiểu tại sao gai này không nên đánh trễ hay úp vợt, nhờ vậy bác ấy mới tự tin đánh giật xoáy chậm sang bên gai công. Cũng vậy, nếu không đánh thử Anti thì ít ai biết nó mềm và chậm thế nào, sẽ thấy cách làm việc rất khác nhau giữa miếng Anti và gai dài, dù là cũng để cắt xa bàn phản xoáy.
Có bác sẽ lo xa rằng đánh gai sẽ “hư tay” hoặc “tẩu hỏa nhập ma” như coi phim chưởng thấy một người luyện nhiều phái võ khác nhau. Trường hợp này cũng có xãy ra, khi người đó bình thường thì xài vợt nãy đánh úp xuống, khi cầm gai vợt cùi bắp thì phải ngửa vợt đánh tới, sau đó quay trở lại vợt cũ thì đánh cứ qua bàn…đằng sau luôn. Hoặc nếu cầm gai công mà đánh thì than phiền rằng mất cú giật xoáy, cứ đánh thẳng vào bóng mãi. Vậy chứ em hỏi các bác, như vậy có gì sai? Tại cây vợt các bác sai, cho nên đánh nãy quá ra ngoài mà không đủ xoáy cúp vào bàn. Hoặc tại các bác quan trọng hóa xoáy quá mức, đánh vào bóng không cần “ma sát” cũng tạo được xoáy mà? Những đứa học bóng bàn đã lỡ học căn bản theo cách đánh “ma sát”, nếu muốn giúp chúng nó đánh theo cách hiện đại, em chỉ cần đơn giản là phát cho nó một cây vợt 2 bên gai, bắt đánh cho tới chừng nào bóng vào bàn đều và mạnh thì mới đổi cho cây vợt khác (dĩ nhiên là vợt và mút cũng khác lúc trước). Lúc đó thì tự nó sẽ hiểu cách đánh mới, không cần ma sát vẫn đủ xoáy mà mạnh khủng, xưa nay nó chưa từng biết. Bác nào có theo dõi topic “giật bóng kiểu hiện đại”, muốn thử thì chỉ cần lột ngược miếng mút Cao Su Đường Sắt dán trở lại cây vợt ấy, tập đánh cho tới chừng nào giật bóng vào bàn cực mạnh thì đổi lại cây vợt gỗ 5-7 lớp dán mút cứng bám bóng mà đánh, sẽ thấy cú giật thay đổi hoàn toàn.

 

3. Nên có bạn gai tập chung
Đây là bước quan trọng trước khi ra chiến với gai. Có tập với gai mỗi ngày mới quen được đường bóng, ra trận mới tự tin đánh đâu thắng đó. Hồi cái thời rãnh rỗi, trong nhóm 3 đứa tập chung em, có 1 đứa tay trái đánh gai dài, một đứa đánh gai công, cho nên em có thể tự tin mà đánh đều hay cắt bóng với gai mà bóng vẫn không bị vướng lưới hay nhỏng lên. Em còn tự tin đến nổi giao bóng xoáy lung tung mà vẫn đoán bên kia trả lại kiểu gì, sau này dù có ngoái kiểu nào thì em biết bóng cũng trả lại kiểu xoáy ấy thôi. Chính vì cái lợi ích không kỵ gai đó mà em nghĩ mỗi câu lạc bộ hoặc một lớp học bóng bàn nên có nhiều loại gai để các em khác tập dợt và làm quen ngay từ đầu.
Một nỗi sợ mà ai cũng biết, đó là đánh đều với gai. Giật thì không sao, tại vì có thể lấy xoáy của mình đánh trước rồi giật moi cao lên, nhưng đánh đều sao cho…đều mới là khó. Nếu tập luyện thì bên gai nên cầm vợt chậm mỏng, gai hiện đại lót dầy 1-1.3mm mà đánh, thì bóng sẽ đỡ khó chịu hơn, chỉ đơn giản là xoáy tới ít chứ không phải là xoáy chìm. Bên gai nên ma sát gai để tạo xoáy, chứ nếu đánh thẳng vào bóng thì vẫn gây phản xoáy và bóng lắc. Bên mút úp sẽ thấy bóng đi chậm, trôi xa và nãy ít hơn so với mút úp. Chỉ cần ngửa vợt hơn bình thường, đánh dưới bóng một tí là có thể đánh đều với gai. Tránh cố gắng tạo xoáy hoặc cố ý đánh không xoáy (kiểu ngửa vợt hơn 90 độ và hơi đánh xuống), cả hai kiểu đều sẽ bị trả bóng lắc lại. Dần dần quen rồi thì bắt đầu đánh nhiều kiểu và quan sát cách đánh của bên gai để đoán xoáy.
Khi vào trận, ai từng đánh với gai cũng hiểu một nguyên tắc là đừng có cắt bóng với gai, vì sẽ bị trả xoáy trái sau cắt nhỏng rất cao. Tuy nhiên có thể tập dợt trước để quen dần kiểu trả xoáy bằng cách xắn xuống của gai, vì đôi khi gai cũng có thể tạo xoáy hoặc phản xoáy tùy ý, kỵ gai thì dù có đoán trước cũng …trật. Nhờ bạn đánh gai tập gò đều, mới đầu chỉ là hất trả bóng, khi quen dần độ lắc và cắm của bóng thì có thể tăng xoáy và úp vợt đẩy qua hoặc tự tin cắt thêm xoáy trả lại. Lưu ý là gai chỉ có thể trả lại khá ít xoáy, nhưng có thể thay đổi tốc độ. Vd thấy ta cắt nhiều xoáy thì họ sẽ đánh mạnh hơn. Khi quen dần có thể cắt xoáy ngang và nhờ bạn đánh gai vừa cắt vừa đổi mặt, xem mút úp và gai trả bóng xoáy ngang khác nhau ra sao.
Khi đã thông thạo hai loại xoáy với gai thì có thể tập theo kiểu thuận nghịch, tức là giật moi về phía gai, sau đó gò, gai sẽ trả bóng xoáy tới thì giật tiếp – quan trọng là đừng giật ra ngoài. Hoặc đơn giản là đánh hất nhẹ bóng qua bên gai, chờ gai đỡ lại xoáy chìm thì giật moi (nếu không tự tin) hoặc dứt điểm nếu biết cách đánh sớm trước khi bóng đi xuống. Nếu có gai dài biết cắt xa bàn đều thì lúc này là cơ hội tốt để tập giật đều với bóng xoáy chìm, bài tập này hay ở chỗ bên gai sẽ trả lại đủ kiểu, phải nhìn bóng để giật sớm. Bài tập này có lợi ích với mọi loại xoáy chìm, bất kể được tạo ra với mút úp hay gai.
Tập cho quen cả hai cánh Fh và Bh. Bên gai bắt đầu dùng loại mút và vợt khó hơn, sẽ tấn công trước bằng gai, bóng đi nhanh và dị, buộc bên ta phải tiếp xúc bóng dầy và tạo xoáy theo ý mình – lúc này mới thấy cái hay của kiểu vợt chậm mút lót bọt khí cứng bám. Vì nếu xài mút ít bám xoáy mà vợt nãy sẽ rất khó đở trả quả tấn công của gai: không thể giữ và chỉnh bóng trên vợt được – ai có thực nghiệm sẽ hiểu điều này. Bài tiếp theo là tập cắt một quả gần lưới rồi nhờ gai bấm dài sâu qua góc xa, bước một bước và giật sớm (vì bóng sẽ sụp xuống rất nhanh), sau đó gai sẽ chặn đở lại một quả xoáy chìm chậm về góc trái, buộc ta phải hồi bộ nhanh về trái mà giật tiếp, nếu gò lại sẽ bị dí góc tiếp. Bài này sẽ cho thấy tầm quan trọng của di chuyển khi đánh với gai, nếu lỡ chậm một trái thì sau đó sẽ lỡ nhịp tiếp, nếu ta không biết cách buộc gai phải hãm lực lại.
Nếu tập với gai công sẽ hơi chán hơn. Ban đầu là nhờ gai công chặn cho ta giật đủ kiểu, rồi kết hợp di chuyển khi gai chặn đều về hai góc. Bóng của gai khi chặn trông có vẻ nhanh, nhưng khi ta lùi lại một chút thì thấy nó khá chậm, vì vậy ta nên tự tin bước chứ đừng với tay đở, cầm chắc quả sau sẽ là cú bạt gai. Bài tiếp theo là đở bóng bạt của gai, hơi khó vì bóng nãy thấp mà không có xoáy cho ta mượn trả lại. Vợt chậm và mút bám sẽ cho ta rất nhiều khả năng để trả lại, khi tự tin có thể giật lại mà không sợ vướng lưới hoặc ra ngoài, cũng không phải chỉnh ép vợt nhiều quá: gai bạt ta thì ta bạt lại – có điều bóng ta bạt qua có khả năng đổi xoáy, còn gai thì không có. Tập cho quen luôn cả 2 bên, vì bên Bh khó đỡ bạt của gai với kiểu đánh Bh bắn ép đầu bóng, mà giật ngửa vợt lại thì đòi hỏi phải có rơ hai càng.
Một điều buồn cười là hai gai ít bao giờ tập chung với nhau, cho nên người kỵ gai nhất lại là người…xài gai. Đừng nghĩ chỉ có mút úp mới phải đối phó gai, hai bên gai đánh nhau cũng rất hay và kịch tính. Để nắm phần thắng cao hơn thì gai cũng phải dợt với nhau ở clb nhà, các bài tập cũng đơn giãn từ tập đánh đều, gò đều, tấn công phòng thủ theo các bài bản mà sẽ xài nhiều khi thi đấu. Theo kinh nghiệm quan sát nhiều trận đấu giữa các rơ quái với nhau, thì thường các tay vợt nào xài vũ khí chậm hơn sẽ có phần thắng nhiều hơn. Đã xài gai tức là lấy độ đều và chính xác để thắng nhau, cho dù gai công nếu nhanh quá cũng khó kiểm soát, vẫn không bằng các bác biết chọn một vũ khí phù hợp với khả năng sức khỏe, bộ chân và chiến thuật.
Trên đây là mấy bài tập rất cơ bản có thể áp dụng ngay khi có bạn tập, chủ yếu là nắm nguyên lý và tự tin áp dụng. Ra thi đấu thì bóng biến hóa rất nhiều, khả năng kiểm soát bóng được đưa lên hàng đầu. Ai chỉ lợi dụng vào một hai cú tấn công, rũi hôm nào thời tiết ẩm ướt là thua nhanh mà không hiểu tại sao luôn. Em vẫn nhấn mạnh rằng vũ khí chậm và bám xoáy là điều kiện cần, còn tập luyện lâu dài mới có thể hoàn thiện các kỹ năng. Nếu thiếu điều kiện cần thì phải bù rất nhiều thời gian tập luyện mà điểm yếu vẫn nằm đó (trên cây vợt) chứ không mất. Khó khăn trước mắt là bạn tập, nếu không có cao thủ gai thì một người tập “làm quen tính chất” của gai, trong khi người kia tập đối phó, rồi đổi lại. Mục đích là làm sao để đừng bị lóng ngóng kiểu gà mắc tóc khi ra thi đấu với gai.

VII. Kết luận và hướng đi tiếp theo

Tất cả chỉ là những kinh nghiệm em lượm lặt rồi chắp vá thành một bài mang tính tổng quát, chả phải giáo trình tập luyện cũng không có gì chuyên sâu. Bóng bàn chỉ có xoáy và tốc độ thôi mà biến hóa ra hằng hà kiểu cách, có theo nghiên cứu cả đời cũng không thể thâu tóm hết, vì cái ta biết hôm nay chỉ đúng với hôm nay, biết đâu vài năm nữa bóng bàn TG lại bị thống trị bởi mút gai thì sao. Em cố gắng đầu viết dông dài cũng vì hai chuyện lớn: làm sao để có nhiều cao thủ đánh gai chính thống ở VN và làm sao để bóng bàn còn phát triển xa hơn cái chuyện “đối phó với gai” cứ thấy nêu lên mãi. Cá nhân em thấy rằng mút gai rất hợp với hoàn cảnh bóng bàn phong trào ở VN, phần vì nó kinh tế mà hiệu quả lớn: chỉ cần thay đổi tí, có miếng gai vào là tự nhiên lên vài bóng, hơn nữa còn có cái danh tiếng trên giang hồ, như ông Mít-gai hay bà Xoài-láng nào đó – nghe cũng khí thế lắm. Cái lợi ích lớn nhất thì chưa thể thấy ngay, khi rơ gai càng nhiều thì rơ “xưa” càng thất thế, buộc họ phải tự thân nghiên cứu tìm hiểu và thay đổi để tồn tại, bóng bàn VN nhờ đó mà từng bước chuyển hóa – đây là một bước thay đổi rất sâu về chất lẫn lượng. Hơn nữa, khi rơ đánh gai nhiều lên thì bóng bàn cũng trở nên hấp dẫn hơn, chứ không phải mạnh được yếu thua – thế thì chơi bóng chày cho xong.
Bóng bàn phong trào lẫn chuyên nghiệp ở VN vẫn còn theo xu hướng tốc độ mà ít hướng tới độ bền, đây là chỗ mà gai có thể chen chân vào. Thay vì phải tập y chang như bao người khác, với tỉ lệ chọi khá lớn, thì ta đi theo hướng khác, vừa nhanh vừa hiệu quả. Trong khi các rơ “chính quy” học rất nhanh các kỹ thuật tấn công thì gai vẫn nhường cái ưu thế mà chịu phòng thủ (cho dù lúc đó chưa biết ai thắng ai), cho tới khi các chú “năng khiếu” ấy phải sửa chữa chắp vá đủ chỗ thì gai cứ một đường thẳng tiến. Ngoài kỹ thuật còn có chiến thuật, tâm lý, sức bền,..và nhiều yếu tố khác quyết định thắng bại, có quá nhiều hướng để phát triển sâu rộng. Nếu là rơ gai công thì có thể thấy kết quả rất sớm, vì kỹ thuật đơn giản mà hiệu quả, khi bên “năng khiếu” lo tập đủ trò giật thì gai đã đi xa tới các chiến thuật nâng cao, vì đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Bỏ qua chuyện chênh lệch trình độ, các em tập gai chỉ cần ra giải thắng những em kỵ gai (mà số này không ít) thì cũng lên được thứ hạng khá cao rồi. Đó là chưa nói tới lợi ích đánh đồng đội, đánh đôi và tập luyện với nhau.
Ở bài viết dài lê thê này, em chỉ mới cho các bác cỡi ngựa ngắm hoa thôi, nếu ai thực sự có tâm huyết thì em sẽ mổ sâu vào từng vấn đề. Ngày nay các video clip chậm nhiều vô kể, chỉ cần cọp pi theo thôi cũng đủ có tuyệt chiêu rồi, đừng lo chuyện không có ai giãng dạy hay thị phạm. Nếu HLV chịu dạy thì chỉ cần cái I-pad hay I-phone là có ngay rất nhiều “ông thầy” khác làm trợ lý. Em cũng nhờ ông Youtube rất nhiều mà chưa trả công cắc bạc nào, chưa kể tài liệu rất nhiều ở các trang forum Tây-Tàu, nhờ bác Cờ-Rôm tìm dịch giúp. Phối hợp mút gai, lót và vợt theo từng rơ cũng là một vấn đề khó cần phải có nhiều kiến thức nền tảng, nếu không tìm thử kỹ lưỡng sẽ uổng phí tiền bạc hoặc phí luôn cả một vận động viên tiềm năng. Em cũng không phải là hiểu biết nhiều về gai, bác nào chịu thử thì cũng nên trao đổi kinh nghiệm với nhau, cái gì chia xẻ thì sẽ thành của chung và không bao giờ mất.
 

12 bình luận về “Mút gai

  1. bạn viết rất hay và tỷ mỷ, hiện mình mới chuyển qua tập gai công bên FH và gai dài bên BH theo bạn nên sài cốt vợt gì đựơc, hiện nay mình đang xài cốt Andro có phù hợp không bạn?

  2. Cảm ơn bác, bài viết rất tỉ mỉ.
    Em đang có 2 cốt Sanwei M8 với Septear (Cpen), giờ muốn chuyển qua tập thử gai công bên FH (RPB bên BH) thì theo bác nên dùng cốt gì hợp hơn và gai gì ạ ? Em muốn gai Tàu cho kinh tế.

Viết một bình luận