IV. Đấu luyện
1. Phương pháp Tề Thiên đại thánh
Ở đâu ra cái tên này? Chính là vì trong Tây Du Ký có Tề Thiên biến hóa nhúm lông thành cả trăm Tề Thiên “con”. Trong huấn luyện, một hlv phải đôi khi đóng rất nhiều vai cùng một lúc: vừa là thầy, bạn mà cũng phải làm đối thủ. Chưa hết, khi không tìm được các rơ lạ cho đệ tử du đấu lấy kinh nghiệm, chính hlv phải tự luyện để “biến” thành nhiều đối thủ khác nhau. Ở đây đòi hỏi kỹ năng, phải thần thong như Tề Thiên mới làm được, chứ như Trư Bát Giới thì biến thế nào cũng dở. Một hlv giỏi phải biết chơi ít nhất là 2-3 kiểu khác nhau – càng nhiều rơ khác nhau càng tốt – như vậy thì học trò mới được lợi ích lớn: học một thầy bằng học nhiều thầy khác nhau. Nếu chỉ biết mỗi một rơ thì buộc lòng phải để học trò đi du đấu nhiều hoặc đồng thời thỉnh giáo nhiều thầy khác nhau. Trong đấu luyện, hay nhất là ta có “quân xanh” như đám CNT có được: rất nhiều đứa trong CNT-B bắt chước các rơ đánh của các cao thủ nước ngoài về để đám A có thể làm chuột bạch. Trong một lớp (tuyển quận hay quốc gia) nên có rất nhiều rơ khác nhau để cùng cọ xát, ra đấu không bị “dội” ngay từ đầu vì kỵ rơ. Trong trường hợp bất đắc dĩ không tìm đâu ra, thì chỉ còn dựa vào ông hlv – mà tay này cũng không biết gì ngoài một bài thì…ráng chịu vậy!
Người ta thì không thể biến hóa “ba đầu sáu tay” nhưng hlv thì phải làm được. Ít ra, ngoài kỹ năng ôm bàn chặn đở, hlv cũng phải biết lùi xa bàn lốp cao cho trò đập, hoặc cắt xa bàn để trò tập đánh với rơ phòng thủ. Trong đấu luyện, ngoài rơ tấn công (trò sẽ phải phòng thủ hoặc đối công) thì hlv cũng phải biến mình thành rơ thụ động, cho trò công trước – đó là điều hết sức bình thường mà hlv nào ở VN cũng làm được. Có điều hlv nếu cầm cây Sadius thì sẽ không thể đở bóng dị, dù đánh rơ thủ thì cũng không ra thủ – giống như Trư Bát Giới biến hóa thế nào cũng lòi cái mỏ heo ra. May mắn là em học làm hlv với một lão coach rất già, ngày đầu tiên lão dạy thực hành, lão quăng ra gần một chục cây vợt đủ kiểu khác nhau, từ gai thủ cực chậm cho tới Sadius lão cũng có – tuy già không đánh nhanh và mạnh được nhưng lão sẽ nhờ học trò khác làm dùm. Nhờ đó mà học trò lão ta dạy ra dù đẳng cấp chưa cao nhưng không kỵ bất cứ rơ nào cả – ngoại trừ rơ mút Tàu giật low-throw, chỉ vì không tìm được ai đánh được kiểu ấy để mượn về cho trò tập luyện. Khi tập luyện cho đệ tử đánh giải suốt mùa, em dặn bọn chúng luôn phải ghi lại ra giấy cách đánh của từng người trong từng đội, xài vũ khí gì, thường đánh chiêu gì và có cú gì đặc biệt. Sau đó em bắt chước y chang như thế rồi cho chúng tập đối phó dần, kể cả những rơ rất quái chiêu không thấy không hình dung nổi. Đến cuối mùa thì chúng rất tự tin, đụng rơ nào trong hạng đó cũng đều có thể diệt gọn, đánh như là bắt bài trước vậy.
Không những vậy, trong một buổi tập 2-3 giờ, các hlv cũng phải “biến hóa” để tránh làm nhàm chán các bài tập nhiều bóng dài lê thê mệt mõi. Bằng cách đổi cách feed bóng từ vợt ngang sang vợt thìa là học trò đã thấy đổi mới rất nhiều. Có thể dùng mút Tàu rồi đổi sang mút Nhật feed bóng cũng thấy khác nhau xa, chưa kể là những cây vợt để chặn đở bóng đều có 2 mặt khác nhau, luôn có 1 bên là mút chết hoặc 1 bên mút rất low-throw. Khi tập luyện chỉ cần có 4-5 cái khác nhau rồi phối hợp lại là ta cả có rất nhiều tổ hợp lạ, tập hoài không bao giờ chán mà lợi ích lại rõ ràng: ra đấu không sợ rơ lạ. Thành công ở đây không phải là trò “quen” nhiều kiểu bóng – có cả trăm kiểu thì quen thế nào được – cái chính là huấn luyện được khả năng thích nghi cao với các bóng “hơi khác” một chút. Điều quan trọng hơn là trò không bao giờ ỷ lại vào một kiểu đở của thầy, nó luôn phải tập trung nhìn bóng chứ không đánh theo thói quen, nên kết quả là tạo ra những phản xạ thi đấu rất tốt. Tập chiến thuật hoài cũng chán, thầy với trò ra đấu nhau: thầy hóa thành đủ rơ khác nhau cho trò tập ứng phó (chỉ cần hô biến một phát là có ngay một đấu thủ khác hoàn toàn). Một ngày chỉ nên tập tối đa với 3 rơ khác nhau mà thôi, tập với nhiều kiểu quá sẽ loạn – trên thực tế mỗi buổi thi đấu cũng chỉ đụng cao lắm là 3 đấu thủ. Nếu ông thầy có thể biến hóa ra cả chục rơ, thì cứ mỗi ngày tập chừng 1-2 rơ khác nhau là được rồi, đường càng dài thì trò càng dai. Bên cạnh đó phải cho trò đi thực chiến, vì dù có biến giỏi thế nào cũng không bằng “hàng thiệt”, dù trình ông thầy cao hơn rất nhiều. Em nhắc lại sự quan sát này: trò nào vào clb thích đánh với nhiều người, dù học ít vẫn đánh giỏi hơn trò chỉ biết vào luyện với thầy rồi về. Cá nhân em từng nhắc nhở những đứa “chỉ biết mỗi mình thầy” nhưng thường bị chúng bơ đi (chắc ông thầy cũng không muốn chúng “loạn tay” nên luôn hù chúng rằng đừng có dại dột nghe lời người khác, thầy là trên hết) và kết quả thì rất tệ và luôn bị đổ lỗi cho những nguyên nhân khác. Nếu chỉ học mỗi một thầy mà đánh dỡ, thì không nên đổ thừa vào đâu cả, hãy nghi ngờ trình độ giãng dạy của ông thầy đó – học nhiều thầy thì hlv chính còn có thể chối quanh rằng “tui đâu có dạy vậy!”.
2. Tìm đánh tập với khắc tinh
Không gì ghét bằng ra đấu cứ gặp rơ mình kỵ, đã sợ gai mà ra đấu với gai thì cầm chắc thua hết hơn một nửa rồi. Hlv giỏi phải nhìn ra trò mình sợ gặp rơ nào nhất, sợ cú gì hoặc bài nào. Nếu rõ rành rành là người ta cao cơ hơn mình thì thắng là phải, nếu ngang tầm thì đệ tử của hlv giỏi sẽ ít bị kỵ rơ nhất. Tại vì ở nhà đã tập bài tủ để phát huy hết khả năng, đồng thời trám kín hết các điểm yếu. Thời gian còn lại – sau khi đã hoàn thành một rơ mạnh – là tìm khắc tinh để tập đối diện. Chỉ có cách tập luyện thường xuyên với những rơ kỵ thì mới có thể tự tin ra thi đấu giải lớn – cầm chắc là con đường đi tới cái Cup sẽ đụng rất nhiều cao thủ, nguy cơ gặp khắc tinh rất cao. Ở những nước mà bóng bàn chuyên nghiệp được nâng cao đúng tầm (như các giải Super League của Đức hoặc China) thì chuyện một clb đầu tư vào đội bóng để đánh giải sẽ được tài trợ đúng mức, họ sẽ giành nhau các con bài chủ và con bài độc. Chủ lực là vdv thắng được nhiều nhất, nhưng cần có vdv “độc” ở chổ có thể thắng được những trận quan trọng nhờ kỵ rơ. Thường là họ dùng vdv đánh gai hoặc thìa, tuy thứ hạng không cao nhưng thỉnh thoảng vẫn hạ gục được chủ lực của bên kia. Để tránh chuyện đó xãy ra thì hlv phải đào tạo ra các “quân chốt thí” cho gà nhà tập luyện, hoặc hlv phải biến hóa copy y chang cái thứ mà trò mình sợ nhất để mang ra luyện tập.
Ở mức thấp, nếu một đứa nhỏ cứ tập luyện với rơ mình kỵ mãi thì sẽ không còn kỵ rơ nào nữa. Về thứ hạng thì nó chưa có gì xuất sắc nhưng đây mới thực sự là nền móng vững chắc. Cá nhân em từng thi đấu với những đứa nhỏ trình kém hơn nhưng không tìm ra kiểu gì đánh chắc ăn với chúng, một hồi mình cũng rối luôn – nếu không có kinh nghiệm thi đấu sẽ rất dễ quê cơ rồi thua lại. Hơn nữa, khi một đứa nhỏ có cách thắng được rơ mà trước nay vẫn sợ, thì sự tự tin sẽ tăng lên rất nhiều. Có 2 cách thường dùng để tập luyện: mài cho thật bén một cạnh, gặp trúng đối tượng là “xắt” ngay, còn lỡ gặp rơ kỵ thì đưa phần sống dao ra đở rồi cầu cứu sư phụ. Cách thứ hai có phần hay hơn: hai bên đều mài vừa đủ, không có rơ kỵ mà cũng không có rơ nào “ngon ăn”, cứ thế mà nâng lên dần. Đa số hlv chọn cách đầu, học trò sẽ có trận thắng rất hoành tráng mà nếu thua cũng thê thảm. Cách hai sẽ đào tạo ra những đứa thắng khá vất vả, nhưng cũng khó lòng mà thắng được chúng. Rơ thứ hai có cái hay là chờ cho bên kia bí bài thì sẽ ăn lại rất nhanh – thắng chúng rất khó, nhưng thua chúng rất dễ. Em để ý những đứa chơi rơ này thường thắng trận một cách thụ động, tức là do bên kia tự sát nhiều hơn, trước khi hlv của nó ra lệnh “tổng tấn công” để tiêu diệt gọn luôn séc cuối. Cá nhân của em ủng hộ dạy rơ thứ 2 cho những đứa xác định học bóng bàn lâu dài, còn dạy rơ thứ 1 cho những đứa chỉ thích “mì ăn liền”. Khi mà chúng không kỵ rơ nào nữa, bấy giờ hlv mới dạy chúng rèn cho bén 2-3 chiêu tuyệt kỹ, bấy giờ quăng ra thi đấu các giải premiership chúng sẽ chiếm các thứ hạng rất cao (trong khi đứa kia có lẽ đã bỏ bóng bàn vì chán nãn, hoặc đã thành cao thủ nếu cái rơ nó luyện không có đối thủ). Cách đào tạo vdv của VN trước nay toàn theo hướng thứ nhất, với suy nghĩ “trong 100 đứa ra được 1 cao thủ là đủ để nổi tiếng rồi” – không quan trọng 99 đứa kia sẽ thành cái gì. Một phần vì ở VN chưa có sự đa dạng nhiều rơ mạnh như nhau, nên nếu tất cả cùng xoáy vào rơ ấy thì đương nhiên nó sẽ độc tôn. Ở các nước bóng bàn phát triển như Nhật, Hàn, Đức,…ngay cả Tàu cũng thế, không bao giờ có chuyện một rơ thắng hết, mà cũng nhờ thế nên họ mới được mang danh là các nước phát triển! Đâu có ai công nhận cái kiểu “Độc tôn vạn tuế” là xu hướng của thời đại, vì nó nhắc lại cho ta cái thời phong kiến xa xưa lắm.
Nhờ có khắc tinh nên mới có sự cạnh tranh sống còn, hoặc là vượt qua được hoặc là mãi mãi chịu đứng sau, vì vậy khiến cho các vdv nỗ lực hết mình. Chân ngôn của em là “ghét thứ nào ta trao thứ ấy”, học trò đứa nào ghét bóng nặng là em cứ ép tập với bóng cắt tới khi nào không ngại nữa thì thôi. Đứa nào ghét đánh với gai phản xoáy thì em cứ tìm đủ mọi cách bắt nó đối đầu với phản xoáy hoài, trong quá trình tìm cách vượt qua thì em sẽ dạy nó rất nhiều thứ khác – mà nó không hề nhận biết, vì đang cố hết sức đối đầu với khắc tinh. Khi luyện tập phải vừa mềm vừa cứng, có thắng mà cũng có thua thì học trò mới chịu nhớ tới bóng bàn sau khi ra khỏi phòng tập. Hlv đâu thể đánh với một trò hoài (nếu lớp đông), cách hay nhất để trò “được thua” là cho đánh với đứa nó kỵ rơ (cho đánh với đứa giỏi hơn nó sẽ không phục). Phải làm sao cho trong một buổi tập mỗi đứa đều có 1 trận thua tức anh ách thì cả đám mới cùng đắt nhau đi xa được. Thua nó sẽ nhớ lâu, thua đứa dỡ hơn mà kỵ rơ thì chúng sẽ càng nhớ lâu hơn nữa.
3. Đeo thêm đá
Phương pháp này có từ rất xưa, khi những người tập võ phải mang thêm chì hoặc đá vào người để tập luyện – sau khi tháo ra thì thân thủ sẽ nhanh hơn rất nhiều. Cũng giống pp “điều kiện” nhưng áp dụng vào tập luyện thi đấu hơn là chỉ mang tính chiến thuật. Để đè nặng áp lực lên một bên, hlv sẽ quy định nếu thua phải chịu 5p tập thể lực “khổ sai” sau khi thua 1 séc – tức thì hắn phải cố gắng hết sức. Mặt khác, hlv lại nâng bên kia lên bằng cách chỉ hắn chiến thuật khắc tinh bên bị ép. Thế là một bên bị đè nén đủ thứ, còn phải đánh với đối thủ có hlv nữa. Trận đấu càng kéo dài thì bên “đeo đá” càng mệt vì phải bị hít đất và làm đủ thứ trò mệt mỏi sau một séc, trong khi bên kia càng đánh càng khoét vào điểm yếu của mình. Thực ra, đây là quy luật của một trận đấu: càng thua thì càng bị áp lực đè nặng, mà bên kia lại càng sung và sáng ra. Những vdv được đào tạo theo pp này sẽ có bản lĩnh thi đấu cao hơn, chúng sẽ biết cách tăng tốc đúng lúc và giữ các cú tuyệt chiêu cho tới đúng lúc – nếu thua chúng sẽ có cách để trấn tĩnh và không để bị chồng chất thêm đá nặng. Hlv có thể dùng các pp huấn nhục của quân đội để đàn áp tâm lý của một bên trước, bằng cách vô cớ la mắng hắn rồi cho vào thi đấu, hoặc khích tướng một bên rồi ngầm “bơm máu” cho bên kia. Để không muốn bị tác dụng phụ thì sau khi tập luyện xong, hlv phải giải thích rõ ràng để học trò hiểu và rút ra những kết quả tốt để áp dụng vào thi đấu. Cả buổi hôm ấy, người được lợi nhiều nhất là cái đứa bị ép, chứ không phải là đứa được cưng chiều.
4. Mượn Ngô đánh Sở
Trong trường hợp này thì học trò sau thời gian tập luyện và thi đấu đã…giỏi hơn thầy. Sự huấn luyện lúc này đã thay đổi rất nhiều, nếu cả trò và thầy cùng dở thì việc để cho trò ra đi là tốt cho cả hai. Nhưng nếu trò không tìm được hlv giỏi hơn, hoặc vẫn còn có cái hay để học ở thầy (vd thiếu chỉ đạo trận đấu của thầy, trò đánh thua te tua) thì chuyện tập luyện thi đấu tuyệt đối không nên để hlv đứng ra dạy, sẽ làm cho trò bị kềm nén mà chựng lại không đi lên được nữa (kiểu như “mày đánh khó qua tao không đở được, ra đòn căn bản thôi,..”). Lúc này, nếu có hai hay nhiều trò cùng học thì quá tốt, hlv sẽ chỉ cần đứng ngoài mà giãng lý thuyết chiến thuật, các trò sẽ phang nhau. Nếu không có trò ngang sức thì hlv đành phải đi mượn “trợ giãng” giỏi hơn về để làm đối thủ cho trò. Nếu cũng không có trợ giãng nữa thì nên mang trò ra các clb để thi đấu nhiều hơn, lúc này hlv có thể ngầm “chỉ bài” cho các bác trong clb để triệt hạ trò, cũng nhằm làm cho nó có đối thủ. Các vấn đề trên có thể được giải quyết rất đơn giãn nếu chúng ta có một mạng lưới hlv khắng khít với nhau, nếu chia được ra theo tầng bậc thì càng tốt. Như ở Úc, hlv được chia ra 3 cấp chính và 1 cấp bắt đầu, hlv cấp thấp sẽ dạy trong một phạm vi nhất định, vượt ra ngoài thì đẩy lên tuyến trên. Hlv cấp cao có thể đẩy xuống những đứa cần bổ sung căn bản hay mới học mà muốn có “thầy xịn” dạy ngay từ đầu. Chuyện tìm “trợ lý” cũng không quá khó, trong đám học trò chắc chắn sẽ có đứa đi “du học” rồi giỏi hơn thầy rất nhiều, việc kêu gọi chúng về kềm cặp đàn em nằm trong khả năng của hlv – nếu như quan hệ tình cảm trước nay tốt đẹp. Không có pp nào dở bằng một thầy kèm một trò, dù là thầy giỏi thì cũng nên có người khác đấu, còn hlv thì phải đi vòng để quan sát tổng thể – đứng ở một bên vừa đóng vai đối thủ mà làm thầy thì quá là khó. Khi mọi tiện nghi đều thiếu thì hlv có thể tùy biến một cách láu cá hơn: đem trò ra các clb rồi…khen trò trước mặt các hlv khác, cầm chắc thế nào cũng có đối thủ cho trò. Đây là một trong Tam Thập Lục kế của Tàu, muốn đánh một người khác mà không cần tốn sức – muốn cho trò có đấu thủ mà mình không cần phải căng sức ra đánh với nó.
5. Tự kỷ ám thị
Là cùng một phương pháp “tưởng tượng” trong 2 phần trước, nhưng lúc này sẽ mang tính toàn cảnh hơn. Trong pp này, chuyện tưởng tượng sẽ dài hơn và bắt đầu từ khi trận đấu bắt đầu cho tới khi kết thúc – dĩ nhiên là tưởng tượng mình thắng lợi rồi. Hlv sẽ thâu thanh tiếng ồn trong nhà thi đấu ở một giải lớn rồi cho trò đeo headphone nghe – bảo đảm tim sẽ đập nhanh hơn bình thường rất nhiều. Thực tế thì ra thi đấu sẽ chẳng còn nghe thấy gì đâu, dù khán đài la hét rất ồn ào, nhưng khi ở nhà mà thiếu tiếng ồn này sẽ khó mà tập trung vào các chiến thuật được. Sự tưởng tượng cần rõ ràng chi tiết lớp lang có thứ tự, thật như là thi đấu vậy: ai giao bóng, làm gì để thắng, mình giao bóng thì phải đi lượm bóng, áp dụng 4Rs ra sao, làm thế nào để thắng,…cho tới hết séc đấu. Rồi cứ thế mà tưởng cho tới hết trận bằng thời gian thực (đánh 30p một trận thì cũng phải ngồi thừ ra theo đúng thời gian như thế). Một trong những cách hỗ trợ pp này là xem lại các đoạn phim có vdv ấy thi đấu, để thấy rõ mình đã “quên bài” như thế nào, bị áp lực ra sao, thắng và thua như thế nào,…nếu không có video record sẽ không thể hình dung là mình đấu “tệ” tới mức nào. Cách thứ 2 là xem các video của những thần tượng rồi tưởng rằng mình sẽ đánh được như thế: bắt chước từng nét mặt, cử chỉ, lau mặt, bước đi,…cho tới cách giao bóng rồi thi đấu thắng thua ra sao. Việc copy theo một thần tượng sẽ giúp giãm rất nhiều thời gian “quên mình” trong thi đấu. Nếu có quên mất thì động tác sẽ lại y chang như thần tượng, dù không đánh hay nhưng cách đi đứng sẽ mang tính chất “prồ” hơn bình thường, từ chổ đó có thể lấy lại bình tỉnh.
6. Dìu dắt đàn em
Là vdv giỏi rồi thì cứ muốn đánh với cao thủ để lên tay, đó cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên ít có ai biết rằng nếu thường đánh với những đàn em giỏi căn bản (theo kiểu mới) thì sẽ học được ở chúng rất nhiều thứ. Ai cũng biết Wang Liqin có cú Fh sát thủ với lợi thế tay dài, nhưng qua những trận gần đây thì Wang cũng tập đánh kỹ thuật Fh ngắn tay từ những lứa đàn em sau đó 2-3 thế hệ. Tuy Wang rút về làm quân xanh cho bọn nhỏ tập luyện nhưng rõ ràng Wang không hề xuống phong độ – chỉ vì bóng bàn phát triển nhanh quá thôi. Nếu một Wang như ngày nay cho về thuở 2003-05 đánh thì vẫn lấy vdTG như thường. Dìu dắt đàn em cũng là tự bồi bổ cái gốc cho mình, có những vdv tập chơi quá nhanh rồi nhờ thi đấu mà phát triển, họ chỉ có 1-2 bài mà thiếu hẳn căn bản. Nhờ quay lại dạy bọn trẻ mà củng cố được căn bản, khi quay lại thi đấu sẽ được vững bền khó bị hạ hơn. Nếu thực sự là một cao thủ thì phải tập luyện theo kiểu tháp nhọn chân đế lớn, nếu lỡ thua về cái ngọn vẫn còn gốc cầm cự. Các tuyển thủ của VN hiện nay tập thi đấu theo kiểu “mất gốc”, chỉ làm mưa gió trong nước nhờ các cú độc, ra nước ngoài khi bị mất các trò này thì đánh còn dở hơn con nít mới tập chơi của bên nước người ta: chính vì cái gốc không có. Khi em yêu cầu các đứa học trò giỏi xuống tập cho đám căn bản, em yêu cầu chúng không được xài các cú giao bóng xoáy và các đòn tấn công mạnh, rồi quăng ra cho thi đấu. Đứa giỏi mà thua là phải hít đất 20 cái, vậy mà thỉnh thoảng vẫn thua, khiến chúng không dám coi thường đám nhóc mới lên nữa. Ra thi đấu thực tế, những đứa đệ tử có căn bản tốt nếu gặp đối thủ khó xơi, hoặc kỵ rơ,…thì chúng chỉ cần giảm một bậc xuống thì thế cờ sẽ ngược lại: xem ai đều hơn? Nhờ công phu đở bóng cho đàn em loạn xạ mà những đứa này có thể xoay ngược thế trận, trả lại những đường bóng khó cho đối thủ. Những đứa đánh được như vậy thì cực kỳ khó thắng chúng, em từng thấy nhiều đứa mới 13-14 tuổi mà thắng cả những ông già nhiều năm kinh nghiệm, không phải bằng các cú sát thủ mà là đấu đều tay với mấy ông già ấy!
7. Áp dụng các phương pháp thư giãn
Lúc tập luyện ở nhà thì hoàn toàn không cần thiết các biện pháp thư giãn, hoặc các vdv sẽ tự động biết làm. Nhưng ra thi đấu thì điều dễ quên nhất là các khoảng khắc thư giãn – dầu chỉ là một hơi thở sâu. Vì thế, các hlv nên áp dụng phần thư giãn bắt buộc này sau mỗi lúc bóng ngừng. Trong 4Rs, phần Recover có kèm luôn Relax, vì nếu không có relax thì không thể nào recover được đầy đủ. Có rất nhiều kỹ thuật thư giãn, từ rất nhanh cho tới kéo dài vài giây (bóng không ngừng quá 10 giây đâu). Thở sâu luôn được chú trọng, xem như là một kỹ thuật chính. Ngoài ra còn có các kỹ thuật thả lỏng cơ bắp, chùng xuống trong vòng 1-2 giây để “hồi máu”. Đúng với nghĩa của chữ “hồi máu”, các cơ cần phải trả lại máu đen để lấy máu sạch, nếu cứ gồng mãi thì sẽ không thể được đổi sạch hoàn toàn. Sau khoảng khắc thư giãn ấy sẽ là 1-2 giây làm cho nóng lên để bắt đầu một bóng mới. Tuy nhiên nếu một bóng bị kéo dài quá lâu thì buộc phải có những khoảng cực ngắn để thư giãn trong lúc bóng đang “sống” – kỹ thuật này cũng cần phải luyện tập rất nhiều, nhất là khi phải đối đầu với những rơ rất chì (cắt xa bàn hoặc ôm bàn chặn thủ). Sau một trận đấu, gặp đối thủ mới, vdv buộc phải quên hết các cảm giác của trận đấu trước. Lúc này các vdv được nghỉ giải lao khá lâu nhưng ít ai chịu thư giãn – cơ bắp và đầu óc – nhất là nếu trận trước lỡ bị thua. Các hlv sẽ cho vdv đeo headphone nghe các loại nhạc chọn lọc, đó là cách thường thấy, nhưng không phải là cách hay. Hlv giỏi hơn sẽ hướng dẫn cách “tưởng tượng” để quên trận cũ đồng thời thư giãn cơ thể – lúc này các kỹ thuật thở của Yoga và Thiền Định rất được quan tâm, các bài tập thiền được áp dụng vào cuối buổi tập luyện, thường chiếm đến 15-30p nếu kết hợp với Visulization. Nhiều hlv quan niệm: tập luyện là động tay chân hoặc động não, chứ ai lại tập cho bất động bao giờ? Hoặc họ bảo: chỉ cần không làm gì hết là thành bất động ngay – sai lầm vô cùng lớn: muốn thư giãn triệt để cũng phải có kỹ thuật và có thời gian tập luyện cho nó. Lúc ra đấu, lỡ thua một vài trái mới thấy chuyện làm sao để “tẩy não” là cực kỳ quan trọng.
V. Chỉ đạo thi đấu
Là nhiệm vụ rất quan trọng của một hlv. Dạy cho ra trò giỏi rồi thì không phải chỉ để nó tự thi đấu, như vậy là quá thiệt thòi cho nó. Hlv là người làm ra các bài tập chiến thuật và đối luyện tại sân nhà, nhưng áp dụng và biến hóa thế nào thì khó lòng dạy được hết. Nếu hiểu hết cũng mất vài năm, cho nên thường thấy hlv chỉ cho luyện vài bài cơ bản, còn ra thi đấu sẽ biến hóa thế nào còn tùy vào nhận xét của ổng. Sẽ có hai khả năng: trò đánh mà không cần có hlv, tự chúng hiểu và áp dụng trong trận đấu, những đứa này sẽ làm rất tốt phần giữa trận, khi không có hlv chỉ dẫn – tuy nhiên chúng sẽ tự học qua những sai lầm thuở ban đầu, và khi đấu cũng rất nặng nề vì phải suy nghĩ nhiều quá. Nhóm còn lại luôn nghe lời và tin theo hlv, đến nổi cứ áp dụng và biến hóa trong phạm vi hlv đã chỉ trước, nếu thua thì sau đó ra hlv sẽ chỉ dẫn lại – chúng đánh rất vô tư, hoàn thành hết khả năng của chiến thuật mà không bận tâm điều gì. Hai nhóm trò này là mục tiêu mà các hlv muốn đào tạo ra: hoặc là quá giỏi có thể tự chủ hoàn toàn, hoặc là chịu nghe lời và đừng thắc mắc nghi ngờ gì. Ngại nhất cái đám giữa chừng: đã yếu mà còn thích phô trương, hoặc không tin theo sư phụ – đám này thì hlv đành bó tay, nhờ người khác chỉ dùm vì khả năng ảnh hưởng của hlv quá ít, khó mà tác động thay đổi kết quả trận đấu. Hai đám còn lại dễ làm việc hơn: chẳng thà vdv giỏi, dù có thua vào uống nước thì hlv chỉ cần gợi ý là chúng có thể giải quyết hết vấn đề còn lại. Nếu dựa hết vào hlv thì hơi mệt hơn, nhưng vẫn có thể hướng dẫn ngắn gọn trong vòng 60 giây là đủ xài cho 1 séc đấu. Chỉ đạo thi đấu là một nghệ thuật trong vấn đề làm thầy dạy bóng bàn, đây là một kỹ năng rất khó không phải hlv nào cũng đạt được. Không phải khó về mặt chỉ đạo, mà cái khó nằm ở chổ quá trình quy ước khi tập luyện, hlv chỉ cần nói 1 mà trò đã phăng ra tới 10. Nếu không có sự chuẩn bị dài lâu ở nhà, hoặc chỉ đạo ai khác, thì nói 10 chưa chắc thấm được 1.
Chỉ đạo thi đấu – đối với em – là một cái thú vui lớn nhất của nghề. Để có được những phút đứng xem học trò mình thi đấu và chiến thắng, đó là phần thưởng xứng đáng của một quá trình dài tập luyện gian khổ – cả thầy và trò. Không gì vui bằng đệ tử và phụ huynh sẳng sàng bỏ tiền vé máy bay và lo ăn ở để mình có thể đi theo làm chỉ đạo trận đấu khi nó đánh các giải lớn. Một đứa nhỏ ngây thơ không tính toán, dám nói “có chú chỉ con đánh tự tin lắm”. Kết quả rõ rành rành: cả mùa đánh ỳ ạch toàn là thắng sát nút mà thua thì khá xa, vậy mà trận chung kết chỉ cần 2 thằng nhỏ 13-15 tuổi mà giã cho đội đứng nhất bãng tan nát – chỉ vì chúng tự tin là không thể thua khi có coach bảo kê. Sự tự tin ấy không dễ gì mà thành lập trong một thời gian ngắn, vdv phải hiểu và tin vào hlv từ trước đó rất lâu. Qua tập luyện và đấu luyện, lời nói của hlv ngày càng có giá trị, vì nó đi đôi với kết quả thực tế. Trước trận đấu, hlv đã quan sát và chỉ đạo ngay từ lúc quan sát đối thủ khởi động. Trước khi vào đấu, hlv đã dặn trước khởi động phải tận dụng để thử tác dụng của một số bài, rồi trong 6 điểm đầu phải đánh thử thế nào, cuối séc phải đánh kiểu gì. Xong séc đầu ra ngoài hlv chỉ cần tổng kết và phát triển thêm thôi, nếu có hiệu chỉnh hoặc đổi bài thì cũng rất nhanh gọn. Những đứa còn lại bên ngoài cũng tụm lại mà xem kết quả hlv nói có đúng không, nếu rõ ràng là đúng thì tinh thần của chúng lên ngùn ngụt, chưa vào đấu mà chúng đã hình dung ra là phải thắng như thế nào.
1. Chỉ đạo kỹ thuật
Ra thi đấu ít hlv nào chỉ đạo kỹ thuật, trừ khi ở những cấp thấp. Tuy nhiên các cấp cao vẫn xãy ra hiện tượng sai kỹ thuật do nhiều nguyên nhân – thường thấy nhất là do cúm tay, run quá đánh không như ý. Khi đấu căng thẳng mà còn chỉ đạo kỹ thuật phải đánh tay như vầy chân như vầy thì…hỏng bét rồi, vào lại trận đấu thì trò vẫn cứ đánh bậy thôi – cái nguyên nhân sai chưa tìm ra mà lo sửa cái phần phát sinh thì cũng sẽ hư tiếp. Để chỉ đạo kỹ thuật thì em dùng 3 phương pháp chính: hoán đổi giữa đánh ít xoáy và nhiều xoáy, kỹ thuật chẳn lẽ (1), xuống một nấc thang chờ ổn rồi leo lên lại (2), đánh cao hơn lưới một chút nửa, chờ ổn lại rồi đánh thẳng hơn (3). Chỉ đạo kiểu này thì người ngoài nghe cũng chẳng hiểu ất giáp gì nhưng đám học trò sẽ hiểu và tự nhiên có cách giải quyết – dựa theo quá trình tập luyện rất nhiều ở nhà. Các bài tập “xoáy – không xoáy”, “chẳn – lẽ”, “lên xuống cấp tốc độ và cấp xoáy”, “low – high throw”,… được ôn đi ôn lại mỗi ngày, nên chỉ cần nhắc là chúng nhớ ngay, khi đã nhớ lại thì toàn bộ kỹ thuật cũng sẽ phục hồi theo không cần phải chỉ dẫn gì thêm cho rối. Nếu là sai về di chuyển thì em sẽ chỉ đạo theo các bài di chuyển cơ bản nửa bước, ôm góc hoặc đứng vai ngang. Nhiều vdv thi đấu tới những lúc quên sạch kỹ thuật, đánh theo cảm tính, lúc này cảm giác bóng và cảm giác lưới+bàn rất quan trọng – thay vì nói về kỹ thuật, hlv nên nói về cảm giác, timing và độ cao lưới. Hướng dẫn càng ngắn gọn và đánh lạc hướng cái sai thì càng có tác dụng. Vd nếu vdv bị đánh trúng cạnh vợt nhiều quá thì em sẽ không hề nói tới đánh tay chân thế nào, mà lại bảo cầm vợt sát lên rồi chúc đầu vợt xuống, kèm theo yêu cầu nhìn cách đánh của đối phương rồi di chuyển sớm. Chỉ cần cầm vợt ngắn lại thì đánh sẽ được sớm hơn, tuy có ít lực nhưng lại an toàn. Có độ tự tin rồi thì cần quyết định đòn đánh sớm, nên việc quan sát cách ra đòn của đối phương được nhắc tới. Nếu trong trường hợp này mà hlv chỉnh sửa kỹ thuật thì sẽ gây ra các sai lầm về chiến thuật lẫn tâm lý, có hại hơn rất nhiều.
Rất thường thấy các đứa còn ở trong trình B ra đấu bị mất hẳn kỹ thuật. Vd tự nhiên không đánh Fh hay Bh dứt điểm được, cứ quíu tay rồi chạm lưới hoặc ra ngoài. Hoặc gài bóng nổi lên mà không làm ăn được, đành phải trả lại cho người ta đánh trước. Hoặc tệ hơn nữa là khi gặp đối thủ gò chặt theo kiểu ít lực bóng khựng, những đứa thích tiếp xúc mỏng bóng sẽ đánh lung tung không ổn định. Ở cấp này thỉ việc chỉ đạo thi đấu mà phải nhắc lại kỹ thuật thì quá là thất bại rồi, chúng đã qua khỏi giai đoạn cơ bản nên đương nhiên là đã tập kỹ thuật nhuần nhuyễn mỗi ngày. Cái nguyên nhân không còn nằm ở chổ sai kỹ thuật nữa, dù hiện ra trước mắt hlv là đứa đó đánh không giống ai hết, không giống nó lúc tập luyện chút nào. Chỉ đạo hay nhất lúc này là làm sao cho nó trở về lại với chính nó, chứ không cần sửa tay chân làm gì. Nếu là gà nhà thì hlv cần phải có vài “kỹ niệm” nào đó để khơi gợi đầu mối, nhắc chúng nhớ lại cái sai thường gặp, cái bài thường tập,…rồi sau đó khéo léo nhắc ra chổ chúng đang quên. Vd quên bước khi bóng tới, quên bỏ chân ra sao, quên xoay hông, rút tay ra sau sâu quá,…Chữ “quên” có nhiều nghĩa hơn là chữ “sai”, vì quên dễ sửa hơn là sai. Chỉ ra chổ quên, cách sửa lại rồi, bây giờ cái cần làm thêm là giúp đứa nhỏ có tự tin để áp dụng vào – bởi vì đánh đúng kỹ thuật chưa chắc gì là bóng vào bàn, phải xét tới các tác nhân lạ khách quan từ đối thủ nữa. Cái câu em thường nghe nhất khi được chỉ đạo thi đấu là “đánh bóng vào bàn thôi”, đây là một câu chỉ đạo rất…dở. Thay vì chỉ cần lùi một bước, nếu theo câu ấy thì lùi tới 3-4 bước – đánh vào bàn thôi thì đối thủ đánh cho nát xác, vì bên kia nó cũng hiểu mình chỉ còn cách ấy. Câu ấy được hiểu là “đánh sao cho an toàn hơn” nhưng rõ ràng tối nghĩa: đánh thế nào mới là an toàn hơn? Lúc đó mới thấy rõ sự quan trọng của các cấp căn bản nối tiếp nhau liên tục dần lên nâng cao, bấy giờ chỉ cần bước xuống một bậc thì chắc chắn độ an toàn sẽ lên cao hơn – quá đơn giãn. Một vài trường hợp phải chỉ đạo những đứa không phải đệ tử “ruột” thì buộc phải nói tới động tác, nhưng nói phải dễ hiểu và mang tính hình dung cao, chứ không nên quá phức tạp và gần như nắn lại toàn bộ động tác thì…giống như là đấu tập vậy. Các lời chỉ đạo thường ngắn như “ngửa vợt hơn”, “đánh cao lên”, “đánh sớm hơn”, hoặc “đánh nhẹ lại, thêm xoáy”, “thủ ôm bên Bh hơn”,…nói càng nhiều thì càng không có trọng tâm. Hlv nhìn rõ nguyên nhân rồi chỉ xoáy một hai câu vào chổ ấy, còn lại cho các hướng dẫn chiến thuật và tâm lý. Kỹ thuật sai thì có thể bỏ luôn cú đó không bàn tới, chỉ cần đổi chiến thuật thì tự nhiên sẽ giấu được các khuyết điểm. Vd mất cú giật Bh thì đổi chiến thuật thành “đấm trái, giật phải” hoặc chỉ cần hớt Bh cho qua bàn thôi rồi dứt điểm bằng Fh, thay vì đánh dứt điểm Bh như trước đây.
Ấy vậy mà có vài trường hợp đã là cao thủ rồi mà hlv vẫn chỉ đạo chỉ nói về kỹ thuật, đây là phương pháp đánh lạc hướng, nhằm khắc phục tâm lý. Vd đang bị dao động tâm lý, nhưng hlv lại đổ thừa cho kỹ thuật, rồi nhờ vào đó mà lấy lại tự tin bằng cách bám vào một đòn “tủ” nào đó. Những sai lầm về chiến thuật cũng có thể dùng chỉ đạo kỹ thuật để “vá”: gò nặng hơn sẽ đổi thế trận chiến thuật, giật đổi kiểu (từ dài tay sang ngắn đòn, hoặc ngược lại) cũng làm đối phương bỏ đi bài đang ngon, để chuyển sang bài khác. Vd em muốn đệ tử đổi từ rơ tấn công sang rơ chặn đẩy, nó khoái tấn công hơn nhưng thế trận lúc ấy càng tấn công càng bị phản đòn. Em sẽ bảo nó gò nặng hơn, chém xoáy chuội vào thì bên kia sẽ trả có xoáy và dài ra, khiến nó phải đánh ngắn đòn và tăng xoáy. Thế trận lúc này sẽ đổi thành đôi công hoặc chận đẩy nếu bên kia mồi banh trước – thay vì gò không xoáy rồi cướp công một phát để ăn bóng trả chéo góc.
2. Chỉ đạo chiến thuật
Đây là phần chỉ đạo thường thấy nhất và cũng là nội dung được nói nhiều nhất trong 1p giải lao. Các hlv phải tập kỹ năng “nói hết trong vòng 1p”, bởi vì thời gian 60 giây thực ra rất ngắn chứ không như các trận đấu phong trào chỉ đạo tưng bừng gần 5p. Nói càng nhiều càng dở, bởi vì càng làm cho vdv rối thêm, nhiều hlv nói mà cũng không biết mình đang nói cái gì, trò có làm được hay không. Em từng nghe nhiều hlv chỉ đạo học trò rất…đúng, nhưng nếu ổng nhãy vào làm thì may ra mới được, chứ trò làm sao đánh cho nổi – gặp lúc đang căng thẳng nữa. Trong 60 giây chỉ có thể nói được nhiều lắm là 8-10 câu, nội dung nên tóm gọn trông 4 vấn đề sau: các điểm yếu của đối phương trong kỹ chiến thuật (1), cách khai thác các điểm yếu ấy (2), các điểm yếu của ta đã bị lộ ra (3) và cách khắc phục, vá hoặc lợi dụng nó để phản đòn đối phương (4). Ngoài ra còn có các câu động viên tinh thần và cho phép vdv nói lại, cho nên trong lúc vdv đang đấu thì hlv phải tính xem mình sẽ cần nói đúng vào các điểm chính nào thôi, các thứ nào có thể lược bỏ đi. Ở đây cũng giống như chỉ đạo kỹ thuật, cần có các quy ước ngắn lúc tập ở nhà, vd bài số 1-2-3-4 đánh thế nào, khi vào trận chỉ cần nói tóm tắt là đệ tử biết phải áp dụng ra sao. Khi ấy các hướng dẫn sẽ giống như “em đánh bài 2 hay hơn, nhưng cẩn thận chỗ này…, nên khoét vào góc này, chiêu này dễ ăn điểm,… lúc đổi thì sang bài 4, cẩn thận chỗ này, tăng thêm đòn nọ vào cánh kia,…”. Dựa trên một thực tế là các bài chiến thuật ấy đã được tính toán rất kỹ ở nhà, cho nên khả năng áp dụng và tùy biến rất lớn. Vd bài số 1, khi áp dụng với rơ tay trái thì thêm bớt chỉnh sửa ra sao, nếu đánh với phản xoáy thì làm sao,…đã tập rất nhiều rồi, khi ra đấu nếu vdv quên thì chỉ cần nhắc rất ít. Cái hay của một hlv là nói câu nào chắc câu ấy, càng nói thì độ tự tin của vdv càng lên cao, sau 1p bước ra nó phải tin rằng cách này sẽ thắng, cứ an tâm mà áp dụng. Muốn vậy các câu nói phải có điểm tựa vững vàng, có căn cứ hẳn hòi và thuyết phục. Thông thường em sẽ theo tình tự 1-2-3-4 vì bắt đúng điểm yếu của đối phương thì trò sẽ tỉnh người ra, vì thấy ngay cách để thắng rồi. Khi nói điểm yếu nào em đều đưa ra lý do, chứ ít khi nào bắt đầu bằng “tui thấy như vậy”. Các lý do vững chắc nhất thường là ở vũ khí (vợt quá nãy, mút quá bám hoặc không xoáy, vợt thìa, vợt gai,…), tầm vóc và khả năng vật lý của đối thủ (cao quá hay già quá, di chuyển nhiều hoặc lười quá,…). Nếu có thống kê chính xác thì càng tốt, vd như bên kia thua vì gò bóng tới 3 quả nhưng lại không đở hụt quả tấn công nào, sợ giao bóng góc phải hơn góc trái, sợ giật moi hơn giật xung,…Nếu ở (1) mà nói đúng thì ở (2) sẽ rất rõ ràng, thực ra hlv chỉ gợi ý chứ vdv đã tự biết phải làm gì. Ở (3) là lúc làm mất lòng vdv nhất – ít ai chịu nhận cái sai của mình – cho nên cần phải khéo léo và dùng các bằng chứng hiển nhiên. Nếu vạch ra các lỗi tổng quan thì càng tốt, vì khả năng sửa được sẽ cao hơn, vd tại vdv lo ôm một góc quá nhiều hoặc tham ăn bằng tấn công quá. Nếu qua được bước (3) mà vdv chịu nhận ra cái sai thì bước (4) rất dễ chỉ dẫn. Nếu ở (3) có vấn đề thì ở (4) phải đánh lạc hướng vdv để tránh vấn đề tâm lý – thực ra hlv đâu cần vạch ra cái sai của vdv làm gì, chỉ cần chỉ đạo hắn đánh thắng là được rồi. Đúng sai sẽ được ghi nhận lại, sẽ sửa sau khi về nhà, còn lúc đang đánh thì giải pháp quan trọng và cần thiết hơn là lý do.
Một số hlv giỏi có thể xoay chuyển thế cờ, chỉ bằng cách đổi chiến thuật phù hợp, nhìn ra điểm yếu của đối thủ và tìm bài thích hợp cho gà nhà. Lúc này trận đấu không còn trên bàn nữa mà còn là giữa hai hlv với nhau, bên nào không có sư phụ giỏi xem như thất thế rất lớn. Tội nghiệp nhất là trường hợp ra đấu mà một bên hlv còn yếu hơn vdv, bên kia lại có hlv giỏi hơn vdv mấy lần, chưa đấu đã thấy thắng thua trước rồi. Em đã gặp các trường hợp như vậy, trình mình cao hơn bên kia xa nhưng nó lại có xếp bự đứng bảo kê, dặn phải làm thế này thế này, đánh đúng vào điểm yếu của mình. Đó là những trường hợp hlv chỉ đạo đúng, gặp hlv giỏi nhưng chỉ bậy thì chắc chắn sẽ thua nhanh: gà không biết thủ thì lại chỉ đạo đánh an toàn, gà công không mạnh thì chỉ đạo tấn công tự tin đi đừng có thủ,…Một số trường hợp cái sai nằm ở kỹ thuật nhưng hlv sẽ chỉ đạo chiến thuật mà không đá động gì tới kỹ thuật cả – nhưng kết quả làm cho động tác được hiệu quả hơn. Vd gà nhà sợ bóng xốc chuội vì mất cú dứt điểm, hlv sẽ chỉ đạo đổi chiến thuật thành moi xoáy cao lên rồi đập thẳng. Lúc chỉ đạo có thòng một câu là nên giao ngắn bung hoặc hất bóng chứ đừng gò nặng trước, kết quả là bóng có xốc lại nhưng khá cao, dù không biết giật cũng đập được. Cũng có thể dùng chỉ đạo chiến thuật để củng cố tâm lý, bằng cách đưa về các bài hạ nhiệt độ xuống hoặc tận dụng độ sung mà đưa thêm các chiến thuật sát thủ vào.
3. Chỉ đạo tâm lý
Chỉ đạo tâm lý là điều thường xuyên phải làm trong mỗi trận đấu, nhưng lại rất khó nói ra trực tiếp. Chẳng lẽ cứ nói với học trò “tập trung vào, đừng có run,..” thì liệu nó có tập trung và không run nữa không? Nhiệm vụ khó nhất của hlv là làm sao đạt được mục đích nhưng không nói thẳng ra. Vào trận đấu căng thẳng ai mà không run, đừng nói gì thi đấu, cứ kêu ra trước lớp đứng trước mấy chục cặp mắt soi vào thì cũng nói cà lăm – đằng này cả một khán đài mấy ngàn cặp mắt đổ vào còn la hét, thì…tới thằng hlv còn run nữa huống chi là vdv đang đánh. Dân Vn ta có cái dở là từ trong trường học đã bị dạy phải nhút nhát và sợ sệt thì mới là trò ngoan – lên tới cấp ĐH mà còn chưa dám đứng trước lớp làm thuyết trình. Bọn con nít nước ngoài, mới lớp 1 là đã được tập cho cái khả năng tự tin đứng nói trước đám đông rồi, cho nên nếu vào đấu mà thấy đệ tử run thì không phải là nó cúm, mà là nguyên nhân khác. Có câu “giỏi thì ra giải lớn mà thắng”, bởi vì có nhiều trò được cái thích ăn hiếp bạn bè chứ ra giải lớn thì cúm như gà mắc dây thun – trình giãm mất 4 bóng là bình thường. Em để ý có những đứa ở nhà không nổi bật gì lắm, nhưng ra giải lớn lại đánh rất hay, càng bị áp lực nó càng bộc phát ra những cú “lên đồng” không ai tưởng nổi – bọn CNT có cả đống quân, nhưng chỉ tin tưởng những đứa có khả năng này. Không bàn tới những đứa quá cúm hoặc quá năng khiếu trong chuyện ăn thua, đám còn lại thắng hay thua tùy vào hlv chỉ đạo thế nào. Dựa trên quan sát, có những trường hợp khá điển hình:
-Vào trận rất run, mất bình tĩnh thấy rõ nhưng càng đánh càng lấy lại cảm giác, càng tự tin hơn. Đây là trường hợp thường thấy nhất, thực ra ai vào trận mà không run, nhất là các trận quyết định. Vai trò của hlv lúc này rất quan trọng, phải phân tích được nguyên nhân nào làm trò mất bình tĩnh, tại sao nó run. Phải đoán trước được trận đó khá áp lực, nên sẽ có những chỉ dẫn khá sớm trước khi trò vào đánh. Biết rằng nó sẽ run – vì bản chất thằng đó là vậy – nhưng có cách khiến nó tự tin vào chính mình. Sự phân tích của hlv lúc trước trận là cái bản đồ cho nó an tâm. Cần phải nhấn mạnh “ai cũng run hết, đối thủ cũng sợ thua như mình thôi, chứ có hơn gì mình đâu”. Thuở bé em cũng nhát cáy, đi học phải băng qua những đồng trống không người sợ quíu hết cả chân, sau đó em bèn…dắt con dao bỏ vào cặp, thế là tự tin hơn hẵn. Sau này em cũng áp dụng cái trò này, bọn đệ tử vào trận có đủ thứ đồ chơi trong túi cho nên chúng cứ móc ra xài dần khi có chuyện, cầm chắc là an tâm hơn đứa không có món gì. Dù khởi đầu trận không thuận lợi, nhưng khi thấy tác dụng của chiến thuật thì cán cân sẽ dần dần đổ về phía mình: càng đánh thì đối thủ càng mất bình tĩnh, nỗi sợ đã đổ hết về bên kia. Sợ cái gì gặp cái đó, sợ ma thì sẽ rất dễ thấy ma, sợ thua cũng sẽ thua rất mau. Chỉ đạo sao cho vdv vào trận không sợ gì hết thì xem như đã an tâm séc đầu, nếu có lỡ thua thì ra ngoài hlv nên nhận hết lỗi về mình, rằng “tại tui sai, đoán bậy chỗ này nọ,..” sau đó kịp thời chỉnh lại chiến thuật, một lần nữa đưa vdv vào trận với sự tự tin. Hlv phải là người tự tin hơn, chắc nịch trong từng câu nói, từng lập luận thì vdv mới được lây lan mà trấn tỉnh lại. Nếu ngay cả hlv cũng rối thì cầm chắc vdv còn rối hơn – trong trường hợp hlv không tìm được bài gì khả thi, cũng nên giữ bình tỉnh và làm ra vẻ không có chuyện gì xãy ra: “nó chỉ ăn may thôi, cứ giữ vững chiến thuật, nếu không bị mấy quả leo lưới ấy thì trò thắng rồi,…”.
-Vào trận rất trơn tru tự tin, nhưng càng đánh càng bí bài và bị khựng khi gần tới đích đến. Trường hợp này cũng thường thấy, nếu không kịp thời xử lý thì cầm chắc séc sau sẽ thua luôn, kéo theo toàn trận khó lòng mà vực dậy. Chỉ đạo tâm lý trong trường hợp này rất khó, vdv nghỉ ra hoàn toàn bất mãn và bế tắc, trong đầu bị “kẹt” một câu hỏi “sao kỳ vậy, tại sao?”. Tốt nhất là hlv tìm câu trả lời dùm hắn trước, tháo cái nút chặn ấy đã rồi mới gỡ rối những nơi khác. Thường dùng nhất là chiêu “đổ thừa” cho nguyên nhân khách quan lãng xoẹt nào đó, tối kỵ trách móc vdv. Đúng là lỗi chẳng ai khác, nhưng trách móc có được gì? Nếu đổ thừa cho cái gì khác thì sẽ lóe lên nhiều hướng giải quyết, có cách rồi thì tự nhiên mây đen sẽ tan ra, con đường tới thắng lợi sẽ rộng mở sáng lán hơn. Nếu là lỗi tại di chuyển thì hlv thường kêu cột lại dây giày hoặc dây quần, đơn giãn hơn nữa là kêu đạp chân vào nước sau mỗi điểm. Nếu là tại kỹ thuật thì hlv sẽ chỉ đạo cách cầm vợt chặt hơn, hoặc chỉ là tháo cái rìa vợt ra, nếu như cái rìa ấy không nặng lắm. Nghĩa là tại…cái gì đó chứ không phải tại tâm lý, khi cái đó được tháo gỡ rồi thì khả năng thắng ngược lại là hoàn toàn có thể, nếu vdv đó lấy lại được “chính mình”. Thực ra sau 2-3 câu đầu thì hlv sẽ dùng mẹo để đánh tan nỗi lo tâm lý, nhưng phần giữa sẽ là đấu pháp chính, các câu chót sẽ là giải pháp chữa cháy trong trường hợp vẫn còn bị cúm.
-Đang thắng trước 2 séc, bỗng dưng thua xui một séc. Lúc này sự hy vọng của đối thủ bùng lên dữ dội, họ sẽ quyết đấu để lật lại thế cờ trong khi gà nhà lại có triệu chứng thất vọng vì không thắng được 3-0. Lúc này thắng hay bại tùy vào bản lãnh của vdv một phần, còn lại là chỉ đạo của hlv. Đầu séc 4 là phải có đấu pháp để chắc thắng lại ván này, khi thế trận vẫn còn chênh lệch. Nếu để gỡ 2-2 thì sác xuất thua ngược sẽ rất cao, có thể nói ván 4 là quyết định, hlv hai bên sẽ cố gắng lấy time-out để giành lợi thế ở ván này. Vừa thua xong 1 séc, hlv phải trấn an tinh thần vdv rằng không có gì xãy ra cả: bên mình chỉ cần thắng thêm 1 séc là thắng rồi, bên đối thủ sẽ bị áp lực hơn vì phải thắng hết. Nếu là hướng dẫn chiến thuật thì sẽ có rất nhiều thứ để nói, nhưng về mặt tâm lý thì sẽ có 2 trường hợp: đánh xung hết mức để áp đảo tinh thần đối phương – dập tắt hy vọng le lói, hoặc là bình tĩnh giữ vững thế trận ở 2 séc đầu – chờ sơ hở là thắng luôn. Hlv sẽ quyết định chọn bài nào, nếu vẫn còn 1 lần time-out thì có thể thử rồi đổi lại. Hlv bên kia cũng sẽ có 2 lựa chọn tương tự: đánh cho mất tinh thần, khớp trở lại rồi mới có thể thắng ngược, hoặc là bình tĩnh cầm cự đánh giống séc vừa thắng. Cả hai giải pháp này để cần tâm lý khác nhau, nên cách chỉ đạo cũng khác nhau.
-Huề 2-2, séc chót. Có 2 trường hợp: hoặc là 1 bên dẫn trước 2-0 rồi bị gỡ hòa, hoặc là đeo bám nhau sát nút. Nếu vdv được tập các kỹ năng kiểm soát tâm lý thường xuyên, thì lúc này nhiệm vụ của hlv rất đơn giãn: cứ đem ra áp dụng. Mục đích là biến séc chót thành séc đầu của trận đấu, ví như vdv đã thắng hay thua rồi, bây giờ vào một trận mới nhưng chỉ đánh có một séc quyết định ăn thua. Để tập cho trường hợp này, hlv cần có các kiểu tập đấu luyện đánh 1 séc quyết định (trận đấu chỉ còn 1 séc). Chỉ trong 1 phút mà bên nào hồi sức và kịp thời quên mọi thứ thì khả năng thắng sẽ cao hơn bên bị hlv đè nhét đủ kiểu kỹ chiến thuật. Phía bên được “quên” chỉ cần nhớ 1-2 bài ruột là đủ xài rồi, dù trong trận có bị bắt bài thì cuối trận vẫn cứ xài, tùy biến nằm ở vdv – nếu hắn tỉnh táo thì chắc chắn bên kia khó lòng bắt bài, với đủ thứ dặn dò rối rắm từ hlv. Nói cách khác, bên nào nhẹ áp lực hơn thì phần thắng sẽ nhiều hơn, nên hlv thường dặn là “đánh như tập luyện là đủ rồi”. Các mẹo tâm lý thường được áp dụng như làm vdv bật cười quên mất áp lực, hoặc nhắc lại chuyện tập luyện – các kỹ niệm vui, các trận thắng oanh liệt trước đây – nghĩ về chiến thắng ngay tại lúc này là cực kỳ quan trọng.
Nếu bàn rộng ra thì sẽ còn nhiều trường hợp điển hình thường gặp nữa nhưng tóm lại vẫn là các trường hợp vì tâm lý bất ổn mà đánh kém hơn bình thường. Chỉ đạo tâm lý cũng có 3 bước chuẩn bị trước khi gặp vdv: tìm ra nguyên nhân chính (1), giải quyết nó (2) và cách chỉ vdv cách giải quyết như thế nào cho khéo nhất (3). Phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh, các phương pháp tập luyện tâm lý ở nhà vẫn phải tập dợt thường xuyên, bao gồm cả tưởng tượng và tạo áp lực. Ngoài ra cũng cần phải có các thuốc “bào chế sẵn” chuyên trị các bệnh thường gặp, cũng được tập dợt trước, khi nào thấy “có triệu chứng” là vdv tự động áp dụng chứ chưa cần hlv phải nhắc. Chỉ đạo tâm lý cho vdv có bài bản rất đơn giãn mà cũng rất khó, nếu đã làm đúng hết mà hắn vẫn cứ cúm thì phải linh hoạt áp dụng các biện pháp rất sáng tạo – chỉ có coach cao cấp mới dám xài. Vd có thằng lớn kia đánh thua hết 2 séc rồi, hlv khích nó “mày mà thắng lại 3-2 tao dẫn mày đi ăn nhà hàng tối nay liền!” có coach còn bạo hơn “mày ngon thắng lại được tao dẫn mày đi chơi…đêm!”. Có Coach thấy thua rồi mà còn chưởi thẳng “mày oánh như l.., vậy mà cũng hò hét”, thằng ku đó nóng đỏ mặt, nhưng nhờ vậy mà nó tỉnh lại. Chỉ đạo tâm lý là khó nhất trong 3 cấp, thường thì hlv thích chỉ kỹ thuật hơn, giỏi tí thì bày ra chiến thuật (nhưng phần lớn lại chẳng nắm rõ là vdv đó đánh được kiểu gì). Có vài kiểu chỉ “lụi” cho có, cốt ý làm vdv an tâm chứ hlv cũng…éo biết phải làm gì, nhưng lại có hiệu quả như là uống giả dược vậy – đó cũng là một kiểu chỉ đạo tâm lý.