Các phương pháp sư phạm trong huấn luyện bóng bàn -2

 

II. Kỹ thuật

Từ lúc chưa học làm hlv thì em vẫn không thể nào hình dung được làm thế nào để dạy một đứa nhỏ chưa biết gì về bóng bàn. Tuy rất ham làm hlv, vì đã trãi qua quá nhiều biến cố có kinh nghiệm đầy mình, lại biết được nhiều kỹ thuật đa dạng, nhưng nếu không có phương pháp sư phạm thì chẳng khác nào chưa mở nắp mà cố trút nước vào. Nhờ may mắn mà em đã được dạy rất nhiều em nhỏ trong một thời gian ngắn, từ chưa biết gì cho tới đủ tầm thi đấu. Có thể nói trong một thời gian ngắn – nhưng cực kỳ khốn khó – em đã phải tìm học và thực hành rất nhiều. Hiếm ai có được cơ hội nắm lớp dạy nhiều học trò như em (có lúc lên đến 20 đứa trong một buổi dạy), nhiều buổi dạy gần như muốn khóc vì trên búa dưới đe nhưng bù lại được nhiều coach lớn quan tâm nhìn vào. Vì lòng tốt, người ta không thể trực tiếp giúp những đứa trẻ ngoan có điều kiện học tốt, nên họ đã gián tiếp truyền thụ kiến thức qua em – bằng nhiều cách. Nuôi con giỏi không phải là kiếm được nhiều tiền cho chúng đốt, mà là chăm sóc kỹ khi chúng còn trong nôi. Dạy bóng bàn khó nhất không phải là lúc đưa trò lên đỉnh vinh quang, mà là ở những ngày đầu tiên xây nền móng cho chúng. Cả một tương lai đồ sộ đè lên những ngày tháng đầu tiên trong sự nghiệp tập luyện của chúng, biết bao nhiêu là chuyện phải lo lắng. Dạy cho chúng đánh đều rồi tập giật, xong rồi báo cáo là đã dạy xong căn bản để cho ra thi đấu – thế thì dễ quá – nhưng chúng sẽ bỏ chơi rất sớm vì không thể tiến xa với mớ kỹ thuật thiếu nền tảng ấy. Dạy thế nào để sau này dù chúng có bay xa học cao, cũng vẫn còn có thể mang ra áp dụng, thì mới thực là khó.

 

1. Mưa dầm thấm sâu

Không dạy nhiều trong một lần, mưa dầm tức là lượng nước nhỏ mà lâu nên mới thấm sâu, còn mưa ào như khí hậu SG thì chỉ giỏi làm ngập đường phố thôi. Đây cũng là phương pháp nhắc lại, là kiểu sư phạm cổ xưa nhất của con người – đọc nhiều lần cho thuộc lòng rồi trả bài. Trong thể thao thì đây vẫn là phương pháp chính, vì cơ thể sẽ “nhớ” kỹ thuật theo cách của nó. Càng tập nhiều thì sẽ in sâu vào “bộ nhớ cứng” của tiềm thức và phản xạ, khi đánh ra sẽ không cần sự can thiệp của bộ não tư duy chậm. Tuy là cùng một nguyên lý, nhưng áp dụng có khác nhau: có hlv sẽ cho tập chỉ một hai kỹ thuật, ngày này qua ngày khác cho tới khi nhuần nhuyễn mới được học qua chiêu mới – thời lượng tập rất nhiều. Nếu tập theo cách này thì lượng kiến thức tiếp nhận được sẽ rất ít nhưng chắc, phù hợp với những rơ đơn giãn ít chiêu thức. Nhược điểm của pp này là nếu tập nhiều quá thì thời gian đào tạo sẽ rất lâu, vả lại nhớ trước sẽ quên sau. Phương pháp dạy này được áp dụng hầu hết ở các lò đào tạo “có căn bản” ở VN trước đây cho tới nay. Tuy nhiên, nếu biến đổi một chút thì ta sẽ có một phương pháp sư phạm mới hiện đại hơn, vừa bớt nhàm chán lại có hiệu quả cao. Hlv sẽ cắt bớt hơn 75% thời lượng tập của một kỹ thuật, thay vào đó là dạy cùng lúc nhiều căn bản khác nhau – bóng bàn đâu chỉ có kỹ thuật, còn di chuyển, chiến thuật, tâm lý, thể chất,…ngay cả đạo đức thể thao cũng cần có những bước cơ bản nhập môn. Hlv sẽ giảm đi rất nhiều các đòi hỏi, cho qua kỹ thuật nâng cao hơn rất sớm, nhưng bù lại vẫn dạy song song vừa nâng cao vừa căn bản – nhờ vậy mà thời gian tập luyện căn bản sẽ kéo dài hơn – như cơn mưa dầm rả rích – dù vdv đã bước lên các kỹ thuật cao cấp. Dạy như thế sẽ rất phức tạp nhưng lại tiết kiệm được hơn 2/3 thời gian, hiệu quả tăng lên cấp số nhân mà học trò lại thấy hứng thú vì được học nhiều. Để ngăn chặn sự “nhãy bước” thì hlv phải giao bài tập về nhà rất nhiều, và luôn kiểm tra mỗi ngày mới được học điều mới.
Bình thường thì phải đánh đều cho thật chuẩn mới có thể dạy kỹ thuật giật bóng, ít nhất cũng đánh được 50 điểm một bóng. Nhưng nếu áp dụng phương pháp “mưa dầm” này, hlv chỉ đòi hỏi 20 điểm là có thể giới thiệu kỹ thuật giật, nhưng bù lại mỗi ngày đều phải tập lại đánh cho đều, quá 20 cái thì hlv mới cho tập giật. Sau một thời gian ngắn, hlv mới tăng yêu cầu lên 30, khi được 40-50 điểm thì cũng đã hình thành động tác tấn công rồi, lúc này đã có độ đều của kỹ thuật căn bản hỗ trợ nên cũng đã có thể giật xung được 5-10 bóng không rớt. Chưa kể là có các căn bản bộ chân lẫn cách di chuyển hỗ trợ, nên cùng lúc đã tập được nhiều kiểu tấn công khác nhau. Vì mỗi ngày luôn có bài tập đánh đều, nên học trò sẽ thấy kỹ thuật tấn công và kỹ thuật đều bóng có liên quan nhau – nếu đánh không sát thủ được thì có thể quay về đánh nhẹ mà đều hơn. Đánh đều được 50 thì đánh mạnh hơn cũng phải được 30 điểm. Nếu cùng thời lượng tập thì phương pháp cũ chỉ mới giới thiệu kỹ thuật giật mà thôi.

 

2. Phương pháp tầng bậc

Khó mà hình dung được từ một đứa chưa biết cầm vợt sẽ phải đi qua những bài tập nào để có thể đánh kỹ thuật được-cho-là-cao-cấp-nhất: giật bóng. Như em từng được học, là dạy cho cách cầm vợt, thế đứng rồi kỹ thuật đánh đều – sau đó hlv sẽ thảy bóng vào tay cho đánh. Xưa nay vẫn vậy, đánh đều rồi thì bước lùi lại, vung tay rộng hơn là thành cú giật thôi. Thế là từ số không tới số 10 chỉ qua 2 lần nhãy, mới nghe thì thấy ngắn mà nhanh gọn hiệu quả, nếu quả thực vậy thì cao thủ bóng bàn VN đã nhiều như rác trên kênh Nhiêu Lộc. Con đường ngắn ấy có khi dài thênh thang cả đời người đấy: biết bao người đã từ chối học căn bản mà tự học không phải vì thiếu tiền – chỉ vì hai bước nhãy này quá cao, nhảy lên rồi cũng khó mà bước xuống nếu có sai trái gì. Cá nhân em từng chứng kiến nhiều đứa trẻ được dạy cách này, ở VN và ngay cả xứ Úc, hơn phân nửa đã bỏ ngang, số còn lại phải bị thuyết phục và áp lực từ phụ huynh lắm mới đi học tiếp – vì quá khó và nhàm chán, khác hẳn cách dạy tiên tiến ngay trong trường học.
Nhắc tới học hành, từ nhỏ em may mắn được học toán ở một ông thầy đi Pháp về. Đứa nào cũng bảo rằng thầy này dạy rất dễ hiểu, bí kíp cũng ông ta khá đơn giãn: Vừa học định lý xong thì ổng đã tóm gọn còn có mấy chữ, sau đó ổng cho một bài tập cực dễ, hạng bét trong lớp cũng làm được. Thế là đứa dở nhất lớp cũng thấy vừa tầm, tự nhiên hứng thú vì bắt kịp cả lớp, sau đó ổng cho bài hơi khó hơn bài vừa rồi một chút xíu, vì đã có cái nền nên ai cũng giải được. Sau đó ổng cho khó hơn tí nửa, có hơi phải suy nghĩ một tí nhưng rồi ổng sẽ móc phần định lý ra áp dụng vào, thế là vừa thuộc bài vừa làm toán được. Cuối cùng ổng mới lấy bài tập trong sách Giáo Khoa ra giải thì đứa nào cũng làm được cả, học xong ai cũng thấy toán quá ư là…đồ bỏ, rồi thì ổng chỉ cách mở rộng ra các dạng bài toán khác cùng áp dụng một định lý – theo vài nguyên lý chung. Chỉ trong một tiết học mà cả lớp ai cũng sáng ra, kể cả đứa ngu nhất cũng thấy dễ, nhiệm vụ còn lại là về ôn làm bài tập để nhớ cho lâu thôi. Đơn giãn vậy đó nhưng mấy ai làm được?
Nhờ áp dụng phương pháp ấy mà việc dạy kỹ thuật bóng bàn lại trở nên quá ư đơn giãn: em dạy cách cầm vợt rồi cho trái bóng, bảo đánh sao cho trúng vào tường – dễ quá, đứa nào cũng làm được. Xong em bảo tâng bóng trên vợt 2 lần cho xem, hầu như chỉ cần vài lần thử là được hết. Sau đó em dẫn tới cái bàn, bảo cầm bóng đánh qua bàn được không, chỉ cần vài lần tập. Kế tiếp, em yêu cầu thả bóng nảy lên rồi đánh, sau vài cái hụt chúng cũng nắm được nguyên lý timing – xong phần giới thiệu vợt và bóng. Thế rồi em chỉ chổ đứng, thế đứng, thế đánh rồi em thảy bóng qua cho đánh, nếu sai timing thì em sẽ vừa thảy vừa ra hiệu khi nào sẽ đánh – chỉ mất vài phút là đánh trúng bóng, vài phút nữa để đánh qua lưới vào bàn – thế là xong một bậc nữa. Từ đây sẽ phát sinh ra chuyện đánh vào bàn thì dễ, nhưng đánh sao cho qua hết phần nửa bên phải mới khó hơn, đánh sao cho đừng vướng lưới hay ra ngoài,…thế là cần đến kỹ thuật – bấy giờ mới là lúc chỉnh lại thế đứng, cách vào bóng sao cho an toàn (em luôn cho xài vợt rất chậm và không có nhiều xoáy) – đánh vào bàn nhiều là xong bậc 3. Em sẽ yêu cầu đánh mạnh hơn, khi thấy phần trăm chính xác bắt đầu cao lên, bằng cách dạy cách dùng lực thân, cách mở rộng cánh tay ra và cử động sao cho nhịp nhàng, trúng bóng lúc mạnh nhất – chỉ sau một thời gian ngắn chúng sẽ hiểu cách phát lực – thế là xong cấp 4. Từ cấp này em sẽ dạy bạt trước, chỉ cần đánh mạnh hơn thôi là thành bạt bóng rồi, nhưng sẽ phát sinh ra chuyện bóng đi quá thẳng, thế là có nhu cầu cần biết về xoáy. Chỉ cần dạy thêm cách đánh lệch tâm tạo xoáy, hoặc đánh dính bóng rồi lăn tay lên, tùy theo kiểu mút vợt đang xài. Khi đã đổi cho mút có xoáy thì cũng vừa hoàn thành kỹ thuật tấn công, có thể tùy tiện đánh ít xoáy (bạt) hay nhiều xoáy (giật) chỉ bởi một chút thay đổi nhỏ trong kỹ thuật – thế là xong phần kỹ thuật bạt và giật, nếu đánh nhẹ lại thì thành đánh đều – chỉ trong vòng 5-6 bước. Từ đây em sẽ gợi ý giới thiệu một số loại bóng tới có xoáy lạ và cách hiệu chỉnh kỹ thuật để đối phó, vẫn dựa trên những gì vừa mới học. Dùng cú bạt vẫn đánh chết được bóng chìm, chỉ cần chỉnh góc vợt và timing- dùng cú giật thì có nhiều cách hơn,…Vậy đó mà từng bước chân này đở chân kia, đứa nhỏ sẽ leo dần lên bậc thang để tới những nấc rất cao mà không phải nhãy lò cò một hai phát phải tới đỉnh.
Dùng phương pháp này có thể dạy tới những kỹ thuật rất khó, như giao bóng xoáy nhiều kiểu, hoặc giao bóng ngược inside-out giống Timo Boll. Có thể áp dụng pp này trong huấn luyện chiến thuật, đưa độ khó tăng dần, mức độ phức tạp của bài tập cũng lên theo như bậc thang. Điểm đặc trưng của phương pháp này là khởi đầu rất dễ, rồi cứ theo tầng bậc mà bước lên độ khó dần. Cái hay của hlv là chia sao cho hợp lý, vừa thẳng tiến (để giãm tối đa các bước thừa) vừa phải hiệu quả (mỗi bước đi đều có áp dụng vào các bài tập sau này) lại vừa hứng thú và thấy rõ ràng sự tiến bộ. Ở mỗi bậc đều có thể bước lùi lại rất an toàn, nếu cảm thấy khó quá có thể lùi một bước, tập cho vững rồi bước lên. Có thể rẽ sang nhiều hướng khác, vd ngay từ bước 2-3 có thể chọn rơ đánh xa hay gần bàn, vợt thìa hay ngang, từ bước 4-5 có thể chọn chơi gai công hay mút, rơ bạt hay giật xoáy, từ đây vẫn có thể lựa mút Tàu hay mút Tây,…. Nếu có phụ huynh hoặc các “khán giả” quá nôn nóng, họ sẽ nhận xét ông hlv này câu giờ hoặc không biết kỹ thuật nên bày vẽ – theo họ thì chỉ cần thị phạm kỹ thuật rồi bắt đứa nhỏ đánh, có sai chổ nào thì sửa, cần gì phải đi lòng vòng. Nếu quan niệm “bóng bàn chỉ cần biết giật, giao bóng rồi tấn công” thì dạy theo pp này sẽ không thấy sự hiệu quả. Nhưng nếu bóng bàn là một môn thể thao đa chiều, đào tạo ra một vdv bóng bàn hoàn chỉnh chứ không phải cái máy đánh, thì pp này có lợi hơn. Học trò sẽ tự so sánh giữa hai cách dạy, cầm chắc chúng sẽ thích cách dạy mở – chúng có thể học được nhiều và hứng thú hơn, lúc nào cũng thấy mình đi đúng đường, được khen “đúng” nhiều hơn là cứ bị chỉnh sửa.

 

3. Phương pháp chia nhỏ

Đây là phương pháp dạy dành cho người đã biết chơi bóng một thời gian, nay muốn được học thêm kỹ thuật nâng cao, và cũng nhằm để chỉnh sửa các động tác sai. Thời gian dạy ngắn, chỉ trong 1-2 giờ người học muốn có kết quả ngay, điển hình là cú giật Fh hay Bh. Dạy kiểu “mì ăn liền” này quả thật là mệt, đa phần là hlv dùng thời gian rãnh để chỉ dẫn cho các phụ huynh hay các thành viên trong clb nên cũng chẳng có gì ngoài câu cảm ơn. Ai đã từng dạy bóng bàn đều hiểu, khó nhất là huấn luyện khi người chơi đã cứng tay theo một động tác sai. Cách dạy cũ rất khó áp dụng: hlv thị phạm động tác, rồi cho người học đánh chậm có sự nắn sửa của hlv (thường thì chỉ có 1 kèm 1) sau đó hlv về bên kia chịu bóng thì người tập lại “ngựa quen đường cũ” đánh sai y chang – lại quay về quá trình chỉnh sửa. Nếu có người chịu bóng đều, hlv đứng sau lưng, sai chổ nào nhắc liền rồi chỉ đúng chổ ấy mà sửa thì may ra dể hơn. Nếu có 1-2 giờ chỉnh sửa liên tục như thế thì người tập có thể hiểu được kỹ thuật đúng, nhưng nếu họ đồng thời sai quá nhiều thứ thì rất khó mà nhớ hết – nếu là học động tác mới thì càng khó hơn nếu cái căn bản bị sai.
Phương pháp chia nhỏ này được lấy ra từ cách dạy võ Teakwondo. Vào những năm 90 ở Bình Dương có thầy Lâm (già trên 60t) đai đen 7 đẳng, đi học lấy cấp từ Hàn Quốc về huấn luyện đội tuyển tỉnh – em cũng được học từ lúc chưa biết gì lên đai đen từ thầy này. Là một thầy già rất kỹ tánh, từng đòn đánh được ổng huấn luyện rất kỹ từng chút một, ngay từng cử động nhỏ ở từng khớp xương cũng được chia ra để tập. Ngay cả những đòn đá căn bản như đá cạnh chân (yeop-cha-gi) cũng được tập thành từng phân đoạn nhỏ: co đầu gối lên, xoay hông giấu bụng, búng chân ra cộng với ngả người ra sau, gần kết thúc đòn sắp chạm mục tiêu thì chân trái lắc xoay người thêm lực tới ra sao, cổ chân trái bẻ thế nào, cạnh chân phải xắn tới ra sao,…từng phần một đều được tập cho thuần thục mới ráp vào một đòn đá. Nghĩa là đòn ấy hoàn chỉnh từ từng phần nhỏ cấu tạo nên, chưa kể là ổng còn dạy cách “đề khí” trong đòn đá để nó có “nội công”. Áp dụng phần học võ vào bóng bàn thì chỉ trong vài ngày tập luyện em đã có thể giật bóng cháy bàn, dù lúc ấy em chỉ có 45kg, cao tầm 1.5m thôi (lúc ấy em chơi vợt Song Ngư loại bèo nhất, tháo mút dán sẵn ra thay bằng 729). Khi hlv thị phạm, em chỉ cần nhìn động tác chậm rồi về nhà tự tập không bóng, chia thành từng phần nhỏ, thân xoay thế nào, tay đánh ra sao, chân tấn ntn,…rồi ráp lại thành một động tác giật hoàn chỉnh, thế là được xem là có năng khiếu (học nhanh nhất) đấy!
Nếu là một người lạ đến hỏi học cú đánh Fh kiểu Châu Á trước đây – quăng hết tay, xoay hết lườn – thì em sẽ đòi hỏi họ biết đánh căn bản trước đã. Chọn một động tác Fh căn bản làm nền (không cần thiết phải đúng “chuẩn”), em bảo người ấy đánh không bóng, thật chậm như robot hết pin. Em sẽ chỉnh sửa từng phần: bộ chân (vị trí đặt lực trong bàn chân), cách chuyển trọng tâm (kiểu giật xưa), cách xoay eo, cách bẻ lườn từ sau ra trước – lúc này vai và tay chưa làm việc gì hết. Em bắt tập phần này trước, sao cho nhìn thuần thục và đều đặn, sau đó kết hợp vai đánh tới – đôi cánh tay lúc này cứ như là bị liệt, cứ ép vào thân người chưa xài gì hết. Động tác vai kết hợp với thân và bộ tấn thấy ổn rồi thì em mới bảo dang cùng lúc hai tay ra (vẫn chưa động gì tới vợt hết) cho họ thấy dù tay không nhúc nhích, nó vẫn đánh theo thân người. Bấy giờ em xếp tay thuận của người ấy thành hai góc chữ V (nách và chỏ), tay trái cũng xếp theo chữ V hẹp hơn đưa ra giữ thăng bằng – kết hợp với vai xoay thì tay trái cũng đi theo- cổ tay phải gồng lại. Cứ tập cho quen dần tới khi nào nhìn đẹp thì em mới đưa vợt và chỉ vị trí bóng đánh (timing) và cách gồng cơ bụng lại khi chạm bóng. Theo cách tập này thì cổ tay và cánh tay chưa xài tới mà bóng trúng đã rất mạnh rồi – ngược hoàn toàn tới động tác sai của họ trước đây: toàn xài cổ và cẳng tay dưới. Nhờ chia ra từng phần nhỏ nên có thể thấy cái sai lầm nằm trong phần nào: có người đứng sai bộ chân, có người thiếu xoay hông, không biết gập lườn hoặc đánh cổ tay nhiều quá,…Đã thấy rõ và chỉ cho người tập thấy chổ sai nằm trong phần nhỏ nào, thì họ dễ là chỉnh hơn là bắt làm lại toàn bộ động tác cùng một lúc. Sai chổ nào thì tập xoáy vào sửa chỉ một động tác nhỏ ấy thôi, giống như bánh xe cán đinh thì vá cái lổ, chứ ai lại thay hết cả vỏ ruột. Vd thiếu xoay hông, thì em sẽ loại bỏ tất cả các động tác khác, chỉ tập đứng xoay hông kết hợp bộ chân thôi, còn từ vai trở ra xem như không làm gì hết. Phương pháp chia nhỏ này sẽ làm cho việc tập luyện được đơn giãn và hiệu quả hơn, cũng giống nhưng pháp tầng bậc, tuy là dài dòng phiền phức nhưng lại giải quyết tận cùng và chính xác tiếp cận được những chổ sai.

 

4. Phương pháp kết hợp

Tức là tập nhiều động tác cùng một lúc, tới khi kết hợp lại thì được một kỹ thuật cấp cao hơn. Điển hình nhất là cú giật loop-drive, đây là sự kết hợp giữa hai động tác: vào bóng thẳng và tạo xoáy, nên nó có được tốc độ của cú drive mà xoáy như cú loop. Phương pháp này có cái hay là: hễ càng có nhiều căn bản thì cũng tự nhiên có các kỹ thuật nâng cao, chỉ bằng cách phối hợp các thứ cơ bản lại với nhau. Người học sẽ ngạc nhiên khi họ không phải khổ luyện mà lại có các kỹ thuật cao cấp, chỉ bằng cách tổng hợp những gì họ đã xây dựng vững chắc từ trước. Càng học lâu sẽ càng tiến nhanh, mà kỹ thuật mới hình thành lại có nền móng rất vững chắc từ 2 hay nhiều kỹ thuật từ trước – đây cũng giống như pp tầng bậc, nhưng có thêm cộng trộn thêm các kỹ thuật từ các nhóm khác nhau. Nếu dạy đối giật, phương pháp cũ sẽ dạy giật trước, rồi đứng lùi ra xa dần giật bóng cao lên – theo cái triết lý đối giật thì cần phải biết giật trước làm căn bản đã. Theo phương pháp kết hợp, vdv sẽ tập đở bóng xa bàn trước: một bên ôm bàn giật còn người tập cứ lùi lại một hai bước cố đưa bóng vào bàn. Khi bóng vào hơi cao thì phía tấn công trước sẽ lùi lại một chút để giật (chứ không ôm bàn bạt bóng, tập luyện mà), còn bên tập luyện cũng sẽ dễ chịu hơn vì bóng không còn sát thủ như trước, từ đó hlv sẽ yêu cầu người này cố đánh thấp hơn, mạnh và xoáy hơn xem sao. Lúc này kỹ thuật đối giật sẽ là sự kết hợp giữa giật bạt và đở bóng xa bàn an toàn. Có cái nền là đở bóng thì sẽ ít hỏng trong đối giật, nếu thấy khó quá thì dùng xoáy, nếu dễ hơn thì tăng lực – có thể tập cú đối giật xa bàn trước khi biết ôm bàn đánh dứt điểm, không cần dựa trên căn bản cú giật xung. Nguyên lý của phương pháp này là xây dựng tháp nhiều chân, kỹ thuật A + kỹ thuật B +…= kỹ thuật X, còn phương pháp cũ giống như trồng cây chuối (hoặc cây dừa) lên thẳng từ một gốc. Đương nhiên tháp nhiều chân sẽ vững hơn, dù có mất một hai trụ thì vẫn đứng được – trồng một cột lên thẳng nếu gãy gốc là đổ vỡ hết. Tuy nhận thấy phương pháp cũ dạy đi thẳng, có vẻ nhanh hơn, nhưng lại kém an toàn. Sự phát triển trong tự nhiên không đi theo đường thẳng, mà theo hình tháp dưới to trên nhỏ. Bóng bàn VN lấy căn bản chỉ từ cú đánh đều rồi ra hai cú giật (xung và moi), từ đó phát triển thêm nhiều kỹ thuật nữa, khác nào xây kim tự tháp dựng ngược.
Phương pháp kết hợp thường phát huy tác dụng ở những động tác kỹ thuật phức tạp có liên quan đến bộ chân hoặc chiến thuật, vd vừa bước dài vừa tấn công. Nếu tập theo pp chia nhỏ thì chúng ta sẽ có động tác bước, xoay hông kết nối và động tác đánh, tập 3 cái riêng ra. Nếu theo pp tầng bậc thì ta có bước, bước cùng với xoay hông và bước rồi đánh luôn – phương pháp này sẽ tập ra một kỹ thuật đệm, vì lúc xoay hông đánh ta chỉ áp dụng động tác đánh đều đúng timing là đạt yêu cầu. Nếu dừng lại ở đây thì ta đã có động tác đánh an toàn kèm với bộ chân di chuyển căn bản – đây là bài tập “nền” trong những buổi tập của em: đánh kết hợp di chuyển. Sau đó ta mới kết hợp kỹ thuật giật dứt điểm vào: lúc bước thì kết thúc phải là bộ chân tấn công có hông sẳn sàng, lúc đánh thì tùy nghi kết hợp với kỹ thuật tấn công nào thích hợp nhất (giật dài tay hay ngắn tay, bạt hay giật-bạt,…). Tuy cũng là bình cũ nhưng rựu mới, pp kết hợp này cũng đã có từ lâu đời trong các pp dạy thể thao, nhưng khác nhau cách kết hợp và các lựa chọn lúc thực hiện (nhiều lựa chọn hơn). Dùng pp này ta sẽ có rất nhiều động tác “mở” rất linh hoạt tùy tình thế, như trò chơi ghép hình transformer, ta tùy nghi ghép thành kỹ thuật nào dựa vào tình thế lúc ấy, chứ không có “chết cứng” vài chiêu sở trường.

 

5. Phương pháp bắc cầu

Thực ra đây là sự phối hợp giữa phương pháp tầng bậc và phương pháp kết hợp. Cái hay của phương pháp này là dựa vào một kỹ thuật đã có để học một kỹ thuật mới mà không phải học từ đầu từng chút. Có phần tương tự như pp kết hợp nhưng ở pp này ta chỉ có 1 kỹ thuật nền, bằng cách khéo léo bắc cầu ta dẫn qua một kỹ thuật khác, giống như đi hai chân, bên trái bước tới rồi ngừng lại đẩy bên phải tiến lên. Cách làm theo nguyên lý leo thang: em thường chia căn bản Fh ra hai loại: đánh không xoáy và đánh xoáy với 5 cấp độ từ dễ tới khó. Kỹ thuật không xoáy sẽ có số lẻ, có xoáy là số chẵn có liên hệ tương hỗ với nhau chứ không tập luyện riêng. Ban đầu em đặt nền móng lên số 1, động tác thứ 1 này cực dễ, không cần tạo xoáy gì hết, cứ ngữa vợt ra đánh thẳng vào bóng – sao cho qua bàn đừng cao quá. Vì là căn bản nhất nên em ngừng ở 1 khá lâu, chỉnh sửa bộ chân, tay cầm vợt, cách đánh thẳng tới sao cho qua lưới nhẹ nhàng an toàn – đây là cấp độ chậm nhất. Về phần timing, đánh sao cho dễ nhất nên có thể chờ bóng xuống rồi hớt qua lưới là đạt yêu cầu. Em cũng không cần phải hoàn chỉnh 1 làm gì, chỉ cần đạt 20 điểm một bóng là em cho qua 2 (nhờ vậy mà bọn nhóc cố tập luyện cho đều để mà lên bậc). Lúc này là chổ cần bắt cầu: động tác của 2 cũng y hệt như 1, nhưng có tạo một chút xoáy lên bằng động tác nhấc cẳng tay rất đơn giản, đâu có cần tạo nhiều xoáy làm gì. Vì có chút xoáy, lại thêm lực nên bóng của 2 có phần xa hơn 1, em mới bắt cầu sang 3 (sau khi thỏa điều kiện 20 điểm). Em muốn đánh không xoáy nhưng nhanh và xa lưới như 2, động tác giống như 1 (tức là không tạo xoáy) nhưng yêu cầu bóng đi nhanh hơn một chút, trở thành 3. Từ 3 em yêu cầu tạo xoáy thế là có 4. Kỹ thuật 3 và 4 chính là kỹ thuật “đánh đều” mà bọn nhóc ở VN thường tập, 3 không xoáy còn 4 thì có xoáy tới một chút. Ngang đây em sẽ xài pp kết hợp, dạy chúng vừa đánh vừa di chuyển – kết hợp bộ chân. Đánh sao cho chính xác – kỹ thuật 3 có lợi thế hơn. Đánh sao cho nhiều điểm nhất – kỹ thuật 4 dễ hơn. Em sẽ dạy timing: đánh sớm và đánh trễ, kết hợp đánh đều nhưng đối phó bóng không xoáy hoặc có chút xoáy chìm,…Thường là em dạy Fh và Bh cùng lúc, nên đứa nào có Fh 4 thì cũng có Bh 4. Em cũng chia kỹ thuật xoáy chìm ra làm 10 cấp, bọn chúng cũng đã tới 3-4 của gò-cắt rồi. Ngang tại 3 và 4 em đã dạy giao bóng và áp dụng chiến thuật đơn giãn nhất vào thi đấu, sau đó kết thúc phần cấp Một. Xong cấp này mà học trò vì lý do nào đó nghỉ ngang thì chúng vẫn có thể chơi bóng bàn như một môn thể dục có kỹ năng, biết thi đấu và có các bài đơn giãn để đánh.
Nhờ chia cấp như thế nên nếu chỉ có thời gian giới hạn thì em vẫn có thể cho ra lò một đứa đã hiểu bóng bàn là gì, nhiều đứa đã nghỉ ngang vì học hành, nhưng chúng sẽ trở lại sớm thôi. Có đủ các kỹ thuật, chúng sẽ chơi bóng bàn trong trường học, sẽ thấy hiệu quả của cách dạy đầy đủ – so với kiểu dạy chuyên một động tác, nếu nghỉ thì chúng chỉ biết rất ít, sẽ thấy chuyện học chẳng áp dụng được gì vào những trò vui trong trường. Nếu những đứa này được hlv khác dạy (trong trường học của Úc) thì chúng có thể tiến bộ rất nhanh chóng, nếu tự học cũng có cách. Em từng chứng kiến những đứa VN học “bài bản” kiểu chỉ biết giật xoáy (ít nhất cũng được 1-2 năm) lại đánh thua những thằng Úc chỉ biết cầm vợt mút chết đánh kiểu Tennis (chưa từng đi học bóng bàn) chỉ vì không đánh xoáy được với chúng. Trong khi những đứa học kiểu cùng lúc biết nhiều thứ, chỉ trong cấp Một, chỉ cần 3 tháng là làm trùm trong trường – nhờ kỹ thuật số lẻ không kỵ phản xoáy. Điều hay nhất là khi đứa nhóc quay trở lại (trong những tuần lễ nghỉ hè) thì chỉ cần một buổi để ôn bài là chúng nhớ hết, sau đó cứ áp dụng các phương pháp mà dạy lên các kỹ thuật nâng cao từ cái căn bản sẵn có.
Để có kỹ thuật số 5, em yêu cầu đánh lại số 3 nhưng nhanh hơn và uy lực như số 4 – mà không được tạo xoáy. Đây là kỹ thuật chặn đẩy góc, theo hệ cũ. Có được 5 thì tạo thêm xoáy sẽ có 6 – đây là kỹ thuật đôi công ôm bàn kiểu cũ, có xoáy nhưng không nhiều bằng giật. Sau này kỹ thuật số 6 trở thành kiểu đánh ngắn tay hiện đại bên Fh (kiểu Zhang Zike). Từ 5 ta có 7, nhanh hơn 5 một cấp – đây là kỹ thuật bắn nếu là Bh và bạt nếu là Fh. Từ 7 bắc cầu qua 8 bằng cách thêm vào động tác tạo xoáy là thành cú giật xung. Vì bên Bh không có cú bạt dứt điểm nên số 9 sẽ là chặn bóng giãm lực, kỹ thuật phòng thủ chặn đều. Còn số 9 bên Fh sẽ là bạt dứt điểm, đánh giống 7 nhưng xoay hết người, đòn tay dài mở góc nách ra. Số 10 là kỹ thuật loop-drive giật-bạt bên Fh, cũng mượn từ cú số 9 nhưng tạo xoáy khi chạm bóng. Bên Bh có khác một chút, số 10 là kiểu đối giật ngắn ôm bàn, cực xoáy mà ngắn sát lưới – đây là kiểu Bh hiện đại của CNT.
Ngang ở 5 và 6, em đã có cấp II với các cú đôi công nhanh, đánh góc. Chiến thuật ở cấp này là giao dài rồi đẩy góc, nếu gò thì cũng biết đẩy dài hoặc xoáy nặng, đã biết di chuyển che chắn được cả 2 góc bàn. Ngang ở 7 và 8, ta có cấp III, tương đương với cấp “năng khiếu” ở VN – tức là đã biết giật – nhưng cấp III theo chuẩn của em còn biết làm nhiều trò khác: có thể giật mạnh được bóng gò nhú, cao tí nữa thì bạt luôn. Trong chiến thuật đã có rơ chặn đẩy, đôi công, lùa góc, gò công, giao bóng tấn công. Cấp IV bao gồm các động tác cuối cùng trong hệ căn bản, đã bắt đầu bước vào trung cấp, có trình độ hơn rơ “năng khiếu” của VN ở chổ biết ôm bàn phòng thủ hoặc tăng lực dứt điểm tùy nghi sử dụng. Cộng với các bài bản chiến thuật, chiến lược và tâm lý thi đấu thì em cho lên cấp V – cấp cuối cùng của hệ căn bản, không có thêm kỹ thuật mới, chỉ cần áp dụng cho hiệu quả các kỹ thuật căn bản. Ở cấp này em bắt đầu cho đi đánh các giải nhỏ được rồi – ngang với trình “đội tuyển quận” ở VN.
Bằng cách áp dụng phối hợp 5 phương pháp sư phạm căn bản kể trên, hlv có đủ khả năng để đào tạo kỹ thuật lên tới cao cấp. Từ các kỹ thuật căn bản mở ra rất nhiều hướng phát triển khác nhau, chứ không phải chỉ có độc một hai kiểu đánh. Nếu chỉ nói riêng về đối giật đã có hơn 5 loại: chủ về tốc độ, chủ về xoáy cắm, đối giật an toàn, xoáy ngang, gần hay xa bàn,…Có người bảo “biết nhiều dễ loạn”, có phần đúng nếu như học theo cách cũ: dàn ngang ra mà đi. Nếu huấn luyện có phương pháp thì ta sẽ có kỹ thuật này dựa trên kỹ thuật kia, tất cả bắt đầu từ 1 và 2 nhưng càng phăng ra càng nhiều. Nhiều thật nhưng đều có đầu mối, có thể gộp lại mà cũng có thể xoáy chuyên sâu vào một phía. Điều cơ bản khác nhau giữa cách dạy cũ và mới là: kiểu cũ sẽ đào tạo ra vdv đánh rất đều tay “10 cú như một”, trong khi cách mới sẽ cho kết quả ngược lại “một cú như mười”. Vì dễ biến hóa đa dạng, nên ra thi đấu lại rất cần hlv đứng sau lưng chỉ bài – hlv giỏi quan sát có thể đưa ra chiến thuật hợp lý, cầm chắc là với rơ nào trò đánh cũng được. Kiểu cũ sẽ ít lệ thuộc vào hlv khi thi đấu, tự mình vẫn đánh đúng vì không có nhiều lựa chọn. Nếu hlv biết ra cách để thắng cũng khó lòng mà chỉ trò – vì chúng quá khó để thay đổi, không có cái khác để mà hoán đổi, bí bài là chịu chết. Tất cả là do cách dạy bóng bàn cũng Vn ta quá thẳng và cứng nhắc, học nhanh mà nhìn tập luyện cũng bắt mắt, nhưng cho ra thi đấu chỉ có nhờ tốc độ thắng người khác. Lính của em dạy ra, quăng đi thi đấu đánh rất lều khều với đám yếu (không thấy gì nổi bật vượt trội), nhưng khoái nhất là gặp mấy rơ đánh nhanh – chúng thắng khá dễ dàng bằng mấy trò đánh không lực, đứa mới học vài tháng cũng có cửa thắng. Trên đây là 5 phương pháp chính, ngoài ra có thêm 5 phương pháp dạy bổ sung, áp dụng vào các trường hợp đặc biệt hơn.

 

6. Phương pháp dùng tư duy tưởng tượng

Đây là phương pháp tập luyện khá hay, được rất nhiều coach Tây áp dụng, có thể dùng để dạy kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý thi đấu,…Bên Tàu còn ứng dụng cả trong thể lực nữa. Đây là phương pháp tập không cần bóng lẫn bàn, chỉ ngồi mà…tưởng tượng thôi.Mỗi động tác kỹ thuật sẽ được đánh ra theocái khuôn mẫu từ trí nhớ sâu, và sự quen tay (còn gọi là trí nhớ của cơ bắp – muscle memory). Mỗi ngày tập luyện thực ra cũng là để bào đục ra cái khuôn ấy – nếu như thế thì dùng sức mạnh tự kỷ ám thị cũng sẽ làm được như tập luyện: dùng ý tác động vào sẽ còn hiệu quả hơn (dùng ý tác ý), vì trực tiếp và dễ điều chỉnh – tưởng tượng bao giờ cũng dễ hơn là làm thực. Đây là một phương pháp chính quy, có trong giáo trình các môn thể thao hiện đại – nhưng sẽ làm các hlv “nghiêm túc” của Ta phì cười.
Có thể nói tập bb theo pp này không tốn giọt mồ hôi nào, các vdv ngồi thẳng lưng thoải mái trên đệm lót, tư thế xếp bằng của Yoga, tay đặt lên đùi (thường là cuối buổi tập, kết hợp với 15p làm nguội). Hlv sẽ đọc các hướng dẫn (được viết sẵn) thư giãn và điều chỉnh hơi thở, khi cơ thể đã thư giãn và hơi thở đều thì tâm cũng sẽ rất tập trung. Lúc này hlv sẽ đọc các hướng dẫn hình dung ra động tác đánh (cũng được một chuyên gia viết sẵn) từng chút lần lượt từ lúc đối phương đánh bóng – qua lưới – thì chân bước thế nào, thân làm gì, tay làm gì – bóng chạm bàn nãy lên – thì thân xoay thế nào, tay làm gì, đánh bóng lúc nào, tạo xoáy ra sao,…Đó là hướng dẫn tổng quát, tập với lớp. Các vdv sẽ có các bài tập về nhà cho từng động tác của mình kèm với các video clip chậm để cho trực quan hơn. Các bài tập này rất quan trọng, phải thực hành tuân theo hướng dẫn rất cẩn thận. Vì hiệu quả của nó rất mạnh, nên có thể gây tác hại rất lớn nếu tập sai. Các tưởng tượng này sẽ in sâu vào vùng não dưới, làm khuôn mẫu cho các động tác ngay trong tiềm thức, cho nên khi trận đấu đi vào lúc vdv “hết biết gì” thì các cú này sẽ phát huy tác dụng, vì nó nằm ngoài vùng ý thức. Tập theo pp này thì sẽ có những lúc đụng trận rất áp lực lại đánh như lên đồng, vì chỉ có khi đó sự kềm chế của suy nghĩ mới tắt hẳn, đánh theo “cảm tính” mà lại hay hơn là suy nghĩ nhiều quá. Em sẽ viết thêm khi vào phần tập chiến thuật, đó mới là thế mạnh thật sự của pp này.
Đây là phương pháp rất hay để sửa sai, mà nếu cầm vợt vào đánh sẽ vì thói quen mà khó chỉnh. Một số người có sức ỳ lớn đến nổi vừa chỉ xong quay ra đánh vẫn cứ sai, dù có chia nhỏ động tác tập cả buổi, tới khi ráp vào vẫn bị cái động tác cũ cuốn trôi mất. Lúc này cái sai đã không còn nằm ở cơ bắp nữa, nó đã ăn sâu vào ý niệm cái động tác trong tiềm thức rồi. Có lẽ người này đã nhìn rất nhiều người chơi như thế, đã tâm niệm như thế là đúng suốt một thời gian dài, bây giờ khó lòng mà sửa lại. Vd điển hình là các vdv chơi vợt carbon Tamca với mút Bryce một thời gian dài, thấy bóng cắt chuội thì cứ moi mỏng lên chứ không dám đánh dứt điểm chết bóng, dù đã đổi vợt. Họ không có sai động tác, nhưng có phản xạ hễ thấy xoáy chìm là đánh trễ moi mỏng lên thôi. Tập đánh sớm thì họ cũng làm được đấy, ép làm được cả buổi, bỏ ra một lúc không nói tới rồi quăng bóng chìm qua lại moi tiếp. Mà động tác moi lại xấu hoắc, gồng cứng và đánh cổ tay nữa, thế mới nghiệt. Thực ra có phương pháp khác hữu hiệu hơn để chữa bệnh này (dùng đối trị) nhưng nếu dùng tưởng tượng cũng có thể hóa giải được. Em sẽ đánh trước cho người ấy nhìn, mới đầu là đánh với bóng thật, để họ chứng kiến sự hiệu quả – cái gì trước mắt họ mới tin, mới giật mình ngạc nhiên. Sau đó em chỉ cách đánh cho dễ nhất, đưa bóng chìm nhưng hơi cao để họ đánh có tự tin, được vài trái tốt thì em bảo họ cố gắng nhớ động tác lúc ấy, đánh chừng 30p rồi em cho về luôn (canh lúc cuối giờ tập, sẽ không bị động tác khác chen vào) rồi dặn trước khi ngủ phải suy nghĩ tới đòn này, lúc ngủ dậy cũng phải để ít nhất là 5-10p đánh cú ấy bằng tưởng tượng rồi hãy thức dậy hẳn. Trong ngày, lúc nào có rãnh là phải nhớ lại, hình dung ra là mình đánh đẹp lắm, mạnh lắm, dứt điểm thắng luônmột quả gò nặng,…cho tới khi nào cái cảm giác ấy bắt đầu xóa dần suy nghĩ về cú moi cũ. Ban đầu chưa thấy hiệu quả ngay, thỉnh thoảng mới thấy, lâu dần thì người ấy khoái hẳn ra vì đánh được những cú mà trước nay không dám làm (vợt và mút đã bị đổi, chậm hơn trước rất nhiều). Cho tới khi vào thi đấu dám đánh là thành công.
Dùng tư duy tưởng tượng có thể tập được những động tác rất mới, rất độc mà ít ai nghĩ ra. Cú giao bóng mổ của William Henzel (No.1 Úc) một thời không ai trị được, vì nó đi kèm với cú Bh liên hoàn khá hiệu quả. Chính Henzel tiết lộ rằng anh ta đã dùng rất nhiều thời gian cho pp Visualization này, cả cú mổ và cú Bh tuyệt chiêu xé góc. Những ai phá được bài này của Henzel mới may ra thắng, chính Wang Liqin cũng xém chết ở Olympic Beijing 2009 vì không thể làm gì được với cú giao này. Sau Henzel cho tới nay cũng chưa ai tập được cú mổ kiểu độc chiêu này, dù đã có rất nhiều video chiếu rất chậm (chính Henzel làm ra cho đám nhỏ tập) nhưng ở Úc vẫn chưa thấy ai bắt chước được trọn vẹn cú liên hoàn này. Có lẽ Henzel chỉ tiết lộ phần ngọn, cái gốc tập visualization thế nào thì anh ta giấu biến.

 

7. Phương pháp dùng đối trị

Lấy độc trị độc, lấy cái sai đi sửa cái sai, phương pháp này rất nguy hiểm, chỉ nên xài khi trình độ của hlv khá cao. Thường áp dụng nhất là để tập các cú giật Bh và Fh dứt điểm khi đối thủ cắt bóng thấp. Phần đông cao thủ VN đạt trình A dư biết phải làm gì và luôn chờ cú này, họ có thể đánh rất mạnh và sát lưới. Nhưng trình B thì bị cú giật moi trì kéo, không dám vào không thể đánh chết quả này. Thường thấy nhất là quả cắt nặng chuội hoặc trả bóng không lực, đám chơi Sadius sẽ rất lúng túng, trình cao tí sẽ ngửa vợt moi lên an toàn, chờ cú sau. Nếu đánh với gai phản xoáy thì dân xài vợt nãy trình thấp sẽ đánh như gà mắc dây thun. Sau khi được “xúi” đổi vũ khí thì họ vẫn cố giữ kỹ thuật cũ – vì chưa có ai chỉ mấy chiêu mới – nên đánh rất dở, luôn muốn quay lại cây Sad thôi. Để cho những người này có thể giật dứt điểm ôm bàn, em sẽ chẳng đá động gì tới cú giật. Trước tiên em lấy một rỗ bóng, thảy ngang tầm tay rồi bảo bạt cho đã tay đi. Khi thấy bạt ngon lành rồi thì em hạ bóng thấp xuống tí, cố tình feed bóng không có xoáy (rơi lưng lửng), bảo bạt thoải mái, hư kệ nó. Dần dần thì cũng đánh vào, em sẽ tăng dần độ xoáy nặng, nhưng vẫn giữ độ cao hơn lưới – nhiều người sẽ tự động nghiệm ra là đánh sớm sẽ dễ hơn, lợi dụng xoáy chìm có sẵn để làm thành xoáy tới của mình. Tới đây thì em vẫn chưa đá động gì tới kiểu giật, chỉ nói “bạt thẳng mà vẫn vào, nếu bạt hơi cong xuống thì sao?” thế là người tập sẽ bạt có chút xoáy. Bây giờ em sẽ kiểm tra, em quăng trái bóng xoáy chìm, bảo họ giật thử xem sao. Phần đông theo lối cũ sẽ giật bóng khá cao hơn lưới chậm rì – tự động sẽ ngộ ra cú này không sát thủ bằng quả bạt, thế là họ tự động kết hợp hai cú lại. Nhiệm vụ của hlv là chỉnh giúp cái động tác sau khi kết hợp này sao cho gọn và hiệu quả, toàn bộ từ đầu tới cuối em chẳng sửa gì tới giật bóng, nhưng kết quả lại nằm ở cú giật.
Một vài bác rất ngại cú moi xoáy chậm, không đủ nhanh để đánh lại, mà chặn thì thường bung ra ngoài. Nếu cứ moi xoáy cho các bác ấy tập thì hên xui mãi, mà nói đánh sớm hay tạo xoáy lại thì họ đường như…không hiểu. Thế là em dùng đối trị: em bảo làm gì cũng được, em cầm một rổ bóng cứ đánh cực xoáy qua (tạo xoáy bằng cách chọi bóng vào vợt, xoáy hơn cú giật moi rất nhiều) nghĩa là khó hơn thực tế rất nhiều. Sau khi các bác ấy có thể xử lý được rồi, em sẽ feed bóng đủ kiểu từ không xoáy tới rất xoáy, vồng lên cắm xuống, xem họ tự xử ra sao. Giống như tiêm vacin, đưa con vi khuẩn vào cho cơ thể tập đề kháng – em tạo bóng rất khó để khi có bóng dễ họ sẽ tự tin mà đánh. Lúc quay lại trận đấu, tự nhiên họ thấy cú moi xoáy thường ngày họ kỵ lại trở nên quá sức tầm thường. Cũng vậy, ở những người sợ xoáy nặng, em chỉ cách đối phó rồi feed bóng qua cực nặng (dùng vợt rất chậm gắn mút Tàu).Tập đối phó với xoáy này xong rồi thì họ hết sợ bóng cắt nặng nữa. Trường hợp có bác đánh quá ngắn tay, không mở nách và xoay lườn, hậu quả của một thời gian xài vợt nãy nhưng hi-throw (không phải Sadius), cũng không dám giật mạnh vì sợ bóng vồng cao ra ngoài. Lúc này dùng đối trị cũng cho kết quả rất nhanh: em đưa một rổ bóng, bắt đứng rất rất xa bàn, đánh sao cho vào bàn thì đánh. Một hồi mệt quá em mới cho bước vào gần hơn, gần hơn và chỉ cho cách tạo xoáy để bóng cắm vào bàn. Đánh một hồi ổng mới nghiệm ra là đánh mạnh đâu có ra ngoài, còn cắm lưới nữa, thế là em cho vào sát bàn đánh luôn. Bây giờ thì ổng đã xóa được nỗi sợ đè nén trong lòng, nỗi lo ấy trì cái tay lại không cho nó quăng mạnh ra, chứ không phải chổ sai nằm ở động tác. Nếu cứ đè ra mà chỉnh sửa động tác thì cũng giống như cắt tỉa lá cành, nó lại mọc ra tiếp chổ khác. Giúp trị luôn tận cái gốc tâm lý thì sẽ không còn cái gì phát sinh thêm nữa.
Một kiểu đối trị nữa là ta giữ lại cái sai rồi kết hợp cái sai khác lại thành ra động tác đúng. Ai cũng biết đánh kỹ thuật có xài cổ tay nhiều quá sẽ không ổn định, nếu can thiệp vào thì phải sửa chửa rất lâu, hlv giỏi sẽ cho giữ lại rồi chỉnh lại cách cầm vợt thành Fh grip (cầm kiểu dao phay), bổ sung thêm rơ đánh xa bàn. Thế là từ một rơ ôm bàn đánh cổ tay, nay trở thành rơ tầm trung đánh bạo lực, nhờ có cổ tay tốt nên cách đánh này rất lợi hại: vừa mạnh vừa uyển chuyển. Một đứa đánh Bh sai, nâng cùi chỏ lên cao quá mà đánh như bắn thẳng vào bóng, chân thuận lại bước tới trước nhiều quá – sửa mãi cũng khó, hlv bèn đổi cho nó mút hi-throw rồi dạy cú Bh hết tay (mở luôn góc nách ra cho lớn). Từ ngày đánh rơ này, chú bé tận dụng được cả hai càng, có cú Bh khá nguy hiểm – nếu hlv quá cố chấp mà ép vào rơ Bh ngắn tay thì đã phí tài năng. Rất nhiều người có cú giật Fh trể, xài cổ tay nên bóng thường trôi ngang ra ngoài. Nếu chỉnh lại thành cú giật sớm, bóng đi cắm xuống, thì quả là mất thời gian mà chưa chắc đã thành công. Hlv giỏi sẽ tận dụng luôn cú này mà sửa lại thành rơ đánh giật xoáy ngang rất khó chịu, đổi vợt và mút lại sao cho tối ưu cú này, chấp nhận cho giật trễ luôn nhưng bóng đi lạn lách rất lắt léo – trở thành một rơ độc. Tóm lại, không phải cái gì sai cũng hết xài, giỏi dở hơn nhau cái chổ biết tận dụng cái sai mà thành ra ưu điểm chứ không phải gò ép cố sửa lại cho giống mình.

 

8. Phương pháp soi gương

Đứng trước tấm gương lớn, vừa đánh vừa nhìn gương tự sửa động tác. Người tập không bao giờ tự thấy được mình đánh động tác nhìn như thế nào. Có thể dùng camera quay lại cho anh ta xem nhưng động tác đã qua rồi, cố chỉnh rồi quay camera lại thì cứ làm mãi cũng xong, nhưng không hay bằng có cái kiếng lớn. Nếu trong clb có cái phòng trống nào, đặt một cái kiếng to lên tường rồi cho người tập vừa đánh vừa nhìn mình trong gương, thì hiệu quả tập luyện sẽ tăng đáng kể, rất ngắn rất nhiều thời gian sửa sai. Hay nhất là người đó vừa xem các clip kỹ thuật chiếu chậm, vừa nhìn gương bắt chước động tác, chỉnh sửa từng chút một. Đây là phương pháp giúp vdv tự tập một mình, không có ai can thiệp vào. Nếu không có gương thì vẫn có thể tự tập động tác không cần bàn với bóng, mỗi ngày song song với tập tưởng tượng, đánh động tác chậm (có ý thức từng phần của cơ thể trên mỗi phần nhỏ của động tác) vài trăm lần cũng có tác dụng tương đương với vài giờ dợt bóng. Dĩ nhiên là hiệu quả hơn rất nhiều so với những ai đã không còn thầy còn tốn thời gian tập với bạn – cầm chắc là bóng trả lại rất không đều, rất khó đánh đúng động tác, càng tập càng sai.

 

9. Phương pháp đi vòng

Dùng phương pháp chia nhỏ có thể tìm ra đúng chổ sai rồi chỉnh lại, tuy nhiên nếu cả động tác đều sai hết hoặc đánh kỹ thuật nâng cao thiếu hiệu quả thì không thể chia nhỏ để mà sửa sai được. Nếu dùng đối trị thì sẽ cho kết quả rất khác, đằng này ta chỉ muốn uốn nắn lại một chút thôi – nhưng trên mọi mặt. Không gì khó bằng chuyện đi nắn để xài lại một kỹ thuật, vấn đề ở đây không phải là sai hay đúng, có hay không, mà chỉ là thêm hay bớt chút xíu. Nhưng nêm nếm sao cho vừa miệng lại là một nghệ thuật rất khó – trong huấn luyện lại gặp rất nhiều trường hợp trò đánh “dư thiếu cái gì đó”, vấn đề của hlv là phải tìm cho ra “cái gì đó” để mà gia giãm. Giống như chữa bệnh, nếu vỡ đầu gãy chân còn có cách, chứ đi khập khiễng hay chỉ trặc cổ thì lại không biết đâu mà lần. Chỉ thẳng vào cái sai là điều khó – có thể nói là tối kỵ trong giãng dạy – có khi cũng không có cái sai nào rõ ràng để mà chỉ, đây là chổ đau đầu của những hlv dạy theo lối cũ. Cứ chỉnh mãi mà vẫn thấy sai, rồi đổ-văn-thừa là trò không tiếp thu, kém năng khiếu.Theo kinh nghiệm của em, có một phương pháp gọi là “đau đầu chữa chân” vậy mà hiệu quả. Vd có nhóc đánh tay hơi dư tới trước, nếu bảo nó đánh xong dứt động tác là ngừng tay lại, thì có khi nó không làm được – càng can thiệp vào thì càng rối, dẫn tới sai những thứ khác. Hlv tìm ra nguyên nhân vì nó muốn đánh cho mạnh nên cố gắng quá thành ra dư. Cách chỉnh của em lại chẳng có liên quan gì đến chuyện đánh dư hay thiếu: em bảo nó mở góc nách ra, đánh xoay người nhiều hơn. Thế là động tác lại càng trở nên dư hơn một cách không cần thiết – nhờ có xoay hông nhiều hơn và tay đòn dài nên bóng qua rất mạnh, nhưng tay vung khá rộng. Chính thằng bé ấy nhận thấy là nó đánh “hơi dư” nên không cố gắng tăng lực nữa, thế là tự nhiên động tác thừa cũng biến mất. Nếu chỉ thẳng vào cái sai thì nó sẽ rất lúng túng, còn đi vòng để nó tự nghiệm ra mà ta khéo léo để nó tự chữa lấy nên hiệu quả cao hơn – trò đó cũng không còn cố chấp bảo vệ điều mà nó tâm niệm là đúng nữa.
Đây cũng có thể gọi là phương pháp quanh co, giống như đứa nhỏ muốn xin tiền lại đến khen mẹ nó có cái áo đẹp. Rất nhiều người than phiền cú đánh Fh của họ yếu quá, so với bên Bh quá khủng. Nguyên nhân rõ ràng là họ lùi chân trái về sâu quá, nhưng nếu chỉ ngay vào chổ này thì họ sẽ mất luôn Bh. Cách làm việc của hlv giỏi là họ sẽ không đá động gì tới kỹ thuật Fh hết (đâu có sai mà sửa) mà ra một bài tập trong đó có 1 cú Bh kết hợp 2 cú Fh ở hai góc bàn. Bài này buộc người tập phải di chuyển, vừa đổi bộ vừa phải bước xa – lúc này hlv sẽ nhận xét bộ chân của đương sự rất tốt. Quá hứng khởi với bộ chân, người đó quên mất đi cái cú Fh sai thường ngày – nhưng nhờ chú tâm vào bộ chân hơn mà khi đánh Fh lại đúng bộ (chân thuận rút về sau), kết quả là không cần chỉnh gì mà FH trở nên uy lực lại. Nếu gặp hlv dỏm thì hắn đã ào ào phang loạn xạ vào kỹ thuật Fh rồi kết quả còn tệ hơn trước. Làm việc với hlv giỏi thì lại thấy rất nhẹ nhàng, hết sai khi nào cũng không kịp nhận ra. Phương pháp này có phần giống dùng đối trị, nhưng nhẹ nhàng hơn – giống như leo dốc cao quá nên ta đi vòng, đường có dài hơn nhưng chắc sẽ lên được, còn cố leo có khi lại hỏng bét.
Một số em nhỏ chưa biết cách tạo xoáy, nên không thể giao bóng xoáy ngang được, có nhiều cách hướng dẫn nhưng cách đi vòng giúp tụi nó hiểu từ bản chất của bóng cong ngang hơn là cầm tay chỉ kỹ thuật. Em hướng dẫn bọn chúng đánh xoáy không cần bàn trước, cho một rổ bóng rồi em cho bọn chúng đánh thẳng vào tường cách đó chừng 4m. Em sẽ mổ rồi chặt chém đủ trò để bóng bay cong vòng cho chúng xem, rồi thách chúng làm thử xem được không – quá dễ đối với mấy đứa nhỏ, chỉ cần đánh vào tường thôi mà. Khi thấy chúng đánh được bóng bay cong chiều này tốt rồi, em sẽ chỉ cách làm chiều ngược lại, cũng theo cách đó – đánh hết thì đi lụm bóng về đánh tiếp. Sau đó em thách tụi nó đánh sao cho bóng không đụng tường mà chạy trở về, rồi em thị phạm chém đít một quả vồng cao lên chạy ngược về (trên sàn nhà). Cả đám nhỏ sẽ cùng nhau làm, đứa này học đứa kia một hồi rồi cũng làm được hết. Biết cách tạo xoáy rồi thì em cho chúng đánh vào bàn mà không có lưới, xem đứa nào có thể đánh bóng chạy cong quẹo hay bóng chạy ngược về. Em cũng vẽ ô cho chúng đánh vào, kiểu như đánh vào ô này sao cho nãy qua ô kia, phải có xoáy ngang mới làm được. Dần dần khi em gắn lưới lại thì bọn chúng đã nắm được cách tạo xoáy rồi, bây giờ chỉ cần cho chúng xem video clip chiếu chậm các kỹ thuật giao bóng là chúng đã có thể bắt chước theo dễ dàng mà hiệu quả nữa. Nhiều hlv dạy giao bóng từ động tác trước, họ quan niệm là động tác đúng thì sẽ có xoáy thôi, đó là cách xây nhà từ mái xuống móng. Nền móng của cú giao là cách tạo xoáy và điểm rơi, chỉ cần tốn thời gian đi vòng vòng một chút mà đám nhỏ có thể tạo ra rất nhiều kiểu giao bóng, đủ loại xoáy khác nhau mà chúng còn hứng thú vì có thể tha hồ sáng tạo – không bị gò ép vào bất cứ kỹ thuật nào. Muốn giao bóng như cao thủ thì đã có các video clip coi theo mà làm thôi, đứa nào làm được sẽ đi khoe, kích thích những đứa còn lại tập theo hoặc tìm luyện chiêu khác “cao siêu” hơn.

 

10. Quên đi một kỹ thuật

Dạy cho nhớ đã khó, dạy cho quên càng khó hơn. Nhiều khi nhận vào một học trò đã sai tè le, việc đầu tiên không phải là nhào vào nắn sửa nó, mà phải cho nó quên đi cái sai trước hết. Nếu sai quá nhiều thì rất dễ, cứ phát cho nó một cây vợt cực chậm gắn mút chết, để nó tự đánh một thời gian tự nhiên sẽ…tẩu hỏa luôn, chẳng làm được kỹ thuật nào nữa – lúc này dễ dạy hơn nhiều. Thế nhưng đời có khi không đơn giãn như thế, vd có đứa từng học rơ Tây đánh hai càng, Bh vung hết tay. Giờ lại nhất định muốn học rơ Tàu đánh Fh là chính, Bh bắn tỉa chứ không muốn quăng hết vai nữa (vì nó thấy rơ cũ không hiệu quả, thể hình và sức vóc nó không đủ). Bấy giờ nhiệm vụ của hlv là làm sao sửa Bh của nó thành ngắn lại, làm sao sửa Fh của nó có xoay hông và đòn mạnh hơn. Đây là lúc mà hlv phải xài hết các pp: đối trị, tưởng tượng, đi vòng, tầng bậc, chia nhỏ, bắc cầu,…nhưng đầu tiên phải làm cho nó không còn đánh được các cú trước đây nữa, thì nó mới chịu quên. Cách làm của em là lột một miếng mút trên vợt nó ra, gắn vào một miếng gai dài có lót dầy – buộc nó phải chơi miếng mút đó bên Bh trong một thời gian không có lựa chọn nào khác. Dĩ nhiên thằng bé sẽ chẳng làm gì được ngoài chuyện né Bh đánh Fh, hoặc có đánh Bh thì cũng không quăng hết tay được, chỉ cố gượng đẩy bóng qua bàn thôi. Vì mất hẳn một càng nên nó phải cố gắng bù đắp bằng càng còn lại, chấp nhận cho nó hư luôn Bh – lúc nào cũng phải chơi trò ngửa vợt đẩy thẳng vào bóng, không còn cú đánh Bh vung hết tay. Khi thấy đã bắt đầu mất cú ấy, em bèn cho nó đánh gai cụt xếp dọc lót mềm, gai này bắn thẳng rất đã tay mà chính xác, thế là ku ấy khoái. Khi thấy kỹ thuật bắt đầu xoay chuyển thì em mới cho nó quay lại mút úp, nhưng xài mút rất low-throw (Hamond, P7, T64,..). Mút này nếu có vung hết tay thì bóng cũng sẽ đi thẳng ra ngoài, nên cũng không quay lại đường cũ được. Bù lại bên Fh lúc ấy em sẽ cho đánh miếng mút hi-throw nhưng khá chậm, buộc phải xoay hông, cúi người quăng hết tay,…dần dần mới cho quay về những loại mút phổ thông như lót bọt khí cứng (T05, Rasant, Hexer HD, Rakza 7,…). Để quên đi một kỹ thuật đúng khó như thế đấy, nếu là kỹ thuật sai thì tự nhiên có thể bỏ được, còn cái đúng mà mạnh như cú Bh ấy lại rất khó lòng mà quên đi.
Bằng cách đổi qua gai công, em có thể khiến học trò quên cú Fh dài tay rơ xưa, chuyển qua đánh ngắn tay xoay hông kiểu hiện đại. Gắn gai công loại lót mềm gai dầy (Clippa, TSP SSP, Royal,…) thì cũng có thể tạo xoáy được, nhưng xoáy và lực sẽ không khác gì mấy nếu quăng hết tay hoặc đánh ngắn tay. Dần dần sẽ tự nhiên không quăng tay dài được nữa vì nếu như vậy sẽ đánh trễ, bóng sụp xuống rồi thì gai công đâu có kéo xoáy lên được, thế là cứ phải đánh sớm và ngắn đòn. Một thời gian sẽ bỏ được, lúc này em mới đổi lại mút úp loại low-throw cho đánh, nếu có lỡ đánh dài tay cũng sẽ thấy rất dở – xem như hư luôn cú này vì mút low-throw không hổ trợ đánh trể – đánh mạnh bóng sẽ trôi luôn ra ngoài bàn, buộc phải ngắn đòn lại. Phương pháp này can thiệp vào phần khả năng của kỹ thuật chứ không nhằm vào động tác – học trò tự quên đi mà không cần hlv cứ phải nhắc hoài – khác với phương pháp cũ: cứ can thiệp vào động tác và xem đó mới là chổ sai cần sửa. Các phương pháp sư phạm của em thường dựa theo nguyên lý Đông Y“đau đầu chữa chân”, chỉnh phần gốc chứ không vạt phần ngọn, nên kết quả không thấy ngay nhưng khi dứt là tuyệt nọc luôn.

1 bình luận về “Các phương pháp sư phạm trong huấn luyện bóng bàn -2

Viết một bình luận