Bộ và bước chân

 

I. Đặt vấn đề

Bộ chân và cách di chuyển rất ít khi được bàn tới trong phần kỹ thuật – căn bản hay nâng cao – dù là chúng ta đã có gần cả chục cái forum về bóng bàn. Có lẽ vì nó quá dễ, bàn bóng quá nhỏ so với sân cầu lông hay tennis. Hoặc là dân chơi bóng bàn VN từ phong trào, nghiệp dư cho tới chuyên nghiệp rất siêu đẳng về bộ chân cho nên thấy vấn đề này rất là tầm thường như chuyện vặt ở trên giường. Em thấy nhiều bác bàn về các động tác giật rất siêu đẳng tầm cỡ thế giới với các cách úp mở vợt và vị trí chạm bóng trên vợt rất chi tiết, nhưng chả đá động gì tới cái bộ chân, cứ như là với tay một phát là tới trái bóng hoặc là người ta đưa ngay tay mình vậy. Xét trên thị trường thì có lẽ cái gì có cung thì mới có cầu, chả ai quan tâm thì cũng chẳng ai bàn tới, nên cũng không ai viết ra làm gì. Bóng bàn quá đơn giản, chạy qua chạy lại ai chân dài – hoặc tay dài như vượn – thì thắng thôi. Cho nên xét trên sự cần thiết thì cái chủ đề “bộ chân và di chuyển” này quá ư là thừa thãi, vì ai cũng biết cả rồi. Tuy nhiên, cái này là cơn ác mộng của em trong một thời gian quá dài, cho nên em viết ra để cho mình tự ôn lại khi rãnh, và để khỏi mắc công nhớ vậy thôi.

Từ một lần trò chuyện với bác Lê Văn Inh, tại giải bóng bàn truyền thống Úc Châu năm 2013, bác ấy có đề cập tới một vấn đề, mà ngay cả những HLV già kỳ cựu từng gặp cũng phì cười khi nghe tới. Đó là câu hỏi “anh đánh bóng bàn nhiều nhất là mấy bước chân?”. Bây giờ các bác thử ngừng một tí, trả lời câu hỏi này xem sao.

Mới nghe thì thật là phi lý, bao nhiêu bước mà chả được, tụi Tàu nó còn nhãy ra khỏi mấy tấm chắn mà đánh vòng tròn biểu diễn nữa, còn thủ xa bàn như Joo Sea Huyk hay Jun Mizutani thì chạy lè lưỡi chứ làm gì có “mấy bước”? Câu trả lời – nói đại như cờ hó ngáp phải ruồi – là 2 bước, thế mà được bác Inh xác nhận là đúng. Thật ra là đúng theo cái tầm nhìn của bác ấy, với kinh nghiệm hơn nửa thế kỹ chơi bóng bàn với đủ huy chương và cúp liên lục địa. Con số 2 này rất quan trọng, ít nhất là nó đúng tổng thể theo số phần trăm cao nhất và trên lý thuyết. Em sẽ bàn chi tiết về số 2 này và cũng sẽ phân tích các trường hợp ngoại lệ, sau này các bác cũng cứ hỏi người khác như vậy để xem kiến thức của họ về bộ chân di chuyển trong bóng bàn ở mức nào.

Chỉ có hai bước chân thôi mà em có thể viết mấy chục trang đấy các bác ạ. Để cho dễ theo dõi, em xin trình bày theo thứ tự tầng bậc, từ tổng thể tới chi tiết, theo những gì em góp nhặt được. Viết ra đây chứ chưa phải em đã làm được, cho nên đừng bác nào chơi cắc cớ bắt em phải quay video clip trình diễn cảnh nóng, cầm chắc là em sẽ mượn clip của người khác – mà mấy cái clip “nóng” này trên mạng thiếu gì. Đối tượng của đề tài này là những ai quan tâm tới vấn đề di chuyển trong bóng bàn sao cho nhanh chóng và hiệu quả. Vì là kỹ thuật căn bản nên đề tài này bổ ích cho những ai đang muốn hoàn thiện căn bản cho vững, những ai đã mất căn bản cũng có thể tìm lại cách tập bổ sung sửa sai, hoặc cách đi tắt. Vì biết đâu chừng có khi mình đang đúng mà người ta cứ bảo sai thì sao.

II. Khái niệm

Trước hết, có 2 loại bộ chân cơ bản: bộ chân Fh và bộ chân Bh. Sau này chúng ta thấy đội tuyển TQ còn đưa ra một bộ chân mới, đó là bộ chân “nửa chừng”, mà điển hình là Ma Long, Zhang Zike và Fang Zhen Dong thường xài khi đánh bên góc Bh lẫn góc Fh.

Có hai kiểu chơi chính, đó là kiểu ôm bàn hay đánh gần bàn không lùi ra xa, đánh sớm khi bóng vừa lên hoặc cao nhất. Thường thấy ở rơ nữ, thìa tròn kiểu cũ (Wang Hao và Ma Lin) , đánh gai công,..nói chung là đa số các vdv TQ thường đánh ôm bàn ít khi lùi ra xa. Kiểu thứ hai là đánh xa bàn chờ bóng đỡ “xung” và dễ đở vào bàn hơn là đở dư bàn – vì đứng xa. Chủ yếu xài khi đối giật, cắt bóng, đỡ hoặc lốp bóng bổng. Kiểu đánh lùi xa bàn khiến trận đấu đẹp hơn, đỡ nhàm chán và thường được vỗ tay nhiều, tuy nhiên đòi hỏi thể lực khá căng. Dựa trên hai lối chơi khác nhau cũng có hai kiểu di chuyển khác nhau, đó là kiểu di chuyển gần bàn và kiểu bước tréo chân. Đôi khi kiểu bước xa bàn này vẫn phải xài khi bóng xéo quá tầm tay, dù là đang ôm bàn. Hoặc là đang đứng xa bàn nhưng vẫn phải luôn hoạt động, vì có khi phải đổi bộ để đánh một bóng thẳng vào người. Cho nên hai kiểu di chuyển này vẫn phải áp dụng hỗ trợ nhau, dù đánh ôm bàn hay xa bàn. Trong phạm vi đề tài này, em xin chia làm hai phần khác nhau để tiện theo dõi, dù trên diện tổng quát thì có rất nhiều điểm tương đồng.

Cũng xin nói rõ đây là một đề tài mang tính nghiên cứu chứ không phải một giáo trình dạy bộ chân và cách di chuyển. Chuyện chỉnh sửa động tác hình dạng thế nào thì để các HLV lo lấy, với em thì chỉ cần nguyên lý đúng, hiểu nắm rõ và ứng dụng đúng là được, mỗi người tự có cách suy nghĩ và thực hành ra cái riêng của mình. Không có cái gì tuyệt đối đúng, hoặc đúng với tất cả, mà chỉ có thể đúng trong từng trường hợp và từng cá nhân thôi.

Bộ chân muốn nhanh phải hội đủ 2 yếu tố, cần và đủ. Cần phải tập luyện rất nhiều bài tập di chuyển, cơ thể dẽo dai khỏe mạnh,..nhưng yếu tố “đủ” thì chưa thấy ai quan tâm (hoặc người ta cất làm bí kíp chỉ truyền miệng theo kiểu Tề Thiên vào lúc canh tư), đó là cái Phản Xạ. Tập luyện nhiều thì sẽ có kinh nghiệm và phản xạ chính xác, tuy nhiên những vấn đề em sẽ viết dưới đây nhiều lúc sẽ làm các bác giật mình mà bảo rằng có…khùng mới tập như thế. Thế đấy, những cỗ máy đánh bóng như điện xoẹt đều khùng điên tất.

III. Bộ chân

Không biết có bác nào hỏi cắc cớ “tại sao đánh bóng bàn phải đứng thế này thế nọ mà không đứng thế khác?” hay “tại sao phải rùng thấp người, cong đầu gối và đứng chúi về trước đặt trọng tâm vào mũi chân?”. Cũng như câu hỏi “tại sao 1+1 lại bằng 2 mà không phải là 3?”, vốn không phải là câu hỏi của học sinh cấp 1, dù đứa nào cũng biết 1+1=2. Truyền thống giáo dục Á Đông có tính áp đặt không cần giải thích – hoặc cũng không biết mà giải thích – chỉ cần làm y chang thầy nói sao làm vậy là được, khác thầy là cầm chắc sai!

Em tuyên bố mà không cần dẫn chứng, vì bác nào có đi học bóng bàn cũng sẽ hiểu cái điều em vừa nêu ra. Cá nhân em đi dạy bóng bàn cũng gặp không ít trường hợp tức anh ách mà vẫn phải cười nham nhở, trong khi mình có bằng cấp quốc gia, trình hơn 4 bóng, mà vẫn dám nói rằng mình *éo biết dạy cái thế đứng – bộ chân – và thế đánh – động tác tay. Chỉ vì em để bọn nhỏ tự nghiệm ra cái nào là hiệu quả nhất chứ không có gò ép tư thế. Con nít vốn là thiên tài, chỉ cần biết cái nguyên lý là bọn nó sáng tạo ra không biết bao nhiêu là cách, có khi còn hay hơn mình. Còn nếu dạy ép nó từ đầu thì nó chỉ biết có một vài kiểu chết cứng luôn. Rồi sau này cái đứa đó cũng dạy lại đứa khác một kiểu mà cũng không cần thắc mắc tại sao phải như thế.

Quay trở lại câu hỏi tại sao phải đánh cho “đúng” bộ – nghĩa là phải thế nọ thế kia – mà em cá chắc là không ai hỏi nên cũng chưa ai trả lời. Thực tế là có nhiều bác đánh “phủi” chả cần bộ tấn gì vẫn thắng khối người, nhưng để ý kỹ một chút sẽ thấy các bác ấy toàn là đánh bằng lực từ cổ tay tới vai mà thôi (dù rằng nếu chỉ có bấy nhiêu nhưng cốt mút rất nãy thì cũng sát thủ lắm, đó cũng là một nguyên nhân khiến cho nhiều bác đánh sai lại thích vợt nãy, nghĩa là lấy cái sai bù lấp cái sai). Trả lời cho câu hỏi ấy – theo ý kiến của em – nói ngắn gọn chỉ vì cái hông, nếu bác nào chẳng cần xài lực xoay hông thì khỏi quan tâm tấn bộ làm gì. Nói dài dòng khó hiểu hơn, là cái bộ đúng thì sẽ huy động được lực toàn thân vào một chỗ, tức là cú đánh sẽ có nhiều lực hơn. Ở đây em xin bàn lan man đá qua cái chủ đề “giật bóng mạnh”, nhiều bác quan tâm giật thế nào chỗ nào mà không có lực thì chả hiểu mạnh thế nào được nữa. Ai nói bóng bàn không cần sức là nói đại, hôm nào bị tiêu chãy hay cúm ra đánh thử xem có mạnh nổi không? Nhưng cũng có trường hợp những đứa nhỏ tập đúng, tay chân khẳng kheo mới 9 tuổi mà giật bóng người lớn đỡ không kịp, đó là chuyện bình thường.

Em sẽ không cần đi vào chi tiết cái bộ chân nó ra làm sao, nhưng có 3 điều cần lưu ý là:

+Gập cái hông tới trước, luôn luôn tạo một góc chứ không được đứng thẳng (1)

+Đầu gối phải cong nhiều và hai chân đứng rộng ra, khiến cho thân người bị thấp xuống (2)

+Đứng tựa trên mũi chân, trọng tâm dồn về phía trước (3)

Bộ chân Fh khác Bh cái chỗ là giật bên nào thì chân đó phải bỏ ra sau, nhiều ít thế nào thì hiệu quả cũng khác nhau, tùy mình chỉnh. Có thể thử đánh Fh bằng bộ chân Bh và ngược lại để tự giải thích xem tại sao phải đứng như thế. Bộ chân kiểu “nửa vời” có hai chân đứng vuông góc với hướng bóng tới, đây là một bộ chân khó và thường bị các bác HLV nhắc nhở là “đứng sai bộ”. Em xin nhắc đi nhắc lại một điệp khúc là “bóng bàn thay đổi từng ngày, đừng có cứng nhắc đúng sai”. Khi tới phần di chuyển gần bàn, em sẽ phân tích tại sao có bộ chân “sai” này và ưu điểm của nó như thế nào.

Ở đây em xin giải thích chút xíu, tại sao phải đứng theo kiểu kỳ khôi như vậy, đứng tự nhiên đánh phải thoải mái hơn không. Vì nếu đánh bóng bàn thoải mái cái thân thì cực cái tay thôi, ai đánh một hồi than mỏi tay thì cầm chắc là bộ chân rất…sướng. Điều éo le là nếu sướng không đúng cách thì bụng dễ to ra lắm – bụng bia. Như ở trên em có he hé chuyện cái phần giữa cơ thể – tức là cái hông – vì nếu không vững cái hông thì khỏi cần bàn tới bộ hay di chuyển làm chi cho phiền phức. Bởi vậy, nói nữa đùa nửa tục, các bác HLV cứ dặn học trò – nhất là các em gái – phải “ổn cái lườn” nếu muốn đánh giỏi, cũng có nguyên nhân sâu xa lắm. Vì nếu chỉ đánh bằng vai thôi thì chừng đánh giỏi rồi thì khỏi mặc áo thun hay áo dây, vì vai bên to bên nhỏ, hoặc cả hai cùng to. Trong khi nếu tập đúng thì eo thon vai nhỏ, rơ nữ bạo lực như Liu Shi Wen mà vai cũng “hấp dẫn” lắm chứ đâu có ô dề cục cục như tập tạ.

Em quan trọng cái lực hông nhiều hơn vai, vì nó nằm gần trọng tâm cơ thể hơn. Vai và tay có thể chưa làm gì cả, chỉ cần hông xoay là có một cú “đánh đều” căn bản. Từ thế đứng sẽ sinh ra thế đánh của tay, vì thế xoay hông trước sẽ là nền tảng cho cái vai và đòn tay, chứ không phải tập động tác đánh bằng tay trước rồi mới nhắc xoay hông cúi người hoài – theo kiểu các HLV nhà mình. Nói như đùa, em thường bắt tụi nhỏ tập đánh…đầu kiểu bóng đá trước khi cầm vợt đánh bóng bàn, cho tới khi đánh được một quả khá có lực bằng cách lắc hông và vai thì nó cũng hiểu cách dùng lực của thân ra sao. Bác nào không tin thì cứ thử quăng bóng lên rồi đánh đầu vào bóng thử xem, nếu thuận tay phải thì dùng bên trái đầu để đánh tới, sẽ có kiểu xoay hông tư thế Fh. Như vậy là cái hông làm việc nhiều lắm, tập chừng một buổi mà không mỏi hai cái cơ hai bên lưng tức là còn làm biếng.

Có nhiều lợi ích trong việc cong gối và hai chân đứng rộng. Ai có học võ sẽ hình dung được “trung bình tấn” hoặc “kỵ mã tấn”, đánh bóng bàn phải đứng rộng và thấp tối thiểu được như thế. Cái hay của việc đứng thấp chân rộng ở chỗ đánh ôm bàn sẽ có cái “ngòi nổ” rộng hơn và “mỏ vàng” nhỏ hơn. Hai cái thuật ngữ trên em sẽ giải thích lại trong phần di chuyển ôm bàn. Nhưng nói nôm na cho mấy bác làm biếng thích, là nếu hai chân đứng rộng thì tầm tay sẽ rộng, chỉ cần chuyển trọng tâm giữa hai chân là có thể với tới những quả bóng ở xa hoặc nép người đánh quả sát nách mà không cần phải di chuyển bàn chân. Hai quả này rất thường gặp nếu đánh rơ ôm bàn.

Chuyện di chuyển bằng mũi chân thì HLV nào cũng biết, nhưng đứng đánh mà phải tựa trọng tâm lên mũi chân thì ít ai quan tâm, hoặc có dạy mà không biết lý do. Có 3 lợi ích chính:

-Trọng tâm đè lên mũi chân sẽ khiến thế đứng không ổn định, bắt buộc luôn phải “để ý” vào cái mắt cá và cổ chân (kẻo té) nên luôn ở tư thế sẵng sàng di chuyển. Đồng thời gót chân cũng không bị dán cứng vào sàn nên rất dễ “lướt ngắn” qua lại hai bên.

-Tư thế này không ổn định, dễ đổ té mà khó đứng yên nên buộc các vdv luôn luôn cử động cổ chân và nhượng chân, mỗi lần phát lực là chân phải nhún theo chứ không đứng chết một chỗ. Chính vì chỗ này mà lực truyền rất nhất quán và đàn hồi từ cổ chân lên tới tay qua vợt.

-Là tư thế bắt buộc cho phần di chuyển tại chỗ, xem thêm bên dưới.

IV. Di chuyển

Khi tiếp cận môn bóng bàn thì các bác Tây quan niệm đó là một loại tennis thu nhỏ nên thường áp dụng tennis vào, nhất là bước chân, bởi vậy họ thường rất giỏi đánh xa bàn với các bước dài chớp nhoáng không biết mệt. Bù lại, theo quan niệm trên thì họ lại gặp khó khăn với rơ ôm bàn hoặc những pha đôi công nhanh gần bàn chéo góc. Chỉ có những tay vợt từng qua Châu Á học như Waldner hay Timo Boll mới có kiểu bước chân hài hòa ôm bàn hoặc xa bàn. Ngày nay, bóng bàn có thể học lẫn nhau với các video clip đầy trên mạng, nhưng một phần lớn các coach phương Tây vẫn không hiểu bước chân gần bàn là thế nào, họ không đánh ôm bàn được nên đám học trò cũng chỉ có thể phát triển thế mạnh xa bàn với những đòn vung tay khá rộng với khung xương và thể lực trời sinh.

Các bác Tàu được cái là chịu học hỏi và cọp dê rồi “bí mật” phát triển cái cho riêng mình mà cả thế giới nhìn thấy sờ sờ vẫn không thèm bắt chước. Hai HLV trưởng của Tàu, bên nam bên nữ đều là chủ về lối đánh ôm bàn, cho nên chẳng lạ gì họ rất mạnh về bước di chuyển này. Một phần quan trọng nữa là họ yếu Bh – trước khi có thế hệ Zhang Zike và Fang Zhen Dong – nên ôm bàn bắn trái ngắn tay để giật Fh hết tay vẫn là lợi điểm tuyệt đối của rơ Châu Á. Coi mấy cái clip chậm thấy tụi nó phản ứng và di chuyển nhanh như điện, bất kể gần hay xa bàn, mình cứ tưởng là nó quen đường bóng của nhau hoặc là có một…bí mật gì khác! Nhưng trước khi các bác tìm ra cái đó thì em xin dập đầu cắn rơm cắn cỏ tha thiết kính mong các bác vdv cũng như hlv làm ơn bắt đầu từ cái căn bản nhất bởi vì – theo quan niệm của dân xây dựng bọn em thì – cái nhà có móng rộng và sâu mới có thể xây cao lớn được.

1.Di chuyển gần bàn

Gần bàn ở đây không có nghĩa là đứng sát mép bàn, phạm vi được gọi là gần khi chỉ cần một bước chân là có thể đánh được quả bỏ nhỏ sát lưới hoặc bật lùi ra sau chặn một cú giật chết bóng; khoảng cách “gần” của em đưa ra là tương đối, phụ thuộc vào người tập. Đặc điểm nổi bật nhất của bước chân di chuyển gần bàn là từ vị trí đứng chỉ cần một bước là có thể bao hết toàn bộ cái bàn, về hai phía. Nghĩa là nếu lỡ bước một bước về bên trái mà đối thủ đánh một quả chéo về góc xa thì phải bước hai bước ngắn hoặc một bước tréo chân mới có thể đánh bóng trong tầm tay.

Nói về vị trí chuẩn bị “đúng” trong chiến thuật đánh gần bàn là chỉ cần một bước chân là có thể đánh được bất cứ bóng nào. Đứng sai vị trí thì sẽ có bước thừa. Vị trí chuẩn bị cho từng trái bóng khác nhau luôn luôn khác nhau – đây là chỗ quan trọng – sao cho tay đánh được quả bóng thuận lợi nhất. Chính vì vậy mà đứng gần bàn thì di chuyển rất nhiều và rất nhanh sàn qua sàn lại để về vị trí chuẩn bị tốt nhất, chứ không phải là chỉ cần với tay đánh bóng – như những ai yếu bộ chân di chuyển vẫn nghĩ. Nếu các bác không tin thì cứ mở video clip thi đấu của mấy em nữ TQ mà xem, bọn chúng di chuyển rất ngắn nhưng luôn luôn sàn qua lại rất nhanh, còn hơn là nhảy đít-cô nữa.

Về kỹ thuật di chuyển gần bàn, theo trường phái lấy rơ ôm bàn làm căn bản, có 5 kỹ thuật chính: di chuyển tại chỗ, đổi bộ, di chuyển nửa bước chân, một bước chân, bước dài chéo chân. Video thị phạm có đầy trên mạng, các bác tự tìm lấy, em chỉ mô tả và phân tích thôi.

2. Di chuyển tại chổ

Tức là cái nhún tại chỗ bằng đầu gối và cổ chân. Đây là động tác căn bản nhất và cũng là quan trọng nhất, vậy mà ít có ai nói tới trong giãng dạy. Mấy bác sẽ théc méc: “đứng tại chỗ đánh thì nhún làm quái gì cho mệt?”. Vâng, em thấy có nhiều HLV còn dạy đánh bóng là chỉ cần đứng cho đúng thế, rồi chỉ cần cử động vai và tay, may ra còn bảo cúi tới và xoay hông là hết rồi, hiếm có ai nói vừa đánh vừa nhún cái chân. Em nhớ là có đọc ai đó từng viết là đánh bóng mạnh phải dùng lực….ngón chân (chắc là bác phoenix), rất đúng trong trường hợp này. Nhưng mà đã hết đâu, có nhiều video clip của TQ còn bắt phải đánh nhún một cái, nhún tại chỗ hai cái rồi khi bóng tới đánh thì nhún cái thứ 3. Nghĩa là một thời bóng chạm đi quay về nhún chân tới 3 lần, kiểu này thì còn hơn con lật đật, cổ chân và đầu gối mõi rụng luôn! Nhưng hoàn toàn không thừa thãi chút nào, nếu phân tích sâu vào thì đó là căn bản cho những cú di chuyển phản xạ nhanh như điện mà ta chỉ thấy trên hiện tượng. Em sẽ đặc biệt đào sâu chỗ này một tí, bác nào bảo nhãm quá thì thôi đừng đọc nữa.

Trên video chiếu chậm ta sẽ thấy khi bóng vừa đụng vợt thì chân nhún một cái (từ cổ chân tới gối cùng lúc) dùng lực chân và hông đánh vào bóng, cánh tay và cổ tay chỉ dùng để chỉnh hướng hoặc canh xoáy cho bóng. Nếu là đánh ôm bàn thì khi bóng vừa chạm bàn bên kia nãy lên thì nhún không bóng cái thứ nhất (1), khi bóng trả lại vừa thấy được hướng bay thì nhún cái thứ 2 (2) và vào thế chuẩn bị cả bộ và tay, khi bóng chạm bàn mình thì vừa nhún vừa đánh ra (3). Đây là ba cái nhún tại chổ, nhưng không phải là hai bàn chân chôn tại một chỗ, mà sau mỗi cái nhún nó đã thay đổi đi cho phù hợp với (1) vị trí mình vừa đánh, (2) cách đở và hướng trả bóng lại, (3) cách xử lý bóng của mình. Đây là ba bước nhún căn bản khiến cho tốc độ di chuyển và phản xạ được nâng lên tối đa. Nếu không có ba bước nhún này thì các kỹ thuật di chuyển tiếp theo chỉ là máy móc mà thiếu cái bộ óc.

Theo suy nghĩ thiển cận của một đứa trình gà như em thì lợi ích và ứng dụng của ba bước nhún đó như sau: Sau khi vừa đánh bóng ra khỏi vợt thì tay liền rút về, bóng tới bàn bên kia vào cái vị trí nào đó mà đối thủ có thể đẩy xa góc buộc mình phải chạy 2 bước, thì cái nhún (1) là để nhảy vào khoảng giữa, lỡ mà bị trả góc thì chỉ cần 1 bước thôi. Khi thấy bóng trả ra, thấy hướng đi là biết bóng sẽ tới đâu, liền sàn ngay tới cái vị trí mà sau đó bóng sẽ lọt vào cái vùng “mỏ vàng” của mình (2). Khi bóng tới rồi, rủi mà nó có lạn xiên hay xoáy lạ, chạm lưới, cạnh bàn, vv thì còn một bước chót để đổi bộ mà đánh, hoặc nếu bóng ngon mà đối thủ đứng kín quá thì mình vẫn còn đổi thế kịp lúc để đánh ra cú bất ngờ không đoán kịp (3). Nếu hoàn thành tốt 3 cú nhún này thì bóng bàn chỉ tối đa là hai bước chân mà thôi.

Để nhún cho dễ và di chuyển nhanh, buộc phải đứng theo tư thế người đổ tới trước, chịu trọng tâm lên mủi chân để cho cái gót nhấc lên nhẹ nhàng. Tư thế đứng thấp với đầu gối cong và cổ chân khóa ngang cũng giúp cho việc di chuyển tại chổ rất thuận lợi. Ở đây cần phải để ý kỹ một điểm là, chỉ có cái hai cái khớp cổ chân và đầu gối là nhún ngược nhau, nghĩa là cổ chân bật lên thì đầu gối cong lại, còn từ hông trở lên lại không bị ảnh hưởng bởi động tác nhún này.

3. Đổi bộ

Tức là đổi độ đứng đánh Fh sang Bh. Trước tiên em xin bàn về kỹ thuật cơ bản “trước nay”, tức là theo sách vở thì đánh bên nào thì chân đó lùi về sau, Fh hay Bh, tay phải hay trái. Lùi về sâu bao nhiêu thì cũng nằm trong con số 1 bàn chân và 2 bàn chân. Nếu đánh ôm bàn, động tác ngắn thì chỉ nên lùi về 1 bước chân, còn đánh lùi lại 1 hoặc nửa bước chân thì có thể bỏ về sau 2 bàn chân. Bỏ chân ra sau càng sâu thì càng dễ xoay hông và đánh mạnh hơn, nhưng bù lại sẽ kém linh hoạt nếu phải đổi bộ.

Bước đổi bộ chỉ dùng một chân chứ không phải nhảy hay chân cùng lúc – theo cách cũ, thường thấy nhất là chân bên đánh bước lùi ra sau. Vì trường hợp phải đổi bộ tức là đang bị động, lùi ra sau sẽ cho khoảng cách và thời gian an toàn hơn là bước tới trước nếu đang đứng gần bàn (cũng tùy trường hợp). Chính vì chỗ này mà nếu đứng lùi ra quá 2 bàn chân sẽ gặp bất lợi, vì chân bên kia phải bước lùi tới 3-4 bàn chân, vì thế lùi 2 bàn chân về sau chỉ thích hợp cho bóng dài và hơi xa bàn (các HLV Châu Âu lại thiên về cách đứng này, sẽ xét sau). Em đang bàn về kiểu chân xưa, còn ngày nay có rất nhiều cách tính toán tùy vào rơ một càng hay rơ 2 càng, em sẽ bàn chi tiết sau.

Bước đổi bộ rất quan trọng nhưng lại ít ai quan tâm khi chơi bóng bàn phong trào, bởi vậy cho nên khi chúng ta tập thiên một bên nào quá nhiều thì sẽ bị mất bên kia thấy rõ. Vd đánh Fh tốt thì mất Bh, mà cũng người đó hôm sau đánh Bh tốt thì Fh như sh*t. Khi đánh hăng quá chả ai để ý mình đang đứng như thế nào, có bác giật Fh xoay hết người mà đang tréo chân kiểu Bh nhìn rất buồn cười, thế mà vẫn cố đánh rồi bảo sao phạm lỗi nhiều rồi thiếu tự tin dẫn tới ngày hôm đó hư hoàn toàn cánh Fh

Đổi bộ hoàn toàn Fh sang Bh chỉ áp dụng cho rơ “hai càng đều nhau”, tức là có đủ Bh và Fh mạnh. Nhưng đó là trên lý thuyết, thực tế nếu nói ai có hai càng mạnh như nhau thì em sẽ biết ngay người ấy có Fh yếu. Vdv có kinh nghiệm sẽ để ý bước chân đối thủ mà khoét sâu vào từng bên hoặc liên tục đổi góc, thế nào một hồi cũng lòi ra những điểm yếu chết người (thường gặp ở rơ hai càng), điển hình cho lối chơi này là Zhang Zike và Fang Zhen Dong. Để khắc phục điểm yếu này (mà ở rơ một càng không có) chúng ta sẽ thấy phát sinh ra một bộ chân có thể đánh cả Bh và Fh mà không cần đổi bộ, khi nào tiện lợi thì chỉ cần lùi một chân ra sau, xoay hông hoặc chỉ cần đơn giản đổi trọng tâm là có thể biến thành bộ tấn công dứt điểm ngay. Đó là bộ chân đứng khá rộng và thấp, hai chân đứng ngang vuông góc với hướng bóng tới (tức là vai vuông góc vào hướng bóng). Với bộ chân này, khi đánh Bh sẽ thóp người đánh từ trong bụng ra chứ không phải từ hông trái, chạm bóng phía trước mặt nhưng vẫn có thể là giật xoáy hoặc bắn vào bóng khó biết trước (kiểu Bh của Ma Long). Kiểu chân này rất hay vì không cần sàn bước hay đổi bộ gì vẫn có thể đánh Fh vào góc phải theo đường thẳng chữ I, Ma Long và Fang Zhen Dong rất thường xài cú này, đôi công trái xoáy và nhanh nhưng nếu thấy đối thủ sợ mà đở lại nhẹ hoặc biết chắc sẽ đánh vào góc trái thì chỉ cần thụp người xuống đánh Fh dứt điểm vào góc thẳng bên tay phải đối thủ luôn.

Đó là những bộ chân bước chân của cao thủ, với cú đánh tầm cỡ, còn tầm thường như em mà đánh sẽ thành …tầm bậy. Cái hay của bọn Tàu là tụi nó tính toán kỹ chi li từng chút một, sao cho trước khi vào đấu là đã thấy cầm chắc thắng dù trái bóng chưa nãy. Trước năm 2010 thì em chỉ thấy tụi nó áp dụng kiểu bộ này cho bên Bh, sau này tụi nó còn xài bộ này bên Fh luôn, tức là ôm góc bên Fh mà đánh Bh rồi không cần đổi bộ đánh Fh vẫn đủ mạnh (Zhang Zike). Tuy nhiên, nếu thế trận trở nên chậm lại hoặc cần những cú Fh trời đánh thì chúng vẫn lùi chân ra sau để dứt điểm. Bộ chân kiểu này thường thấy ở nữ (Zhang Yining hoặc Liu Shiwen) vì bóng qua lại rất nhanh và thường đổi góc, trong khi không có những cú mạnh (trừ Go Yue hay Ding Ning).

Dựa trên 3 cú nhún tại chỗ, thì bước đổi bộ sẽ nằm 1 trong 3 lần nhún đó. Có thể trong lần nhún (1) nếu biết trước sẽ trả bóng chỗ nào, hoặc là đổi sang bộ Fh chờ sẵn để đánh dứt điểm dù chưa chắc bóng sẽ trả lại bên Bh, cho nên chỉ là đổi bộ tại chỗ chứ chưa có sàn qua trái. Nếu không biết trước (không phải trong tập luyện căn bản theo bài) nên phải nhún thừa một cái rồi khi thấy bóng trả lại (2), biết sẽ phải đổi bộ hoặc di chuyển, thì đổi bộ vẫn còn kịp. Theo lý thuyết thì khi bóng đã qua rồi, nãy lên (3) vẫn còn có thể đổi bộ kịp, nhưng buộc phải đứng kiểu chân ngang rộng “nửa vời”, lúc ấy cú đánh trở nên xấu hoắc và “sai bộ” (vì phải thụp người sát đất để đánh Fh ở vị trí Bh) nhưng lại rất hiệu quả trong những pha đôi công xoáy nhanh như điện kiểu ôm bàn. Nói cách khác, theo chiến thuật và kỹ thuật hiện đại thì trong 3 lần nhún chân giữa một thời bóng có thể biến thành 3 lần đổi bộ, trong một khoảng khắc chưa đầy 1 giây. Chúng ta sẽ rất ít thấy các chú Tàu đổi bộ khi đứng đánh Bh hoặc Fh, nghĩa là cái bộ ngang hàng ấy quá hiệu quả nếu có cái hông tốt, nhưng khi đánh với rơ đở xa bàn thì mấy chú ấy đổi bộ liên tục – tại sao? Đó là điểm mạnh mà các chú Tàu luôn thắng rơ lốp xa bàn của Châu Âu, họ đã nâng cấp cú bạt gai từ thời Liu Go Liang lên ba bốn cấp nữa để trị cái rơ đở cao – mà thể hình thấp tay ngắn rất ghét.

Nói tóm lại ở phần đổi bộ này, nếu đánh Fh và Bh sao cho “nghiêm túc” tức là cú nào ra cú đó, thì phải đổi bộ rất nhiều và phiền phức, điển hình là rơ xa bàn hoặc rơ Châu Âu. Còn nếu đánh rơ thiên về tấn công Fh (vợt thìa vuông, thìa tròn, rơ 1 càng kiểu Wang Li Qin hay Ma Lin) thì sẽ không có bộ Bh, mà chỉ có bộ Fh và bộ hai chân ngang nhau thôi. Cho nên rơ 1 càng kiểu cũ sẽ dùng bộ chân ngang cho Bh và luôn luôn thủ thế chờ lùi 1 chân ra quất Fh mất bóng, rồi cũng di chuyển qua lại dựa trên bộ chân Fh. Hai rơ kinh điển trên đều đòi hỏi bộ chân và di chuyển cực tốt, nếu lỡ đau chân hoặc mệt thì coi như đi tong. Chính vì hai cái nghịch lý khó vẹn toàn đó mới đẻ ra một rơ thứ 3, đó là rơ “một càng rưỡi” mà đi trước thời đại lại là Timo Boll và Dimitri Otvcharov (trước cả Zhang Zike). Hai bác này có hai càng rất mạnh nhưng chỉ thường xài một càng và di chuyển theo kiểu một càng, tức là hy sinh một bên khi đánh (hoặc Fh hoặc Bh, nếu thiên bên này thì thủ bên kia), nhưng chỉ cần đổi nhịp một cái là họ đổi bên hoán chuyển liền. Chính vì học hỏi và tiếp thu cú giao bóng lẫn bước chân của các vdv Châu Âu mà thế hệ sau của TQ lại mạnh cả hai bên, và cũng xài cái trò hoán chuyển ấy nhưng ở một trình độ cao và mưu kế thâm sâu hơn rất nhiều. Nhìn bước di chuyển rất nhàn nhã thoải mái nhưng hiệu quả vô cùng, chứ không phải chạy huỳnh huỵch như chú Ryu Seng Min. Đó là sự phát triển của bóng bàn thế giới, còn trong cái giếng đục của nước ta thế nào thì các bác cũng đã biết rồi.

 

4. Nửa bước chân

Các bác có thắc mắc tại sao lại có “nửa bước chân” mà không phải chỉ đơn giản với tay đánh, hoặc nép người một chút cũng đánh được? Hồi mới học bóng bàn em xài vợt dọc nên không hề bị chuyện bóng dí sát vào nách, nên không có tập xử lý, sau này đổi sang vợt ngang thì cứ bị quả ấy mãi. Xử lý theo kiểu phản xạ thì cứ vặn tay đánh Bh trả bóng lại, hoặc nép người sang trái đánh Fh, hai kiểu ấy toàn là dâng cho đối thủ một quả ngon như giò gà. Em thường xài hai từ “ngòi nổ” và “mỏ vàng” để chỉ hai cái vùng thuận lợi và bất lợi nhất cho một vị trí đứng đánh. “Ngòi nổ” là ngay trong tầm tay, nghĩa là bóng ở đó có thể vung tay đánh mạnh nhất (như pháo), đó là sát nách bên trái cho Bh và xa ngay tầm tay phải cho Fh (cho người thuận tay phải). “Mỏ vàng” là xa ngoài tầm Bh, ngoài tầm Fh và sát bên nách của Fh. Chổ “mỏ vàng” là nơi cho mình khai thác đối thủ, trong khi “ngòi nổ” thì chớ có đụng vào! Vậy thì, chúng ta chỉ có 2 “ngòi nổ” nhưng lại có tới 3 “mỏ vàng”, những ai di chuyển kém thì mỏ vàng càng lớn. Nhưng ngược lại, với những đấu thủ giỏi căn bản di chuyển thì mỏ vàng hầu như không có cho ta đánh vào, vì họ rất giỏi “nửa bước”.

Mô tả: kiểu di chuyển này gặp quá nhiều trong trận đấu, đến nổi các bác xem mà chẳng nhận ra là vdv di chuyển! Bởi vì nó quá ngắn và nhanh, kèm theo cái nhịp cứ nhún nhanh như la-phan nên chúng ta không hề nhận ra là cứ mỗi một lần nhún là vị trí của họ đã thay đổi, thường thì rất ngắn trong vòng một bàn chân hoặc nửa bàn chân. Mỗi lần đánh bóng cho tới khi bóng trả về thì đã có 2-3 lần nhún nên vị trí đứng đã hoàn toàn thay đổi so với lúc vừa đánh ra. Thay đổi nhưng chúng ta không nhận ra họ bước như thế nào! Khoảng cách của bước di chuyển này là từ nửa bàn chân cho tới hai bàn chân, và là bước di chuyển nhiều nhất trong thi đấu. Giống như kiểu nhún tại chỗ, chỉ có phần dưới hông là nhún, gối và cổ chân nhún ngược nhau nên tầm mắt và vai không bị ảnh hưởng. Hai chân lướt nhanh cùng lúc mà vẫn giữ cái bộ và khoảng cách giữa hai bàn chân. Kiểu di chuyển này hại cái đầu gối và cơ chân lắm lắm, tuy chưa bước đâu xa mà đã rất mệt nếu chịu tập đúng.

Trên tầm nhìn kỹ thuật thì rõ ràng kiểu di chuyển này hoàn toàn hiệu quả để biến “mỏ vàng” thành “ngòi nổ” ngay lập tức, cho nên như em có nói, ở những người có bộ chân di chuyển kiểu này thì đừng dại dột mà vội khai thác 3 cái mỏ vàng của họ. Nhưng trên tầm nhìn chiến thuật thì đây là bước chân cơ bản và xài nhiều nhất trong rơ ôm bàn hiện đại, và đó cũng là chỗ chán nhất khi xem bọn đẳng cấp thế giới ôm bàn đôi công – nhất là bọn nữ. Khi xem tụi nó đánh đôi công, ở ngoài các bác sẽ chưỡi “mịa cái bọn nó đánh gì mà dễ quá, đánh cứ vào ngay tay của nhau cứ như là biểu diễn vậy, gặp phải tay bố là bố phang vào góc thắng ngay…”. Xin khoan hãy vội nóng, nếu các bố vào đấu thì tụi nó sẽ đánh góc trước chứ chẳng đợi tới bố đâu!

Ở đây em xin ngừng lại phân tích một tí. Với một người biết cách tính toán di chuyển hợp lý cho từng trái bóng thì họ đã ôm hết trọn vẹn cái bàn, chỉ chừa một góc là phải bước một bước mới đánh, thường là góc Fh (cạnh gần lưới của Bh chỉ cần nửa bước). Nghĩa là chỉ có 1 cửa tử, nhưng đừng có dại dột mà đánh vào đó ngay, vì trình gà như em cũng còn biết đó là chỗ sinh tử của mình nên luôn sẳng một cú Fh cực mạnh và chéo góc trở lại – nếu đối phương buộc em phải bước dài một bước. Cho nên ở đây có hai thế cờ, nếu không đánh cực mạnh dứt điểm vào góc xa thì đừng có dại dột mà đôi công vào. Còn nếu bóng đã buộc em phải di chuyển rời khỏi vùng an toàn mà em chỉ đở lại thì cầm chắc em toi, nên buộc lòng thế nào em cũng phải đánh lại hết sức khó. Tuy chỉ chừa ra một góc là phải bước dài, nhưng vẫn còn 3 chỗ “mỏ vàng” khác nhau để đánh vào, buộc đấu thủ cứ phải luôn luôn cảnh giác chẳng biết là vị trí nào nên cũng chẳng dám mạo hiểm đánh dứt điểm lại cứ phải chờ bước ngắn hoặc đổi bộ. Vậy là thế trận cứ giằng co cho tới khi có một người bị gài hoặc mạo hiểm thì mới có thể chuyển sang thế trận khác. Vậy đó, trình độ cao cấp rất chán, ai như các bác nhà mình, thấy hớ hênh là “chụp giật” ngay, ai dè chết mà chẳng biết tại sao. Ở đây em phân tích thế trận mà hai bên đều có vũ khí chết người, nên phải giằng co gài nhau, chứ nếu đối thủ thấy mình đã hở mà còn yếu thì nó sẽ tấn công góc xa trước rồi đánh tiếp một quả nữa chắc chắn thắng.

Quay lại chuyện nửa bước, kiểu di chuyển này khiến cho các bước chân trong bóng bàn hiện đại trở nên rất đơn giản mà hiệu quả. Cái mà ta thấy trên video các trận đấu đỉnh cao với những bước nhàn nhã lại là một quá trình khổ luyện mà ai từng tập qua cũng nhớ đời, chứ không phải chỉ là học mấy cái lý thuyết được “bật mí” như trên đây rồi thành cao thủ. Tuy vậy, biết đường đi thẳng thì sẽ đỡ chông gai hơn là cứ tập thể lực tới tét cơ, mà các bài tập di chuyển lại chỉ đơn giản là thấy bóng xa thì bước một bước hai bước,..ra thi đấu thì chạy ầm ầm thấy nhanh lắm mà vẫn cứ trễ!

 

5. Một bước chân

Như ở trên em có giới thiệu sơ qua lúc nào thì xài kiểu di chuyển một bước chân. Đây là bước di chuyển để tấn công hoặc – tệ hơn – là cứu bóng, cho nên động tác phải dứt khoát và duy nhất, hoàn toàn khác với kiểu nửa bước ngay từ cái gốc của vấn đề. Kiểu nửa bước thường dùng để chỉnh vị trí đứng sao cho phù hợp nhất, cho nên chỉ có phần dưới hông di chuyển, còn phần trên không bị ảnh hưởng để vẫn chăm chú theo dõi bóng. Nghĩa là mắt và tay cứ lăm lăm nhìn còn chân thì cứ tự động chỉnh. Còn kiểu một bước chân là dứt khoát bóng về phía đó, nên cùng lúc chân bước thì hông và vai cũng xoay, khi vừa bước xong thì toàn thân đã ở vào vị trí chuẩn bị phát lực đánh được rồi (em thấy nhiều bác bước xong rồi mới bắt đầu xoay hông, rất chậm). Cho nên bước di chuyển này thường là ngay cú nhún thứ 2, khi biết chắc hướng bóng. Nếu đoán sớm bóng ở nhún (1) thì cũng được nếu cầm chắc đối phương có 90% đánh về chỗ ấy, thì bước ngay sau khi vừa đánh xong để gây áp lực đối phương. Nhưng nếu bước sớm thì phải chuẩn bị bước chéo chân về góc xa nếu đối phương xử lý đổi hướng kịp. Còn bước khi ở nhún (3) thì rất trễ rồi, ấy vậy mà đôi khi vẫn thấy Ma Long và Fang Zhen Dong xài (ở những đường bóng bị trả nhanh thẳng vào người, chẳng kịp nhún cái nào luôn), có điều họ hy sinh cú xoay hông để bước, và chỉ đánh bằng cẳng tay và gập người tới chứ không có cái hông (kiểu “quạt phủi” của Vn).

Động tác bước này chẳng có gì lạ, tuy nhiên em nhấn mạnh lại là hai chân lướt cùng lúc với nhau (cùng phát lực), sát đất chứ không nhảy, mà cũng không phải chỉ có một chân đạp tới. Đồng thời khi di chuyển là xoay hông và rút tay về, sao cho vừa dứt động tác di chuyển thì cũng đánh tới được rồi. Trước khi qua kiểu bước chân xa nhất thì em cũng xin lưu ý là “một bước” của bọn Tàu có khi dài cả hai thước, nghĩa là hiệu quả bước của tụi Tàu rất tốt, đôi khi không cần bước tréo chân cũng có thể chỉ cần một bước là từ bên góc trái lao hết qua góc phải rồi.

 

5. Bước dài tr/chéo/tráo chân.

Ở rơ ôm bàn thì ít có cơ hội xài bước này, vì nếu tính toán đúng thì tối đa là chỉ một bước chân trọn, chứ không bao giờ phải xài loại bước tréo chân, đơn giản vì nó chậm và không cần tới. Thế mà bọn Tàu vẫn xài, nhất là Ma Lin, vì hắn chỉ đánh có một càng, lại thường né Bh đánh Fh luôn, rồi lao chéo chân qua bên góc xa Fh đánh. Chưa hết, bóng trả lại Bh hắn vẫn bước chéo chân về đánh Fh nữa mới tài! Đấy là thế mạnh một thời vàng song của thế hệ sau năm 2000, khi xuất hiện rơ ôm bàn có cú Bh gắn mút Tenergy thì các bác đánh rơ này giải nghệ sớm, tội nhất là chú Wang Hao, có cú Bh khá mạnh nhưng đua không lại Bh của đàn em Zhang xì-ke, mà chặn lại bằng mặt Tàu bên Fh thì cầm chắc đi lượm bóng luôn.

Đặc điểm kiểu bước chân này khác hẳn kiểu một bước ở chỗ cơ bản là hai chân đạp đều hòa với nhau như đạp xe, chứ không nhấc cùng lúc. Vì bước tréo/tráo đổi chân nên buộc phải đứng bộ chân trước chân sau chứ không thể bắt đầu từ bộ chân ngang. Với bước di chuyển tréo chân này, nếu các bác để ý kỹ, sẽ thấy tụi Tàu bước rất thấp và sãi chân rất dài. Với sãi chân này có 2 lợi điểm: thứ nhất là chỉ cần một bước có thể ôm hết bàn từ Bh tới Fh, thứ hai là đứng rộng như vậy có thể đánh Fh ở những vị trí mà bình thường chỉ có thể đánh Bh thôi. Nghĩa là thay vì đẩy Bh, vợt thìa có thể né thêm một chút nữa là có thể đánh Fh dứt điểm, lợi thế này trước đây chỉ có ở vợt thìa, từ khi Ma Long, Zhang và Fang đánh được (bằng cách thụp người xuống) thì rơ vợt thìa ôm bàn chẳng còn thế hệ tiếp nối. Sau khi Wang Hao và Xu Xin về vườn rồi thì các bác sẽ chẳng còn thấy em thìa nào nữa đâu, cho tới khi có gì thay đổi tiếp.

 

6. Di chuyển xa bàn

Các bác đã đọc phần di chuyển gần với rơ ôm bàn, tuy thấy đánh đơn giản nhưng phân tích ra là cả đống vấn đề. Phần di chuyển xa bàn này rộng mênh mông với đủ các rơ khác nhau từ đối giật, cắt bóng, đở bóng cho tới lốp bóng cao với đủ kiểu bước và đường di chuyển loằng ngoằng, nghĩ tới là muốn nản luôn. Cũng may là 90% cao thủ trên thế giới Âu Á đều thiên về rơ ôm bàn (kể cả Waldner, Timo Boll và Otvcharov cũng thường ôm bàn hơn là lùi ra). May hơn nữa là em chưa tìm ra ai đánh chuyên nghiệp ở VN có rơ xa bàn. Cho nên em cũng chỉ viết đại khái, không đi sâu như phần trên.

Rơ xa bàn vẫn gây khó khăn cho nhiều cao thủ, cho nên nó vẫn chiếm một vị trí nào đó trong bóng bàn hiện đại. Những rơ cắt xa bàn như Joo Sea Huyk hay đỡ đều như Jun Mizutani hoặc Michael Maze vẫn mang lại một nét đẹp và hiệu quả, và thường được khán giả ái mộ hơn là kiểu đánh bạo lực tốc độ. Tụi Tàu vẫn kỵ Xu Xin với cú giật xoáy xa bàn vồng cao khó đối giật lại, buộc phải đánh thật sớm hoặc lùi lại sâu hơn, nên Xu vẫn thường có cái ghế trong đội tuyển, dù là còn nhiều thằng mạnh hơn. Rơ xa bàn với những cú giật uy lực và xoáy ngang qua lại rất đẹp, chỉ vì tính hiệu quả so với rơ ôm bàn dứt điểm nên ít được sử dụng. Cho nên có một điều thường thấy là, hễ có điều kiện là các đấu thủ bước nhanh vào bàn ngay, họ chỉ lùi xa do chiến thuật hoặc là bị ép buộc.

Di chuyển xa bàn có đầy đủ các kỹ thuật bước chân của di chuyển ôm bàn, nếu được học từ căn bản đánh gần bàn trước. Nhưng nếu được học từ những ông HLV Tây thì sẽ mất các bước nhún và kiểu di chuyển ngắn nửa bước chân. Bù lại, kiểu bước xa bàn của các vdv Châu Âu rất lợi hại và chính xác nếu họ từ ngoài bước nhập thẳng vào bàn dứt điểm, dựa trên các bước di chuyển xéo của cầu lông và tennis. Và đây cũng là thế mạnh mà các vdv Tàu vẫn còn thèm muốn mà chưa đạt tới. Lưu ý là các bước nhập xéo vào bàn này chỉ có thể xài Bh mà khó đánh Fh, hoặc có mạnh thì vẫn không bằng các chú Tàu.

Gọi là xa bàn khi đứng xa lưới một bước chân, nghĩa là cần hơn một bước chân mới có thể đánh được trái bóng nảy trong bàn. Vì thế rơ xa bàn có thêm ba bước chân căn bản nữa là “bước nhảy bật lùi”, “bước cắm tới” và “bước phối hợp” – nghĩa là bước xéo ra sau hoặc xéo vào bàn. Điểm khác nhau căn bản của bước chân gần và thiên về xa bàn là, kiểu di chuyển gần bàn sẽ bo một vòng tròn quanh bàn, trong khi kiểu di chuyển xa bàn sẽ di chuyển theo kiểu zic-zac nhập vào bàn rồi lùi ra ngay theo các bước xéo.

Có hai nguyên nhân phải đánh rơ xa bàn, thứ nhất là bị buộc phải lùi ra. Vd như đở hớ một đường bóng bị đối phương đánh gấp quá phải lốp bổng lên rồi lui ra chờ đở tiếp. Hoặc bị buộc vào thế đối giật với những quả bóng biến hóa khó lường, phải lùi ra mới đánh lại được. Hoặc có khi đơn giản là do bước chân không đủ nhanh để đánh ôm bàn! Ai cũng nghĩ đánh xa bàn phải chạy cho nhanh và cần cái chân khỏe, nhưng ngược lại đứng gần bàn mới cần bước nhanh vì bóng qua lại quá gần nên biến đổi chớp nhoáng khó lòng di chuyển kịp nếu không có căn bản bước chân gần bàn. Nguyên nhân thứ hai là do chiến thuật phòng thủ, trường hợp này bóng xa bàn đã nằm trong các tính toán và tập luyện của họ, cho nên lại trở thành thế mạnh.

Vì cụ Mai Văn Hòa mất sớm nên rơ cắt bóng xa bàn bị mai một ở bóng bàn chuyên nghiệp VN, chúng ta có thể đổ văn thừa chuyện may rũi. Nhưng vẫn còn một cây đại thụ rơ cắt xa bàn, vẫn lấy giải quốc tế đều đều mà chẳng ai chịu học theo, đó là bác Lê Văn Inh. Có đánh với bác ấy mới biết cú cắt xa bàn Antispin và cú bạt gai công của bác ấy hiệu quả thế nào, rơ trẻ gặp bác ấy vẫn rụng đều đều, mà đặc biệt là cái bước chân, tuy già mà vẫn không chậm. Nói cách khác, dù bước chân bác ấy có già hơn chậm hơn đi nữa thì vẫn cứ kịp bước tới và cắt trả bóng lại. Chính vì thế mà bác ấy dám tự tin nói rằng chỉ cần 2 bước là bác đánh được hết mọi đường bóng – mà em thấy ai bắt bác ấy bước tới 2 bước mới tài, thường thì bác ấy chỉ cần 1 bước mà thôi. Ở đây cũng cần nói thêm là bác Inh cao không tới 1m6 và cũng không còn sức để chạy đổi bước, nhưng vì bóng trả lại chậm nên bóng vừa đi là bác ấy cũng đổi vị trí ngay, theo phán đoán của bác ấy. Vì vậy, bóng vừa nảy lên bên kia là bác ấy cũng vừa kịp khép góc rất kín, dù đứng xa bàn.

Nguyên lý chung của các bước di chuyển xa bàn cũng giống như di chuyển ôm bàn (theo hệ thống di chuyển lấy ôm bàn làm căn bản), tức là sau khi đánh xong liền phán đoán để bước vào cái vị trí mà mình an toàn hoặc lợi thế nhất, chưa cần biết bên kia đánh đấm lại thế nào. Ở đây chúng ta xét tới một khái niệm, đó là độ rộng của cú đánh. Nghĩa là với trái bóng mình đánh như thế, tới góc đó, đối thủ đang như thế, khả năng của hắn cỡ ấy thì sẽ có bao nhiêu khả năng (%), các kiểu đánh và bao nhiêu chỗ hắn có thể đánh trở lại. Ngay trong tích tắc mình phải tính ra, rồi bước sao cho hiệu quả nhất vào vị trí chờ, rồi từ vị trí đó tùy theo quả bóng trả lại mà mình bước tiếp. Đứng ở vị trí đúng thì chỉ cần một bước dài (ngang hai bên hoặc xéo vào bàn) là có thể tấn công lại, hoặc chỉ chừa một góc xa bên thuận là phải bước 1 bước chéo chân nếu đối phương muốn “ăn đồng thua đủ” bằng đối giật. Trong rơ thiên về Bh như bác Keangra hoặc W. Henzell thì họ lại ôm góc Fh mà chừa bên Bh để sàn qua đánh Bh dứt điểm.

Có một cái sai lầm rất thường thấy khi đánh xa bàn (mà em thường bị) đó là ham đánh tốc độ. Đã đứng xa bàn, không giỏi và không khỏe ở bộ chân di chuyển mà lại thấy một quả bóng dâng ngay tay thì nổi máu du côn lên phang cho đã tay! Nhờ cầm cốt vợt có công nghệ ghép nối gỗ chính hãng nên bóng cũng vào bàn mạnh và đẹp lắm, nhưng sau đó giận mình ngu vì đối thủ đỡ lại chéo góc mình bước không kịp (vì ham ăn đâu có nghĩ là phải bước sau khi đánh, với lại động tác thừa nhiều quá không kịp bước, mà bóng đi nhanh nên dội lại cũng nhanh không kém) thế là dù có đánh tiếp vào bàn cũng thua. Sai lầm này cũng là một trong những nguyên nhân các tuyển thủ chúng ta thua nhanh chóng khi vào các pha đối giật trong các trận đấu ngoài nước: chúng ta đối giật quá nhanh cũng là yếu điểm khi bộ chân xa bàn chưa chuẩn xác và không tính toán kỹ. Khổ một nổi là vũ khí mấy bác đội tuyển ấy lại quá nhanh, chân cũng khỏe lắm nhưng lại phán đoán trễ nên cứ lấy sức bù lỗ, kết quả là cứ xém thắng đẹp hoài thôi. Phải chi bước chân mấy bác ấy cũng nhanh như chú Fang Zhen Dong thì có khi bóng bàn VN trở thành bá chủ TG không chừng!

Trường hợp lùi xa bàn do chiến thuật, kiểu cú đở thấp như “Giun” Mizutani lại làm khổ mấy chú Tây vì đánh thế nào cũng không chết được, nhưng mấy chú Tàu thì khoái bác Giun ghê lắm. Vì mấy chú Tây mũi lõ mắt xanh kia chỉ đập có một kiểu xoáy và lực gần như nhau, nên bác Giun đoán được mà bước chờ sẵn hết rồi, mà bác ấy bước thong thả lắm! Vậy mà đụng mấy chú Khựa thì bác Giun chạy thụt xì dầu mà vẫn thua, vậy ra bước chân xa bàn của bác Giun có vấn đề gì chăng? Hay là mấy chú Tàu xài booster nhiều quá như lời bác Giun kiện xếp tổng ITTF – Sahara?

Vì đang bàn về bước chân nên em không đi sâu phần khác, chỉ nói sơ qua là vợt các vdv Tàu có 2 mặt khác nhau và thường xoay mặt Tenergy để đập. Còn mút Tàu thì chậm và bám, lại có thể đánh được 2 cú đập khác nhau, là đập thẳng không xoáy không lực và cú vừa đập kết hợp giật sớm, cực xoáy cực cắm (cú này khó đỡ lắm, vì không biết nó xoáy bao nhiêu và xoáy gì). Cộng thêm cú bỏ nhỏ bóng ngừng sát lưới bằng mút Tàu, thì tổng cộng cơ bản đã có tới 4 kiểu tấn công khác nhau rồi. Bây giờ mới tới phần khó nhất, đó là làm sao để đoán là chú Tàu ấy đánh cú gì kiểu gì để mà bước khép góc trước? Trong khi chú Tàu ôm bàn, bóng chưa tới mà chú ấy nhảy như ngựa, đổi kiểu đổi bộ nhá hàng xoay vợt liên tục? Ở đây nếu tinh ý sẽ thấy mấy chú Tàu ngay từ bé khi tập tập bóng đã phải nhãy lồng như ngựa rồi, chỉnh tư thế liên tục theo từng giai đoạn bóng tới, nên rủi bóng có nảy loạn xạ thì vẫn trong sự tính toán. Mỗi lần đổi bộ đổi vị trí thì cái “góc tấn công” đã thay đổi, nên khi đập thì rất khó đoán là có thể đập vào đâu, thế mới là cái hay của bộ chân tại chỗ. Còn mấy chú Tây thấy bóng tới thì chỉ múa may cái tay nhát ma rồi đập, chứ ít chú nào thèm đổi độ hoặc sàn chân. Cho nên đỡ bóng thấp kiểu bác Giun chỉ gây căng thẳng cho bọn tóc vàng chứ chẳng làm khó được chú thâm như Tàu.

Nhưng kiểu lốp bóng cao thỉnh thoảng cũng hiệu quả, như kiểu chú M. Maze hoặc V. Samsonov kết hợp đổi bên liên tục, nhưng bù lại mấy chú này khi vào gần bàn đánh dứt điểm quá yếu chẳng hù được ai. Nếu bác nào muốn nghiên cứu bộ chân di chuyển điển hình của Châu Âu, có thể xem các video clip của chú V. Samsonov hoặc M. Maze mà học theo. Hai bác này cũng được xem là có tài năng thiên bẩm, nếu không có mấy cái máy giật khủng như bọn Tàu thì khó lòng vượt qua các bác này. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của em, dân VN mình là châu Á thì nên học theo lối di chuyển của TQ, vừa hiệu quả vừa thích hợp với thể tạng dân ta.

 

V. Cách tập luyện

Giống như cách xây nhà, ngày nay có rất nhiều nhà lầu không cần đổ móng, thế là xuất hiện rất nhiều tháp nghiêng “Pizza” kiểu VN. Bóng bàn cũng không cần biết chi cái bước 2-3 nhún, chạy tréo chân chi cho phiền phức, đứng một chỗ như bác Trần Tuấn Anh B cũng giết được khối cao thủ mà. Em cũng gặp nhiều bác, cứ ôm bàn lùa mình chạy như vịt, vậy hóa ra không cần biết bước vẫn thắng? Em thường nghe cái quan niệm chung là, hễ thấy ai có bộ chân đúng, bước di chuyển qua lại hiệu quả thì cứ y như là mọi người sẽ nói “năng khiếu” hoặc “có bài bản” – tức là cái bước chân tôn người chơi lên một bậc “quý-sờ-tộc” hơn bình thường. Ấy thế mà cũng cái số đông ấy lại quay ra ủng hộ mấy bác rơ “phủi”, khen rằng đánh như bác ấy cũng hạ được khối thằng “năng khiếu”. Hóa ra biết di chuyển vẫn thua dễ dàng, vậy biết để mà làm gì? Hay là cách dạy di chuyển của chúng ta trước nay có vấn đề gì đó?

Em cũng tham gia các lớp dạy bóng bàn lớn, nghĩa làm làm tà lọt cho người ta sai bảo thôi, với giáo trình các bài tập di chuyển đủ kiểu lẫn các buổi tập thể lực căng thẳng. Em vẫn thấy thiếu một cái gì đó gọi là căn bản, dù là em có tìm hỏi riêng nhiều HLV lớn (mà có lẽ họ cũng không giấu làm gì) và đặt nhiều câu hỏi đi sâu vào cái chỗ “tại sao” nhưng thường là chỉ có các trả lời chung chung, kiểu như theo các bài tập thì từ từ sẽ giỏi thôi. Em cũng chưa thấy ai dạy bb theo rơ Châu Âu mà lại dạy nhún chân 1 cái trước khi đánh, chỉ trừ các HLV Tàu. Đôi khi thấy tiếc cho rất nhiều em Tây đánh rất hay, di chuyển rất hay nhưng lại thiếu bước chân gần bàn. Chúng luôn thủ xa bàn rồi bước xéo nhập kê vào bàn đánh rồi lại lùi ra, mỗi lần lùi ra bước vào rất là mất nhịp và không hiệu quả (nếu chúng bước kịp đánh thì uy lực lắm vì lực lao vào cộng với cánh tay rất khủng), nhưng chúng không dám ôm bàn vì sợ phản xạ không kịp. Em vẫn cho rằng kiểu chân đó là chậm, nên không học theo, tuy ghét Tàu nhưng cái chỗ bước chân thì em thán phục chúng lắm, quá nhanh và hiệu quả. Các bước tập luyện dưới đây là do em tự ý chế ra, không phải trong giáo trình em được học, chỉ là em tự luyện cho bản thân và những đứa học trò ruột thôi.

Em sẽ nhập chung hai cách tập, dành cho những em nào thuộc dạng “năng khiếu” tức là muốn múa may cho đẹp để được khen là “có căn bản”, và dành cho các bác chơi lâu năm muốn cải thiện bước chân cho hiệu quả (nên cũng sẽ không khó tập lắm đâu). Chỉ khác nhau cái yêu cầu để “level up!”, các bác chơi lâu năm hoặc có tuổi thì chân cứng hơn, không thể nào đòi hỏi cao, tuy nhiên nếu “mõi gối chồn chân vẫn muốn leo” thì em cũng không cấm được. Cách tập của em lấy căn bản từ bước chân di chuyển gần bàn rồi phát triển ra bước chân xa bàn, chứ không theo cách Châu Âu tập chân xa bàn trước (tuy vậy em cũng sẽ nói sơ qua cách tập của Châu Âu ra sao, bác nào thích thì em sẽ viết thêm nếu có yêu cầu hợp lý). Cách tập này cũng giống như chơi game vậy, qua được một cửa thì sẽ có nhiều điểm kinh nghiệm và đồ chơi mới để đánh những cửa tiếp theo, ai chơi cheating code hoặc hack thì sẽ chán lắm, đừng chơi còn hơn!

1.Bộ chân và bước chân gần bàn

 

a. Bộ chân gần bàn, tập nhún

Về phần thế đứng thì các bác chú ý cho em 3 điểm chính đã viết ra ở trên, bắt buộc phải có đủ cả ba:

+Gập cái hông tới trước, luôn luôn tạo một góc chứ không được đứng thẳng (1). Luôn giữ cái hông cho chắc chắn, vì đó là gốc của lực, là chỗ nối truyền lực từ bộ chân lên tới vai. Nếu đánh đúng sẽ thấy cái đầu và vai chuyển động rất nhiều, đập qua đập lại – còn nếu đánh sai thì chỉ thấy tay đánh còn vai và đầu đứng yên.

+Đầu gối phải cong nhiều và hai chân đứng rộng ra, khiến cho thân người bị thấp xuống (2). Các bác hỏi em rộng bao nhiêu thì đủ, xin thưa là rộng hơn một tầm tay, để lỡ có với đánh bóng (mất bộ) thì trọng tâm cũng không rơi ra ngoài.

+Đứng tựa trên mũi chân, trọng tâm dồn về phía trước (3). Em xem giày mòn thế nào thì biết các bác di chuyển đúng sai thế nào thôi. Giày ai mà mòn phần mũi và má ngoài của mũi giày thì mới đúng.

Bộ chân gần bàn đứng thấp hơn khi xa bàn và phải đặt lực lên khớp mắt cá và khớp gối (trong khi bộ chân xa bàn thì luôn sẳng sàng cái hông và eo). Tập nhún trước, các bác cứ xem mấy cái clip của ông HLV Tàu dạy footwork , vừa nhún vừa di chuyển qua trái qua phải một bàn chân. Cái này các bác có thể tự tập ở nhà hoặc bất cứ nơi nào, mệt thì thôi, bác nào ốm thì có lợi thế hơn. Yêu cầu là gót chân chỉ vừa khẽ bật lên một chút, mũi chân cũng chỉ kéo lê lướt trên sàn thôi, cứ như là vừa ngồi ghế vừa nhịp chân vậy. Chiều cao của hông phải luôn cố định, sao cho độ xóc của cú nhún không làm cho tầm mắt bị đẩy lên xuống, muốn vậy thì cái hông phải thả lỏng để ngăn lực truyền lên.

Vừa cong gối, đứng thấp, chúi tới mà nhún nữa thì rất khó các bác ạ, mà đã hết đâu, nhún liên tục 1-3 giờ cho tới khi nào cái nhún nó trở thành tự nhiên trong bước di chuyển của các bác. Mua sẵn dầu nóng, thuốc rựu xoa bóp và nếu cần có thể uống thêm dầu cá hoặc viên sụn cá, ai bị khô khớp có thể hỏi em bài thuốc “bổ thận sinh tân dịch” về tự bốc thuốc mà uống (đã thử và rất hiệu quả, cải thiện chuyện “nhún” rất tốt). Có thể vừa đứng vừa nhún nửa bước (một hoặc hai bàn chân) theo phương ngang hết một vòng tròn quanh bàn, rồi lại nhún ngược lại, chủ yếu là cho cái hệ [cổ chân – gối] nó làm việc ăn khớp với nhau. Các bác cứ nhìn cặp giò của mấy chú Tàu săn chắc nổi cơ bắp là biết tụi nó tập di chuyển dã man như thế nào.

Cứ nhún cho tới khi các bác đánh phong trào sẽ thấy tự nhiên vào thi đấu mình bắt đầu nhún nhãy lắc mông nhiều hơn là …tới roài đó! Hôm nào mà quên nhún tự nhiên thấy rõ mình di chuyển chậm đi, mới biết hiệu quả của bước nhún này như thế nào. Bây giờ tập bài tiếp theo.

 

b. Vừa nhún vừa đánh – đánh 1 cái nhún 1 cái

Nghĩa là chỉ nhún khi đánh, còn lúc bóng đang bay đi hay bay về thì chỉ cần nhìn. Động tác nhún vào đánh cùng lúc, nếu tập đúng sẽ thấy bóng văng ra rất có lực, so với không nhún. Còn nếu thấy bóng mất lực hẳn thì các bác đã nhún ngược, tức là đánh khi vừa nhún xong hoặc chưa nhún kịp. Tập tới đây thì các bác cần nhờ ai đó quay video lại (bằng DT di động) để xem động tác của mình có đẹp chưa, rồi cứ thế mà bắt chước động tác đứng đánh của một thần tượng nào đó tùy thích, tới khi nào giống thì thôi. Ở đây có một yêu cầu “nho nhỏ”, là chỗ khác nhau cơ bản của rơ “xưa” (tức là ai cũng dạy) và rơ “hiện đại” (nghĩa là ở đâu đó xa lắc) là cái chỗ nhún chân. Rơ xưa nhún cái gối lên rất cao khi đánh, bởi vì lúc đó tay đánh phải gập ép xuống, tức là dùng lực của gối để tạo xoáy lên cho bóng. Các bác sẽ luôn nghe các HLV nhắc là phải cong gối thấp xuống nếu muốn giật xoáy và đè bóng để nó đừng nãy cao. Trong khi đó, rơ “hại điện” sẽ không cần phải bật thẳng cái gối lên khi đánh, mà cứ vẫn giữ chỗ cong ấy, nén lực cho bước di chuyển tiếp theo, chứ không bật thẳng lên. Vì đã có động tác tay giở lên tạo xoáy mà không cần ép vợt tới, nghĩa là xoay hông đánh tới để tạo vận tốc tối da, sau khi đã “ngoạm bóng” mới dùng lực tay tạo xoáy. Nếu muốn đánh một quả xoáy quá nặng, các vdv dùng lực lưng và lườn chứ hiếm khi dùng tới lực của cái đầu gối, đánh rơ này thì hai cái bó cơ bụng và lưng rất chắc khỏe, bụng bia chắc chắn phải xẹp bớt mới đánh tốt, hehe.

Đối với các bác nào đòi hỏi cao (tức là có tập luyện chứ không phải nhào vào là đánh bia) thì tập hơi “hâm” một tí. Nếu vừa đánh vừa nhún thì bác nào cũng biết rồi, động tác đánh này chắc chắn được tập mỗi ngày. Bây giờ cũng vừa đánh vừa nhún lên, nhưng đừng nhún tại nhỗ mà dùng cái nhún đó cho hai chuyện: đánh vừa sàn cùng lúc qua trái hoặc phải một bàn chân, đánh tiếp cái nữa thì sàn ngược trở về, sao cho hai trái bóng đánh với tư thế khác nhau nhưng chỉ có một bước sàn chân. Người thảy bóng phải đều một chỗ, nếu quen rồi mới tập với người chịu bóng. Yêu cầu là bộ chân luôn đứng rộng và thấp, đánh thì xoay hông chứ không có bật đầu gối thẳng lên, đánh 1 trái bóng với hai vị trí đứng khác nhau.

 

c. Nhún hai cái cho một bóng – nghĩa là một lần bóng qua lại sẽ có 2 cái nhún.

Nghĩa là đứng tại chỗ thôi, vừa đánh một cái (nhún đồng thời) bóng vừa qua lưới thì mình nhìn đối thủ – chỗ này cực kỳ quan trọng – từ cái bộ đánh, hông, vai và động tác tay để phán đoán đối thủ sẽ trả bóng lại chỗ nào. Tuy tập luyện thì cũng sẽ trả về một chỗ thôi, nhưng bắt buộc phải quan sát đối thủ khi vừa dứt đòn đánh của mình. Nghĩa là mình đoán trước 90% đối thủ sẽ đánh cú gì, về đâu,…trước khi bên kia chạm bóng (biết vậy thôi chưa cần làm gì đâu). Khi bóng vừa được trả trở lại, phải đoán biết ngay là bóng sẽ bay về điểm nào trên bàn của mình (cũng chỉ là tập thôi, chỗ này thừa vì đương nhiên bóng sẽ trả lại đúng cho mình) tranh thủ nhún một phát nữa không bóng, rồi lại nhún lên khi đánh. Bây giờ các bác mở video clip chiếu chậm động tác đánh đều của Ma Long (lúc làm nóng trước các trận đấu) hay bất cứ thằng nào của đội tuyển TQ đang tập luyện với đội, xem tụi nó có nhún “thừa” (nhún rất khẽ chứ không bật cái gót lên) khi bóng chưa tới không? À há, nghĩa là bây giờ các bác đứng đánh đều đẹp như tuyển TQ rồi nhá!

 

d. Áp dụng vào di chuyển – cho các bác chơi lâu năm có bước di chuyển chậm

Khi tập một chỗ quen rồi thì áp dụng vào di chuyển, tập đánh xa tầm tay trước, vì nó….dễ hơn là bóng trong tầm tay. Nghĩa là người chặn cứ đưa bóng hai điểm rơi cách xa nhau, còn mình cứ bước qua lại mà đánh đều. Bây giờ, thay vì nhún một cái không bóng, đó là lúc các bác bước qua, đánh rồi lại bước về, nhịp đánh cũng y chang như là đứng tại chỗ thôi. Tuy bước có mệt hơn đấy, nhưng các bác sẽ ngạc nhiên nhận ra là sao mình di chuyển dễ dàng và nhanh quá vậy! Đâu có phải như trước đây phải đánh trễ hoặc là chạy mệt đứt hơi. Tập tới đây là các bác sẽ có hai loại bóng, nếu xỉa thẳng ngay người thì cũng làm ơn nhún một cái rồi mới đánh, chứ đừng có đứng chờ (đây là chỗ rất quan trọng), còn bóng xa người thì tự động biết bước thế nào rồi. Bài tập này có thể kết hợp với bước đổi bộ, Bh thành Fh, khi đạt được bước di chuyển đơn giản này là các bác bắt đầu tập đủ thứ kiểu di chuyển của dân “năng khiếu” rồi đó.

Bây giờ nãy sinh một chuyện, là người chặn bóng cho các bác không phải là cao thủ, cũng ko phải là HLV chuyên nghiệp, cho nên hắn đở bóng túa xua chứ đâu có thẳng vào tay mình. Bây giờ không tập bước xa nữa, mà là bước tại chỗ, nhưng chỉnh vị trí sao cho tay mình đánh bóng ngọt ngào nhất, chứ không cần phải với hay thóp bụng ẹo hông đánh. Thì cũng vừa đánh vừa nhún, nhưng thay vì nhún một chỗ, các bác lợi dụng cái nhún đó để đổi vị trí nếu bóng dí sát vào bụng hay hơi xa khỏi tay (mà bình thường phải hơi với mới đánh được). Nếu bị một trái bóng sát người, thì cũng ráng mà sàn qua đánh hoặc bỏ không đánh chứ tuyệt đối đừng ẹo hông hay bẻ tay. Nếu bị bóng ra ngoài tầm tay, nhớ tới cái chân và hông trước khi đưa tay ra đánh, nghĩa là bước trước khi đưa tay ra đánh bóng. Nếu tập tốt bước này, các bác sẽ không còn sợ bóng dí ngay bụng hoặc bóng với thẳng tay nữa. Trong giai đoạn tập này, nên xem video clip của mấy cô nàng chân dài tuyển TQ đánh, chỉ nên xem từ hông trở xuống chân thôi, may mà bóng bàn không cho nữ mặc quần dài.

Tới đây là xong phần của các bác phong trào, đánh cho khỏe người tối ngủ ngon, nếu đánh đẹp như tuyển …nữ TQ thì càng tốt chứ sao. Với bộ nhún chân này, không khéo người ta cứ tưởng các bác vừa đi tập huấn bên TQ về cũng không chừng! Nhắc lại những chỗ quan trọng: thấy đối phương chạm bóng, dù biết nó bay thẳng tới mình thì cũng phải nhún tại chỗ một cái rồi mới đánh. Với một nhún đó có thể sàn qua trái hay phải tùy ý, hoặc lùi ra một chút, hoặc đổi bộ sao cho tránh những trái sát hông hoặc với tay. Nếu bóng xa tầm tay thì cái nhún đó sẽ trở thành cú bật một bước chân, hoặc chạy tréo chân, vừa tới thì tay cũng sẳng sàng chứ đừng nên bước rồi mới xoay hông. Đánh xong cú đó phải hồi bộ trở về giữa bàn ngay tức khắc, sau đó thì mọi thứ trở về lúc ban đầu, cứ thế tiếp tục cho những quả bóng sau. Nếu đánh bóng bàn mà bước được như vậy thì các trận đấu phong trào sẽ trở nên quá nhàm chán và kéo dài lâu lắc mới hết 5 séc, vì bóng qua lại cả chục lần mới thắng được nhau. Nếu ai cũng tập như thế thì có khi chúng ta nên đổi luật đánh 3 séc thôi cũng không chừng.

Nói thì hay nhưng các bác đừng bảo em làm, vì em chỉ có thể tập luyện hoặc làm mẫu thôi, chứ ra thi đấu thì cũng lọng cọng lắm. Biết mình yếu bộ chân di chuyển nên đâu có dám liều đánh những trái nép góc hoặc đối giật mạnh, cứ đánh mạnh một cú thì lỏng một cú để lùi lại vị trí an toàn. Nhưng kinh nghiệm giúp em biết được bộ chân ai yếu cái gì, bước chân kiểu đó sẽ khai thác như thế nào. Khi lòi ra điểm yếu bị khai thác thì phải làm sao, nếu không tập di chuyển thì cũng sẽ không thể hiểu được tại sao, điểm yếu của mình và đối thủ sẽ ntn.

 

2. Các bài tập di chuyển căn bản cho các vdv trẻ mới tập chơi – dựa trên 2-3 lần nhún chân cho một nhịp bóng

Đây là phần viết thừa, vì em nhận thức rõ một điều là các em luôn ngoan ngoãn vâng lời thầy cô, đạo đức sáng ngời thuộc lòng 5 điều Bác dạy, nên khó lòng mà đi theo một kiểu “sai đường lối” được. Còn các HLV thì luôn đúng, cho nên cũng không cần tìm hiểu thêm làm gì. Những gì em viết dưới đây là giáo trình của bản thân, dành để tập luyện những em có ước mơ xa hơn là đánh bóng cho vui.

Bộ chân và cách phát lực từ chân lên tay giống phần 1a và 1b.

 

a. Nhún thứ nhất kết hợp di chuyển

Hiện tượng: ta đứng ở một vị trí không tốt và đánh bóng vào nơi mà đối thủ có thể trả lại vào chỗ mà ta bị động. Khi vừa đánh ra chưa biết đối thủ sẽ đỡ bên nào, ta cũng phải lợi dụng lực thừa để sàn nhẹ qua vị trí an toàn, tức là vừa đánh ra thì lập tức dời vị trí. Đây là bước căn bản nhưng rất ít khi thấy áp dụng, bởi vì có 2 lẽ: thứ nhất là khi trình độ cú đánh đủ tốt, tức là đủ mạnh và chính xác thì ngay từ lúc đánh ra ta đã biết đối thủ chỉ có thể đỡ như thế nào, nên ta gom luôn bước này và bước chi chuyển chính làm một. Hơn nữa, với lối chơi bóng quá thiên về tốc độ thì còn không có thời gian để bước, thì làm gì có đủ thời gian để hồi vị trí chứ. Thứ hai, bước này thừa nếu ôm bàn bên Bh, chỉ xài nếu “bơi” quá mạnh và dài qua góc phải để đối giật, nếu không có bước này sẽ bị trễ nếu đối phương đổi góc trả lại bên trái. Kiểu bước chân này, nếu các bác để ý kỹ Jun Mizutani sẽ thấy anh ta vừa đỡ xong chưa bật dậy đã sàn nhanh đổi vị trí, dù chưa biết đối thủ đánh kiểu gì. Chính vì nó có vẻ thừa nên ít ai chịu tập một cách nghiêm túc, nhưng nó lại là cái nền móng đệm cho những tầng bậc phát triển tiếp theo, thiếu phần này thì khi lỡ bước hoặc phòng thủ sẽ để lộ những góc chết….chắc!

Tập luyện: người thảy bóng đứng sát lưới, cầm bóng đập vào vợt trực tiếp (chứ không để bóng nảy lên rồi mới đánh tới) liên tục đổi 2 điểm rơi cách xa nhau, sao cho người tập không thể kịp xoay vai hay rút tay về, bắt buộc phải vừa đánh xong là sàn ngay qua trái hay phải một bàn chân ngay khi vợt chưa rút về. Yêu cầu kỹ thuật: sàn bằng cách đạp chân nhún ngang khi vừa đánh xong, tức là khi vợt vừa dứt đường bóng, chỉ được bước đúng một lần là tới bóng. Theo rơ hiện đại thì đánh xong gối và cổ chân luôn cong chứ không thẳng lên, nên vẫn còn dư lực để bước qua lại. Tập kiểu này yêu cầu sàn phải rất tốt, giày bám sàn, sau một thời gian tập sẽ mòn bên hông giày vì phải “thắng gấp” khi di chuyển lố bước. Một lần thảy bóng tối thiểu cũng từ 6-10 quả rồi nghỉ một chút để vdv thở, tập hết một rỗ bóng là mệt bở hơi tai luôn.

Ở đây em xin nói thêm về động tác di chuyển cánh tay sau khi dứt một đòn đánh. Thường thì chúng ta đánh “cái nào ra cái nấy”, tức là hễ đánh Bh thì rút tay về chuẩn bị Bh tiếp theo một quỹ đạo cũ giống như lúc đánh ra, tức là đánh thế nào thì rút về thế ấy, theo một đường thẳng tuyến tính. Cách rút tay về này có vẻ rất hợp lý trong tập luyện, vì nó gọn và nhanh. Nếu chỉ đánh Bh hay Fh thôi thì quả là nhanh, dù có tập đổi Bh-Fh thì theo bài ta cũng biết mà bỏ tay về bên ấy trước. Nhưng khi ra thi đấu nếu đổi Bh – Fh liên tục sẽ rất chậm, vì trên thực tế ta có biết đối thủ sẽ đánh về bên nào đâu mà bỏ tay bên đó trước? Cho nên bọn Tàu nó tính trước từng khắc một, sao cho hợp lý nhất, chính vì thế mà khi xem các video chậm động tác Bh hay Fh của bọn ấy, chúng ta sẽ thấy động tác không đi theo một đường tuyến tính lúc rút vợt về, mà đi vòng. Chẳng những vậy chúng còn hơi bẻ xoay cổ tay một chút giống như đang ngoái cái gì vậy. Cũng chẳng có gì là huyền bí trong cái động tác này, có một vị trí vợt “giữa chừng” mà từ chỗ đó di chuyển qua Bh hay Fh tiện lợi nhất. Nên động tác đánh và rút về được chia làm 3 phần: đánh, rút về vị trí “giữa chừng”, về vị trí chuẩn bị đánh – theo một hình tam giác. Tức là khi đánh Bh sẽ rút về sát hông bên phải và bẻ cạnh vợt nửa chừng ở vị trí không phải Bh mà cũng chưa phải Fh (cạnh vợt vuông góc cạnh bàn để khi cần thì đổi qua Fh cho nhanh), sau đó quan sát đối thủ đánh ra mới quyết định đưa qua vị trí chuẩn bị cho Bh hay Fh. Tương tự cho động tác đánh Fh, cũng rút về thủ Bh một chút rồi mới đưa qua vị trí đánh Fh. Cái khoản “nửa chừng” này cũng tùy đối thủ và tùy rơ mà thiên lệch về phía Bh hay Fh nhiều hơn. Động tác tay này khắc phục hoàn toàn yếu điểm lúc đổi Bh và Fh của cách cầm vợt ngang.

Trong phần này có một kỹ thuật không liên quan gì tới bước chân, nhưng là căn bản phải tập ngay từ đầu, chứ không phải đợi “chơi lâu tự khắc biết”. Đó là khả năng phán đoán dựa trên vị trí đứng của mình, vị trí của đối thủ và cú đánh vừa xong. Nghĩa là có bao nhiêu điểm yếu từ chỗ mình đứng và khả năng đối thủ đánh vào. Phải tập sao cho thành phản xạ, đánh hớ là phải khép góc ngay dù đối thủ chưa kịp đánh. Chính vì mình khép góc quá kín nên đối thủ cũng bị buộc vào thế khó xử, đánh khó quá thì mạo hiểm mà không tìm ra chỗ nào yếu để đánh vào, nên sẽ thường là phán đoán sai dâng ngay vào tay ta một quả như mời…rựu! Đây là chỗ hay của bác Lê Văn Inh, không cần bước chân thần tốc, bác ấy chỉ nhờ độ chậm của cú cắt bóng mà kịp thời khép góc, buộc đối thủ mạo hiểm mà đánh hư. Hoặc khi bác ấy tấn công, cũng luôn bước trước đối thủ, vì là gai công nên ít ai dám tấn công lại, mà đở vào thì bác ấy đã biết bóng sẽ vào chỗ nào mà chờ trước rồi.

 

b. Nhún thứ hai kết hợp di chuyển chính

Đây là phần chính nhưng em không phải viết nhièu, vì chỉ đơn giản đi mượn các bài tập bước chân (footwork) của các HLV khác về xài. Em chỉ bàn trọng tâm về phần nửa bước chân, vì ít ai quan tâm. Như đã viết, nửa bước chân giúp cho cú đánh hoàn hảo nhất ngay tại chỗ đang đứng, khắc phục chuyện ẹo hông thóp người hoặc với tay. Vì nếu tập bóng ngay từ căn bản thì không thể chấp nhận những cú đánh kiểu này, ít nhất là trong tập luyện. Trong thi đấu nếu chỉ lăm le bước trọn chân thì sẽ lòi ra 3 cái mỏ vàng hay hũ nếp, đối phương sẽ khai thác mà khoét sâu vào một hồi là rối đội hình quíu hết tay chân luôn.

Để tập luyện thì cần phải có một người thảy bóng giỏi và chính xác. Người này luôn đưa một quả bóng chỉ ngoài tầm tay một chút mà yêu cầu người đánh không được với tay, cứ thế chuyển dần từ góc bàn bên Bh sang sát lưới bên Fh (khoảng 5-7 bóng). Rồi cũng đúng những điểm đó mà chuyển ngược lại, yêu cầu người đánh không được nép hông. Đó là bài số 1 cho Fh, còn Bh thì ít hơn nếu đánh theo rơ thiên về Fh, chỉ có 3 bóng: thẳng vào bụng (phải né qua Fh một bàn chân, nếu đứng yên sẽ buộc phải “chưởng” thẳng, cú Bh này vẫn bị gọi là yếu vì thiếu lực và xoáy), hơi xa tầm tay (buộc phải bước về hướng Bh một bàn chân) và bóng sát cạnh lưới bên Bh. Người thảy bóng cứ theo thứ tự lia qua lia lại còn người tập cứ phải nhún một bàn chân rất nhanh. Đó là bài căn bản nhất, vì chỉ đối phó với một phía.

Bài thứ 2 để đổi Bh và Fh ở cùng một vị trí, gọi nôm na là “đổi bộ”. Bóng sẽ được dí một quả rất nhanh vào thẳng trước mặt, buộc phải nhảy một bàn chân qua Fh để có cánh tay đòn mà đánh Bh. Sau đó bóng sẽ dí thẳng vào nách bên Fh, buộc phải nhảy trả qua bên Bh hai bàn chân, đồng thời xoay hông đánh Fh, có thể lùi chân bên Fh đồng thời một bàn chân. Ở đây chúng ta thấy hơi ngược đời một chút: bóng thẳng tới Bh thì lại né qua Fh một chút, còn thẳng tới Fh thì phải né qua Bh một chút, mục đích cũng chỉ vì muốn cho cú đánh có “chất lượng cao” theo tiêu chuẩn ISO Tàu “hai ngàn lẻ bạn”. Với rơ cũ thì chỉ cần bắn Bh lại chứ khỏi mắc công bước, cũng uy lực “vê lờ”, nhưng gặp bóng không lực không xoáy của gai thì chết chắc, mà gai thì bên Tàu nhiều như Xạ Điêu bên ta vậy.

Em xin bàn một chút về người thảy bóng, phải chọi bóng trong tay vừa nhìn người tập xem “mỏ vàng” của họ ở đâu mà dí bóng thẳng vào, đây cũng là một cách tập luyện. Nếu có 2 người cùng tập thì cả hai đều phải luyện thêm kỹ năng thảy bóng này, vì trong tích tắc phải nhìn ra người kia yếu chỗ nào mà dí bóng vào, và sau đó tiếp theo chắc chắn phải là chỗ nào, dần dần thành phản xạ khi ra thi đấu đánh ngay vào mà không cần phải tính toán chậm chạp. Đây cũng là chỗ luyện tập nhận biết những vị trí “hũ vàng” mà mình nên đánh vào, em thấy nhiều em tập bài bản đã lâu, đánh chính xác lắm nhưng cứ thích đánh chính xác ngay góc hay “chữ I” mà không hiểu tại sao phải đánh vào những nơi ấy. Thực ra đâu phải đánh chính xác là thắng, mà phải đánh “độc” vào những chỗ hiểm mới thắng được, ai học võ sẽ hiểu điều cơ bản này.

Bài thứ 3 khó hơn và rộng hơn, buộc người tập phải nhìn tay người thảy để biết bóng tới chỗ nào, dù cũng chỉ trong vòng nửa bên Bh. Cơ bản cũng chỉ có 4 kiểu bóng trong bài tập này: bóng tới thẳng trước mặt Bh (1), nách Fh (2), với tay Fh (3) và với tay Bh (4). Nhưng có tới 4! kiểu phối hợp bên phía Bh (4 giai thừa là 4x3x2x1=24 kiểu phối hợp). Nhưng có vài kiểu điển hình có thể quy định trước với nhau khi tập, vd 1-2-3-4, 1-4-3-2, 2-3-2-3, 2-3-4-1,…túm lại là bóng vào ngay tay hết nhưng đều phải sàn nhịp rồi mới đánh.

Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp kiểu nhún nửa bước này với các bài tập di chuyển một bước chân hoặc đổi bước chân (di chuyển tréo chân). Hoặc kết hợp luôn với kiểu nhún hồi bộ phần a. Các bài tập di chuyển luôn rất mệt và rất vui (vì nếu bước sai một cái sẽ phải ẹo hông hoặc chạy thụt xì dầu). Tuy nhiên các bài tập phối hợp này không còn nằm trong phần căn bản nữa, ai tập giỏi gặp riêng em sẽ đưa giáo trình cho mà tập mệt nghỉ luôn.

 

c. Nhún thứ 3 – đánh dứt điểm

Đây là thế mạnh của đội tuyển Tàu khi đối phó với phần còn lại của thế giới, nhưng không có nghĩa là nếu biết chỗ “bí mật” này thì cũng có thể làm trùm. Em chỉ giới thiệu mang tính cỡi ngựa xem hoa thôi, bởi vì trên thực tế cú đánh của bọn Tàu có quá nhiều “chiều rộng và sâu” vừa mạnh vừa có nhiều kiểu thay đổi khó lường, nên chuyện họ đổi bộ một chút vào giờ chót mới mang lại hiệu quả bất ngờ. Còn với cú giật “chỉ một không hai” của chúng ta hiện nay thì sẽ mang lại hiệu quả rất….nghi ngờ. Mà nói thật ra, khi em đem vấn đề này trao đổi với các bác HLV khác cũng chỉ để họ tưởng em hâm hấp. Vì bộ đã đúng rồi mà khi bóng qua tới, chuẩn bị đánh tới còn đổi nữa thì cầm chắc là đánh hỏng. Đánh không hỏng thì thắng thôi, vì thế mà Tàu vẫn cứ thắng hoài.

Trên hiện tượng chúng ta sẽ thấy Ma Long và Fang Zhen Dong thường đứng đôi công Bh ôm bàn rất mạnh và xoáy, nhưng lâu lâu vẫn đứng thế Bh chuẩn bị tay Bh rồi mà đột nhiên đánh Fh theo đường thẳng cạnh bàn mà thắng đẹp, dù là đánh trong nước Tàu. Hoặc khi đối diện rơ thủ của Joo Sea Huyk hoặc Jun Mizutani, các bác Tàu cứ như là sắp đánh tới nơi, đột nhiên lùi ra một chút đổi góc đánh chớp nhoáng đến nỗi Jun cũng ngỡ ngàng lắc đầu. Những đường bóng đối giật xa, ta cứ tưởng họ bước như vậy là trễ rồi, hóa ra khi bóng tới sát người họ còn thêm một bước nữa để giật lại, dù là có trễ bóng một chút nhưng vẫn uy lực hơn là đánh Bh. Còn cũng trong những đường bóng tương tự, vdv VN chúng ta sẽ đứng yên đánh nhưng khi gần chạm bóng sẽ “khéo léo tài tình” bẻ cổ tay một chút để đổi hướng, để đối thủ hố chơi!

Ở đây có liên quan đến chỗ khả năng nhạy bén phán đoán dựa trên trái bóng tới, vị trí chuẩn bị của đối thủ, mà ta có bao nhiêu khả năng đánh. Thực ra chỉ có 4 điểm để đánh vào thôi, 3 cái mỏ vàng và một góc xa. Đối thủ thường là có đủ khả năng di chuyển để bảo vệ góc xa nên chỉ khư khư giữ đống vàng gần nhà. Vdv nào trong khắc chót đang nhắm vào “mỏ vàng” đột nhiên thay đổi kịp thời đánh dứt điểm vào góc xa thì nắm phần thắng hầu như chắc chắn. Chính vì thế là cái bước nhún chót rất quan trọng để đánh dứt điểm, chứ đánh đôi công thì ít khi phải xài.

Cách tập khá đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ năng cao. Hai người đánh đôi công Bh, chủ yếu là nhắm vào các “mỏ vàng” của nhau, một khi thấy người kia hơi bị lố hoặc hớ, buộc phải giãm tốc độ lại thì dùng cái nhún thứ 3 để đổi hông đánh Fh đường thẳng chữ I rồi nhãy ngay vào giữa bàn. Phải nói rõ một chút là bài này không giống như của bọn Tàu, nếu phải đợi bên kia đánh chậm lại thì tụi nó chẳng phải đánh hết góc chữ I làm gì, tụi nó dư xăng để sàn bộ Fh xa qua Bh đánh chéo góc bằng Fh vào Bh của đối thủ (thường là thắng luôn) rồi nhãy vào giữa bàn. Cái hay của tuyển Tàu là không cần bên kia chậm lại nó vẫn đánh được, chỗ này thì em chịu không cách gì tập nổi! Em có nghiên cứu các clip chậm thì thấy bọn nó chả thay đổi gì, chả cần nhìn bóng, chỉ cần đoán bóng rồi thụp người xuống sát đất đưa tay lên đầu đánh Fh thôi, cứ như là đánh bằng cảm tính vậy. Động tác Fh đó cắt ngang đường bóng chứ không đón đường bóng, phải đánh quen lắm mới làm được, chứ bộ chân trong lúc này chỉ đóng vai trò phụ.

Cách tập thứ 2 là đánh với một người thủ xa bàn. Di chuyển nhún liên tục đổi bộ qua lại chỉnh theo quả bóng tới, rồi khi bóng nãy lên đánh sớm nhưng không để cho đối thủ đoán ra mình đánh qua bên nào. Chỗ này nếu không có mút Tàu và vợt đàn hồi thì cú đánh sẽ bị giới hạn về độ thay đổi lực và xoáy, chỉ có thể đổi điểm rơi, nhưng phạm vi bài này chỉ yêu cầu đổi bộ ngay trước khi đánh là đủ rồi.

 

VI. Kết luận và hướng di tiếp theo.

Bỏ qua tất cả những thứ râu ria thì trong bài này em chỉ nhấn mạnh hai ý chính: thứ nhất là phải nhún nhân từ 2-3 lần cho một bóng, vì đó là căn bản cho mọi kỹ thuật di chuyển khác. Thứ hai là khi di chuyển phải theo tính toán, sao cho đứng ở vị trí thích hợp nhất, phải di chuyển ít nhất mà che chắn được mọi chỗ yếu. Di chuyển trong bóng bàn rất quan trọng, nhưng cho tới nay vẫn luôn bị xem nhẹ hoặc cho rằng nó quá xa vời ở đâu đó nơi các đội tuyển năng khiếu. Nhiều người chơi bóng chỉ quan tâm làm sao đánh cho mạnh, làm sao đối phó hoặc tạo ra nhiều xoáy, giao bóng sao cho hiểm, vv, chứ làm sao để trái bóng rơi ngay vào tay mình thì vẫn là …cầu nguyện, kiểu “thị ơi thị rơi bị bà”. Vì vậy khi bắt đầu tập bóng bàn, các kỹ thuật đầu tiên thường là cách cầm vợt, cách đánh,..với bóng luôn được đưa tới ngay tay. Bước chân luôn được dạy mãi sau này, khi đánh được quả bóng có lực có xoáy thì vấn đề đặt ra mới là cần phải di chuyển. Và cứ thế, kỹ thuật tay luôn đi trước khá xa, cho tới khi mọi người thấy bước chân không còn quan trọng nữa, vì chỉ cần đánh một quả là thắng rồi. Nếu đánh một quả mà không thắng thì tại…vợt và mút hoặc do cái tay chứ có phải tại bộ chân di chuyển đâu! Đó là một quan niệm rất lạc hậu và hời hợt chắp vá, chỉ mang tính chất phong trào chứ hoàn toàn thiếu chuyên nghiệp. Em đã viết một đề tài dài thòng chán ngấy, nhai đi nhai lại cái điệp khúc “xưa rồi Diễm ơi” rằng phải đổi mới liên tục cho kịp thời đại. Em cũng chỉ mong các bác chịu nhìn lại, thấy cái sai rồi quyết định đổi, thì may ra đời con cháu vẫn còn biết ơn các bác đã dũng cảm nhận lỗi và sửa sai. Cách nay 10 năm em có dịp xem bọn trẻ Tàu, mới có 4-5 tuổi mà phải vừa bước vừa đánh ôm hết cái bàn, hoặc cô bé Ai Fukuhara còn bé tí (8 tuổi) mà đã phá kỷ lục TG đánh 176 quả trong 1 phút, bác nào xem lại cái clip đó xem có phải nó đứng yên mà đánh ko? Hoặc trong chương trình của Ellen, nói về cô bé 6 tuổi (Tàu) đánh bóng, thấy nó nhún nhãy như động kinh khi chờ đường bóng lốp cao trả lại. Nghĩa là kiến thức của em cũng lạc hậu hơn mười mấy năm rồi, nhưng các bác xem qua vẫn thấy mới mẽ quá thì thật tội cho các em “năng khiếu” đang học bóng bàn chính quy ở VN.

Còn các bác chơi theo phong trào muốn nâng cấp khỏi phận “gà” (trở thành khủng long) thì phải cải thiện cái tư thế đứng và bước chân sao cho nhìn ra vẻ “năng khiếu già”. Trước nay chúng ta vẫn quan niệm ai có bộ tấn đẹp, di chuyển tốt thì người ngoài ngầm khen là “cao thủ”, dù chưa biết bác ấy thủ cao thế nào. Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn muốn thành cao thủ thì chỉ cần có bộ di chuyển lả lướt như Lăng Ba Vi Bộ vậy. Mà muốn được bộ chân ấy các bác cũng phải tập bước nhún nhãy đến nổi phải “lăn ra đi bộ” chứ không thể chỉ đọc bài hiểu lý thuyết hoặc cứ xem video clip rồi Ơ-rê-ka! là thành cao thủ.

Hướng di tiếp theo của em là bước vào vị trí an toàn trước đã, rồi xem động tĩnh của các bác mà em sẽ quyết định làm gì tiếp. Nếu các bác áp dụng các lý thuyết và bài tập di chuyển vào tập luyện thì em sẽ….kinh doanh giày bóng bàn, hehe. Vì sân ở VN đa số là sàn xi măng, cho nên nếu tập di chuyển đúng thì thay giày còn nhanh hơn là thay mút nữa. Ở Úc, toàn là sàn gỗ vậy mà mang giày xịn (made in VN) tập cho đúng cũng nửa năm đứt một đôi Mizuno Tornado đấy các bác ạ. Tuy nước ta không sản xuất ra mút và vợt, nhưng lại có rất nhiều giày, mà toàn là chất lượng cao. Nếu yêu nước thì các bác nên tập bộ chân di chuyển cho tốt, rồi mua giày trong nước ủng hộ thương hiệu Việt nhé! Khi di chuyển giỏi rồi mới thấy đôi giày tốt nó quý như thế nào, chỉ tiếc một điều là những đôi giày cực đỉnh dân ta may ra mà không được xài, phải bán ra nước ngoài rồi mua về lại với giá cắt cổ. Bác nào gom mấy đôi giày lỗi ra bán lại, có khi còn giàu hơn là mua vợt mút lỗi bên Tây bên Tàu về bán không chừng.

 

 

Viết một bình luận