…Nếu đã kết luận rằng cả vũ trụ, xã hội và con người đều cấu thành từ cái tham, thế thì không có cách nào để thay đổi con người, xã hội và cả thế giới này. Con người không tham thì sẽ không tồn tại, xã hội tan rã và cả vũ trụ vi mô lẫn vĩ mô này sẽ sụp đổ. Nếu đã từng có một vị Thánh đã chứng ngộ như Đức Phật, thì chuyện Ngài cảm thấy khó mà truyền lại cho người khác cũng là hợp lý. Một con người không còn tham nữa sẽ sớm biến mất khỏi xã hội, nếu không có sự giáo dục cho cộng đồng rằng “đấy là một vị Thánh xứng đáng được cúng dường” thì vị này sẽ nhanh chóng chết đói hoặc bị tiêu diệt. Một cộng đồng các vị không còn tham sẽ sống với nhau rất hòa hợp, nhưng rất yếu ớt, nếu không có sự bảo vệ của cộng đồng và chính quyền. Người không còn tham sẽ tự tách ra khỏi cái thế giới của dục này, Phật gọi đó là người được giải thoát (quả vị Bất Lai để chỉ rõ vị ấy đã diệt được Tham Ái). Thời hoàng kim của Phật pháp chỉ có thể tạo được một nhóm các vị như thế, và cũng không phải là ổn định, ta không thể nói Đức Phật đã tạo nên một xã hội. Tăng đoàn chỉ là một cộng đồng nhỏ – Ngài chỉ thành công trên vài vị, khi mở ra càng rộng càng bất ổn, đó là lý do phải có giới luật ra đời. Đức Phật đã chiến thắng cái Tham, các vị đại đệ tử cũng thế, những người hết tham ái đã tự cởi được xiềng xích với cái thế giới này, nhưng không thể làm gì được cái bản chất trường tồn của Dục giới. Đây là cõi dành cho những người Tham Lam cùng đến sống, như một cõi tạm – những ai thay đổi được bản thân sẽ không còn vướng mắc ở lại đây thêm nữa, nhưng cõi này vẫn cứ là như thế thôi.
Ở đây sẽ sinh ra hai tư tưởng. Dạng thứ nhất hiểu rõ đây là cõi tạm, là nơi đến để mà đi, nên cố sức “tu thân” để bớt dần tham ái – không quan tâm đến những vấn đề của xã hội. Họ có thể nhập thất, vào rừng sống hạnh viễn ly cắt ái từ thân, nếu đã hết tham thì sống cho tàn đời rồi đi trong im lặng. Dạng thứ hai nghĩ rằng đây là cõi thực nên cố sức xây dựng cho tốt hơn, tìm cách giúp mọi người – và cả bản thân – bớt tham ác. Họ mong thế giới này tốt hơn và dần dần đi về hướng không tham ái, như một cõi Phật. Tư tưởng Tiểu và Đại Thừa cũng từ đây mà ra, chỉ vì quan điểm khác nhau nên họ cũng hành sự và gặp các chướng ngại khác nhau: người càng trốn đời thì càng bị níu kéo, kẻ cố gắng xây dựng lại bị đẩy văng ra ngoài. Ai trốn đời thực ra là đang tham muốn một cõi khác, đã có tham thì vẫn còn kẹt cứng ở trong cõi Dục này. Ai cảm thấy cuộc đời này còn quá tham ác, cố sức muốn cải thiện cái ác thì sẽ bị chính nó hất ra, như một phản xạ tự vệ – và cảm thấy đau khổ vì bất toại nguyện. Xã hội này hình thành căn bản từ cái tham, đó là cái gốc rễ, nó sẽ chống đối và tiêu diệt những kẻ có thể làm tổn hại đến cái bản chất. Chính vì thế mới có quy luật người tốt sẽ bị cuộc đời vùi dập nhưng lại thăng hoa về cõi lành; người xấu luôn ổn định, leo lên những nấc thang cao để củng cố cái vị trí vững bền ở cõi này.
Cho dù có một vị Thánh chứng ngộ xuất hiện, Vị ấy cố gắng gieo duyên và ra sức giáo dục trong xã hội thì cũngảnh hưởng được một khoảng không gian và thời gian nào đó. Nỗ lực và khả năng của Vị ấy càng lớn thì ảnh hưởng càng rộng và lâu dài, những ai may mắn sống trong thời ấy sẽ được giải thoát. Nếu ảnh hưởng của sự giải thoát quá mạnh thì xã hội ấy sẽ trở nên yếu ớt và bị một xã hội khác tiêu diệt ngay, thế là xóa sổ. Điều này thực tế đã xãy ra khi Ấn Độ bị Hồi Giáo xâm chiếm, tư tưởng “bất bạo động” đã khiến Phật Giáo gần như diệt vong hoàn toàn – đó cũng theo quy luật. Vì nếu không phải do Hồi Giáo thì nó cũng sẽ tự sụp đổ, khi bản chất hình thành trong mỗi cá nhân con người là tánh Tham. Chỉ cần vài con người có tánh tham cũng đủ để tiêu diệt một xã hội “không tham” đông đúc. Vì không tham nên con người không biết quý trọng giữ gìn và bảo vệ Phật Pháp – thế là mất – đó cũng là một quy luật tự tánh rất hay mà thế giới này thành lập nên để tự bảo vệ chính nó. Vì hết tham nên các vị tỳ kheo thời ấy xem như được giải thoát khỏi Dục giới, nhưng vì chưa hiểu các quy luật vận động – vô minh – nên họ vẫn còn kẹt ở một cõi nào đấy, rồi phải trở lại nơi này để “thi trả nợ” cái tín chỉ cuối cùng. Hết tham thì được tự do khỏi cõi Dục, nhưng hiểu rõ bản chất và tường tận các quy luật vận hành thì một Vị Thánh mới có thể tự do ở tất cả các cõi giới khác, để rồi có thể dứt bỏ cái mớ lùng nhùng rối rắm các thế giới quan để tự do hoàn toàn. Đối với riêng vị ấy thì ảo mộng tan biến, vũ trụ sụp đổ, thoát ra khỏi “ma trận”. Nhưng với tất cả những người khác còn lại thì thế giới quan này vẫn khá là vững bền và bất khả thay đổi.
Bởi vậy khi thấy có người manh nha muốn làm chuyện gì đó “to lớn” như vá trời lấp bể, thì các cụ ra vẻ hiểu biết sẽ khuyên rằng “nên thay đổi chính mình trước, rồi cả thế giới này sẽ thay đổi theo”. Về tình về lý đều không sai, khi ta thay đổi thì thế giới quan (chủ quan và khách quan) của ta cũng đổi theo – cảnh do tâm tạo. Nếu theo vũ trụ quan của triết học thời lượng tử thì ta chính là khán giả, diễn viên mà cũng là người dựng nên sân khấu – nói cách khác, ta là chính cái sân khấu lộn xộn ấy. Những người thiền định sẽ thấy thế giới càng đơn giãn khi nhập các tầng định sâu hơn. Cũng là con cá, nhưng nếu thoát ra khỏi nước nó sẽ ngạc nhiên “hóa ra đó là nước”. Đều là nước cả nhưng con cá sống bên trong sẽ cảm thấy khác với con cá không còn vướng nữa. Cũng là thế giới nhưng có kẻ thấy toàn là nhơ nhớp và những cạm bẫy hiểm nguy nhưng có người khác lại thấy những quy luật vận hành rất tuyệt vời, từ tình cảm tâm tư của con người cho tới các liên kết xã hội. Chỉ là cái vị trí nhìn và thế giới quan thay đổi, chứ dục giới vẫn như thế từ vô thủy tới vô chung. Đây là sự đánh lừa, làm lạc hướng để xã hội tự bảo vệ chính nó. Khi có một con người mạnh mẻ vươn lên con đường của Thánh thì sẽ gặp phải vô số chống đối, trong đó có rất nhiều giễu cợt “lo tu sửa cái thân của anh trước đi, đừng lo chuyện thiên hạ…”, hoặc “rồi đời sẽ thay đổi khi anh thay đổi trước”. Nhiều người mềm lòng và chùng bước trước những lời khuyên có vẻ trí tuệ này, càng thay đổi bản thân thì cũng như lấy tay trái đánh tay phải, cuối cùng là đầu hàng hoặc mệt lử bỏ cuộc. Xã hội sẽ cười đắc thắng “lo cái thân còn chưa xong mà đòi làm chuyện lớn!”. Giải quyết vấn đề theo cách Nguyên Thủy có mặt thuận lợi khi vị ấy là người trốn chạy xã hội chứ không phải là người muốn chống lại, vị ấy tự cắt mình hoàn toàn với xã hội rồi mới chiến đấu với chính mình. Nhưng để tự cắt ái ly thân, sống viễn ly nơi rừng núi với sự tối thiểu thì vị ấy cũng đã gần hết tham rồi, đã trở thành một phần tử ngoài rìa của xã hội, nên mới có khả năng thoát ra được. Cho nên cách làm theo Nguyên Thủy chỉ áp dụng được trên rất ít người, khi họ đã chín muồi.
Vị trí một cá nhân trong xã hội cũng giống như một mắc xích có vô số kết nối với xung quanh, dạng như “lưới trời Đế Thích” như trong Kinh Hoa Nghiêm: một phần tử mang toàn bộ hình ảnh của xã hội ánh xạ lên nó. Một phần tử trong mạng lưới như vậy không có cách nào tự mình thoát ra được – giống như con ruồi trong mạng nhện, càng gỡ càng dính thêm. Thay đổi chính mình mà không dựa vào các liên kết khác cũng giống như là tự nắm tóc nhấc mình lên vậy. Chúng ta muốn vận động đều phải dựa vào định luật Newton: đạp lên mặt đất, đẩy nó về phía sau để tiến lên phía trước. Trong cái mạng lưới chằng chịt ấy, không có cách nào tự mình vươn lên mà không ảnh hưởng đến xung quanh được. Có một phát biểu mang tính khoa học hơn “nếu một hạt vật chất tự dưng biến mất tăm, thì cả vũ trụ này cũng sụp đổ theo” (không nhớ tác giả). Cho nên một người muốn giải thoát, phải tác động một lực rất lớn lên xã hội này, giống như tàu vũ trụ muốn thoát khỏi lực hút của Trái Đất cần phải có một năng lượng cực mạnh. Nói cách khác, muốn thay đổi chính mình thì chỉ có một cách là thay đổi xã hội – muốn giải thoát phải để rất nhiều điều tốt đẹp cho những người còn lại. Cách thoát này được hệ phái Phát Triển ủng hộ, vì có thể áp dụng cho cả những người còn bị dính mắc chằng chịt trong cái mạng lưới cuộc đời.
Nếu vận dụng cả hai cách này thì có thể từng bước đưa các cá nhân ra khỏi một quần thể cộng nghiệp. Hệ Phát Triển và Nguyên Thủy chia nhau công tác sao cho nhịp nhàng đúng lúc, khi cần thì phải uyển chuyển linh hoạt. Từng người đã là sự thành công lớn lao, mỗi người thoát ra – theo đúng cách – thì càng để lại xã hội nhiều điều thiện, càng gieo nhiều mầm tốt đẹp và tích lũy được nội lực như những quả bom cài sẵn lên cái cấu trúc tham của thế giới này. Tiếc là “Phật cao một xích, Ma cao một trượng”, cái Dục giới này quá khôn ngoan để có thể tự cấu trúc lại và phá tan hết các nổ lực giải thoát con người – làm yếu đi cái xã hội đó. Chính con người – đối tượng cần giải thoát – lại quay lưng với những cứu cánh, tàn phá và chia rẽ chúng, nhằm để bảo vệ “sự tồn tại” của bản ngã chính mình. Các hệ phái đấu đá nhau, tôn giáo biến chất rồi thỏa hiệp với cái tham. Các Thánh Nhân cứ phải quay trở lại mà làm việc, để rồi lại bị con người ném đá đóng đinh. Dục giới là nơi lao xao đầy lộn xộn, nhưng là nơi tốt nhất để tiến hóa tâm linh. Cõi tham này sẽ trường tồn nhưng với chúng ta là cõi tạm.
06-11-14