Yêu đọc sách cũng như bạn yêu một người, nhưng đâu phải chỉ là cái khúc có đầu có tứ chi ấy, bạn yêu cái ẩn giấu bên trong. Nhưng cái đó quá mức…hên xui vì cũng như có người chỉ thấy hình, có người lại thấy được tánh.
Đọc sách cũng vậy, đọc mà lần trên con chữ thì cũng chẳng thể hiểu gì hơn là…chữ nghĩa. Chữ Việt được viết theo lối phiên âm giúp chúng ta cực kỳ dễ đọc, chỉ cần biết nói và biết đánh vần là có thể đọc được gần như tất cả các sách vở.
Thế nhưng để thấy được cái nghĩa đằng sau câu chữ lại là một vấn đề lớn.
Nhiều người dân VN sáng nào cũng đọc báo, hết báo này tới báo khác và có thể ngồi uống cafe bàn chuyện quốc gia đại sự cho tới kinh tế thế giới thao thao bất tuyệt, cứ như là một chuyên gia tầm cỡ!
Và họ cũng tự nhận là những người có trí thức. Thế rồi có người bảo rằng thông tin trên báo chí đã bị bóp méo nhiều lần, hoặc đơn giản là…xạo, thì những trí thức vườn ấy sừng gân cổ lên mà cãi. Rằng, báo chí làm sao mà dám viết sai chớ, rằng các bài viết được viết bởi các tay có tên tuổi, uy tín họ để đâu,..vv,..
Những người thế này thì đọc báo nào tin báo ấy, bất kể đang sống ở trong hay ngoài nước. Đó là những người chẳng bao giờ dám đọc những luồng thông tin trái chiều.
Cũng như môn toán dạy chúng ta cách ứng biến trong cuộc đời, dạy chúng ta sáng tạo, thì cái môn đọc sách dạy chúng ta cách phân tích, nhận (ra và phán) xét và đánh giá, thấy được những ẩn dụ ẩn ý trong từng đoạn văn. Người giỏi toán thì sẽ giỏi ứng biến trong cuộc sống, còn người đọc nhiều thì có một sự phán đoán chính xác trong những trường hợp khó. Đọc một bài viết, nếu chấp nhận ngay những gì viết trong ấy thì bạn cũng chỉ tương đương với học sinh trung học. Nếu nắm hết 100% kiến thức trong ấy thì cũng chỉ ngang bằng những đứa học sinh giỏi thôi, kiến thức thu được cũng như một ảnh phẳng, khác nhau ở chỗ chi tiết ít hay nhiều.
Để xem ảo ảnh không gian ba chiều, một loại hình ảnh rối rắm mà sau khi trợn mắt đưa gần đưa xa một hồi ta mới thấy nó là một cái hình khối nổi chứ không phải là phẳng. Nguyên lý của nó dựa trên sự giống và khác nhau: nếu hai hình khác nhau thì nó sẽ nổi ra khỏi ảnh phẳng, tùy theo mức độ khác nhau nhiều ít mà nó nổi ra thế nào. Ảnh nổi trong thực tế chỉ có thể nhận ra nếu ta có đủ hai con mắt, não phân tích sự khác nhau giữa hai mắt để biết vật nào ở gần, vật nào ở xa. Âm thanh nổi cũng thế, hai tai truyền tín hiệu nhanh chậm khác nhau sẽ giúp não phân biệt là âm thanh tới từ bên nào.
Hãy thử bịt một mắt và một tai lại, các bạn sẽ thấy thế giới xung quanh trở nên sai lệch. Và đó cũng là những gì mà những học sinh trung học cảm nhận TG chỉ qua sách giáo khoa.
Tối thiểu cũng phải đọc hơn 2 nguồn, với mọi mặt của cuộc sống từ kinh tế chính trị hay xã hội, văn chương hay nghệ thuật,..cái nào giống nhau thì cho qua, cái khác nhau mới quan trọng. Chính cái khác nhau đó mới là vấn đề! Đọc sách báo là để tái dựng lại kiến thức từ những tác giả, chúng ta chẳng thể chứng kiến tận nơi và đúng thời điểm, chúng ta chỉ được thuật lại, cho nên phải nên lấy thông tin từ rất nhiều nguồn mới có thể tái tạo lại gần giống nhất với thực tế đã xãy ra. Đó chỉ là tìm cái khác nhau, chứ chưa nói tới sự nhận xét cá nhân trên vấn đề ấy, dựa trên kinh nghiệm và kiến thức sẵn có. Hoặc cũng chưa dám bàn tới chuyện dám phủ nhận vấn đề ấy, lập luận ngược lại với tác giả,..
Ngày nay internet và search engine giúp chúng ta có thể tra cứu và đối chiếu cực dễ. Cùng một vấn đề có thể đọc từ rất nhiều nơi, có thể tìm hiểu về tác giả, đọc các nhận xét của các độc giả khác về bài viết ấy, có thể lấy thông tin trái chiều hoặc đọc những bài viết tranh luận khác xoay quanh chủ đề ấy,..Thật đáng tiếc cho những ai nhút nhát, chỉ dám đọc một bên vì sợ phải chấp nhận cái thực tế nhiều chiều.
Ở các nước phương Tây, học thức (thực) cho người ấy một địa vị không thể phủ nhận trong Xã Hội. Anh nào có bằng cấp Ph.D hoặc Professor thì luôn được kính trọng ở mọi nơi, dù có khi chẳng phải chuyên ngành của anh ta. Bởi vì để đạt được cái tước vị ấy, anh ta phải đọc và phân tích cực kỳ nhiều tài liệu khác nhau. Người ta kính trọng cái khả năng đọc hiểu của một người mang học vị cao chứ không phải ở chuyên môn của người ấy. Với khả năng phân tích và phán đoán như thế, những người có chức sắc trong Xã Hội, những người lèo lái XH ở những nước văn minh phát triển luôn là những người có học vị cao.
Vận mệnh của cả một số đông người được đặt trên tay vài con người, như là thuyền trưởng một con tàu, thì ng ấy phải nhìn thấy rõ nhất vấn đề trước mặt, đương nhiên là phải bằng vô số góc nhìn khác nhau.
Chứ chẳng thể lèo lái đất nước bằng những người “có công với cách mạng”.
Để kết thúc phần “đọc hiểu”, KN trích lại lời của một giãng sư: “..nếu các con nghe đủ và hiểu hết 100% lời thầy nói, thì các con cũng chỉ là những người tầm thường. Nếu các con hiểu được những gì mà thầy chưa nói hoặc không nói, dám tìm chỗ sai và dám hiểu ngược lại những gì thầy nói, thì các con mới xứng đáng là đệ tử của thầy…”
25-01-14