Có lẽ tôi chẳng cần phải viết về các kỹ thuật đọc như Scan&Skim, phân tích, truy nguồn, truy ngọn, bình luận,…các bạn có thể tìm ra chúng ở nhiều nơi khác. Tôi đang viết về một thứ siêu hình biện chứng để giải thích bằng cách nào mà tôi lại có những kỹ năng đặc biệt khác mà nhiều người mơ ước.
Siêu hình mà nói thì như là có “ai đó” đang hướng dẫn tôi tìm đúng sách, đọc đúng cái cần, hiểu đúng cái ẩn ý và phục vụ đúng lúc cho mục đích con đường của mình.
Logic biện chứng mà nói thì điều ấy….tất yếu phải đạt được vì nó có trước và có sau, liên quan biện chứng chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên tôi sẽ viết cùng lúc 2 nguyên nhân.
Đầu tiên là niềm đam mê. Như một người, bạn phải yêu tha thiết trước rồi mới mong người ấy yêu lại bạn. Sách cũng vậy, bạn phải đam mê và đọc thật nhiều, trước khi sách nó “tự tìm tới bạn”.
Đam mê là phải chấp nhận đau khổ, nhịn ăn nhịn xài, nhịn cả áo quần bè bạn,..thấy sách quý là cứ như chẳng còn thấy thứ gì khác trên đời nữa. Bởi vậy mấy cô bác bán sách cũ cứ hét giá trên trời khi nhìn thấy con nghiện đã…lờ đờ. Cầm dc sách về nhà là lúc vui sướng nhất, bất kể là mấy giờ, việc đầu tiên là nó kiếm gì ăn cho chắc bụng, mỳ gói hay cơm nguội cũng dc, sau đó là một bình trà đậm.
Và cứ thế nó đọc cho tới hết hoặc tới sáng, tùy cái nào tới trước.
Sau nhiều năm, nhiều thứ đã già đi, nhưng khi đọc phải một thứ đã thích rồi thì tôi lại trở về cái thuở bé, mọi thứ bên ngoài chẳng còn quan trọng nữa, chỉ còn một thằng bé với quyển sách trước mặt. Đó là món quà tặng của cuộc đời nếu bạn có được thứ tình yêu này.
Một khi đã đam mê thì chúng ta có khuynh hướng muốn người khác cũng đam mê như vậy, cũng như bao thói ghiền xấu, chúng ta cũng muốn người khác phải ghiền như mình. Người đọc sách nhiều thường có bệnh…khoe kiến thức. Cái bệnh khoe này nếu ở dạng tích cực thì nó là một mong ước rất thiện: mong cho người ta cũng có kiến thức như mình. Người khoe khoang thường hào phóng, và vì thế nhiều sách quý cũng chẳng bao giờ trở lại giá sách nữa. Dù sao thì, sách là một thứ trao tay, nó chỉ mất khi người ta vò lại và xài với mục đích cuối cùng: chùi hoặc đốt.
Siêu hình mà nói thì cái mình cho đi chẳng bao giờ mất, nó chỉ đi vòng vòng rồi nhân lên nhiều lần khi trở lại với ta. Có lần, đi BV thăm người thân, tôi mang theo cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” để đọc trong khi ngồi giữ người bệnh. Thế rồi sau khi đi WC, cuốn ấy mọc cánh bay mất, thế mà thằng tôi lại vui. Vì cái người lấy cuốn ấy đọc chắc thích lắm mới lấy sách đi, mà đọc xong thì người ấy được biết bao nhiêu là lợi ích, nhất là ở cái nơi tối tăm đau khổ như BV Chợ Rẫy.
Rồi sau đó nó thường mua nhiều sách, đọc xong thấy hay thì cứ quăng bừa, hớ hênh như mời gọi mọi người.
Rồi một lần nọ, nọ thấy trong nhà trọ có cuốn “Phân tâm học nhập môn” bao bìa kỹ càng, đọc thấy thích mà chẳng ai nhận là chủ nhân, chắc là ai đó tặng mà không nói ra, hoặc là ai đó quẳng đi. Từ cuốn này đã dẫn tới bao nhiêu là cuốn sách khác nữa, biết bao nhiêu ngành nghiên cứu, nhiều triết gia lớn.
Cứ như là hễ mình muốn cho người ta có cái gì thì mình có cái ấy trở lại. Qua lại nhiều lần thì cái kho sách quý lại càng đầy hơn.
25-01-14