Tôi định viết về cách đọc sách, nhưng mà không biết bắt đầu từ đâu. Nói về số lượng thì tôi đã và đang đọc rất nhiều, nhưng so với nhiều người tôi biết thì chỉ bằng con số lẽ của họ. Nói về cách đọc thì bất cứ một trường trung học nào cũng dạy học sinh thành thạo kỹ năng “scan and skim”, chưa kể các kỹ năng analyse hay là critical thinking vốn rất được chú trọng ở cấp University. Nhưng với các bạn đang đọc những dòng chữ có dấu này thì những kỹ năng ấy có khi lại quá xa lạ – hoặc quá tầm thường, so với trình độ một số lượng bạn khác mà tôi biết trên FB friend list. Nghĩa là tôi đang ở lưng chừng, cho nên bài viết này cũng ở mức độ ấy: kể về những kinh nghiệm cá nhân. ai thấy cái gì lạ mà có ích thì giữ lấy, ai thấy thường quá thì thôi.
Có một thời mà bọn trẻ chẳng biết mà người lớn cũng chẳng muốn nhớ, đó là thời mà sách được bán trong bao bố tính bằng ký lô. Người thì ko đủ tiền ăn phải bán sách, vì người chủ của đống sách ấy đã chết rồi. Người thì bán sách vì sợ rước họa vào thân, ở nhà mà có sách thì sẽ bị chụp mũ là “trí thức – tiểu tư sản” rồi bị bắt đi cải tạo hoặc đi “kinh tế mới”. Kẻ thì chẳng dám giữ những cuốn sách hiếm dạng “quốc cấm” nên cũng bắt chước Tần dân: đốt đi hoặc tẩu tán chúng.
Thật “may mắn” là thằng tui vừa biết đánh vần cũng trong thời kỳ ấy và nơi ấy.
Mẹ tôi có một tủ sách còn ba tôi có tới gấp đôi, thêm các lần mua sách bao lựa từ các bà bán ve chai thì số lượng sách trong nhà cất đầy cả phòng…ngủ và nhà kho. Phòng khách chả có gì ngoài báo chí.
Với một đứa trẻ 4-5 tuổi bị nhốt suốt ngày trong nhà một mình thì sách là bạn, nó đọc như cái máy scan. Từ những bộ sách báo Liên Xô cho tới truyện ngụ ngôn, truyện ngắn, tiểu thuyết,..từ các sách khoa học thường thức cho tới các bộ truyện Tàu lớn, cả bộ Thi Nhân Tiền Chiến 3 quyển nó cũng scan tuốt. Nói chung là những cuốn sách nào thằng bé có thể rút ra được từ cái kho sách cao ngất ngưỡng.
Tôi thích đọc sách từ bé như thế đấy.
Làm cách nào mà một đứa ở độ tuổi chưa biết đánh vần có thể ngốn hàng đống sách hạng nặng như vậy? Nếu các bạn đang có con nhỏ, thì những kinh nghiệm sau đây rất bổ ích.
Cứ mỗi tối thì thằng bé đòi nghe một câu chuyện, thời ấy làm gì có game online hay game trên I-phone. Tối tắt đèn đóng cửa thì nó được nghe đủ thứ chuyện trên đời, từ cổ tích, khoa học, thơ, nhạc, đạo,..
Tức một nỗi là chẳng có thứ nào trọn vẹn, mỗi câu chuyện đều mất đầu mất đuôi hoặc thiếu đoạn giữa, thằng bé được nghe một lúc nhiều thứ và nó phải cố nhớ để lần sau nhắc lại tới chỗ đó.
Và cho tới khi nó biết đánh vần thì nó bắt đầu lục lọi. Moi ra tới đâu cũng là những thứ quen thuộc, đã được nghe chắp vá trước rồi. Thế là nó đọc lại để tìm ra cái chỗ bị thiếu.
Như một đoạn nhạc bị đứt ở âm bảy, nó gây ra một sự thôi thúc phải quay về chủ âm để kết thúc, thằng bé bị gài vào cái thế buộc phải nhãy lên sân khấu mà đánh cho xong cái đoạn cuối cùng.
Và rồi như một thứ quán tính, đọc xong cuốn này lại thấy nói về nhiều thứ khác, nhất là mấy thứ tạp chí “bán nguyệt san” như Kiến Thức Ngày Nay, Thế Giới Mới,..mà hùi đó nó ra mỗi tuần 1 lần, đọc xong là cứ y như lại thấy mình ngu ra, vì trước đó cứ nghĩ là khôn. Mà mấy cái thứ đó lại chẳng có ích gì so với một đứa học sinh trung học, vốn chỉ cần chép bài và học thuộc. Thằng bé học bài theo kiểu “đọc nhớ” chứ không phải là “thuộc lòng” nên điểm số rất thấp, bù lại điểm thi lại cao và chẳng bao giờ bị tình trạng “trật tủ”.
Một lợi ích khác là cho tới khi bạc đầu nó vẫn nhớ các kiến thức căn bản thời trung học, trong khi những đứa khác lại quên mất sau khi “trả bài”.
Lên ĐH thì toàn bộ tiền áo quần và một phần tiền ăn biến thành sách. Sách mỗi ngày một nhiều bởi vì nó quá tham lam, cái gì cũng muốn học muốn biết, mà biết là phải “cho tới luôn”. Dạo ấy có 4 con đường mà thằng bé thường lân la tới: đường Trần Hưng Đạo khúc từ sở cứu hỏa tới NVCừ, đường NTMK gần BV Từ Dũ, đường Lê Thánh Tôn gần nhà máy thuốc lá và đường Trần Huy Liệu khúc song song đ Phan Đình Phùng Đó là 4 con đường bán sách cũ mà nó thường lui tới, để mua và…mua.
Một lần nọ, trong lúc hăng say lựa những tờ nhạc tiền chiến, nó thấy một xấp nhạc rất hay dc xếp gọn một góc, nó…hốt hết. Lúc tính tiền thì có một ông già hơn 80 tuổi chạy ra xin lại, nói ông lựa từ nãy giờ, vì lo lựa cái khác nên để ở đó. Ông chỉ muốn bài nhạc, ko cần cái tờ giấy nên ông đề nghị nếu mình vẫn lấy thì cho ông xin một bản copy: “tôi đi hết nhiều tiệm rồi, chỉ có bấy nhiêu thôi, cái này khó kiếm quá..”
Thằng bé cũng nói “con cũng cần bản nhạc thôi à, mà nếu ông thích thì con sẽ copy rồi cho ông bản chính, con biết ông cần bản chính hơn”.
Cũng như nhiều lần khác, nó quý kiến thức chứ ko phải cuốn sách, và chuyện nó tặng sách cho bạn là chuyện thường ngày.
Sau khi cầm xấp nhạc tiền chiến đi photo, tình cờ nó gặp một người, cũng xin một bản copy nữa. Người này cũng làm thay đổi cuộc đời nó sang một trang khác hẳn.
Và sau khi nó mang xấp nhạc đến nhà ông bác ấy, nó chỉ nghĩ là nó mang đi cho một ông lão xa quê hương mấy chục năm, chỉ về thăm VN lần chót.
Và cũng như bao lần cho đi, nó nhận lại nhiều hơn mấy lần.
Hai người này, một người đã dừng lại rất lâu, một người có lẽ cũng đã dừng bước giang hồ sau khi qua Canada và lấy chồng, nhưng họ đã vẽ cho thằng bé một con đường đi quá rộng và quá xa.
25-01-14