Khi cây Bồ Đề bị đốn hạ

Cũng không rõ từ khi nào thời còn bé, thằng tui thường thích ngồi dựa lưng áp chặt vào thân cây, hoặc đứng áp lưng vào cây. Lớp vỏ xù xì tạo cho lưng một cảm giác mát-xa rất dễ chịu, còn chân trần chạm vào bộ rễ lồi lõm phải dùng ngón chân bấu vào để khỏi trượt té, vậy mà thích. Thuở nhỏ, thằng tui có một mảnh vườn cổ thụ với các gốc cây ăn trái cả trăm năm tuổi. Khi mà bọn trẻ hiếu động đùa phá thì trò chơi vui thích của tui là…dựa gốc cây nhìn mây trời và suy nghĩ, hoặc đơn giản là ngủ trưa.

 

Gốc sầu riêng cổ thụ tạo ra một cái hốc, và thằng bé ngủ ngon lành trong ấy, một cách vô thức như nằm trong vòng tay mẹ. Thế rồi như bao thằng bé khác, nó cũng chơi trò “xây nhà” và đặt vào khoảng đất ấy một tình yêu tuổi thơ. Rồi thì nó chẳng kịp lớn lên để chia tay cây cỏ, người ta đã chặt phá toàn bộ khu đất ấy để phóng đường và xây nhà máy, khi nó vẫn chưa mất sự liên kết với thiên nhiên.

 

Thường thì bọn trẻ sau khi lớn lên, sẽ mất dần cái thiên tánh yêu thiên nhiên cây cỏ và thú vật, chúng bắt đầu thích chiếm hữu và điều khiển theo ý thích, hơn là thụ động cảm nhận. Dẫn chứng là chúng vẫn còn yêu con vật nhưng yêu thịt của chúng hơn, vẫn còn thích cây cối như các bộ bàn tủ bằng gỗ rừng hay gốc cây chạm trỗ. Đó là vì chúng lớn dần và nhàm chán, hoặc thay đổi nào đó xãy ra trong tâm linh khi các mối liên hệ yếu dần.

Với những ai mà mối liên hệ bị đứt gãy quá đột ngột và đau đớn, thì cái tình yêu ấy lại được bảo toàn nguyên vẹn. Theo tôi thì nó còn một nguyên nhân khác.

 

Một đứa trẻ vẫn còn thuộc về tự nhiên khi cái thóp lõm đỉnh đầu chúng chưa khép lại và chúng chưa ý thức về cái Tôi hoàn chỉnh. Cơ thể hào quang 9 lớp với các nút thắt vẫn còn rất nhiều sợi dây liên kết với thế giới tâm linh khi chúng ta còn bé. Khi lớn, chúng ta ngày càng rút lại vào cơ thể cảm xúc, cảm giác và cơ thể vật lý mà mất dần liên lạc cả với các lớp bên ngoài.

Thường thì quá trình này xãy ra nhanh chậm tùy mỗi ng, có khi mới chào đời đứa trẻ chỉ biết cơ thể và cảm giác mà thôi. Cũng có những đứa “đặc biệt” hơn, chúng vẫn còn cảm thấy “một điều gì đó” khác người qua cảm nhận của nó với thế giới xung quanh, dù đã lớn.

 

Một số đứa, thay vì “được” thì chúng “bị”. Tức là chúng không có quyền làm chủ trong các mối liên kết, đứa bé bị kéo về các cây sống lâu có tâm linh mạnh. Đó là những trường hợp bị “ma giấu”: đứa bé bị mất tự chủ và trí nhớ cho tới khi người thân tìm ra chúng bị giấu trong các gốc cây lớn, thường là bụi tre già hoặc cây đa. Chúng kể lại các kinh nghiệm rất vui sướng khi “bị giấu” và có khuynh hướng tìm lại chỗ đã “giấu” chúng.

Rất tiếc là người ta lại quan niệm ma quỷ nên hoặc là chặt đốt các bụi rậm, hoặc là đứa bé ấy bị canh giữ một thời gian rồi cũng “lớn” và mất luôn những điều ấy. Những bụi cây bị đốt phá không thương tiếc, chỉ vì không muốn “có chỗ cho ma nó trú thân”.

Rồi người ta hù dọa những đứa khác rằng ma giấu hoặc hút máu hoặc cho con nít ăn đất mà chúng tưởng là ăn bánh kẹo…, để rồi bọn chúng tránh xa những cái cây, cũng là xa lánh với tự nhiên.

Càng xa lánh chúng càng sợ thiên nhiên, và cái gì gây ra sợ thì bọn trẻ sẽ thù ghét và tàn phá.

 

Thằng tôi may mắn được kinh nghiệm những điều mà bọn trẻ bị ma giấu ấy, theo nhiều cách khác nhau, vì tôi thuộc loại “được” chứ không phải bị. Điều ấy chính xác là món quà tặng quý.

Hay ít ra nó cũng là một loại đền bù. Nếu thằng bé chẳng thể nhìn thấy thế giới quan một cách trọn vẹn qua đôi mắt cận loạn bẩm sinh thì nó lại thấy cái thế giới 3 chiều này như còn có nhiều chiều sâu khác.

Chỉ cần ngồi đó, lưng dựa thẳng vào hốc cây, lắng nghe chim kêu và nhìn mây một lúc là nó chìm vào bản hòa âm của vũ trụ, không gian như trở nên nhiều chiều kích hơn và nó chỉ đơn giản là biến mất.

Chỉ còn những dòng chãy của nhựa sống, những dòng chãy của năng lượng và tâm thức.

Và nó cũng từng khoe với người lớn rồi cũng bị tẫn cho một trận nhớ đời: cái gì mình thấy biết mà người ta mù tịt thì càng phải nên giấu biến đi. Và một thời gian sau đó thỉnh thoảng thằng bé vẫn còn bị tra hỏi về những điều ấy, như để chắc rằng nó không bị ma quỷ theo đuổi.

 

Nhưng tình yêu thiên nhiên của thằng bé vẫn nguyên vẹn cho tới bây giờ. Chẳng cần phải là người Avatar có cái đuôi tóc để có thể kết nối với tự nhiên, kỹ thuật kết nối rất đơn giản (hay là chỉ với vài người cá biệt)

Khi dòng chãy năng lượng theo chiều thẳng đứng trong cột sống hòa nhịp với dòng chãy nhựa sống của thân cây thì thời gian và không gian biến mất trong cảm nhận tâm thức: những trang ký ức xa xưa hiện về như ở ngay trước mặt, những gốc cây già thuở nào như trẻ ra và to lớn hơn, vẫn vỗ về thằng bé trong tình yêu vĩ đại. Vì thế mà nó yêu thiên nhiên, và thiên nhiên cũng yêu nó.

Thỉnh thoảng, khi thấy những cây to trong công viên, nó vẫn dành vài giờ ngồi đó nơi gốc cây mà tắm mình trong dòng thác phúc lạc vi tế mà thiên nhiên vẫn luôn dành cho những ai có thể nhận.

 

Đó là điều mà những ai bị chia cắt với tự nhiên chẳng bao giờ cảm nhận nổi, dù là thông thạo các kỹ thuật thiền định tâm linh. Nghĩ cũng lạ, họ đều biết rằng các Yogi vĩ đại luôn gắn liền với rừng núi, họ cũng biết rằng Đức Phật từng chứng Sơ Thiền dưới gốc cây và chứng quả tối thượng dưới một gốc cây khác. Thế mà cũng những người ấy lại phá rừng chặt cây để xây chùa, rồi chung vào cái nhà ngột ngạt tối tăm đó để mà tìm chứng ngộ tâm thức! Trở thành Phật tử- học trò của một vị Đạo Sư không cho phá hoại một gốc cây ngọn cỏ- lại cũng chẳng thay đổi gì: họ vẫn tàn phá môi trường và xa cách với tự nhiên.

 

Người ta trồng lại cây Bồ Đề hơn 3 lần ở cái nơi mà Phật đã thành đạo. Người ta hướng về đó để lạy và thỉnh về chia nhau những chiếc lá “quý báu”. Và dĩ nhiên chẳng ai dám xâm phạm tới cái cây linh thiêng đó.

Nhưng mấy ai biết rằng nơi nào cũng có cây Bồ Đề, mà mỗi ngày hàng ngàn cây như thế đã bị chặt đổ xuống để thỏa mãn cái tâm Tham của con người.

 

Người ta có thể dám liều chết để bảo vệ cây Bồ Đề linh thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng, dù nó chẳng phải là cái cây mà Phật từng ngồi thiền.

Nhưng chẳng biết có mấy ai đau đến tận đáy lòng khi thấy, dù một cây vô danh nhỏ xíu, bị đốn hạ?

11-01-14

2 bình luận về “Khi cây Bồ Đề bị đốn hạ

  1. Vậy một đứa trẻ bị ma giấu thường xuyên có bị ảnh hưởng gì không chú? Việc kết nối ấy có cảm giác như thế nào ạ? Khi bắt đầu quá trình bị ma giấu thì đứa trẻ có biết gì không mà chú lúc đó lại chủ động bị giấu?

Viết một bình luận