Vô úy

Aung San Suu Kyi

 

Không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là sự khiếp sợ. Sự khiếp sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa những kẻ đang nắm trong tay quyền lực và sự khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa những người đang nằm dưới tay quyền lực. Đại đa số người Miến quen thuộc với bốn gati, bốn hình thức của tha hóa. Changda-gati (Tham), sự tha hóa bắt nguồn từ lòng ham muốn, là sự từ bỏ chính đạo để tìm kiếm tặng vật bất chính hay những thứ mình thèm khát. Dosa-gati (Sân) là việc đi vào lạc đạo nhằm trừng phạt những người mà mình ghét bỏ, Moga-gati (Si) là sự sai lầm do si đần. Nhưng có lẽ cái tồi tệ nhất trong bốn hình thức tha hóa là Bhaya-gati (Úy), không phải chỉ vì bhaya (sự khiếp sợ) làm tê cứng và dần phá hủy tất cả các cảm giác về đúng-sai, mà nó thường là nguồn cơn của ba hình thức tha hóa còn lại. Giống như Tham, khi không bắt nguồn từ tính hám lợi thuần túy thì có thể là sản phẩm của sự khiếp sợ cảnh nghèo túng hoặc sợ làm phật lòng những người mình yêu quí, sự khiếp sợ bị vượt qua, bị lăng nhục hoặc thương tổn theo cách nào đó có thể xô đẩy con người đến những ác ý. Cũng khó có thể xua tan u mê trừ phi có tự do theo đuổi chân lý và không bị trói buộc bởi sự khiếp sợ. Với quan hệ gần gũi đến thế giữa sự khiếp sợ và tha hóa, không có gì phải ngạc nhiên là ở bất kỳ xã hội nào, khi sự khiếp sợ lan tràn, tha hóa dưới mọi hình thức sẽ bám rễ sâu trong lòng xã hội.

 

Việc công chúng không hài lòng với những khó khăn kinh tế vẫn được nhìn nhận là nguyên nhân chính dẫn tới phong trào đòi dân chủ ở Miến, được châm ngòi bởi những cuộc biểu tình của sinh viên năm 1988. Đúng là nhiều năm với những chính sách thiếu ăn nhập, các giải pháp sai lạc của chính quyền, lạm phát leo thang và thu nhập thực tế tụt giảm đã đưa đất nước đến tình trạng khủng hoảng kinh tế. Nhưng không phải những khó khăn trong việc nâng cao hơn mức sống – ở mức gần như không thể chấp nhận được – là lý do duy nhất xói mòn lòng kiên trì của người dân vốn đôn hậu và hiền lành, mà còn do sự lăng nhục bởi một lối sống bị biến dạng bởi tha hóa và khiếp sợ.

 

Các sinh viên đã đấu tranh không phải thuần túy vì cái chết của các đồng chí, mà còn chống lại sự phủ nhận quyền được sống của họ bởi chính thể toàn trị – một chính thể đã tước đi sự hiện diệncủa lẽ phải và không đem đến bất kỳ một hi vọng nào cho tương lai. Và vì các cuộc tranh đấu của sinh viên đã truyền tải rõ ràng sự thất vọng của công chúng, những cuộc biểu tình này lan nhanh thành một phong trào toàn quốc. Một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho phong trào là các doanh gia, những người đã hình thành những kỹ năng và quan hệ cần thiết để không chỉ tồn tại mà còn giàu có trong hệ thống. Nhưng sự giàu có không đem đến cho họ cảm nhận thực sự về an ninh và thành đạt, và họ không thể không nhận thấy rằng nếu họ và đồng bào họ, bất kể địa vị kinh tế, muốn có được một sự sinh tồn khả dĩ thì một bộ máy nhà nước khả tín ít ra phải là điều kiện cần, nếu không phải là điều kiện đủ. Người dân Miến đã lo ngại về tình trạng bấp bênh của kẻ nằm dưới sự trị vì của người khác, khi mà thân phận họ “như nước trong bụm tay” của những kẻ nắm quyền lực tối cao.

 

Chúng ta đẹp xanh như ngọc

Trên bụm tay người

Nhưng ôi, chúng ta cũng có khi là

Những vụn gương vỡ nát

Trên bụm tay người

 

Các vụn gương, những mảnh nhỏ nhất, óng ánh và sắc nhọn, có thể tự bảo vệ mình khỏi những bàn tay muốn nghiền nát chúng là một biểu trưng sống động của tinh thần can đảm, một phẩm chất cần thiết của những người muốn giải phóng mình khỏi sự kìm kẹp của bạo quyền. Bogyoke Aung San coi mình là một nhà giải phóng và không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho những trở ngại mà Miến Điện gặp phải trong thời khắc thử thách của dân tộc. Ông hô hào đồng bào mình hãy can đảm hơn: “Hãy đừng lệ thuộc vào lòng can đảm và tinh thần dũng cảm của người khác, mỗi người trong các bạn hãy biết hi sinh để trở thành một anh hùng và tạo dựng sự dũng cảm và can đảm của chính mình. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có thể cùng chung hưởng tự do thực sự”.

 

Nỗ lực cần thiết để tránh không bị tha hóa – trong một môi trường mà sự khiếp sợ là một phần máu thịt của sự tồn tại hàng ngày – không tức khắc rõ ràng với những người có may mắn sống trong những nhà nước có sự hiện diện của pháp quyền (rule of law). Luật pháp công minh không chỉ ngăn chặn sự tha hóa thông qua việc trừng phạt không thiên vị những kẻ phạm pháp. Luật pháp còn giúp tạo dựng một xã hội mà trong đó mọi người có thể thỏa mãn những yêu cầu căn bản-vốn thiết yếu cho việc bảo tồn nhân phẩm con người mà không cần phải cầu viện đến những hành vi tha hóa. Khi thiếu vắng luật pháp như thế, gánh nặng gìn giữ các nguyên tắc của công lý và sự đoan chính chuyển sang vai những con người bình thường. Chính hiệu ứng tích lũy những nỗ lực bền bỉ và sự nhẫn nại sẽ thay đổi một dân tộc – nơi lý trí và lương tri bị bóp méo bởi sự khiếp sợ – sang một xã hội mới- nơi luật pháp tồn tại là để đáp ứng khát vọng của con người về sự hòa hợp và công lý, trong khi giúp ngăn chặn những tính ác trong bản chất thiên bẩm của con người.

 

Trong một thời đại mà sự phát triển lớn lao của kỹ nghệ đã tạo ra những vũ khí chết người-những thứ có thể được, và đang được, những kẻ nắm quyền vô đạo dùng để thống trị kẻ yếu và không có khả năng tự vệ, có một đòi hỏi cấp thiết về mối quan hệ gần gũi hơn giữa chính trị và đạo đức, trên cả cấp độ dân tộc và quốc tế. Tuyên Ngôn Nhân Quyền Toàn Cầu của Liên Hợp Quốc khẳng định rằng tất cả mọi người và mọi hợp phần của xã hội phải đấu tranh nhằm thúc đẩy tự do và các quyền cơ bản mà theo đó mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia và tôn giáo đều được hưởng. Tuy nhiên, chừng nào còn tồn tại các chính quyền được thiết lập dựa trên sự áp bức thay vì sự chấp thuận của công chúng, chừng nào còn tồn tại các nhóm lợi ích chỉ biết đặt lợi ích trước mắt lên trên hòa bình và thịnh vượng lâu dài, thì hành động phối hợp quốc tế bảo vệ và phát huy quyền con người bất quá chỉ là một nửa cuộc đấu tranh. Vẫn sẽ có những đấu trường nơi các nạn nhân của bạo quyền phải tự dựa vào những nội lực của chính họ để bảo vệ các quyền bất khả nhượng với tư cách là những thành viên của gia đình nhân loại.

 

Cuộc cách mạng rốt ráo là cuộc cách mạng trong tinh thần, được khai sinh từ niềm tin trí tuệ về nhu cầu cần phải thay đổi các thái độ và các giá trị – những thứ định hình tiến trình phát triển của một dân tộc. Một cuộc cách mạng chỉ tập trung vào thay đổi các chính sách của nhà nước và các thể chế, với mục tiêu cải thiện các điều kiện vật chất, sẽ chỉ có rất ít cơ hội thành công thực sự.

 

Thiếu vắng cuộc cách mạng trong tinh thần, nguồn gốc tạo ra cái vô đạo của trật tự cũ vẫn sẽ tiếp tục vận hành, gây ra một đe dọa thường trực cho quá trình cải cách và phục hồi. Sẽ không đủ nếu chỉ cổ súy cho tự do, dân chủ và các quyền con người. Cần có quyết tâm thống nhất nhằm duy trì cuộc đấu tranh, chấp nhận hi sinh vì chân lý vững bền, chống lại các ảnh hưởng tha hóa của lòng ham muốn, của ác ý, của si đần và sự khiếp sợ.

 

Người ta từng nói rằng các vị Thánh là những tội nhân luôn cố gắng [rửa sạch lỗi lầm của mình]. Vì thế, người tự do là những người bị áp bức luôn cố gắng và trong quá trình đó, chuyển hóa mình để thích hợp với việc gánh vác các trách nhiệm và gìn giữ các nguyên tắc cho một xã hội tự do. Trong số những sự tự do cơ bản mà con người mong ước nhằm tạo dựng một cuộc sống tràn đầy và không bị trói buộc, tự do khỏi khiếp sợ nổi lên là một phương tiện, đồng thời là mục đích. Một dân tộc muốn xây dựng một đất nước mà trong đó các thể chế dân chủ mạnh được xây dựng bền vững như là một bảo đảm chống lại sự lạm quyền của nhà nước thì trước hết phải học cách giải phóng tâm mình khỏi sự vô cảm và sự khiếp sợ.

 

Luôn là một người thực hành những gì mình kêu gọi, bản thân Aung San luôn chứng tỏ sự can đảm – không chỉ là những biểu hiện bên ngoài, mà còn là sự can đảm cho phép ông nói lên sự thật, giữ lời, chấp nhận phê bình, thừa nhận những lỗi lầm mình có và sửa chữa, tôn trọng đối lập, hòa đàm với kẻ thù và để dân chúng vào vị trí quan tòa phán xét sự xứng đáng của ông trong vai trò lãnh đạo. Chính vì sự dũng cảm đạo đức như thế mà ông luôn được kính yêu ở Miến – không chỉ với tư cách là một chiến binh anh hùng mà còn với tư cách là nguồn cảm hứng và lương tri cho cả dân tộc. Những từ ngữ do Jawaharlal Nehru sử dụng khi nói về Thánh Gandhi có thể áp dụng tốt trong trường hợp của Aung San:

 

“Tinh hoa trong các bài giảng của ngài là sự không khiếp sợ và sự thật, cùng với các hành động thống nhất với hai yếu tố này [trong khi vẫn] luôn quan tâm đến phúc lợi của đám đông”.

 

Gandhi, nhà truyền giáo vĩ đại của tư tưởng bất bạo động, và Aung San, người sáng lập quân đội quốc gia, là hai người có tính cách rất khác nhau, nhưng cũng giống như có sự tương đồng hiển nhiên trong những thách thức của chế độ toàn trị ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, thì cũng có những tương đồng trong các phẩm chất vốn có ở những người đứng lên đối mặt với những thách thức ấy. Nehru, người nhìn nhận việc lan truyền lòng can đảm trong dân chúng Ấn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Gandhi, là một nhà chính trị canh tân, nhưng khi ông tiếp cận với các đòi hỏi của phong trào đòi độc lập trong thế kỉ hai mươi, ông đã nhận thấy là mình quay trở về với triết học cổ điển Ấn: “Món quà lớn nhất cho một cá nhân hay một dân tộc… là Abhaya, không khiếp sợ, không thuần túy là sự can đảm bề ngoài, mà còn là sự vắng bóng sự khiếp sợ trong tâm”.

 

Sự can đảm có thể là một món quà, nhưng có lẽ còn quý giá hơn nếu can đảm được khơi lên từ sự nỗ lực, thứ can đảm đến từ việc gieo trồng thói quen không để sự khiếp sợ kiểm soát hành vi của mình, thứ can đảm có thể được miêu tả bằng “tự tại trước áp lực” – sự tự tại được làm mới liên tục ngay khi đối mặt với những áp lực căng thẳng và dai dẳng.

 

Trong một hệ thống chính trị luôn chối bỏ sự tồn tại của các quyền con người cơ bản, sự khiếp sợ có vẻ như là thuộc tính nổi bật. Sợ tù đày, sợ tra tấn, sợ cái chết, sợ bị mất đi những bạn bè, gia đình, tài sản hay phương tiện sống, sợ đói nghèo, cô lập, trước thất bại. Hình thức quỷ quyệt nhất của sự khiếp sợ là hình thức ngụy trang dưới mặt nạ common sense (lẽ thường) hoặc thậm chí là sự thông thái, kết án những hành vi can đảm bé nhỏ thường nhật – những hành vi giúp bảo toàn niềm tự trọng và phẩm giá ẩn chứa trong mỗi con người – là [những hành vi] ngu ngốc, khinh suất, không đáng giá hoặc vô ích. Không dễ dàng để quần chúng đang khiếp sợ dưới sự cai trị hà khắc hiểu rằng họ có thể tự giải thoát mình khỏi bầu khí độc của sự khiếp sợ hãi đang làm họ kiệt sức. Ấy thế mà ngay cả khi dưới sự đàn áp của những bộ máy cai trị hà khắc nhất, tinh thần can đảm vẫn trỗi dậy hết lần này qua lần khác, vì sự khiếp sợ không phải là trạng thái tinh thần tự nhiên của một người văn minh.

 

Suối nguồn của lòng can đảm và sự vững vàng trước bạo quyền vô hạn độ thường là lòng tin son sắt vào các giá trị đạo đức thiêng liêng kết hợp với sự hiểu biết lịch sử rằng dù cho mọi khó khăn, lịch sử loài người được đặt trên một lộ trình duy nhất là sự tiến bộ cả về tinh thần lẫn vật chất. Chính khả năng tự cải biến và sửa sai là yếu tố quan trọng nhất phân biệt con người với con vật. Cội rễ của trách nhiệm người là khái niệm hoàn mỹ, sự khao khát đạt được nó, sự thông tuệ để tìm đường đến với nó, và sự sẵn lòng đi theo con đường đó cho tới đích cuối cùng, hoặc ít ra cũng đi được khoảng cách cần thiết để vượt lên trên các giới hạn cá nhân và các trở ngại của môi trường. Chính viễn kiến của con người về thế giới tương thích với nhân tính duy lý và văn minh đã dẫn chúng ta đến chỗ dám chịu đựng mất mát để xây dựng các xã hội tự do khỏi đói nghèo và khiếp sợ. Các khái niệm như sự thực, công lý và lòng trắc ẩn không thể bị loại trừ vì lặp đi lặp lại quá nhiều trong khi chúng thường là những bức tường thành duy nhất hiên ngang chống lại bạo quyền.

 

Tiểu Luận “Tự do khỏi nỗi khiếp sợ” của Aung San Suu Kyi lần đầu được phổ biến để xuất bản với mục đích kỷ niệm Giải Thưởng Sakharov vì Tự Do Tư Tưởng mà Nghị Viện Âu Châu trao tặng. Lễ trao giải diễn ra tại Strasbourg vào ngày 10 tháng Sáu 1991 mà không có sự hiện diện của bà.

Viết một bình luận