Có lẽ không nhiều bạn bè trên mạng biết tôi là dân thiết kế xây dựng, từ chi tiết kiến trúc cho tới kết cấu dự toán đều đã làm qua. Và càng không nhiều người trong giới “xây chùa” biết tôi có trang bị những kiến thức gì. Hồi thời còn làm freelance ở VN, tuy có bằng KTS nhưng kiếm tiền chủ yếu bằng cách “bốc khái toán” không theo một chương trình dự toán hay định mức xây dựng nào. Cứ mở Exel lên là làm, dùng kinh nghiệm là chính, đến nổi chỉ cần liếc mắt qua một công trình nào là có thể nói ra chính xác hơn 90% giá trị xây dựng của nó, ngoài ra còn biết có bao nhiêu khoản lời và chủ yếu nằm trong hạng mục nào. Là KTS nhưng tôi chẳng bao giờ mơ tưởng tới chuyện ngồi gác chân lên bàn với ly café mơ mộng theo ý tưởng, tôi luôn trang bị các kiến thức và kinh nghiệm cho một Giám Đốc của một cty TKXD tương lai. Cho tới lúc tôi theo các “đạo hữu” đi tu tập ở các ngôi chùa – đa số là thường xuyên được “tu sửa” – nghe các con số và nhìn các hạng mục sẽ làm, tôi muốn quên luôn các kiến thức kinh nghiệm cho rồi – vì đau lòng quá.
Dạo mới tập tành làm dự toán, được các đàn anh “lựu đạn” hướng dẫn, tôi cũng có kinh qua 2 công trình chùa xây mới và 1 cải tạo – phải nói là làm xong thì tôi trở nên mặt dầy ra với một đống kinh nghiệm. Tôi chẳng cần nói ra cách làm và tại sao, chỉ ngắn gọn rằng: cầu đường ở VN bị ăn xén 50-70%, cũng không lời bằng việc nhận thi công xây chùa! Chỉ vì một lý do: tiền chùa, tiền công quả mà! Vả lại “kinh doanh chùa” là siêu lợi nhuận, được ký duyệt cho lập chùa còn sướng hơn là được mở công ty liên doanh nước ngoài nữa, chẳng ai quan tâm tới chuyện xây dựng tốn kém và lãng phí ra sao. Các ông thợ thì cứ nghĩ là mình làm “cho chùa” nên hết sức làm, các ông cai cũng chỉ làm theo ý xếp, các thầy chẳng biết tí gì và cũng chẳng quan tâm. KTS, KS và ông thầu cứ vẽ vời còn tiền thì thầy cứ chi rồi ghi lại, càng nhiều càng oai mà! Tôi cũng từng làm “giám sát bất đắc dĩ” một ngôi chùa đang mới rộng thêm một công trình phụ, cũng đôi lần trộm mắt nhìn bản vẽ kết cấu và…hỡi ơi luôn về sự lãng phí trong tính toán sắt thép. Dĩ nhiên khi xây chẳng ông thầu nào làm như thế, còn đại chúng thì luôn nghĩ rằng Thầy là sáng suốt và, chẳng lẽ thầy lại đút túi riêng hay ăn bớt vật tư? Kết quả là chúng ta sẽ nghe những cái chùa được xây với giá khủng, chỉ riêng cái cổng thôi cũng mắc hơn cả một cái nhà dân bình thường! Người ta nghĩ xây chùa là hùn phước, nhưng có ai biết 3/4 tiền ấy đã rơi vào tay những ông thầu, họ tiêu tiền ấy theo cách nào thì nghiệp cũng được trả đủ lại cho người cúng! 1/4 số phước ấy còn tùy thuộc và chuyện các thầy tu tập và giáo hóa ra sao, nhưng nhìn vào tình trạng PG hiện nay thì sự lạc quan cũng không còn nhiều. Cúng cho Phật thì theo Phật, cúng cho Ma thì theo Ma thôi.
Tôi từng nghe ai đó phán rằng: mái chùa đại diện cho văn hóa một vùng, cho nên cần phải xây dựng cho khang trang, cho “nở mày nở mặt” người dân – dù có nhịn ăn cũng được. Điều này nghe hơi lạ tai, vì tôi được biết rằng mái Đình mới chính là văn hóa dân tộc, còn chùa chỉ là chổ dựa tâm linh, của một trong 3 đạo Lão, Nho và Phật. Bây giờ ta giã sử điều ấy đúng, người dân ta xem chùa là nơi giữ gìn văn hóa dân tộc, vậy xin hãy trả lời: vậy đó là dân tộc nào thế? Nếu nói là dân tộc Kinh, người Việt Nam thì, chứng minh đi: trong chùa có chổ nào là dân tộc Kinh? Ông Phật Thích Ca trong chùa dĩ nhiên là mang quốc tịch Ấn, ngoài ra có túa xua tá lả ông khác mang đủ thứ tên Tàu Tạng – có ông còn mang tên họ Tàu rành rành, nghe đâu người ta còn đào được xương sọ của ổng bên Tàu để xác minh nguồn gốc. Chỉ có 2 ông mang tên Việt mà tôi biết là Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Phật Thầy Tây An, nhưng hai ông này là tự phong Phật chứ chả có cái biểu hiện nào là Phật cả. Vào chùa thấy toàn là chữ Hán-Nôm, tôi là người Việt mà cứ tưởng mình là người xứ khác vì tôi nhìn chữ mà chữ nó chả thèm liếc tôi! Kinh tụng ê a, nghe ra cũng chẳng phải là tiếng Việt – mà là chữ Phạn gì đó (tụng đúng tiếng thì Phật mới hiểu chứ Phật không có học ngoại ngữ). Pháp danh các sư trong chùa cũng lạ, xuất gia là đổi họ sang họ…Tàu, hoặc họ Phạn gì đó, kể cả cái kiến trúc cũng lai căng: không Miên thì Tàu. Hai con lân trước chùa đố vị nào xác định giống cái hay đực, mà giống Sư Tử này ở VN cũng đâu có! Hoa văn rồng phụng trên nóc chả rõ là của thời nào ở VN, rồng Lê lai rồng Lý lộn rồng Trần, đầu Tàu đít Việt! Hóa ra chúng ta đang cùng nhau bảo vệ văn hóa “ngoại xâm” – tôi cũng bắt chước các nhà Giáo Dục tránh dùng chữ “giặc Tàu”.
Bây giờ bàn đến một lời biện hộ khác “chùa lớn để có chỗ cho tăng ni tu học, cho Phật tử đến nghe giảng và khách quan đến thăm viếng, nên phải…làm to đẹp!”. Tôi tự hỏi, để cho tăng ni tu học thì chỉ cần một cái nhà nhỏ là đủ cho dân số cả chùa ở rồi. Chẳng lẽ sinh viên ở trọ 3-5 người trong một phòng 10m vuông được, còn các thầy cảm thấy chật chội hay sao? Còn về chuyện đi hội thì tôi từng có duyên đến những ngôi chùa lớn như Đại Tòng Lâm ở Vũng Tàu, Ấn Quang và Từ Tân ở SG trong những ngày có giảng sư đến. Phải nói là đông nghẹt chen chúc nhau, dù chùa rất rộng lớn hai ba tầng lầu nhưng người ta ngồi chật cứng hết. Nhưng chỉ có lúc giảng mới đông đúc, lúc dạy thiền là tự nhiên người ta trốn gần hết, ngồi theo hàng thưa thớt không đầy nửa giảng đường. Có lẽ người ta thích nhìn mặt ông thầy hơn là nghe giãng, bởi vì nếu chỉ nghe thôi thì sau đó thỉnh băng giãng về nhà tự nghe, thời nay thầy nào giảng mà chả thu băng, tối thiểu cũng có cả đống máy thu âm để trên bàn. Tôi từng tham gia phục vụ cho gần 10.000 lượt khách lên chùa nghe giãng, chỉ cần mái tôn và tấm trãi nylon là dư sức tiện nghi, nếu đông quá thì ngồi dưới gốc cây. Chuyện kiến trúc che chắn cho một giãng đường – nếu cần thiết – thì cũng rất đơn giãn và nhanh gọn rẽ tiền, cần gì phải xây chùa to lớn với giá 50tr/m2? Điều cuối cùng người ta còn bám víu là, xây một cảnh chùa đẹp để cho khách thập phương đến tham quan. Tôi cũng từng đóng vai một dạng “khách tham quan” nhưng vào chùa là bị soi ngay từ cổng. Chỉ có 2 dạng khách tới chùa: phật tử tới cúng bái cầu xin và một dạng khác tới để…phá, nhìn tôi giống thứ hai hơn – dù lúc đó tôi đã thuần thục tỉnh giác và đã nhập định được, nhưng vẫn bị…cảnh giác. Hình như những người đi chùa như tôi đã bị tiệt chủng lâu rồi, nhìn giống ngoài hành tinh khác tới. Xây chùa đẹp, nấu ăn cho ngon là để người ta cúng dường nhiều hơn (cho đáng tiền) mà thôi, chứ cái thực chất bên trong đã rỗng mất từ lâu: tới chùa là để thiện hơn, bớt tham sân si, lắng tâm và quay đầu theo nẻo sáng,..hay là để ăn no lạy lục cầu xin? Về mặt này thì chùa cao Phật to có giúp được gì? Cái cần thiết là trong chùa phải có các sư tu hành chân chính có kết quả, có trí tuệ,…dường như càng khó hơn khi ở một nơi quá tiện nghi như thế.
Tôi từng ở sát vách một ngôi chùa nền cao 1.5m, mùa mưa nước cống dâng lên trôi vào nhà, cuốn hết giường chiếu của tôi cùng với rác rến của chùa tràn sang. Mùa nắng các thầy trốn trong phòng máy lạnh, xả hơi nóng sang hàng xóm mái tôn hơn 40 độ! Mỗi sáng sớm 4giờ là chùa dóng trống đánh chuông, ngày nào tụng Pháo Hoa thì cứ như là ở sát bên xưởng cưa hay là cả chục tổ ong, ồn không chịu nổi. Điều nực cười là hàng xóm chung quanh đã theo đạo Chúa gần hết, chùa sống sung túc nhờ tiền viện trợ từ các PT Việt kiều, còn cho tiền sư phụ đi du lịch sang Mỹ nữa! Sau hơn 3 năm sống náu mình dưới cái rìa mái chùa, tôi tu tập thiền định và tìm hiểu về PG với tốc độ bị rượt đuổi còn các thầy trong chùa tinh tấn thế nào? Cái ổ chuột của tôi là nơi vừa tu tập, nghe và giãng Pháp (cho vài bạn cũng thường đến “đàm đạo”, nói trắng ra là tán phét) và cũng là nơi rất nhiều người đến thăm viếng mang về những kỹ niệm đẹp. Chùa cao tường dầy, cửa sổ nhiều lớp, làm sao mà nghe được những tiếng kêu khổ của chúng sinh. Khuya tôi ngồi thiền không hề tĩnh lặng, khi tâm định thì tai cũng thính hơn, hằng hà sa số những nỗi lo toan đau khổ của con người kéo tới, lẫn những tiếng chó mèo côn trùng lao xao đời sống của chúng, rồi kể cả những tiếng động vô thanh từ những cõi khác vang lên từ nội tâm. Phật đang ở ngoài chùa, nơi biết bao đau khổ bất công hiển hiện ra rõ ràng trong cõi giới thật và ảo tưởng của tâm, nơi ấy mới cần sự từ bi và trí tuệ. Phật đã bỏ cung vàng điện ngọc để tìm lối thoát cho chúng sinh, thì cớ gì Ngài lại chịu ngồi yên trên bệ cao, trong ngôi chùa tù túng ngột ngạt để người ta sơn son thếp vàng lên mặt rồi quỳ lạy cầu xin? Chùa kiên cố chỉ là nơi giam giữ các tăng ni và Phật tử cộng nghiệp ít duyên, là nơi đầy tham sân si và u ám của ma chướng vô minh. Phật chưa từng ở trong chùa.
Để kết thúc bài này, tôi cũng muốn công bằng mà nói rằng cái sở thích chùa to Phật lớn không riêng gì ở Tịnh Độ tông, mà ở Nguyên Thủy lẫn Mật Tông đều cũng có xu hướng đó. Chỉ tại Phật giáo biến chất thôi, chứ tôi đã từng tới một chùa trên núi Cấm, sống 1 tuần với một sư ông tu Tịnh Độ ở một mình trong một cái nhà sàn ọp ẹp gọi là chùa – trong khi cách đó vài cây số là đỉnh núi với các chùa to đông khách và tượng Phật Di Lặc “cao nhất ĐNÁ”. Tuy nghèo chẳng có gì nhiều nhưng sư ông vẫn có thể cho tôi ăn chay lạt và ngủ trong chùa. Cúng dường sư 100k thì ông mua thêm mùng mền và võng để những người khách đến sau có xài, giữ tiền cũng chẳng để làm gì, Giáo Hội cử một thầy sadi tới làm thị giả cho ông lúc tuổi già, lo cơm nước đầy đủ. Người như ông dư sức có chùa lớn, cán bộ thời chiến được ông nuôi và giáo hóa kể cũng nhiều, nếu ông ra giành công cũng phải lên hàng chức cao cấp lắm trong Giáo Hội- nhưng hạnh “biết đủ” khiến ông vừa lòng với một ngôi nhà sàn ván nóc tôn. Cúng dường nhiều hơn ông không nhận, bảo mang ra bệnh viện mà mua chiếu cơm cho người ta – và cũng chẳng hề bảo rằng như thế là làm phước. Ông dạy rằng cái ổ ván kia là chùa giả, ông đi thì nó cũng sập, xây thêm làm gì – cái cần xây là “chùa thật” có “Phật thật”, đó mới là nhiệm vụ của “chiến sỹ hòa bình”. Ở chùa đó ăn mì chay (tự mang lên) uống nước suối đục ngầu, tối bị muỗi rừng cắn, nhưng với tôi thì bấy nhiêu đủ là “cõi Phật” rồi. Một kẻ có xu hướng ăn cơm thừa mặc áo cũ, ngủ chiếu đất như tôi khó có cảm giác an tâm trong các ngôi chùa bạc chục tỉ – dù tôi cũng khá nhiều lần qua đêm trong các loại chánh điện như thế. Hãy nhìn những phế tích của Phật giáo một thời vàng son, chúng từng được xây như sẽ chẳng bao giờ bị hủy hoại, nhưng vẫn chịu quy luật của Vô Thường. Xây “chùa thật” tức là xây dựng con người, có đầy đủ Phật tánhs. Với tôi thì Phật tánh-sờ (thêm chữ “s” mang ý nghĩa số nhiều, danh từ đếm được chứ không phải trừu tượng như Thiền Tông) đơn giãn là những đức tánh giác ngộ: Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Mãnh. Tôi không lý giải Phật tánh như kiểu một “tánh giác có sẵn” hay “mầm giác ngộ” vì đó chỉ là niềm tin. Bi-Trí-Dũng phải tu tập mới có, một ngôi “chùa thật” phải xây dựng rất kỳ công cực khổ mới tạo được – nhưng chẳng tốn kém bao nhiêu tiền. Ước gì các tăng ni cũng suy nghĩ được như vị hòa thượng Tịnh Độ nọ.
Một bài viết rất thật thể hiện sự từng trải hiểu biết và rất tâm linh đối với tôi nó quá hay !