Nếu nói sữa rẽ hơn nước, có lẽ nhiều người không tin. Tôi đang sống ở nơi mà 3l sữa rẽ hơn 600ml nứơc.
Ở đây, bạn có thể uống sữa tuỳ thích, uống tới khi nào mập lên thì sợ nghĩ uống luôn. Uống cho bõ những ngày thiếu sữa, thiếu ăn.
Cầm một chai sữa 3l lên, tôi tự hỏi “3l sữa này so với 3 ngụm sữa đầu tiên lúc chào đời, cái nào quý hơn ?”.
Khi một đứa bé sinh ra, người ta đặt nó kề bên mẹ, theo phản xạ tự nhiên nó biết cách để được sống còn – bú sữa mẹ. Nếu không được, nó sẽ la lên, nó sẽ vùng vẫy và sẽ chết nếu như thiếu những giọt sữa đầu tiên ấy. Người ta không thể cho trẻ mới sanh ăn…cơm !
Khi nó bú no, nó cười và ngủ như một thiên thần, điều ấy làm cho cha mẹ bằng bất cứ giá nào cũng phải thương yêu con mình.
Bé cần sữa ít nhất là 1 năm, cho tới khi nó biết ăn. Và cho đến lúc trưởng thành thì cha mẹ vẫn phải nuôi nó hàng ngày.
Đến một khi nó biết làm ra tiền, mua 1 chai sữa 3 lít và có quyền uống hay …đổ bỏ. 3 lít sữa hay 3 triệu lít sữa thì cũng không khác gì nhau, chỉ khác là dùng để uống hay…tắm.
Thế nhưng nếu đứa trẻ mới sanh mà một ngày không có sữa mẹ, dù chỉ vài ngụm, là cả một mạng sống.
Một người mới biết Phật pháp, mới Quy Y cũng như một đứa trẻ mới được sanh trong Phật Pháp. Cũng vì vậy mà mới có cái thuật ngữ “re-birth”, tức là được sanh một lần nữa.
Thời nay, ai đó có thể biết Phật pháp rất lâu trước khi quyết định quy y. Nên lấy cái mốc Quy Y mà bảo rằng “re-birth” thì đã là quá trễ. Nhưng cũng có người Quy Y một thời gian dài sau đó mới hiểu Phật Pháp.
Trung bình mà nói thì 1 người Quy y Tam Bảo thì cũng là lúc anh ta phát tâm Bồ Đề, vững bước trên con đường Chánh Pháp, không biết bao lâu thì thành tựu nhưng chắc chắn sẽ có ngày ấy.
Thế nhưng lúc vừa Quy y xong thì anh ta cũng chỉ mới có một Đạo Tâm yếu ớt như đứa trẻ mới sanh, anh ta được đặt một cái tên mới, Pháp Danh. Anh ta chưa được nghe thuyết pháp hay thực hành tu tập nhiều. Anh ta chỉ mới vừa phát tâm Bồ Đề thôi, và tâm ấy có thể vụt tắt trước những trở ngại của cuộc đời hay Đạo pháp, có thể vụt tắt không lâu sau đó.
Tại sao người ta nâng niu đứa bé, dành cho nó những gì tốt đẹp nhất, từ món ăn cho đến tình thương? Bởi vì nó mong manh dễ chết, dễ mất, vì nó yếu ớt nên cần phải đặt lên hàng ưu tiên cao nhất. Trong nhà thì đứa nhỏ nhất bao giờ cũng được cưng nhất và dành cho những món ăn ngon nhất. Còn mấy đứa lớn thì không cần lo nhiều nó vẫn sống nhăn !
Những người mới đến với Phật pháp cũng mong manh yếu đuối như đứa bé, chỉ một cơn gió cũng có thể giết chết chút Đạo pháp vừa nhen nhúm trong họ. Chỉ một lời nói nặng của huynh đệ, một tiếng rầy la của Thầy cũng làm họ giận dỗi. Chỉ cần thấy vài điều sơ hở nhỏ của vài vị Tăng là họ mất lòng tin với cả Đạo Phật. Chỉ vì miếng ăn và việc làm khó khăn, họ cũng dễ dàng lung lay trước sự cám dỗ kinh tế của tôn giáo khác. Chính vì vậy, những người mới hiểu Đạo là những người cần được ưu tiên nhiều nhất, cần được quan tâm thương yêu nhiều nhất.
Còn những Phật tử thuần thành, lâu năm, họ đã vững vàng trong Chánh pháp, khó có thể đánh mất lòng tin vào Đạo pháp, vẫn điềm tĩnh trước những chuyện tưởng chừng như “động trời”.
Vì vậy, phải chăm sóc Phật tử mới, như chăm sóc một đứa trẻ mới sanh, với tất cả sự quan tâm và ưu tiên cao nhất. Có những điều tốt đẹp nhưng với những PT lâu năm chỉ là 3 lít sữa, nhưng với PT mới quy y lại là 3 ngụm sữa đầu tiên !
-Chúng ta phải dành cho các Phật tử mới tình thương yêu sâu đậm nhất, xem họ như là anh em ruột thịt, nhường nhịn từ lời nói cho đến cử chỉ phải thể hiện ra sự trân trọng hết mực.
Phải làm sao cho họ thấy rằng, họ là quan trọng nhất, là út cưng trong gia đình Phật pháp. Nếu có sai lầm nhỏ cũng nên bỏ qua, vì họ chưa biết nhiều. Nếu có chuyện gì giữa Phật tử lâu năm và Phật tử mới, thì Phật tử lâu năm nên nhận lỗi, vì họ là anh lớn trong gia đình.
-Phải chăm sóc từng giờ từng ngày, như trông trẻ. Bằng cách này hay cách khác, luôn nhắc họ nhớ Phật pháp, luôn đến thăm hỏi và khuyến tấn tu tập. Bởi vì buông lơi ra là họ sẽ không thể trụ vững được, Đạo tâm họ còn yếu. Phải luôn luôn nhớ đến Phật tử mới trước tiên, hàng tuần hàng tháng đến ngày Rằm hay ngày Chay phải đến thăm hỏi và nhắc nhở trong tình đoàn kết thương yêu (chứ không phải đến nhắc như một người….công an hay anh cả lên mặt dạy đời).
-Phải dành cho họ những gì tốt đẹp nhất. Khi nghe thuyết Pháp thì nên dành cho họ hàng ghế đầu gần Thầy nhất, khi thọ thực thì nên nhường mời họ vào trước, khi tụng kinh niệm Phật thì cũng nên cho họ gần Thầy gần micro để họ được cơ hội tu tập nhiều hơn. Khi Thầy giao việc thì nên để dành việc nhẹ dễ làm mà nhiều Phước cho họ.
Những Phật tử lâu năm chỉ nên là những người đứng sau, lãnh việc khó khăn nặng nhọc nhất.
-Phải hỗ trợ kinh tế cho người mới vào Đạo với tất cả những gì có thể. Tiền thay vì cúng để xây chùa cao đẹp thì nên dành ra phần lớn hỗ trợ ngay cho Phật tử mới gặp khó khăn, chùa xây sau cũng được. Bởi vì chùa là ngọn mà Phật tử mới là gốc của Phật Pháp. Chúng ta cần chi những ngôi chùa khang trang to đẹp, trên một mảnh đất mà người dân đã bỏ theo đạo khác hết chỉ vì kinh tế khó khăn ? Còn nếu toàn bộ dân trong vùng ấy đều theo Phật, đều kinh tế vững mạnh, thì lo gì không xây được chùa ?
-Phải hỗ trợ nhau, giúp nhau làm kinh tế. Phải dành việc làm cho Phật tử mới, hỗ trợ họ công nghệ, cách thức làm ăn sinh sống, tạo ra những hội nghề hay những tổ chức nhỏ cùng đoàn kết với nhau mà làm kinh tế. Một đạo Phật mạnh mẽ không chỉ vì Tăng Ni tu hành chân chính đắc đạo, mà còn bởi vì có một số lượng lớn Phật tử vững mạnh hỗ trợ. Nếu toàn bộ Phật tử giàu mạnh, đạo tâm vững chắc thì lúc ấy Phật pháp mới mong trường tồn.
Hãy hình dung Đạo Phật như một kim tự tháp.
Trên đỉnh cao nhất là viên kim cương toả sáng của Đức Phật. Thấp hơn tí là các vị Đại Đệ Tử, các vị Alahán. Rồi thấp hơn nữa là các Vị Tổ của Tông, Tổ của Phái,…
Phần giữa là các vị Hoà Thượng, Tôn Túc lớn của Phật Giáo, rồi các Thầy thấp hơn.
Phần đế rộng lớn của KTT là các Phật tử từ lâu năm cho đến phần thấp nhất là các Phật tử mới vào Đạo.
Muốn xây dựng một Phật Giáo mạnh mẽ vững bền, thì ta phải bắt đầu từ đâu ?
Muốn KTT càng to lớn, càng vươn cao thì phần đế thấp nhất phải rộng lớn và vững chãi nhất. Muốn giáo lý sáng ngời của Đức Phật được đưa lên cao nhất thì phải có nhiều người biết đến Ngài nhất, bởi vì chính Phật tử mới là nền tãng. Thiếu cái nền ấy thì KTT chỉ là cái tháp bé tí. Và cái nền tãng ấy không vững bền thì KTT cũng không thể tồn tại lâu.
Nhiều trăm năm qua chúng ta chỉ chú tâm xây dựng phần giữa trên của KTT Phật Pháp, mà quên mất phần chân đế. Ai cũng nghĩ cúng dường Phật-Pháp-Tăng là phước báu vô lượng, nên cứ có tiền là mang lên chùa cúng. Còn Phật tử thì không ai quan tâm, có cũng được mà không cũng đâu có sao, mọi thứ là….không mà !
Hãy tưởng tượng có một vật thể mà phần trên phình to ra, còn chân đế rất nhỏ, liệu nó có bền vững chăng, hay nó đang sụp xuống dần dần ?
Xưa nay chỉ có chuyện Phật tử cúng dường cho Thầy, hiếm có chuyện Thầy cúng dường Phật tử. Tài vật cúng dường dành để xây cảnh chùa, để ấn tống kinh sách, để đào tạo Tăng Sinh, để phóng sanh,…chứ ít có khi nào để hỗ trợ Phật tử mới vào cửa Chùa. Thế nên có biết bao công trình Phật giáo rất đẹp trên TG, mà ngày nay nằm trong những nước không phải là Phật Giáo !
Cũng như hạt mầm, nó cần nhiều nước để nở ra và lớn lên thành cây. Chúng ta không thể trồng một rừng xoài trĩu quả khi mà chỉ chờ đến khi nó ra hoa kết trái rồi mới tưới nước. Nó sẽ chết hết trước khi thành cây, chỉ vì thiếu nước.
Phật giáo đã, đang và sẽ chết non, chỉ vì ta không biết chăm sóc những hạt giống, nền tãng của Phật pháp – Phật tử mới – mà chỉ lo tìm phước báu bằng việc cúng đường Tam Bảo.
Để kết thúc vấn đề, tôi thiết tha mong Chư Tăng hãy thay đổi cách giáo hoá, thay đổi quan điểm về Phước Báu. Chư Tăng Ni nên chỉ rõ cho Phật tử thấy rằng việc cúng dường cho một hạt mầm Phật pháp có giá trị phước báu hơn nhiều lần việc cúng dường một cội Pháp sẵn có. Điều này có thể rất khó vì nó đi ngược lại những gì chúng ta quan niệm bấy lâu, và cũng làm tổn hại đến quyền lợi của Tam Bảo.
Nhưng tôi tin rằng các Chư Tăng Ni là những bậc chân tu, biết cân nhắc thiệt hơn để nhường tài vật và tình thương cho những Phật tử mới. Họ tuy mới mẽ và nhỏ bé trong Phật pháp, nhưng họ mang trong tâm hạt giống Bồ Đề Giác Ngộ. Ngày hôm nay, chỉ mới là hạt mầm, mai sau sẽ là những cội cây cổ thụ trong Phật Pháp.
Thay vì tiền Phật tử cúng dường Thầy để xây chùa, thì Thầy nên trích ra phần lớn để hỗ trợ Phật tử mới vào Đạo, mới vừa quy y. Thay vì đổ hết tài vật cúng dường Tam Bảo, Phật tử giàu nên san sẽ cúng dường cho Phật tử mới vào đạo, cần trợ giúp kinh tế.
Bằng cách này, mới mong Phật giáo phát triển vững bền và đủ sức tồn tại trước cơn lốc truyền đạo cũng những tôn giáo khác. Sữa thì quý hơn nước, nhưng không có nước thì lấy đâu ra sữa ?
(Post lại bài viết 2 năm về trước, hùi đó chưa học sustainable design mà đã nghĩ về một “đạo Phật vũng bền”)
April 23, 2011 at 10:23pm