Cúng nhường

Cúng dường là gì? Có phải là cúng…cái giường cho người ta nằm?

Vì tôi ra sức thuyết phục mọi người phải sáng suốt khi cúng dường, tôi gặp ngay những câu truy vấn “cúng dường thế nào cho đúng?”. Đơn giản thì chỉ cần copy-paste mấy bài giảng của các thầy, nhưng tôi lại thấy trong ấy thiếu phần thực hành, thiếu cái chất “thật” mà chỉ những người đã làm nhiều lần mới có thể viết ra. Tôi, ở một khía cạnh khác, là người có nhiệm vụ cúng dường, chứ không phải ở bên nhận cúng dường.

Hơn nữa, tôi không có cái “chính danh” để “dạy” ai đó phải “làm sao cho đúng”. Tôi chỉ cóp nhặt và nêu lên suy nghĩ, sau đó đề ra cách làm cho bản thân. Còn ai đó đọc thì nên suy nghĩ nhiều hơn nữa.

 Không phải ngẫu nhiên mà 2 chữ Bố Thí- Cúng Dường thường đi đôi với nhau. Thực ra nghĩa của chúng là như nhau, chỉ vì “bố thí” mang cái ý là cho kẻ dưới, còn “cúng dường” là cho kẻ “trên”.

Kinh Nikaya cũng có đoạn mô tả đoàn Tỳ-kheo vào thành, dân chúng cúng dường thực phẩm mỗi sáng và sau An Cư Kiết Hạ cúng dâng y. Thực ra kinh Veda cũng đề cao cái Phước cúng nuôi một bậc Bà la môn, hay những “khuất sĩ” tức là những kẻ tu hành lang thang…xin ăn! Theo logic mà nói thì Đức Phật chẳng cần phải ra sức dạy người dân phải “cúng dường” cho tăng đoàn, vì đó là truyền thống ở xứ ấy thời ấy. Mà Đức Phật còn phải chế ra luật rất chặt chẽ về những gì mà một tỳ kheo được nhận, bao nhiu và như thế nào (ai quan tâm có thể giở Luật tạng và Nikaya ra xem). Nên, không thể nói rằng Đức Phật dạy cư sỹ (tu tại gia – sau này gọi là Phật tử theo tiếng Hán) cúng dường chư tăng. Chỉ là vì ở TQ hay Á Đông (Hàn, Việt, Nhật,..) chưa có truyền thống ấy, nên nếu một tu sỹ muốn tu ở Á Đông thì chẳng ai cho gì ăn mỗi sáng cả. Hoặc người ấy phải tự làm mà ăn, hoặc người ấy phải ra sức dạy như thế nào ấy để người ấy có thể vẫn đủ ăn để mà tu tập rồi giáo hóa lại người dân.

 Thoạt đầu, điều ấy rất đúng với tinh thần Phật pháp. Người tu chỉ chuyên tu để giác ngộ, rồi dạy lại người khác làm những điều thiện. Những người được nhận những điều tốt đẹp ấy cũng nên trả ơn vị thầy bằng cách giúp ông ta có chút phương tiện sống: ăn, ở, mặc,…Chiếu theo luật Nhân quả thì điều này rất hay. Tạo duyên để những người khác tu tập đắc đạo thì mình cũng sẽ được người khác hỗ trợ để có ngày cũng được tu tập giác ngộ. Nhờ vậy mà Phật pháp ngày càng lớn mạnh và mang tên Maha-yana tức là Cỗ Xe Lớn, chỡ được nhiều người ở Á Đông.

 Rồi sau đó, vì nhu cầu (cái muốn) mở mang chùa chiền để làm lớn mạnh Phật pháp, tạo điều kiện để cho nhiều người đến tu học. Mà xuất hiện nhiều giáo lý mới, gọi là những bài “kinh” kêu gọi mọi người cúng dường.

Thật không phải dễ khi xin ai một đồng, ai có từng đi xin thì biết. Vậy thì làm sao để người ta vui vẻ cho tiền, để rồi góp lại làm những điều tốt lớn? Thế nên mới có chuyện “công đức cúng dường”, ý tưởng này đã có trong kinh Veda nên người ta nói Maha-yana là một biến thể của đạo Bà-la-môn.

Bắt đầu từ một niệm muốn, sinh ra hàng loạt chuyện sau này. Thế là chuyện “mua bán” bắt đầu nãy sinh. Cư sỹ mang tiền đến chùa để đổi lấy cái gì đó mang về, Tăng sĩ nhận cúng dường cũng phải đổi lại bằng các nhiệm vụ mới như: cầu siêu, trợ niệm, chúc phúc, giãng pháp, đọc kinh,…

Ban đầu thì những điều này vẫn còn tốt đẹp, nhưng nó đã trở thành mầm mống và kẻ hở cho cái xấu leo thang.

 Theo ý tôi, gọi cúng-dường là sai vì chữ “dường” không có nghĩa, nên gọi là cúng-nhường thì đúng hơn, vì là nhường cái phần mình có cho người khác.

 Có rất nhiều ngôi chùa được xây lên trong lịch sữ. Hầu hết đều rất sang trọng và to đẹp so với mức độ kiến trúc đương thời. Phần lớn do vua hay quan xây, còn lại là do các nhà giàu góp tiền xây nên. Những ngôi chùa mới xây hiện nay cũng rất to đẹp và bền chắc. To để chứa được nhiều người, đẹp để thu hút và bền để tồn tại lâu dài. Trong khi, nhà dân ở thì chỉ nhỏ, xấu và tạm bợ. Để có chùa thì cần tiền và vật dụng, thế là ra sức quyên góp cúng dường.

 Ngày nay, khi tới chùa là nghe các thầy vạch ra kế hoạch nâng cấp chùa, xây cổng tam quan hay xây tháp cho” bằng anh bằng chị” rồi ra sức giảng về công đức xây chùa đúc tượng. nếu xây chùa mà trong ấy có những thầy tu tinh tấn, thì cái nóp lá cũng gọi là chùa. Nếu chùa tốt độ được nhiều người trở nên tốt, và chùa này tồn tại lâu dài, an toàn, thì xây chùa quả là có Phước, nên làm.

 Chùa dù to dù chắc, rồi cũng sập. Tượng mỗi nơi một khác vì chẳng ai biết ông Phật mặt mũi ra sao. Thử hỏi, Phật có đòi đúc tượng mình, có đòi ở chùa nguy nga? Đức Phật từ bỏ cung điện còn to lớn sang trọng hơn, để đi vào…cái hốc tối om gọi là chùa ấy sao? Không !

 Đức Phật dạy gì khi để cho một người san sớt cho mình phần ăn? Rằng chúng ta nên nhường bớt những thứ đang có cho những người đang cần, cụ thể lúc ấy là một tỳ kheo đang đói (mà tỳ kheo này không có cách nào để làm kiếm ăn)

Bằng hành động san sẻ (nhường) ấy, ta tu tập tâm từ bi, còn tỳ kheo tập hạnh khiêm hạ vì phải trở nên thấp hơn người cho mình thức ăn, là người “nhận” cái ơn bố thí của người khác. Chứ không phải cho một vị Alahán 1 bát cơm là phước báu lên…tới cõi trời!

 Vậy cúng nhường thế nào?

Có lần ace chúng tôi lên núi thăm một thầy tu hạnh Đầu Đà độc cư. Ace chúng tôi góp mỗi người vài chục k gọi là cúng chùa, vì cái đó chỉ như cái nhà sàn bằng gỗ, mà chứa chúng tôi ngủ tới 3 đêm khỏi bị sương núi.

Vừa nhận tiền xong, có một người bán võng chiếu gánh lên, thầy mua hết tiền lun, bảo rằng để lần sau Phật tử lên chùa có xài.

Rồi thầy dạy chúng tôi cúng nhường, nhưng không phài cho chùa, mà là đến các bệnh viện, mua cơm mua chăn chiếu cho những người đang cần, đang đau khổ ở đó. Thầy dặn rất kỹ “cho người ta rồi mình còn phải cảm ơn họ nữa vì họ vừa dạy cho mình một bài học từ bi”

Thầy đã tới tuổi teen… í lộn tuổi tiên (85), chùa thầy như cái nhà nát. Thầy cũng không có ai để mà cho, thầy đi rồi thì cái chùa ấy cũng ra tro bụi, vì cái quan trọng nhất trong chùa đã không còn.

Thầy dạy xây chùa thật, có Phật thật trong tâm. Đó chính là con người.

Tìm được những người đang cần giúp đỡ, cho họ được cái gì họ cũng quý, thế mới là cúng-nhường (chứ không phải bố thí)

Còn cho các thầy xây chùa giả, sẽ tan thành tro bụi, thì nên gọi là bố thí mới đúng.

 Miền Trung lũ lụt trôi mất nhà, mất chùa, vậy cần xây cái gì trước? Xin trả lời không phải là chùa, cũng không phải là nhà, mà là con người cần san xẻ trước. Có con người sẽ có nhà, có nhà sẽ có chùa. Nếu làm ngược lại là sai.

Miền Bắc rét đậm, nên xây chùa có máy điều hòa nhiệt độ hay nên mua nhiều áo rét (dù là 2nd) cho người dân?

Trong con người có Phật tâm Phật tánh và có cả tánh tham, còn trong chùa có Phật tượng và có nhà sư. Ai đó cứ ca bài ca “tu bản thân trước” sao không thấy rằng ai cũng cần phải xây những ngôi nhà cho Phật ở, bằng xương bằng thịt.

Lỡ nhà người ta có dột một tí thì mình san sẽ cúng-nhường để “cái chùa thật” ấy có điều kiện mà tu dưỡng tu hành. Mà đó cũng đúng với ý nguyện của Đức Phật.

 không có Phật mà chỉ có Tâm chúng sanh, không có tượng Phật mà chỉ có thân con người. Phật là vô ngã, tức là tất cả.

Vậy cúng-nhường cho mọi người xung quanh mình, giúp đỡ tất cả mọi cách, cùng nhau tiến lên,..đó chẳng phải là “cúng dường chân chính đúng pháp” hay sao?

January 19, 2011 at 3:53pm

Viết một bình luận