Lâu rồi, tôi đọc trên một sách nào không nhớ, có viết về giới cấm sát sanh, nhưng lại phân tích rất sâu rộng:
– Sát sinh là tội nặng, đó là tước đoạt sinh mạng của những loài hữu tình như loài vật, con người, côn trùng, cá tôm,…ngay cả cây cỏ cũng là sinh vật hữu tình dù là thụ động nhưng vẫn ham sống sợ chết.
Dù là con kiến nhỏ cũng rất sợ chết. Dường như sinh mạng là thứ quý giá nhất trong thế giới này. Chúng ta không chỉ sợ chết, mà còn sợ đau và sợ xâm phạm mất mát thân thể, sợ mất đi tâm trí, mất đi bản ngã của mình.
Loài vật cũng vậy, hãy che mất ánh sáng của một cái cây, nó sẽ cố vươn dài ra về phía dù chỉ có 1 tia sáng lẻ loi. Người ta đo nồng độ chát của 1 cái lá cây, rồi lấy gậy đập thật mạnh vào thân cây, sau đó hái lá đo lại thì độ chát tăng lên, điều ấy chứng tỏ là cây biết đau và có phản ứng với sự tổn thương ấy. Chúng ta sợ đau đến nỗi mất 1 miếng da, vài giọt máu đã là không thể chịu nỗi, vậy mà một ngày biết bao nhiêu sinh mạng chết để nuôi thân này !
– Có những người không hề sát sinh, nhưng lại ăn thịt do người khác giết mỗ, ấy cũng là một loại sát sinh gián tiếp. Nếu không có người ăn thì lấy đâu ra người giết, đâu có những lò sát sinh khắp nơi, đâu có những “thớt thịt” giữa chợ ? Ông bà kể rằng những người đồ tể thường chết rất dữ, mắt trợn và la hét như bị cắt tiết rồi mới chết, nhưng trong hiện đời thì cũng thấy tướng dữ nơi người giết mổ súc vật, người bán thịt: họ cục cằn thô lỗ, ác tâm và mắt đầy sát khí
Trong thời hiện đại chúng ta cũng thấy những người giàu ăn uống thừa thãi, thịt mỡ vô độ thì cũng chết và sống bệnh vì những chứng bệnh dữ như ung thư, béo phì, nhồi máu, tiểu đường,..hiếm có ai ra đi thanh thản như những ông bà ngày xưa, ăn rau cỏ và hướng tâm về Phật Pháp. Chúng ta không sát sinh nhưng góp phần sát sinh, đừng nghĩ những người đồ tể mới chết dữ, chúng ta cũng chịu nghiệp sát mổ, sẽ trả nghiệp bằng dao kiếm súng đạn.
Hãy ăn chay để ít nghiệp hơn.
-Thấy người phạm ác nghiệp mà không căn ngăn khuyên bảo thì chúng ta cũng có một phần tội. Khi thấy người khác ăn thịt, giết hại chúng sinh mà ta không ngăn cản khuyên bảo, hay là thấy chúng sinh chết đau khổ mà ta không sanh tâm bi mẫn,tức là trong tâm ta đang có ác nghiệp che tâm.
Chúng ta không giết, không ăn, nhưng không ngăn cản thì cũng bằng tội với kẻ sát sanh. Hãy làm tất cả để khuyên can mọi người, dù là không thành công, dù là bị chê cười dè bĩu, cũng nên làm vì lòng từ bi với chúng sinh. Tôi có 1 đồng nghiệp, khi vài người trong công ty rũ nhau đi nhậu thịt chó thì anh ta hết lòng can ngăn, đe doạ tẫy chay nhóm bạn, và làm mọi cách để phá cuộc ăn nhậu ấy. Cuộc vui không thành, và sau đó anh ta cũng bị vài người ghét bỏ, nhưng tôi thấy được trong mắt anh ấy niềm an tĩnh tuyệt vời, cái dũng lực của lòng từ bi.
-Có nhiều người vì hoàn cảnh, phải sát sanh, phải ăn thịt, họ phạm sát nghiệp nhưng biết cái lỗi. Họ dùng hết sức khoẻ đi làm việc thiện, tham gia hiến máu, lập hội bảo vệ động vật, bảo vệ rừng,..những người ấy tuy mang sát nghiệp nhưng đã biết quay đầu, ngày họ giữ được giới ấy không còn xa nữa.
Chỉ thương thay cho những người tàn sát sinh linh vô tội chỉ vì ham muốn riêng mình, vì cái miệng, vì sự xa hoa, vì sức khoẻ,..họ đâu biết cái áo lông chồn mắc tiền kia là sự đau đớn của nhiều chúng sinh bị lột da, chút nước hoa kia được lấy từ ngực con hưu đực, chút thuốc bổ kia phải mổ bụng nhiều con vật để ngâm rựu thành.
Những ai đang đọc dòng này, xin ngừng ít giây bứt 1 cọng tóc xem cảm giác thế nào, đau ? hãy nghĩ xem con vật bị cắt cổ mổ bụng thì đau hơn mấy lần ?
1. Lại có những người rất hiền lành nhưng phạm giới sát sanh mà không hề hay biết.
Họ từng giây từng phút tàn phá môi trường sống, không phải chỉ vài loại động thực vật, mà toàn thể sinh vật trên hành tinh này, bây giờ và rất lâu sau đó !
Họ không giết con nào, không ăn thịt con gì, nhưng hành động của họ giết hàng loạt chúng sinh khác, và khiến cho vô số loài không sanh sôi nãy nở được nữa. Đó là những kẻ phá hoại môi trường rừng núi biển, đó là những nhà máy ngày đêm thả khói lên trời và nước thải xuống cống, đó là những kẻ vô tâm tiêu xài cho thật sang trọng rồi vứt rác đầy hành tinh, đó là những người vô ý thức tiêu xài những hoá chất phá hoại như CFC, xà bông, túi nylon,..đó là bạn và tôi nữa.
Xã hội buộc chúng ta vào vòng xoáy tàn phá môi trường không thể né tránh, bất cứ nhu cầu nào của chúng ta đều có hại cả. Để có những dòng chữ này, tôi cũng đang tham gia vào tàn phá đấy.
Vì thế chúng ta nên chậm lại, ngừng lại để rồi lội ngược dòng xoáy ấy. Nhận thức ra và giảm thiểu việc tiêu xài vô ích các tài nguyên là một sự cải thiện đáng kể. Chúng ta phải biết cách bảo vệ, và kêu gọi mọi người cùng bảo vệmôi trường sống, bảo vệ sự sống là một điều tốt mà lòng từ bi của một Phật tử phải phát tâm làm cho bằng được.
Hãy dừng lại và kêu gọi mọi người tránh ngay cái ác nghiệp này, tàn phá môi trường còn hơn cả sát sanh nhiều lần.
Sát sanh chỉ đơn giản là giết con vật nhẹ nhàng nhanh chóng, nhưng con của chúng vẫn sống, còn tàn phá môi trường là giết con vật trong đau khổ, và ngay cả con cháu chúng cũng chết dần, không chỉ 1 vài con lớn, mà cả những sinh vật bé tí cũng bị chết theo.
Tội sát sanh hãy còn nhẹ nếu so với cái tội giết chết sinh thái, đánh mất một nơi để chúng sinh đầu thai tái sanh lại.
Giết con vật, ta chỉ giết 1 đời.
Giết chết môi trường, thì mãi mãi chúng sinh không thể đầu thai lên, trong đó có cả chúng ta nữa !
2. Sát sanh là chỉ giết một thực thể nào đó, thế còn giết thời gian thì sao ?
Sát sanh là bạn làm cho chúng sinh mất đi một khoảng thời gian mà chúng đáng lẽ còn được sống, còn giết thời gian là bạn cũng làm ngắn lại cuộc sống có ý nghĩa của bạn hay ai khác, chúng ta sống có ý nghĩa trên cuộc đời này thật ra không lâu, chỉ vài mươi năm cho ra sống. Thế mà từng giờ từng phút trôi qua trong cuộc đời nhiều người một cách vô vị không giá trị.
Tôi thấy có nhiều người đốt thời gian trong hưởng thụ, ấy cũng là giết thời gian. Ngồi bên 1 tách cafe, hút điếu thuốc, nhậu nhẹt,…đều là giết thời gian và giết luôn cuộc đời quý giá này.
Lại có những khoảng thời gian không có ích lợi, ấy cũng là giết mất thời giờ. Vài kẻ ham ngủ nhiều hơn cần thiết, xao lãng việc học để nghỉ lung tung, đi dạo thơ thẩn,..cũng là giết thời gian đấy ! Sữ dụng không đúng cũng là giết thời gian, có những khoản phí phạm rất tinh vi mà ta không hề nghĩ tới. Suy cho cùng, một sátna thất niệm đã là lãng phí thời gian rồi đấy.
Thế mà có những kẻ không chỉ tự giết cuộc đời mình, mà còn giết cả đời người khác, mà rủ rê hưởng thụ là một ví dụ. Hãy nhìn các quán nhậu, quán café từ vĩa hè cho tới quán lớn sang trọng hay nhà hàng cao cấp, chúng chất đầy những con người đang giết thời gian đấy ! Nhiều người sống không thọ, tự than trách sao mình vắn số, có khi anh ta đã giết hết thời gian của anh và của nhiều người khac mất rồi.
Một sátna, một giây, một phút,..đều có ý nghĩa; muốn biết giá trị của 1 giây, hãy hỏi 1 vđv điền kinh; muốn biết giá trị 1 phút, hãy hỏi người vừa trễ hẹn. Muốn biết ý nghĩa 1 sátna, hãy hỏi các thiền sư luôn trong chánh niệm tỉnh giác.
3. Tự tử cũng là sát sanh, cũng không nhẹ tội hơn giết người là bao.
Không ai muốn chết, chỉ khi nào không còn chí hướng trong cuộc đời, sống mà không bằng chết thì người ta mới can đảm chết. Vậy mà nhiều người chết hụt đã hoãng sợ cực độ khi đối diện cái chết trong gang tấc.
Thực ra chết không dễ chịu chút nào, dù là chết nhanh khi bắn vào đầu. Nếu đọc qua Tử Thư Tây Tạng, bạn sẽ thấy chết là một tiến trình rất dài mà không phải ai cũng thanh thản vượt qua.Người ta bỏ thân xác lại nhưng nghiệp vẫn mang theo y nguyên, vì thế chết không phải là cách trốn khổ, chỉ có đối diện và chịu đựng mới là cách hay nhất.
Tự tử cũng gây đau khổ cho người thân, thân này không phải của ta mà là của cha mẹ xã hội, có thân người rất khó mà ta không biết quý thì không dễ gì có lại. Đừng nghĩ rằng ta chỉ giết ta, mà phải biết rằng ta đang giết con của người khác, giết một công dân trong xã hội, giết một chúng sinh cao cấp nhất trong vũ trụ !
4. Có những loại sát sanh vô hình mà ta không hề chú ý, đó là giết chết tâm hồn của người khác.
Nếu chỉ giết chết thân, thì tâm vẫn thanh thản ra đi và bắt đầu một thân khác, nhưng giết tâm hồn thì xác tuy vẫn còn đấy nhưng tâm hồn đã chết rồi, và còn chết trong nhiều kiếp nữa.
Đầu tiên là giết chết sự trong sáng của tâm hồn. Sự trong sáng ấy có thể tìm thấy trong những trẻ thơ, thế mà tôi cũng bắt gặp những đứa trẻ bị “già” sớm, không phải bằng hình dáng mà cái già ấy trong tâm trí nó. Không kể những đứa trẻ vì hoàn cảnh phải lăn lộn ngoài đời khi còn thơ, nhiều đứa trẻ chỉ vì một người nào ấy cho xem truyện hay film sex, film bạo lực, trở nên đầy ắp trong trí óc non nớt những hình ảnh và suy nghĩ ghê rợn.
Nhiều trẻ em chỉ vì game hành động mà trong đầu đầy những suy nghĩ đại ca, bá chủ, bình định,..hay thậm chí đồ sát, giết người.
Ai? ai đã chỉ vì lợi nhuận, vì tiền mà giết chết cả một thế hệ, giết chết rất nhiều tâm hồn thơ trẻ ? Tội ác của những người ấy so với việc cắt cổ 1 con người, tội nào ác hơn ?
Lại có những người cứ đi kể xấu người khác cho nhiều người nghe, đó là đang giết chết tâm hồn của mọi người. Từ những con người trong sáng yêu đời lại bị nhồi vào đầu những tư tưởng hận thù ganh ghét đố kỵ.
Đó là những người có cái miệng xấu, cứ đi nói xấu hết người này đến người khác, cho nhiều người khác nữa nghe. Đó là những nhà “chính trị” cứ muốn người khác phải đấu tranh, kêu gọi hận thù, kêu gọi chống đối,..
Nhất tướng công thành vạn cốt khô…
Đó là những người không có chuyện làm, cứ ngồi lê la mà nói đủ thứ chuyện trên đời, hết đem chuyện ông này bà kia ra kể (toàn là nói cái xấu của mọi người) lại bàn tới Thầy này Sư nọ, thày kia làm chính chị, thày nọ là “quốc doanh”. Là Phật Tử thì còn ít tội, chứ tôi còn nghe nhiều người đầu tròn áo vuông buông những lời không tốt, cố GIẾT cho được cái uy tín của một vài vị Thầy khác.
5. Giết uy tín của người khác là cái tội sát sanh vô hình. Chỉ cần 1 vài lời nói là bạn có thể dìm uy tín của người ta xuống bùn.
Như tờ giấy càng trắng càng dễ bị dơ mà khó tẩy sạch, Phật tử cũng bị chết niềm tin theo những lời hời hợt và cả những lời giả vờ bóng gió mà đầy chủ ý. Vì vậy mà Đức Phật dạy chúng ta tu tập Chánh Kiến vững vàng đầu tiên trong Bát Chánh Đạo như một thành trì bảo vệ cái tâm hồn trong sáng ấy.
Có kẻ còn giết cả niềm hy vọng của người khác, hy vọng là sợi dây mà nhiều người bám víu vào như một lẽ để sống, còn gì tàn ác hơn khi cắt đứt lẽ sống cuối cùng ấy, vậy mà có kẻ lại làm, dù cố ý hay vô tư vẫn là ác nghiệp.
Nhiều người đã đổ khuỵ xuống khi niềm hy vọng cuối cùng chợt tắt.
Bản thân tôi cũng từng phạm ác nghiệp này, lúc mới biết đạo tôi thường nòi với nhiều người rằng “không thể vãng sanh tịnh độ chỉ vì một câu Lục tự Di Đà” đó là một ác nghiệp rất lớn mà tôi phải gánh chịu, vì tôi đã làm mất đi niềm hy vọng nơi người ấy, vì cái hy vọng ấy mà anh ta luôn sống an vui dù bao khó khăn cuộc đời. Dù biết rằng đó chỉ là niềm tin, rằng tôi làm vậy để anh ta buông cái đó mà tìm tới điều sâu xa hơn của Phật giáo, nhưng nhiều lần tôi đã sai lầm. Thành trì chấp Pháp vững chắc hơn tôi nghĩ, họ thà chết chung với niềm tin còn hơn là bước ra ngoài đi tìm sự thật.
Xin hãy để niềm hy vọng cháy lên trong tim mọi người vì ít ra trong lúc ấy họ đang hạnh phúc.
6. Nhiều người còn vô tình hay cố ý giết chết thiện tâm của người khác.
Dù chỉ là một hành động nhỏ nhoi, bạn có thể thấy rõ khi chạy xe ngoài đường, ai đó chen lấn đầu xe thế là bạn nổi sân lên, trong tâm thầm nguyền rũa cho kẽ ấy lần sau lấn nhằm chiếc xe…đứt thắng, đó là ác tâm đã khởi, thiện tâm mất đi trong giây phút ấy. Cái đó là lỗi của người chạy chen lấn, họ vô tình gieo ác tâm vào người bị chèn ép.
Lại có kẻ tuyên truyền cái thuyết kẻ mạnh phải lấn lướt kẻ yếu để giành phần hơn, họ nói trên đời này mạnh được yếu thua, phải dìm người khác để mình vươn lên, ấy là kẻ đang giết chết thiện tâm của mọi người. Họ không hiểu sức mạnh của tình thương yêu, có những người mẹ hy sinh cho con, những người hy sinh vì đất nước mà không mong cầu một điều gì cả.
Gieo ác tâm cũng là giết chết thiện tâm, tôi thấy nhiều người vì bạn bè “giới thiệu” những món ăn ngon mà sách súng bắn chim, đặt cá tôm, bắt con lạ ăn mà bản thân họ không hề đói kém gì, họ giết chỉ vì ham thích và thoả mãn ác tâm. Người giết con vật chỉ mang tội sát sanh, còn người xúi thì mang tội ác lớn hơn rất nhiều.
Cái ác thì dễ thấm hơn cái thiện, làm ác rất dễ mà gieo mầm thiện khó vô cùng, cũng như chặt cây thì dễ mà trồng thì lâu. Mầm thiện căn còn khó gieo hơn cả, mà rất dễ chết non khi chưa thành cây Bồ Đề vĩ đại.
Giết thiện căn là một tội ác rất lớn.
Nếu ngăn cản điều ác ấy mà khuyến thiện được những người kia, đó là công đức lớn.
7. Còn một sát nghiệp nặng vô cùng đó là giết Chánh Pháp, giết Phật !
Qua các bài kinh Nikaya, chúng ta thấy ngày xưa Đức Phật đã bị chống đối như thế nào. Dù các bản kinh đã lược bớt những sự kiện ấy, nhưng chúng ta vẫn còn thấy sự khủng khiếp của cái gọi là “cạnh tranh tôn giáo”,nào là giết người vu khống, nào là mạt sát, ném đá, giết hại,..nhưng đó là điều mà bất cứ một vị Đạo Sư nào cũng phải hứng chịu.
Đức Phật đã nhập diệt 2500 năm, thời nay Chánh Pháp không còn hưng thịnh, nên có nhiều kẻ ngoại đạo muốn tiêu diệt Phật Pháp, muốn xoá sổ những gì tốt đẹp hơn họ để chỉ mình họ là đúng nhất, đó là sát Pháp.
Nhiều ngoại đạo tìm cách dụ dỗ, mua chuộc, đe doạ thậm chí giết Phật tử để tiêu diệt và lôi kéo về Đạo của họ. Thực ra giáo lý của họ cũng khuyến thiện cũng dạy điều tốt, nhưng chỉ vì cái chấp “đạo-của-ta” mà họ sẳng sàng tiêu diệt chân lý. Hãy nhìn lại lịch sữ và địa lý, các nước cường quốc Phật giáo như Ấn Độ, Pakistan, Mông Cổ,…và cả một vùng Châu Á trãi dài theo con đường tơ lụa đầy những Thánh tích Phật giáo, vậy mà giờđây họ đã bị Hồi giáo và Thiên Chúa Giáo chiếm hết. Hãy nhìn cách Công Giáo truyền đạo và chiếm nước ta, Tin Lành chiếm Hàn Quốc, Hồi xâm lấn Thái Lan,..ngay cả việc họ đang ngầm đục khoét nước ta ngày càng công khai, làm suy yếuGiáo Hội và Tăng chúng, gây chia rẽ và chống đối lên các vị Tôn Túc,…cho thấy một âm mưu diệt Pháp rất quy mô và tinh vi trên toàn cầu.
Ngoại đạo diệt Phật pháp cũng có cái lẽ đúng của họ, nên khi gây ra ác nghiệp thì họ lãnh chịu. Còn chúng ta, những kẻ thờ ơ và ngu ngơ nhìn Chánh Pháp đang tàn lụi chết dần chết mòn mà vẫn dững dưng, chúng ta cũng đang phạm phải sát nghiệp như họ, mà còn có phần nặng tội hơn nhiều lắm. Đó còn lớn hơn tội đồng phạm, ví như có kẻ vào giết hết cha mẹ anh chị bạn, mà bạn cứ dững dưng đứng nhìn, Phật pháp còn quý hơn sinh mạng rất nhiều lần.Có nhiều kẻ bôi xấu các vị Tôn túc Giãng Sư, mà chúng ta tin và làm theo đó là giết chết Phật Pháp. Tôi gặp rất nhiều đồng đạo, họ nói xấu các Tăng Ni chỉ vì họ nghe điều ấy từ một ai khác.
Thời nay không còn Đức Phật, không còn Tăng đoàn các vị Thánh đã chứng đạo, ngày nay chúng ta đi trong bóng đêm co cụm với nhau như bó đũa. Thật dễ phá hoại cái tập thể mỏng manh này chỉ bằng những thủ đoạn chia rẽ công kích và khủng bố.Vậy mà chính chúng ta, những Phật tử lại chung sức với ngoại đạo giúp cho Phật Pháp mau tiêu vong.
Có nhiều Vị đầu tròn áo vuông, đưa Phật tử vào con đường mà họ đã chấp vào mà không chừa những người ấy con đường để thoát ra. Có kẻ tự xưng chứng Thánh chứng Phật, xưng Phật tái lai, xưng Vô Thượng Sư,…rồi dạy cho những Pháp mà chưa phải là Phật Pháp, kéo Phật giáo đi theo nhiều ngã rẽ, có khi rất lạ lẫm. Nhân cách và đạo hạnh các vị ấy có khi là rất thô tháo nhưng cũng có khi rất cao siêu, nhưng vì kiêu mạn hiểu sai chỗ chứng đắc mà giãng sai ý Phật. Họ là những kẻ diệt Pháp giết Phật nhanh nhất mà vẫn cho là giữ nghiêm mật sát giới !
Lại có những cư sĩ tại gia, tu hành chưa tới đâu mà gặp ai cũng thuyết Pháp giãng kinh, với ngôn ngữ cao siêu mà sáo rỗng. Họ bài bác hết cái này cái nọ như là một giáo chủ đang thuyết giáo, mà không nghĩ là đang tàn sát Phật pháp.Tôi gặp nhiều cư sĩ hay nói lý Không, mọi cái đều không, “không chấp” mới là “cốt tũy” của Phật giáo. Ai nói gì cũng cười, bảo “chấp quá! phân biệt quá!”. Luật giao thông quy định ra đường bắt buộc đi về bên tay phải, dù có phân biệt hay không. Nếu ai không phân biệt thì cứ thử đi bên trái xem có bị…cán chết không?
Đó chính là những người không lo làm gì cả, khiến mọi người nhìn Phật giáo như một tôn giáo yếm thế thụ động.
Nếu các vị tự xưng Thánh Sư giết chết cái cốt tuỷ của chánh pháp thì những kẻ cuồng Pháp ấy lại bôi xấu bộ mặt Phật pháp, nhiều khi nhìn không giống cái gì hết ! Đó là những kẻ sát Pháp mà vẫn cho là giữ đúng sát giới !
Phật pháp có nhiều Pháp môn, tất cả vốn tự thân đều đúng theo từng hoàn cảnh từng căn cơ, nhưng cái Chấp Pháp lại là con dao giết chết chánh pháp. Cái chấp ấy là do chúng ta tu tập theo một Pháp Môn nào đó trong 1 thời diểm và cảm thấy rất lợi lạc, thế là chúng ta cho rằng Pháp môn ấy là đúng, rồi chấp vào đấy, ai nói gì khác cũng cho là tà kiến. Cái chấp ấy từ nhỏ xíu trong các cư sĩ cho tới khũng khiếp ở hàng Tăng Ni và Thượng toạ Tôn túc. Ai tu Tịnh thì cốra sức hoằng hóa cho Tịnh độ, tự cho là “pháp tu nhanh nhất, dễ nhất” rùi tìm cách chê bai tông phái khác. Ai tu Thiền đốn ngộ thì cứ cho rằng đây là Tối Thượng Thừa, là y bát của Phật, rùi cứ nói lý Không. Tu theo Nguyên Thủy thì lại chê phái Phát Triển là ngoại đạo, mà không biết căn cơ của họ hiện đang ở đâu, có đủ sức Thiền Định thoát bản ngã hay chưa. Kẻ tu được chút an lạc thì chấp vào đó bảo rằng “đã về, đã tới” rùi ra sức mà bảo vệ cái chánh niệm tỉnh giác ấy rằng những người khác đang vọng động, đang theo tà đạo,…. Lại có kẻ đứng trong một tập thể, lại vin vào uy tín Thầy mình mà bất kính với Thầy khác, có kẻ lại tự tôn Thầy mình lên để mình cũng hưởng ké chút Danh.
Ở thôn quê, ta có thể băng đồng nhắm tới 1 nơi, thế là lâu ngày thành một đường đi. Nhưng trong thành thị bây giờ thì vô số đường xá chằng chịt, không thể dùng 1 đường dể tới nơi cần thiết, vì thế càng biết nhiều đường sẽ giúp chúng ta không đi lạc và đến được nơi cần tới nhanh nhất. Nhiều vị Thầy tu chưa tới, kiến giải sai lầm, và dám sửa lại các bản kinh dể dạy cho tăng sinh, thế rồi tăng sinh chấp theo cứ cho đó là lời Phật dạy, cứ chăm theo ấy mà hành, khi thấy ai nghiên cứu thêm các pháp môn khác thì lên tiếng khuyên bảo và công kích, điều ấy xuất phát từ tâm kiêu mạn và chấp ngã.
Pháp môn tuy nhiều như nhánh cây, nhưng chỉ có 1 gốc đó là Phật pháp, vì thế đừng quan tâm mình đang ở nhánh nào, hãy nhắm gốc mà quay về, dù là đi qua cành phụ cành chính khác nhau, trong từng giai đoạn căn cơ thì Pháp Môn cũng phải thay đổi.Nếu chấp pháp thì không thể quay về nơi cội rễ được ! Chấp Pháp là Diệt Pháp.
Tất cả các Pháp Môn đều chưa hoàn hảo, nó rất đúng với 1 căn cơ, 1 giai đoạn của tu tập. Nó phải được bổ sung lẫn nhau để vững mạnh lên. Các Tông Phái nên đoàn kết, thương nhau nhiều hơn là tu kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”. Đó là chưa nói đến chuyện tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Thương nhau còn chưa đủ nữa.
Ngày nay Phật Pháp không còn hưng thịnh, hãy nhìn bản đồ Phật giáo và số Phật tử, chúng ta sẽ thấy bàng hoàng vì quá ít, trong khi các tôn giáo khác đang ra sức truyền bá và tiêu diệt Phật giáo thì chúng ta lại tự giết lấy bản thân.
Tăng đoàn, các Tôn túc và Giáo hội còn yếu thì chính chúng ta, những Phật tử hết lòng vì chánh pháp, phải đứng giữa 2 ngã rẽ: phá huỷ hay bảo tồn phát huy ?
Chúng ta đứng lại không làm gì, mặc cho Phật Pháp suy đồi tàn hoại chính là theo con đường diệt Pháp, thời nay không còn chỗ giữa để mà trung lập, đứng lại là lùi bứoc. Dù biết rằng ai cũng bệnh và chết, nhưng không ai không lo chạy chữa cho tới cuối cùng, đừng bao giờ để niềm hy vọng tắt ngấm, ngày nào còn những con người có tấm lòng từ bi thương yêu chúng sanh, ngày đó Phật Pháp còn tồn tại. Chúng ta có quyền hy vọng cùng nhau xây dựng phục hưng lại thời hoàng kim Phật giáo để con cháu chúng ta, hay chúng ta dù tái sanh trở lại, cũng được sống trong Phật pháp từ bi.
Chúng ta không chỉ đơn giản giữ sát giới là đủ mà còn phải bảo vệ và phát huy sự sống, đạo tâm và Phật pháp nữa, đó mới là người đệ tử Phật !
==========
Đó là chuyện của năm 2008, vừa rùi có 1 bạn hỏi tôi “…tiếc cho a đọc sách, tu tập lâu nay, sao mà chấp lớn quá vậy? Chuyện Phật Pháp nó diệt là lẽ đương nhiên, cái gì trái với quy luật thì tự nhiên bị loại thải, đạo Phật không còn đúngchánh Pháp thì tự nó sẽ diệt vong, anh cứ chấp mãi làm gì cho …mệt?”
Tôi biết cái quy luật đó, và tôi biết cái sẽ đến. Lựa chọn giữa 1 bên là cứ để nó diệt, rùi nó sẽ sống lại dưới một hình thức khác, tươi mới mạnh mẽ hơn. Hay là cứ giữ nó sống lay lắt, già nua và bệnh hoạn? Nhưng Tôi là ai?Tôi là ai mà có thể làm được điều gì đó ? Tôi là ai mà có thể quyết định chuyện sống chết của 1 Đạo ?Tôi chẳng là gì cả, tôi chỉ cố gắng làm điều có thể, vì tôi đã lỡ…sanh ra trong cái thời này, đây là nghiệp của tôi.
Nếu thấy chết mà không cứu thì cũng phạm tội sát.
August 28, 2010 at 11:59pm – đăng trên FB, bài này đã viết khoảng 3-4 năm trước đó