Con đường khó đi

Có người bảo tôi rằng: “đừng tìm lỗi của người khác, hãy tự tìm lỗi của mình!”. Bởi vì tôi phải luôn nhớ một câu chân ngôn “ai cũng đúng cả”. cho nên họ KHÔNG BAO GIỜ SAI. nếu tôi chỉ ra cái lỗi của họ, tức là đụng chạm vào bản ngã của họ, đó là điều tối kỵ nhất, và họ sẽ quay ra chém tôi không thương tiếc, thay vì tìm cách sửa cái lỗi của họ.
 Trong nỗ lực tìm lại giáo pháp của Đức Phật, bên cạnh tôi cũng có nhiều bạn đồng cảm, nhiều người đã hiểu và đã tách ra đi theo con đường mà họ tìm thấy. Có nhiều điều hay cần phải soi rọi dưới con mắt và cái đầu “có khoa học”, tức là có tư duy và suy luận để rồi tìm ra cái nào là đúng, cái nào là sai. Chứ không phải nhập nhằng “không đúng, không sai” rồi tự cho mình là hiểu đạo.
 Như một cơ thể bị ung thư, nếu chỉ có vài chỗ bị hư thì còn dễ phân biệt chỗ nào là tế bào tốt. Còn nếu như cả cơ thể ấy đã ung thư hết, thì việc tìm cho ra những chỗ còn tốt quả là khó khăn. Cũng may là trong cái kho hỗn tạp ấy, vẫn còn những manh mối để có thể truy tìm về nguyên bản. Có bạn hỏi tôi: sao các tông phái đá nhau chan chát, nếu cùng một nguồn gốc, cùng một chân lý thì phải giống nhau, đằng này ai cũng bảo mình đúng. Những người khởi đầu tu học nếu tạm bằng lòng với cái được dạy thì còn khả dĩ, nhưng nếu là những người có khả năng phân tích cao thì họ khó mà chấp nhận.
 Cũng may là trong Bát Chánh Đạo có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, thế nhưng đa số các “thầy” khi dạy đạo, thường bắt người ta bỏ qua bước này. Vì nếu chỉ cần đào sâu vào 2 Chánh này thôi thì cũng đủ cho cả cái tháp Phật pháp đồ sộ mà người ta xây dựng bấy lâu bổng nhiên đổ ra tro bụi.
 Người ta đã biến Phật pháp (Phật=trí tụê giải thoát) thành một tôn giáo thần quyền. Khi đó Chánh Kiến = niềm tin, và Chánh Tư Duy là nhất tâm suy nghĩ hướng tới giải thoát (???)
 Tôi thật sự quá thất vọng trước cái gọi là Phật Pháp hiện nay. Điều đáng nói là không phải họ đi sai, bởi vì trong cái sai cái giả ấy vẫn có cái ích lợi. Mà đáng nói hơn là họ không dám chấp nhận cái đúng, bởi vì chấp nhận cái đúng cũng đồng thời chấp nhận là bấy lâu nay họ sai.
 Thay vì dũng cảm chấp nhận, hoặc là tranh luận đến cùng để làm cho ra lẽ, thì người ta chọn một cách dễ hơn, đó là đánh lạc hướng dư luận, xoay ra nói xấu chính người đã dựng lại ngọn cờ. Nào là “chưa ngộ thì im” nào là “lo tu đi, đừng nói nhiều”, blablabla. Hoặc người khởi xướng điều ấy là một vị thầy danh tiếng, thì họ tìm cách đánh cửa sau, tiêu diệt uy tín của thầy ấy. Mọi việc làm cũng là nhằm bảo vệ cái mà chọ cho là đúng, vì họ đã lỡ theo.
 Việc đi tìm của tôi chưa kết thúc, và dù rằng tôi có tìm tới đích, tôi cũng khó có thể nói cho ai biết nó là cái gì. Hiện nay tôi đã đi quá xa khỏi “Phật pháp”. Dù tôi vẫn đi trên 2 chân, một bên là đi tìm chân lý tối thượng, một bên là bước trên những cái giả tạo để có thể gần mọi người.
 Tôi sẽ tìm cái gọi là “Đức Phật Gautama đã thực sự nói lên điều gì?”. Có thể mọi người sẽ cho là tôi…điên. Nhưng sau này sẽ có nhiều người điên giống tôi. Tôi chỉ làm cái bậc thang và cột mốc chỉ đường, để khi cần họ có thể tìm lại những thứ đã bị giấu mất đi.

November 22, 2010 at 11:55am

Viết một bình luận