Vớt tép ruộng

Nốc cạn ly rựu mạnh pha Coca, chú Thành bắt đầu mềm giọng:
-Ủa sao nãy giờ mày nhát uống quá vậy, mà thôi chừng ấy đủ rồi, còn lái xe về nữa,..ăn đi mày, cá bên này ngon lắm, vậy mà hồi mới qua đây tao chẳng dám ăn con nào cho tới cả chục năm sau,…
Rồi thì ông tiếp tục kể câu chuyện mà tôi gần như đã thuộc lòng. Chú vượt biên qua đây lúc mười mấy tuổi, cũng gần bốn chục năm rồi. Sau bao năm cày cục nơi xứ người, Chú cũng được gọi là những người thành công: có vợ con rồi bây giờ có cháu gọi bằng ông nội ông ngoại, dù bọn chúng chẳng hiểu nghĩa chữ nội ngoại là gì.
Những câu chuyện Chú kể, lúc thì thêm vào chỗ này bớt đi chỗ nọ, lúc thì lâm li bi thảm nhưng cũng có đoạn hùng tráng. Có một chi tiết mà câu chuyện nào chú cũng nhắc tới, như một điều mà chú luôn muốn trao lại cho bất cứ ai, kể cả những đứa cháu chẳng hiểu tí chữ tiếng Việt nào.
Ngày đó, Chú còn là một thằng bé. Cái tuổi thơ ở nông thôn ngày ấy đâu còn trò chơi điện tử X-box hay smart-phone như bây giờ, chỉ có thả diều đánh lộn hoặc bắt con này con nọ ra mà chơi. Gọi là chơi chứ thực ra là hành hạ những con vật xấu số cho tới chết. Dế, bọ hung hay chim chóc là những thứ dễ bắt, thử thách hơn nữa là đi đào chuột đồng, soi ếch hay mò cá lóc ở những ruộng sắp khô nước. Dù là bọn trẻ được nhét đầy họng những thứ đó trong mỗi bữa cơm, nhưng chúng thích tự bắt hơn là ra chợ mua. Chú Thành cũng thuộc dạng “cậu ấm” nên chẳng được thả rông chơi những trò tinh nghịch với bọn trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, những buổi tan học, chú cũng theo đám bạn đi xem mò cá lóc móc cua, dù chỉ đứng trên bờ xem.
Cá lóc là cọp dưới nước, nó có thể ăn bất cứ con gì, chỉ bị con người làm thịt thôi. Mùa khô, ruộng nứt nẻ nhưng nó vẫn chui dưới bùn mà sống dưới lớp đất nứt. Chỉ chờ một cơn mưa xuống là nó ngoi lên, sanh đẻ đầy đàn trở lại. Chỉ có cá lóc là có thể sống khi ruộng khô hết nước, hoặc mấy loại cua ốc biết cách đào hang trong đất, đa số tôm tép hay cá nhỏ bị gom dần vào những vũng nước cạn còn sót lại, chờ chết.
Bọn trẻ ruộng biết nơi nào có cá, vũng nước nào còn tôm tép, chúng chỉ chờ ruộng khô là kéo nhau xuống vớt chiến lợi phẩm. Tát đìa được mấy trạc cá lớn cũng không vui bằng moi bùn cả buổi được một con cá nhỏ xíu.
Chú Thành kể, lần đó đi học về, chú thấy một ông Sư cũng xách một cái xô và rỗ tre đi chậm chậm trên bờ ruộng, mắt soi xuống từng vũng nước bùn. Chú nghĩ giới nhà chùa đâu có cho sư ăn mặn hoặc sát sanh đâu mà Sư này lại đi bắt cá tép như thế. Hiếu kỳ, chú đi theo xem chuyện gì. Ông Sư giải thích rằng ông chẳng phải bắt để ăn, giới luật đâu có cho bắt cá tép. Nhưng ngày nào ông cũng đi về qua đám ruộng này, thấy mấy sinh linh bé nhỏ ấy chẳng thể sống thêm vài ngày nữa nếu cứ tiếp tục khô hạn. Thấy chết mà không cứu thì tu hành làm gì, Ông nãy ra ý định muốn vớt chúng đổ xuống ao lớn. Dù có thể chẳng thay đổi được gì nhưng lòng ông cũng được thanh thản.
Chú nghe xong thích quá, chẳng hiểu duyên nghiệp gì mà thiện căn của đứa bé bùng phát mạnh mẽ, hay chỉ là vì sự ham vui nhất thời, thằng bé đã cùng với ông Sư vớt cá tép hết cả ngày hôm đó. Ông Sư dặn nó soi kỹ từng chút một, từng vũng nước nhỏ, vì sót con nào là con ấy cầm chắc vong mạng: “với mình thì chỉ cần cố gắng hơn một chút, còn với chúng sinh ấy là niềm hy vọng cuối cùng…”
Cả nhà đổ đi tìm thằng khi quá buổi trưa không thấy về ăn cơm, có người ác miệng bảo nó té đìa chết rồi, tới tối chú Thành về thì cả nhà gần như chết điếng. Dù được cưng đến cỡ nào thì chú cũng không thoát khỏi một trận đòn nát đít, rồi vì giăng nắng lội nước cả ngày nên ba hôm sau “cậu ấm” còn bị nóng lạnh nằm liệt giường.
Cũng chưa lớn hơn được bao nhiêu thì sự kiện 75 cũng tới. Sau đó người ta kéo nhau đi vượt biên bằng đủ mọi cách, mọi phương tiện. Tàu lớn ghe nhỏ gì miễn ra biển được là người ta cũng lều mạng, hy vọng ra khỏi biển sẽ gặp tàu nước ngoài “vớt”. Lúc đó chú Thành còn nhỏ chưa biết nguy hiểm sống chết là gì, cứ nghĩ biển cũng như cái sông lớn thiệt lớn mà thôi. Cái tàu chở cả nhà chú ra khơi cũng lớn lắm, cũng máy móc đầy đủ so với mấy chiếc tàu đánh cá thô sơ khác, nhưng ra tới biển rồi mấy thấy nó mỏng manh như chiếc ghe giấy giữa chập chùng sóng khơi. Lúc đó mới hiểu nỗi sợ thực sự nó thế nào.
Cái đói và khát không đáng sợ, vì có ai còn bụng dạ đâu mà ăn với uống. Sợ nhất là gặp tàu VN, sợ nhì là cướp biển, bão biển cũng đáng sợ không kém, vì vỡ tàu là chắc chắn nuôi cá mập.
Những tàu nước ngoài thấy nhưng không muốn liên lụy, họ chỉ quăng cho áo phao, thức ăn và nước uống chứ không có vớt, vì vớt thì phải….nuôi cả lũ!
Tàu của chú lênh đênh như thế cho tới một ngày nọ, sóng gió mạnh dần lên, chiều hôm đó tàu đắm. Trong cơn hoảng loạn, chú kịp chụp lấy một cái phao ngoi ngóp trên biển khi trời bắt đầu tối. Mọi khóc lóc cầu nguyện thì ai cũng đã làm hết rồi, trời tối hẳn thì chú cũng tê cứng hết người trong tuyệt vọng. Rồi tàu lớn tới, xuồng cứu sinh bơi quần cả bãi biển hy vọng tìm người còn sống sót, may mắn sao đó họ rọi đèn tìm thấy chú.
Sau này người ta kể lại rằng, ban sáng con tàu giàn khoan ấy cũng thấy tàu của chú nhưng không định cứu, nhưng rồi họ được tin bão sắp tới trên vùng biển đó, những tàu vượt biên chắc chắn sẽ chết hết. Vì lòng nhân đạo họ quay lại, xuồng cứu sinh vớt được chú trong chuyến chót vì bão đã kéo tới rồi, những ai còn trôi nổi trên biển tối hôm đó đều chết hết, kể cả cha mẹ của chú.
Chú kể “mẹ nó, tàu giàn khoa lớn như vậy mà còn lắc như trứng hột vịt lộn trong cơn bão, thì mấy cái ghe “lớn” kia sống thế nào được, vậy mà người ta vẫn cứ kéo nhau vượt biên…”. Con tàu ấy còn vớt thêm vài thuyền nữa, “họ vớt người ta như vớt cá tép vậy đó, xãy lại mạng nào là xong mạng đó thôi…”
Chú nằm bẹp dí trên tàu lớn ấy một tuần, cho tới khi vào đảo và sớm được Cao Ủy nhận thẳng qua Úc theo diện Nhân Đạo.
Tôi cũng nghĩ, có lẽ trong chuyến đi “vớt tép” cuối cùng khi trời tối mịt mù lạnh cóng, cơn bão đã kề bên, chắc những con người nhân đạo ấy cũng nói với nhau “với mình thì chỉ là một chút cố gắng nữa, với những người kia là tia hy vọng cuối cùng..”
Dù nói bằng một ngôn ngữ nào khác thì cũng như ông Sư và đứa bé, cố soi cứu từng sinh linh nhỏ giữa trưa trời đổ nắng chang chang.

Viết một bình luận