-Cha ơi nhìn này, công viên ở đây đẹp quá, mùa nắng mà vào đây thì thật tuyệt, bóng mát khắp nơi! Cây mọc xanh tốt, hoa nở chim hót và có cả hồ nước nữa! Thật là biết ơn những người đã trồng và xây dựng lên cái vườn hoa này!
-Con có nhìn thấy những gốc cây to cổ thụ còn sót lại kia không, nơi mà người ta dùng làm cái bàn ăn? Có rất nhiều cây cổ thụ đã mọc nơi đây, chúng cao to gấp mấy mươi lần những cây con đang thấy. Chúng từng vươn cành lá che mát cả một vùng sinh thái rộng lớn, từng có nhiều chim chóc và thú vật sống ở đây, nhiều hơn và đẹp hơn cảnh con thấy bây giờ. Một số chỉ còn lại cái gốc, một số đã biến mất hoàn toàn chẳng để lại dấu vết gì, chỉ còn trong kỹ niệm của những thế hệ trước đây. Cái mà con gọi là “tuyệt đẹp” chỉ bằng một góc lẻ của những thiết kế công viên trước đây, khi có những tàn cây cổ thụ tự nhiên. Thế rồi những người chủ mới đến, họ “tiếp nhận và quản lý” theo cách riêng của họ: đốn cây già bán lấy gỗ, bắt muôn thú đem nhậu, cắt bán đất lấy tiền,…nhưng họ không bù khoản ấy vào chuyện tái xây dựng, mà vào nhà riêng. Họ ngày càng biến mọi thứ trở nên xấu hơn và tồi tệ hơn – trong khi ra sức thuyết phục đám trẻ chưa nứt mắt rằng “đấy là công lao xây dựng của chúng tôi, nhờ vậy mà các em mới có công viên đẹp đẽ ngày hôm nay!”. Sự ngu dốt của đám quản lý ấy bị giấc mơ quyền lực che mất, lúc nào cũng nghĩ quyết định của ta đây là đúng đắn nhất, họ đuổi đám làm vườn giỏi đi hết rồi đem về những đứa “dễ sai khiến” – nhưng có chút vẻ bề ngoài – để làm bình phong và trợ lý. Cây to đã bị chặt hết, những nhà thiết kế giỏi, thợ vườn khéo tay đã đi hết, thì cái công viên ấy làm sao còn đẹp được nữa!
-Thế trước đây nó đẹp lắm hả cha?
-Đẹp hay không là nằm vào con mắt thẩm mĩ của con người. Vì có khi họ cho rằng: cái công viên được tỉa tót cắt xén theo-một-thiết-kế-nào-đó mới có tính nghệ thuật, còn để nó phát triển tự nhiên “thiếu kiểm soát” thì rất xấu và nguy hiểm! Nên thay vì tận dụng vẻ đẹp nguyên sinh và lợi ích từ hàng cổ thụ cứng đầu khó tỉa, đám trâu bò ấy muốn có những đám cây bé tí uốn mình khuất phục, mặc kệ đất đai khô cằn thiếu sinh khí. Còn lâu lắm để cho nơi này có thể mọc lên những cây to khỏe, khi mà chẳng còn sự che chở nào.
-Thế thì làm sao hở cha, quay lại ngày xưa?
-Trước cái “ngày xưa” ấy, nơi đây là rừng nguyên sinh, cảnh vật còn đẹp hơn khu công viên nhân tạo này biết bao lần, nhưng chúng không dành cho con người tham lam sống. Còn cái “ngày xưa” mà con vừa nghĩ tới cũng không nên quay về, cây chết rồi không thể sống lại được, nhất là những cây cổ thụ càng già càng mục rỗng, mối mọt rắn rít đầy trong bọng. Cái chúng ta đang có là hiện tại và cái hướng đến để xây dựng là tương lai.
Con đừng bao giờ đơn giãn tin rằng nhờ vào công lao của “ai đó” mà có “ngày nay”
Hãy khôn ngoan hỏi lại rằng nếu không có “ai đó”, thì tôi vẫn còn lại những gì? Tôi sẽ có những gì?
Khi đến một công viên, đừng nhìn vào vẻ đẹp của những hàng cây mới, hãy biết xót thương và cảm ơn những gốc cây cổ thụ kia.
Khi đến một câu lạc bộ, một đoàn thể, đừng tin rằng những điều chúng ta đang có là “tốt nhất”, hãy tìm hiểu lịch sữ những người thành lập, và hãy thương những người đã phải ra đi sau khi tạo đựng hết mình.
Khi nhìn bất cứ một xã hội hay đất nước nào, đừng cả tin vào những lời nói của đám chính trị gia lãnh đạo. Điều con có được hôm này không phải từ đám ăn trên ngồi trước kia, mà là từ máu và xương thịt của những người đã nằm xuống – họ ít khi được nhắc tới, nhưng cũng còn thấy “cái gốc”. Cái không khí dễ thở mà con có là nhờ vào sự đấu tranh không ngừng nghỉ của những phe đối lập, những “chiến sỹ hòa bình” nhưng chết lặng lẽ vô danh không gốc tích.
Hãy cố vừa lòng và vui với những gì con có còn lại, nhưng đừng khờ dại tin rằng chúng tốt đẹp hơn trước. Hãy đến ôm một gốc cây cổ thụ và nói lời xin lỗi, nước mắt từ trái tim của con có thể đánh thức được sức mạnh từ ngàn xưa.