-Những cây trong vườn nhà mình xơ xác quá, chúng không xanh mởn và trổ đầy hoa như vườn nhà người ta! Có lẽ lúc trồng, cha đã không bón cho chúng đủ phân?
-Có ba cách trồng cây con ạ. Có người trồng cây trong chậu, phân nước đầy đủ, sớm tối săn sóc, được che tránh mưa to nắng lớn. Những cây này sớm ra hoa kết trái đẹp rực rỡ và cũng làm người trồng sung sướng tự hào. Tuy nhiên do trồng trong chậu nên chúng không thể to lớn vượt khỏi cái nóc nhà, vừa bảo vệ nhưng cũng vừa ngăn cản sự vươn lên. Chúng bị cắt tỉa thường xuyên và không bao giờ có thể sống độc lập thiếu sự chăm sóc của người chủ. Nếu vì lý do gì đó, người trồng không thích nữa thì họ vứt bỏ thật thảm thương. Đó là cách trồng bonsai.
Có người đào một cái hố lớn ngoài đất, chôn xuống thật nhiều phân bón rồi thả cây mầm lên. Tuy sống dưới mưa nắng tự nhiên nhưng nhờ lượng phân bón sẵn có, chúng cũng đâm chồi nãy lộc rất mau, khỏe mạnh và ra nhiều hoa trái. Những cây này mang lại hoa trái và nét đẹp cho khu vườn, đó là những loại cây mà con thấy bên khu vườn hàng xóm. Chuyện gì xãy ra nếu chúng ăn hết số phân bón sẵn có, hoặc là tàn lụi hoặc là phải đối diện với lớp đất cứng phía ngoài bằng bộ rễ đã quen với những thứ “dễ xơi”. Lúc đó chỉ cần một cơn nắng gắt là chúng toi, hoặc vì vài năm xơ xác mà người chủ sẽ cảm thấy xấu hổ bèn đốn bỏ chúng đi. Trồng và đốn trồng cây mới là một thú vui của những người làm vườn. Tuy nhiên cũng phải công nhận một điều là, nếu những loại cây ấy có chuẩn bị tốt, đã vững mạnh và biết tìm kiếm trước khi hết thức ăn, thoát khỏi bàn tay tàn nhẫn của người chủ thích sỹ diện, thì chúng cũng sẽ thành những cây lớn khỏe.
Những cây trong vườn chúng ta không được trồng bằng cách chiết nhánh, mà bằng cách gieo hột. Chỉ sau khi chúng vừa đủ lá và rễ, cha đã lấy chúng ra khỏi chậu. Thay vì đào một cái lổ thật lớn và cung cấp vào đó đầy đủ những phân bón – như tình thương mà chủ vườn hàng xóm thường làm cho cây – cha đào một cái lổ nhỏ hơn và trộn ít phân bón với nhiều sõi đá. Dĩ nhiên là cái cây sẽ còi cọc, nhưng nó phải tự sống, bộ rễ phải làm việc mới có ăn. Cha cũng bón phân, nhưng rất xa gốc, và cũng chỉ là rác hữu cơ. Thay vào đó, cha cho chúng những loại thuốc kích thích mọc rễ, chứ không phải là những loại phân nước hóa học. Cha còn trồng nhiều loại hoa cỏ để tranh giành thức ăn và ánh sáng, khiến chúng phải vươn cao lên. Hoa cỏ chỉ sống một mùa, nhưng nó sẽ giữ nước cho cây. Người ta chỉ thấy cha tưới hoa, không thấy cha tưới cây lớn. Hoa cỏ chẳng thể chạy đâu được, tưới cỏ khắp vườn chính là tưới rễ cây sâu hơn phía dưới.
Người ta trồng vườn cây thấy được, là hoa lá trái ngọt. Cha trồng vườn “ngầm” phía dưới, đó là bộ rễ cây. Như khi trồng người, đạo đức và sức sống trong nội tâm mới quan trọng, còn tài năng và học vấn chỉ là những thứ hệ quả theo sao.
Cho nên con thấy vườn nhà người ta hoa trái đẹp, và chúng cứ đẹp hoài như thế – dù là bị thay đổi các loại cây – đó là vườn cảnh. Cha trồng vườn xấu, không lấy trái ngọt hay hoa thơm. Cha chỉ mong chúng lớn mạnh để che chở cho những cây nhỏ, là nhà của chim chóc và các loại sinh vật khác. Vườn trong nhà của chúng ta là một cánh rừng nho nhỏ.
Trồng cây 1 năm có trái là chuyện dễ làm. Trồng cây 100 năm mới ra hoa trái mới là quý hiếm. Con không xem phim Tề Thiên sao, Nhân Sâm Quả 3000 năm mới ra hoa, 3000 năm mới kết trái, 3000 năm mới chín có 30 trái. Nhưng trong vòm trời đất này cũng chỉ có bấy nhiêu đó thôi.