-Cha ơi, tại sao con chơi trốn tìm với bạn luôn bị tìm ra, dù con đã trốn rất kỹ?
-Vì con chỉ nhắm mắt và giấu cái đầu nhưng quên che cái chân! Không phải chỉ có em bé mới có kiểu trốn như thế đâu, người lớn cũng vẫn thường làm giống như vậy. Họ bịt tai bịt mắt lại và tự nhủ rằng chuyện đó không có thật, rằng lỗi không phải tại họ hoặc đơn giản là người ta chỉ ngụy tạo mọi thứ. Nếu con hỏi một người lớn tại sao anh ta ăn thịt và do đâu mà có thịt để ăn, con sẽ thấy anh ta cũng đang chơi trò trốn tìm và sẽ xua đuổi con khỏi cái nơi mà anh ta cho là an toàn để ẩn nấp. Để anh ta vẫn bịt tai bịt mắt và tự thuyết phục bản thân rằng anh ta chẳng làm gì sai.
Nếu con hỏi một người lớn rằng tại sao thời tiết quá khắc nghiệt, tại sao họ lại phung phí hưởng thụ hơn cái nhu cầu. Hãy hỏi họ rằng liệu họ có bị luật nghiệp báo tìm ra dù đã chối bỏ mọi trách nhiệm? Họ cũng chẳng khác gì những con khỉ, tự bịt mắt lại để không ai thấy.
-Bạn của con nói rằng nó có khả năng trở nên tàng hình, nó có thể ăn cắp một trái chuối trước mặt cha mẹ nó mà người ta cứ tưởng trái chuối tự biết bay!
-Cha cũng biết nhiều người, có thể ăn cắp cả quả đất này mà chẳng ai hay biết. Họ cũng tự cho rằng họ vô hình, còn tài nguyên rừng biển thì tự nó bốc hơi mất! Cả quả đất tươi đẹp này cũng biến mất cứ như quả chuối chỉ còn vỏ.
Thật ra thì nhiều người cũng biết, nhưng họ giả vờ đui điếc để được chia chút phần thừa.
-Thế ra là phép tàng hình không có thật?
-Không như phim ảnh, nhưng lại có thật. Nếu khúc gỗ chẳng cử động thì chẳng ai biết đó là con tắc kè. Một vật bị phát hiện ra khi mà nó phản hồi lại những tín hiệu tìm nó. Đối với con người thì những suy nghĩ ồn ào trong đầu làm họ dễ bị phát hiện nhất. Những con người ồn ào đó, dầu đứng sau lưng hoặc vô hình ta cũng biết họ có mặt.
Chỉ có những ai chẳng phát ra tín hiệu nào, những tín hiệu gởi tới cũng biến mất tăm, thì họ mới thực sự vô hình.
Nếu con chơi trốn tìm, con giấu cái thân kỹ lưỡng rồi, mà tâm con cũng chẳng tồn tại ở nơi ấy và khi đó, thì chẳng ai tìm ra con đâu.
12-02-14