Chuyện ăn xài

-Sao cha cắt miếng đậu hũ mỏng quá? Cả chén cơm chiên con chỉ tìm được vài con tôm khô!

-Miếng đậu hũ mỏng sẽ thấm gia vị và ngon hơn một miếng to dầy mà lạt thếch. Chỉ với một khúc lạp xưởng nhỏ mà cha có thể làm đầy chảo cơm chiên, vẫn giữ mùi vị quen thuộc. Những món “đồ ăn” trong cơm đều được xử lí rất kỹ lưỡng, tuy ít nhưng chất lượng cao. Mỗi thứ có vị đặc trưng khác nhau, tuy chỉ có vài con tôm khô trong một chén, nhưng đếm đúng từng con một, chứng tỏ là nó ngon đến nỗi con không để sót thứ nào. Cha biết con sẽ thích một chén cơm chiên với đầy ắp “đồ ăn” được xắt to hào phóng, nhưng sau khi ăn xong con sẽ chẳng nhớ nỗi đã nếm những thứ gì.

Thức ăn sẽ trôi nhanh xuống bụng còn vị ngon sẽ đọng lại nơi sự thưởng thức, rồi thì ai cũng no như nhau. Nhưng người thì no theo kiểu đầy ngán nặng bụng chán chường, người thì nhẹ nhàng ít độc tố mà cảm giác ăn ngon vẫn còn theo mãi.

Cha biết con ước ao một cuộc sống giàu sang đầy đủ, nhưng đời sống ấy thực sự là bất hạnh và nhàm chán.

Một nhà báo VN đã nói “hạnh phúc là khi đi làm về, cởi đôi giày ra”. Chỉ có những ai đi làm cả ngày với đôi giày chật chội mới hiểu thế nào là hạnh phúc.

Để biết thức ăn ngon, con phải ăn hết chén cơm lạt. Hạnh phúc là khi con tìm ra một miếng tôm khô

………………….

-Mọi người bảo rằng cha keo kiệt bủn xỉn, xài chẳng dám mà ăn uống cũng không!

-Và người ta cũng bảo cha khùng điên nữa. Một ngày cha làm dư nấu cho con một nồi cháo bào ngư hoặc vài ký tôm hùm sốt vang chua, nhưng mà cha con mình vẫn ăn bám thức ăn thừa của người khác, mặc áo quần người ta bỏ đi. Ở nơi mà gà chỉ ăn đùi và ức, bò chỉ lấy nạc lạng hết chẳng còn chút mỡ,…một con gà hay một ký thịt bò không bằng lương cha làm một giờ, thế mà cha con mình lại ăn độn cơm với rau!

Cái gì không ăn nó vẫn còn đó, cha chỉ giữ lại để khi nào thật cần thiết, nhưng ăn theo cách khác.

Ngày đó, cha còn bé, chỉ biết rau dại luộc chấm nước tương, Ông Bà Cố thương cháu bắt về nuôi. Khi mà biết bao nhiêu nhà phải đong gạo theo tem phiếu thì thằng bé ấy được nhét đầy họng đủ thứ tôm cua. Ăn sáng bằng một khúc chả lụa thịt to, lạp xưởng nướng nguyên cây ăn bao nhiêu tùy thích, không ăn thì bỏ cũng chẳng ai tiếc. Nhưng nó chỉ đòi muối tiêu, dù bị đánh đòn vẫn đòi mua chuối về ăn cơm.

Thế rồi cha cũng rời nơi ấy, sớm quay về với bánh mì sớm chai cứng nhận chả lụa bột mỏng như giấy, một năm được ăn thịt một lần vào dịp Tết.

Chốn lầu son kia cũng sớm tan như ảo mộng, như bao lần trước đây.

Người Triều Châu sống trên núi, nghèo khổ quanh năm với khoai sọ, họ bỏ cha mẹ vợ con đi qua Việt, cày cục rồi cũng giàu. Có tiền rồi thì họ ghét cả củ khoai “bộ ngày xưa mày ăn chưa đã hay sao mà giờ còn mua khoai?” Để đỡ nhớ nhà, họ làm món truyền thống: khoai môn trộn mỡ cục với đường xào lên, xắt cục nào cục nấy to nuốt không hết, cho nó đã cái thời ăn khoai sượng thiếu đường thiếu mỡ. Rồi thì họ giàu sang nhưng đâu có bền, hết bị Miên giết thì cũng vị Việt Minh cướp của, rồi bị “hợp tác xã hóa” nhà cửa ruộng vườn.

Chạy qua tới xứ Úc cũng còn cái tật đỏng đảnh, “ăn cho đã đi, dư bỏ!” quên mất cái thời chỉ cách nay có vài chục năm.

Rồi thì, “bánh xe cũng lại một vòng, tay không Hạng Võ vẫn hoàn tay không”

……………………..

-Họ bảo rằng con thật tội nghiệp vì có người cha như thế.

-Chẳng ai thật sự thương hại gì con đâu, chỉ muốn con giống và đứng về phía họ. Ăn xài thoải mái để rồi cũng thành nô lệ.

Vì chẳng thể làm gì được nên tìm cách giành giật và xúi con chống lại cha. Sự tự do của chúng ta làm cho đám nô lệ ấy bất an.

Đàn bò sẽ bình yên khi tất cả đều bị cột, khi có một hai con được thả thì chúng rống inh ỏi loạn cả lên!

25-03-14

Viết một bình luận