Chuyện ăn uống

-Sao cha lại ăn những thức ăn cũ đó, trái cây đã bắt đầu hư, cơm canh đã có mùi thiu. Cha sẽ bệnh đấy!

-Không đâu con ạ. Cha có một cái bụng rất khỏe, có thể chứa hết những thứ hư hỏng này. Nếu có bề gì thì bụng của cha sẽ bệnh trước, nếu bụng không xử lý nổi thì thân sẽ bệnh. Dù thân có bệnh thì có sao đâu, đó là điều bình thường, ai mà chả bệnh? Uống thuốc là hết bệnh thôi.

Nhưng con này, người ăn những thứ sạch đẹp ngon lành mà bỏ đi những thứ cũ hư, sẽ mang bệnh rất nặng đấy. Họ không bệnh nơi thân, mà là ở tâm hồn. Bệnh này không có thuốc nào chữa hết.

 

Chỉ mới cách đây vài giờ, khi thức ăn này mới được nấu, nó thơm ngon ai cũng thèm thuồng. Thì giờ đây cũng là nó, tại sao chúng ta ghét bỏ? Tại sao chúng ta nghĩ chúng là gánh nặng cần phải vứt bỏ đi?

Liệu con sẽ ghét bỏ khi cha trở nên già yếu đi, giống như con đối xử với những thức ăn này? 

Liệu những người thèm thuồng nhìn con ở tuổi teen, họ sẽ làm thế nào khi con ở tuổi về chiều?

 

Chỉ cần nhìn cách người ta đối xử với thức ăn, con cũng biết khá nhiều để có thể chọn bạn. Họ không chịu đựng nổi thức ăn cũ thì họ cũng sẽ chẳng thể chung thủy với con suốt đời. 

Ai ăn không hết chén cơm thì đó là người thiếu nghị lực, thiếu sức cố gắng. Họ không thể hoàn thành cả chuyện ăn uống thì con có thể hy vọng gì khi họ làm việc?

Người nào có thể “ráng” ăn thêm một chút thì người ấy cũng sẽ “ráng” mà chịu đựng được những khó khăn trong cuộc đời. Con hãy nhìn chén cơm họ ăn xong để biết khả năng của họ. 

 

Hãy mở thùng rác của họ để biết họ tệ bạc thế nào. Nếu trong đó có những thứ có thể xài lại hoặc tái chế, nếu trong đó có những thứ chỉ mới vừa hư hoặc còn ăn được, thì con biết ngay họ sống chẳng lâu bền.

Những người ấy cảm thấy “nhẹ nhõm” như trút được gánh nặng vào thùng rác, để chúng biến mất đi khỏi tầm mắt và tâm họ, để họ khỏi phải chịu đựng những thứ mà họ từng cất giữ cẩn thận. 

Họ cũng chẳng có giá trị hơn những thứ họ vừa thả vào thùng rác đâu, con sẽ sống và thấy rất nhiều con người cũng sẽ bị quăng vào thùng rác như thế.

 

Tuy chúng ta không giàu như họ, nhưng chúng ta cũng biết trân quý mọi thứ trên đời này. Giá trị của con người không nằm ở chỗ cái mà họ có, mà nằm ở chỗ thứ mà họ trân trọng. Con quý trọng những thứ càng bình thường thì giá trị của con càng cao. 


-Có phải ngày xưa Đức Phật cũng quý trọng những thứ bị vứt bỏ đi? 

 

-Các câu chuyện “tôn giáo” đều kể rằng Phật dùng thức ăn ngon được chuẩn bị đặc biệt cho Ngài, nhưng đó chỉ là điều sai lầm. Chính vì ăn cơm thừa canh cặn mà những con người tu hành mới gần gũi chúng sinh để giáo hóa. Khi nơi nào bắt đầu kính tin và thực hành những điều đúng, họ bắt đầu “cúng dường” những món ăn ngon thì Đức Phật lại ra đi nơi khác.

 

Nhưng dù cơm thiu hay sâm nhung quế phụ thì kết thúc cũng cùng một chỗ, cũng phải vào cái nơi gọi là “ngũ cốc luân hồi” và cũng thúi như nhau thôi!

21-02-14

Viết một bình luận